Thi ca Tô Thùy Yên: Biền biệt miệt tâm linh! (Phần 3)

GS Lê Hữu Khóa

30-5-2019

Tiếp theo phần 1phần 2

Sinh, dị, diệt

“Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời”

Xin đừng quên sức mạnh của tâm linh là thực hiện được chuyện giải oan, giúp cái oan vượt lên cái oán, để đi về hướng của nhân tâm mà làm giàu cho nhân tri, làm cao thêm nhân lý; vì cái oan chỉ là chuyện bể dâu của nhân thế, nó không phải là dấu chàm vĩnh viễn của nhân phẩm. Câu chuyện giải oan qua sức mạnh của tâm linh đi trên lưng, trên vai, trên đầu cái oán:

Ta về như hạt sương trên cỏ

Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời,

Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt

Tội tình chi lắm nữa, người ơi.

Kiếp nhân sinh như như hạt sương trên cỏ, nhưng có tầm vóc của một chiều cao tâm linh, biết kết tụ sầu nhân thế chuyển dời, để hiểu ra chuyện sinh, dị, diệt mà thấu được sinh trong nhân thế, nhưng dị như hoạn nạn, như bất công, như tội ác ngày ngày đe dọa nhân tính, thời cơ hội là diệt nhân phẩm để vùi nhân vị.

Kiếp người thật bé bỏng trong hoạn cảnh sinh, dị, diệt, với sự cảm nhận của tâm linh giúp nhân tâm làm được chuyện cân, đo, đong, đếm được tất cả các đọa đày mà nhân loại phải gánh chịu trên nhân lộ: tội tình chi lắm nữa, người ơi.

Khi biết kêu lên, khi biết than ra, khi biết bộc lộ được câu: tội tình chi lắm nữa, người ơi, thì nhân tri đã mở cửa đón mời các giá trị tâm linh tới để xóa đi các tội tình trong kiếp người này.

***

Tỉnh lại với đời

“Đây là đâu?…

Tỉnh, tỉnh lại với đời”

Câu chuyện tâm linh là sự khởi hành đi tìm câu trả lời khi con người tự hỏi: Ta là ai? Mà sao ra nông nỗi này trong hoàn cảnh của kẻ bị lâm nạn, với câu hỏi thứ hai: Đây là đâu? và mỗi lần sức mạnh tâm linh xuất hiện, nó giúp con người có được câu cả hai câu trả lời (là ai? là đâu?), để có đáp số trước các ẩn số của nhân thế, để thức tỉnh ngay trước mê lộ:

 Đây là đâu? 

Tỉnh, tỉnh lại với đời!

Và khi con người đã mất các định hướng, trong hành trình vô định với bước vô minh:

“Gối đầu lên một chỗ không lý

Ráp lại xương từng thỏi rã rời.

Giờ này đã khuya khoắc thiên cổ

Chớp hiện mình soi dội lẻ loi…”

Sức mạnh tâm linh xuất hiện mang lại nhân tâm cho chỗ không lý; mang lại nhân tính để giúp nhân dạng làm được chuyện ráp lại xương từng thỏi rã rời; ngay trong thời gian của giờ này đã khuya khoắc thiên cổ; ngay trong không gian nhỏ hẹp của chớp hiện mình soi dội lẻ loi, để tại đây nhân phẩm có đủ sức mạnh tâm linh mà soi sâu mọi chiều sâu của kiếp người:

Con chim bói cá trong tàn tối

Soi vĩnh hằng xanh rợn mặt hồ.

***

Cời

Trở trời ngồi lại cời than

Nhen bùng ngọn lửa chưa tàn ba sinh*

Cời là một động từ lạ trong Việt ngữ, cời là khơi lên, nhưng không phải là khuấy lên, nhẹ nhàng khơi dậy, chớ không phải hấp tấp quậy lên; phải thư thái trong trầm lặng để cời, phải tỉnh tâm trong trầm tư để cời, một động tác của người thanh biết tư duy sâu đậm, chớ không phải của kẻ tục chỉ muốn tò mò để tọc mạch.

Cời lên cái còn đang nhen nhúm, cời lại cái chất lửa đang bị đe dọa vùi lấp bởi cái tà; cời để giữ lửa, giữ nhiệt, giữ chất sống, dù cuộc sống đang tàn tạ, nhưng nhất quyết không để chất sống có trong chất lửa của mỗi chúng ta bị vùi chôn bởi cái bạo trên trần thế này.

Cời than khéo léo sẽ gặp lại lửa hồng, nếu lửa hồng trở lại thì cuộc sống còn đây, và chất sống chính là lửa đã trở về làm ấm thân, ấm đời, ấm luôn cả ba sinh (quá khứ, hiện tại, vi lai), ấm cho bây giờ và ấm cho mai sau; cời để tự sưởi thân, cời để hơ nóng không gian mà mình đang có mặt, cõi sinh mà mình đang trú, chốn đời mà mình đang sống.

Các giá trị tâm linh nằm ngay trong quyền năng của nhân tính biết cời than, cời lửa trước nhân thế đang bị đe dọa bởi cái giá lạnh của vô cảm; hãy tin là các giá trị tâm linh này có mặt ngay trong động thái qua động từ cời. Như năng lực của nhân bản biết giữ lửa, cời lên và cời mãi như biết ôm ấp chất sống trước các cái bạo, cái tà làm nên cái tàn, cái tắt, đang rình rập để thổi tắt luôn một chút lửa còn trong thể lực ta, một thể lực được làm nên bởi trí lực cộng sức cùng tâm lực và khi cả ba lực này nhập một, ta tự cho phép ta gọi tên nó là linh lực (sức mạnh của tâm linh), luôn muốn bảo vệ cái lửa như chất sống để đẩy xa cái lạnh, cái tàn của cái chết.

Hãy giữ lửa, hãy cời than như cời thân, hãy cời lên bằng thể lực, trí lực tâm lực, để có tổng lực của linh lực, để vượt thoát mọi thăng trầm nhân thế, để vượt thắng của mọi mọi ám lộ của ba sinh.

Chiều sâu tâm linh Việt

Chiều sâu tâm linh Việt không những là chiều cao của nội dung lý trí, mà còn là chiều sâu của tư tưởng Việt, mang văn hiến riêng của Việt tộc. Chiều sâu tâm linh Việt không những là chiều cao của trí tuệ, mà còn là chiều rộng của lịch sử Việt mang văn minh riêng của Việt tộc.

Chiều sâu tâm linh Việt không những là chiều cao của nhân phẩm Việt, mà còn là chiều dài của bản sắc Việt, luôn biết mở cửa để song hành cùng văn hóa Việt. Cao, sâu, rộng, dài có độ bền của đạo lý đã được thử thách, có độ vững của đạo đức đã biết vượt qua thăng trầm; đạo lý bền, biết đi trên lưng cái cực đoan để vượt thoát cái vô minh; đạo đức vững, biết đi trên vai cái quá khích để vượt thắng cái vô tri.

Hiện thực tâm linh Việt

Câu chuyện tâm linh không hề là câu chuyện lý thuyết, vì trong đời sống hàng ngày, mọi người có thể nghe được câu “thấy thương quá”, tới tự lời nói thật bình thường của những người có lòng vị tha, muốn chia sẻ tức khắc nỗi khổ niềm đau với tha nhân.

Câu chuyện tâm linh không hề là câu chuyện trừu tượng, vì trong sinh hoạt hằng ngày, mọi người có thể nghe được câu “nghe mà thương” tới từ một câu nói ngắn gọn của những người có lòng bao dung, muốn chia sẻ tức thì sự đồng cam cộng khổ với đồng loại.

Câu chuyện tâm linh không hề là câu chuyện viển vông, vì trong quan hệ hằng ngày, mọi người có thể thấu được câu “càng nhìn càng thương” tới từ một phản xạ nhanh nhẹn trong sáng suốt của những người có lòng rộng lượng, muốn chia sẻ tức thời chuyện đồng hội đồng thuyền với đồng bào mình.

Đạo Phật biết mang hiện thực này đến để chia sẻ với Việt tôc về vô lượng tâm qua các Tâm kinh: “Nhìn đời bằng mắt thương” để làm sáng lên lòng vị tha, lòng bao dung, lòng rộng lượng của Việt tộc.

Tuệ giác tâm linh Việt

Câu chuyện tâm linh không quan hệ gì tới câu từ tâm linh bị lạm dụng trong ngôn ngữ hiện nay bị mê hoặc bởi mê tín về cõi âm nào đó mà nhiều thành phần xã hội hiện nay đang bị lôi kéo, để bọn đầu cơ mê tín trục lợi ngay trên mê lộ của họ.

Tuệ giác của tâm linh kết hợp thuần thạo sự thật, chân lý, lẽ phải để tạo ra cái đẹp của đạo đức, cái hay của đạo lý, cái tốt của luân lý, từ đó tuệ giác tâm linh luôn ngược hướng, trái chiều với mê tín, vì nó mang sự tỉnh táo của lý trí, sự sáng suốt của trí tuệ, có liên minh cứng cáp là minh triết trong lý luận, có minh luận trong hành động.

Tuệ giác của tâm linh thấy đường đi nẻo về của nhân tính, nhận ra nhân vị nhờ nhân bản, hiểu rõ nhân tri nhờ nhân từ, thấu sâu nhân đạo nhờ nhân nghĩa. Mê tín bị mê hoặc trong mê lộ còn đang mò mẫm dưới chân đồi, thì tuệ giác của tâm linh đã tới đỉnh núi với nhân cách thư thả của nhân tri, thư thái để nhận diện mọi chân trời mà không bị một trở lực nào vùi, lấp, che, choáng được.

Nội công tâm linh Việt

Nơi đây, nội công tâm linh mang tính thiêng liêng với các giá trị đạo đức tối cao, bắt con người lầm đường lạc lối phải suy nghĩ lại, phải cân, đo, đong, đếm lại từ hành vi tới hành động của mình, để tìm lại con đường hay, đẹp, tốt, lành của đạo lý. Nội công tâm linh không phải là chuyện thể lực thuần túy, mà là chuyện của trí lực biết bao dung, là chuyện của tâm lực biết dung thứ: phải dung kẻ dưới mới là lượng trên (Nguyễn Du).

Bản lĩnh tâm linh Việt

Có tầm vóc, có nội công sẽ có bản lĩnh, nhưng các giá trị tâm linh không cần bản lĩnh của xảo thuật để thành công, cũng không cần bản lĩnh của mưu lược để thoát hiểm, nên không cần luôn bản lĩnh của mưu trí để tồn tại trong tính toán.

Các giá trị tâm linh được sống ngay trong ánh sáng của chuyện con người yêu cái đẹp, thích cái hay, quý cái tốt, trọng cái lành, nó vượt lên nên vượt xa chuyện tính toán để lời lỗ, để hơn thua, để đọ tài, để thi sức.

Bản lĩnh của các giá trị tâm linh tự tin nên tự tại, tự trọng nên tự do, trước mọi mưu kế, mưu đồ, nó đi trên mọi cái đầu của vị kỷ, nó đi xa hơn mọi con tính ích kỷ, vì nó đại trí nên nó thoải mái trên đại lộ của mọi nhân lộ.

Tầm vóc tâm linh Việt

Trong khu vực của tam giáo đồng nguyên, khi đánh giá về các loại chiến thắng trên mọi mặt trận từ chính trị tới quân sự, từ văn hóa tới giáo dục, từ luân lý tới đạo đức… người xưa xếp loại từ thấp lên cao: thắng nhỏ là thắng mà phải dùng lực; cao hơn là chiến thắng khi biết dụng trí, cao hơn nữa là dùng đức, và cao hơn cả là thắng là nhờ đạo! Đây là toàn thắng. Đạo của nhân đạo tới từ chính nghĩa có lý luận, làm nên chính đạo, mang giá trị của nhân đức, có nhân trí của nhân tính, có nhân lý của nhân vị, có nhân văn của nhân bản, tầm vóc của tâm linh chắc chắn là ở đỉnh cao giữa đức đạo.

Thắng được đối phương với sự khâm phục của đối phương, với tầm vóc giúp đối phương cùng thắng với ta, từ đó đối phương không còn là đối thủ, nên không bao giờ trở thành tử thù với ta. Mà ngược lại, chính đối phương tìm tới ta, tiếp nhân sinh quan vị tha của ta, nhận thế giới quan rộng lượng, đón vũ trụ quan khoan dung của ta; đây mới là toàn thắng qua đạo!

Thắng vinh quang, thắng bền vững vì biết “cải tử hoàn đồng” cái xấu, tồi, tục, dở, giúp nó hóa thân vào cái hay, đẹp, tốt, lành. Hãy nhận ra tầm vóc của Nguyễn Trãi: lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo, để thấy tầm vóc tâm linh Việt tộc.

Cấu trúc tâm linh Việt theo chiều sâu

Xin được đi từ trên xuống dưới, bắt đầu bằng đạo, đi tiếp tới đức, qua nẻo của trí, cùng lúc tránh xa lực (bạo lực), mẹo (mưu kế) vì chúng quá thấp so với các yêu cầu của các giá trị tâm linh. Nhưng tác giả sẽ đi trên hai con đường luôn cần sự có mặt của tâm linh để vấn nạn các khổ đau mà Việt tộc đã cam nhận trong lịch sử cận và hiện đại của mình.

Cấu trúc lý luận của tiểu luận sẽ bắt đầu bằng tâm đạo để đi tìm chiều cao các giá trị tâm linh thừa kế của tổ tiên, nhận diện được sự đặc sắc của các kinh nghiệm tâm linh của Việt tộc, nhất là qua các kinh nghiệm của Thiền tông, từ đời Trần tới cõi tâm linh mà thiền sự Thích Nhất Hạnh đã trao truyền cho thế giới. Rồi đi tới tâm đức đã có từ lâu trong sáng tác thi ca của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… và tiếp tục trên con đường tâm trí qua nhiều tác giả, nơi mà tâm linh chính là trí lực của nhân lý.

Theo chiều sâu lịch sử của Việt tộc, tiểu luận dừng lại trước các oan khiên của đất nước, để hiểu tâm cảnh qua hoàn cảnh của chiến tranh, tâm phận qua hậu quả của nội chiến huynh đệ tương tàn thế kỷ XX vừa qua, cuối cùng là đi sâu vào tâm nạn tới từ bạo quyền độc tài, lập nên nhà tù cải tạo sau năm 1975, giờ đã tới tà quyền là “hèn với giặc, ác với dân”, để cảm nhận bi nạn của Việt tộc.

***

Tâm đạo, tâm đức, tâm trí trong các giá trị tâm linh là để giúp người vì quý người.

Tâm cảnh, tâm phận, tâm nạn trong trong thi ca tô Thùy Yên đưa các giá trị tâm linh để cứu người vì thương người.

______

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook