GS Lê Hữu Khóa
1-6-2019
Tiếp theo phần 1 — phần 2 và phần 3
Lý… trọn
Không trọn lý thì đừng mong trọn tình trong lãnh đạo chính trị trước nhân dân, vì đất nước, vì tiền đồ của tổ tiên; những mơ hồ trong thuật ngữ: lãnh đạo vừa là kỹ thuật, vừa là nghệ thuật, đã biến thành sáo ngữ, vô thưởng vô phạt, nếu kẻ lãnh đạo không nhận ra nội chất của chính trị chính là nội lực của lãnh đạo, trong đó kết quả của chính sách được đo lường qua hiệu quả của kẻ lãnh đạo. Tại đây học cho kỹ để hành cho đúng là sinh hoạt thường nhất của lực lượng lãnh đạo, trong đó quá trình hành động chính trị được xếp đặt có thứ tự trong quá tình xây dựng chính sách:
Trọn cứu cánh trong lý giải các chính sách, ở đây mục đích chính sẽ lý giải mọi mục tiêu trong thực tế, ở đó chuyện ích nước-lợi dân, là chính, lấy công ích dẫn dắt tư lợi.
Trọn phương tiện, trong giải thích về các giai đoạn đầu tư, từ đây có tự lực để có tự cường, lấy tự chủ để vận động liên minh, kể cả viện trợ quốc tế.
Trọn lợi ích, trong lý giải các thành quả, bằng kết quả hay cho giống nòi, tốt cho dân tộc, đẹp cho văn hóa, lành cho xã hội. Các lợi ích luôn có tính hữu hiệu đẩy lùi được các chuyện xấu, tồi, tục, dở trong xã hội, trong dân chúng.
Trọn đầu tư, biết thuyết phục các chi phí của cả công trình, chống tham nhũng để chống đầu cơ, chống tham ô để chống trục lợi; cô lập bọn “sâu dân mọt nước”, vô hiệu hóa bọn “thừa nước đục thả câu”, phong tỏa hóa bọn “mượn đầu heo nấu cháo”, chúng sẽ không có chỗ ngồi trong đầu tư, vì chúng không có chỗ đứng trong chính sách.
Trọn thấu hậu quả với những phân tích về các hậu nạn có thể xảy ra, hậu nạn luôn ở số nhiều về nhân lực cũng như về nhân phẩm, về tài nguyên cũng như về môi trường, về xã hội cũng như về văn hóa, về giáo dục cũng như về luân lý… nếu hậu quả lường được, mà lại nhiều hơn hiệu quả thì đừng ra chính sách, đừng bỏ sức để đầu tư.
Trọn tăng trưởng với các tính toán sinh lời trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, trong con tính: có rồi thì được quyền có thêm, có ít thì được quyền có nhiều hơn để nâng cao cuộc sống hàng ngày cho nhân dân, trong đó, dùng luân lý, đạo lý để giáo dưỡng hệ thống giáo dục, lấy kinh tế phục vụ xã hội, lấy lợi nhuận phục vụ lao động, lấy sáng suốt để bảo vệ tài nguyên, lấy tỉnh táo để bảo tồn môi trường, lấy nhân trí để tăng trưởng nhân lý.
Lý gần, lý xa
Lý gần là lý gần với thực tế của nhân dân, trong đó chuyện chén cơm manh áo của dân chúng lãnh đạo phải hiểu, tại đây chuyện cơm áo gạo tiền của quần chúng lãnh đạo phải thấu, ở đây chuyện giá áo túi cơm của nhân dân lãnh đạo phải có sự đồng cảm, không xem thường chuyện thiếu thốn của dân tộc. Ý nguyện thành ý lực đủ ăn, đủ mặc chính là thao thức đau đáu hàng ngày của lãnh đạo chính trị.
Lý xa là chuyện xa nhưng làm được vì nó không xa vời, vì muốn làm lãnh đạo là muốn đưa dân tộc với tới được chuyện thay đời đổi kiếp theo hướng đi lên, bền và vững của dân giàu nước mạnh. Lý xa nhưng thực hiện được vì đã có trong vốn liếng văn hóa và giáo dục của tổ tiên: con hơn cha là nhà có phúc, không trên mức độ của vài cá nhân, của vài tầng lớp lãnh đạo, mà trên cường độ của cả nước, của toàn dân, trong đó đại đa số được hưởng sống vui để vui sống, không sưu cao thuế nặng, không cường hào ác bá, cụ thể là không có dân đen, không còn dân oan.
Lý gần là lý gần kề với thực trạng của dân tộc, có đủ cơm ăn áo mặc, không phải đi làm lao nô ngay trên đất nước mình cho các doanh nghiệp ngoại quốc, không chịu cảnh nô tỳ cho các nước láng giềng, tuyệt đối không rơi vào cảnh nô lệ của họa Tàu tặc. Lý gần vì lãnh đạo có thể làm được tức khắc qua quyết tâm chính trị biết dựa vào lý tưởng chính trị, mà không cần gọi tên qua xảo ngữ để lừa dân là lý tưởng cách mạng!
Lý xa là đưa nhân tri sáng, nhân trí cao vào nhân tình nghèo, vào nhân thế thấp, làm cho bằng được cuộc cách mạng nhân phẩm: quyết chí làm chủ và từ chối làm tớ, để thành công như các nước láng giềng cùng nôi văn minh trong tam giáo đồng nguyên như ta: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Lấy sáng kiến trong giáo dục làm ra sáng tạo trong khoa học kỹ thuật; chọn kiếp cao, bỏ kiếp thấp, cụ thể lấy tự chủ để có tự lập lập ra tự cường, tức là chọn tự trọng trước tổ tiên và con cháu, quyết không chọn điếm nhục với láng giềng, với thế giới!
Lý… không chấp nhận thực
Lý không chấp nhận thực (thực tế, thực cảnh, thực trạng) là lý đặc thù của sinh hoạt chính trị không chấp nhận nghèo đói, là lý đặc trưng của chính giới không chấp nhận lạc hậu, làm nên lý đặc điểm của lãnh đạo chính trị, nơi mà lãnh đạo là để xóa nghèo nàn lạc hậu. Còn bọn lãnh đạo nào mà vỗ ngực là lãnh đạo chính trị mà nhắm mắt trước nghèo đói, khoanh tay trước lạc hậu, quỳ gối trước ngoại xâm, lại còn lẳng lặng vơ vét qua chuyên quyền–tham quyền-lạm quyền, gây ra tham nhũng-tham ô. Bọn này không phải làm chính trị, mà chúng chỉ mượn việc lãnh đạo tham quan vì tham bòn rút, tham ăn vì “quen thói bốc rời”, mà thi hào Nguyễn Du đã mô hình hóa được bọn tội phạm này.
Lý không chấp nhận thực tế tới từ bất bình đẳng tạo ra bất công, bất công tạo ra bất chấp luân lý, bất tuân đạo lý. Không chấp nhận bất bình đẳng tới từ “con sải nhà chùa thì quét lá đa”, vì không chấp nhận bất công tới tự “con vua thì được làm vua”, không nhượng bộ chuyện “con quan thì được làm quan”, không công nhận hiện trạng thái tử đảng, mà nhân dân không thấy tài năng, cũng không thấy đạo đức của chúng.
Lý không chấp nhận thực cảnh tới từ bọn “cướp ngày là quan”, chúng biến đồng bào mình một sớm một chiều thành dân đen, dân oan. Không chấp nhận bọn “đục nước béo cò”, không tha thứ bọn “sâu dân, mọt nước”, không lùi bước trước bọn “thừa gió bẻ măng”, không khoan nhượng bọn “mượn đầu heo nấu cháo”, từ “mua quyền bán chức” qua “buôn thần, bán thánh”.
Lý không chấp nhận thực trạng tới từ bọn “đem voi giày mả tổ”, không nhắm mắt trước bọn “cõng rắn cắn gà nhà”, không quay lưng đối với bọn “buôn nước bán dân”, không chấp nhận chúng vì chúng chỉ thấy chúng! Cái ích kỷ của chúng sẽ đưa tới chuyện “ai chết mặc ai”, nếu chúng nắm các chức lãnh đạo thì chúng sẽ làm chuyện bỏ đồng bào của chúng “sống chết mặc bây”!
Nếu muốn làm lãnh đạo mà không tự rèn luyện hàng ngày các lý không chấp nhận thực (thực tế, thực cảnh, thực trạng) này, thì đừng lãnh đạo, vì lãnh đạo thì chỉ “khổ dân, nhục nước”.
Lý chống hệ độc
Lý chống hệ độc là chống cặp bày trùng: hệ tư tưởng độc tôn và ý thức hệ độc tài, trong đó hệ thống hóa tư tưởng tập thể sinh ra mô hình hóa tư duy cá nhân, công thức hóa sự đa dạng trong cuộc sống, biến cuộc đời thành độc điệu, rồi trơ trẽn trong đơn điệu. Tức là nhốt đa hiệu trong nhà tù độc trị, vò nát đa năng thành bột trong khuôn bánh cứng nhắc của mô hình độc tôn, nghèo nàn vì vắng đa phương, rỗng đa hướng.
Lý chống hệ tư tưởng độc tôn và ý thức hệ độc tài là loại ra sự độc hại của cái độc quyền, vì khi nó độc tài thì nó sẽ diệt cái đa hiệu của đa tài, biến đa diện thành độc diện. Hệ độc chọn đóng cửa, ngăn biên giới, chặn tự do lưu thông, cấm tự ý truyền thông. Hệ độc chọn “ngăn sông cấm chợ”, chọn “bế môn tỏa cảng”, chọn “kín cổng, cao tường” để kiểm soát, kiểm tra, kiểm duyệt. Hệ độc cấm chuyện mở cửa, để nhân dân được nhân tri và nhân trí để chọn nhiều chân trời cao, sâu, xa, rộng cho các dự phóng hay, đẹp, tốt, lành. Hệ độc “không thích” nhân dân thoải mái chọn lựa.
Lý chống hệ tư tưởng độc tôn và ý thức hệ độc tài để trực diện chống lại chế độ công an trị thường dùng bạo quyền để đàn áp dân, chống lại chế độ quân sự hóa xã hội, biến dân lành thành kẻ hung hăng gây chiến tranh, đi giết người cho mục đích độc ác của độc tà, mà không hề vì chuyện “ích nước, lợi dân”.
Lý chống hệ tư tưởng độc tôn và ý thức hệ độc tài, để trực tiếp chống bạo quyền, cội nguồn của bạo lực nơi mà kẻ thống trị có quyền sinh sát trên số phận kẻ bị trị, cho phép công an giết dân trong các đồn công an mà pháp luật hoàn toàn vắng mặt. Bạo quyền sinh ra bạo hành hàng ngày, xem chuyện “cá lớn nuốt cá bé” là bình thường, xem chuyện “trộm, cắp, cướp, giựt” nhà, đất, chùa, nhà thờ, của cải… của dân là chuyện “cơm bữa” của bọn cầm quyền để chà đạp nhân quyền.
Muốn làm lãnh đạo mà không tự trang bị cho mình hành trang chính trị của các cái lý chống hệ tư tưởng độc tôn và ý thức hệ độc tài thì đừng lãnh đạo! Nếu muốn làm lãnh đạo mà hùa với bạo quyền-bạo lực-bạo hành thì có ngày tay sẽ dính máu dân! (Rửa suốt kiếp cũng không sạch).
Lý chống mộng
Nếu lý của lãnh đạo dựa trên đạo lý hay, đẹp, tốt, lành, có nền móng từ luân lý của trách nhiệm bảo vệ nhân dân, của bổn phận bảo toàn tổ quốc, thì cũng chưa đủ để thắng địch. Để lật ngược đối phương, nhất là đối phương đó lớn và đông cả nước lẫn dân, như Tàu tặc hiện nay, chúng thật sự là tặc vì chúng đã cướp nước và áp đặt nền thống trị để đô hộ ta qua nhiều lần trong lịch sử, hiện nay chúng cũng đang cướp biển, cướp đảo của ta.
Kẻ lãnh đạo giỏi là kẻ chuẩn đoán chính xác ý định của giặc (đi guốc trong bụng giặc), kẻ lãnh đạo tài là kẻ dự đoán đúng ý muốn của giặc (đi bộ trong não giặc), kẻ lãnh đạo lớn là kẻ nhập nội được vào ý đồ của giặc (đi dạo trong giấc mơ của giặc). Trong đó kẻ lãnh đạo phải hiểu: ý định tới từ ảo tưởng của giặc, ý muốn tới từ mong muốn của giặc, ý đồ tới từ mưu đồ của giặc.
Phương trình ý định–ý muốn–ý đồ luôn mang theo các hằng số tâm lý của đối phương trong đó có ảo tưởng đưa tới mơ tưởng, dẫn tới mộng tưởng, chính vì là tưởng nên không thực (cho dù giặc muốn biến thành thật), cho nên suy bụng ta ra bụng người thì chưa đủ, phải biết: suy cho ra, cho đúng, cho trúng bụng dạ của giặc!
Tổ tiên ta đã làm được chuyện này! Tàu tặc áp đặt hơn 1000 năm đô hộ và chắc bẩm đất nước Việt là của chúng, đang ngủ yên trên đất Việt, vậy mà Ngô Quyền một sớm, một chiều đã quật ngược chúng, bắt chúng phải cuốn chiếu quay về nước của chúng trong hoang mang.
Chính Lý Thường Kiệt cũng làm chúng tan hoang trong ảo tưởng là dễ chiếm nước Việt, dễ nuốt Việt tộc, để khi xem lại manh giáp của chúng, để phải tỉnh khi biết là chúng còn toàn thây là may.
Cũng chính ảo tưởng chủ quan về binh hùng tướng mạnh mà quân Nguyên Mông đã gặp ác mộng với ba lần quỵ gục trên đất nước Việt. Mơ tưởng chủ quan đến ngủ mê trong mộng tưởng của kẻ đi xâm chiếm như Tôn Sĩ Nghị khi thấy vào nước Việt dễ, vào Thăng Long như đi dạo, để đến lúc Quang Trung đánh thức chúng trong chiến thắng chớp nhoáng, tỉnh giấc trong kinh hoàng, vừa chạy, vừa hoảng mới biết tưởng không phải là thực!
Tình hình hiện nay là luân lý hóa quan hệ quốc tế, với công pháp quốc tế được bảo vệ bởi các nước văn minh vì có nhân quyền, các quốc gia tiến bộ vì có dân chủ, nên chuyện “châu chấu đá xe” không còn là chuyện “đánh tay đôi” nữa; mà nó đã trở thành chuyện liên minh quốc tế của liêm chính bảo đảm cho các lãnh đạo các nước nhỏ, nếu lãnh đạo các nước đó có liêm sỉ cứu nước-cứu dân.
___
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).
Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.