Chính tri của chính trị (Phần 3)

GS Lê Hữu Khóa

25-5-2019

Tiếp theo phần 1phần 2

Luân và lý

Luân khung, là khuôn để định vị và định chất về trách nhiệm và bổn phận giữa cá nhân và tập thể, giữa cộng đồng và dân tộc, giữa các công lý hành động; thì luân cùng lúc là con đường và định hướng cho nhân tính, sống theo hướng nhân đạo. Như vậy, khi vào khung, vào khuôn là đã tìm ra được nhân tính, dựa vào nhân đạo, nên luân là đi vào nhân loại bằng con đường nhân nghĩa!

tới từ kinh nghiệm được chế tác thành kiến thức, tạo ra ý thức qua lý luận đi tìm sự thật, qua lập luận đi tìm chân lý, qua giải luận để có lẽ phải, thì lý không là khung, chẳng phải là khuôn, là một quy trình khám phá, vừa đòi hỏi thông minh, vừa đòi hỏi sáng tạo, vì khung chưa có và khuôn thì biệt dạng, nên lý là đi tìm nhân loại qua con đường của nhân trí!

Luân lý chính trị vừa là đi vào nhân loại, vừa là đi tìm nhân loại để hiểu rõ hơn nhân tính, để thấu sâu hơn sự đa dạng của nhân sinh. Nếu không có nội lực đi vào nhân lý, thì không có luôn sung lực đi tìm nhân tri.

Không có đa nhân: nhân lý, nhân tri, nhân trí để phục vụ cho nhân tình, nhân thế, nhân loại đi vào quỹ đạo của nhân nghĩa, nhân văn, nhân bản, thì đừng lãnh đạo chính trị!

Lý tưởng chính trị

Lý tưởng chính trị vừa chính sách hóa được các phương án phục vụ nhân dân và đất nước, vừa mô hình hóa được các tổ chức cụ thể trong đầu tư và kiểm tra, vừa cụ thể hóa mọi sinh hoạt chính trị, nơi mà lãnh đạo chính trị dẫn dắt từ thượng nguồn tới hạ nguồn các quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu trong thực tế. Tại đây, sinh hoạt lãnh đạo chính trị là tổng kết tất cả các sinh hoạt của xã hội, từ nông nghiệp đến công nghiệp, từ kinh tế đến thương mại, từ giáo dục tới văn hóa… để tìm ra tổng lực làm cho được chuyện dân giàu nước mạnh.

Lý tưởng chính trị làm nên niềm tin chính trị. Nếu quốc thái dân an theo hướng đi lên của dân tộc, giới hạn mọi hậu nạn, tăng trưởng mọi sản suất, làm giàu thực sự cho mọi tầng lớp có mặt trong xã hội, thì lý tưởng chính trị đã làm nên sức mạnh chính trị. Quá trình lý tưởng-niềm tin-sức mạnh, không chỉ quyết tâm chính trị, mà nó chính là thông minh chính trị, quá trình này chính là sung lực xuyên qua để nâng lên trình độ chính trị của dân chúng, cường độ nhận thức chính trị của nhân dân.

Lý tưởng chính trị trong năng lực của lãnh đạo chính trị mang luôn tiềm lực thay đổi nhân sinh quan của một dân tộc, lấy nhân tính để giáo dục nhân tình; làm biến đổi thế giới quan của một giống nòi, lấy nhân tri để hiểu nhân loại; làm chuyển đổi vũ trụ quan của quần chúng, hiểu môi trường chính là môi sinh cho nhân thế. Nếu phương trình nhân sinh quan-thế giới quan-vũ trụ quan được thăng hoa, thì đây chính là kết quả của tiến bộ, của văn minh, cũng là sự thành công cụ thể của lãnh đạo chính trị.

Lý tưởng chính trị biến cái tầm thường, lặp đi lặp lại không có tiến bộ, đổi cái bình thường vô thưởng, vô phạt, thay cái tầm phào của sống lây lất, đưa tất cả vào quy trình hiện đại hóa có văn minh, cùng lúc giữ được các truyền thống tốt lành, các di sản hay đẹp. Đây chính là quá trình khai thị-khai minh-khai trí, có trong bổn phận và trách nhiệm của lãnh đạo chính trị, nếu lãnh đạo liêm chính-liêm minh-liêm khiết.

Lý tưởng chính trị bắt đầu bằng liêm chính-liêm minh-liêm khiết để làm cho bằng được chuyện khai thị-khai minh-khai trí, thì đây đúng là lãnh đạo lấy chân thật-chân tình-chân chính để chứng minh được là trong chính trị có chân tu: lấy chức để tạo đức, lấy đức để tạo phúc cho dân, lấy phúc tạo lợi cho nước.

Lý của (lãnh) đạo

Lý của lãnh đạo, hoàn toàn ngược lại với hiện thực của Việt Nam hiện nay, là một ĐCSVN lấy ghế để ngồi trên lợi ích của dân tộc, thấy mệnh nước lờ mờ, nhìn nhân dân mông lung, lại có những liên minh chằng chéo với ngoại bang xâm lược là Tàu tặc, các lãnh đạo chính trị của ĐCSVN đang mất đi cái lý của lãnh đạo.

Lý của (lãnh) đạo bắt đầu bằng hành động luân lý, hành vi đạo lý nhận trách nhiệm bảo vệ đất nước, bảo bọc nhân dân. Bài học nhập môn này trong lãnh đạo chính trị bắt đầu bằng ý lực như mãnh lực trở lại thượng nguồn của dân tộc, ngay trong lịch sử để thấy-và-lấy được những kinh nghiệm của tổ tiên, tài năng của cha ông trong việc dựng nước và giữ nước, chính trị không bao giờ rời lịch sử.

Lý của (lãnh) đạo trong bài học thứ hai nằm ngay trong thực tế, được xây dựng lên bởi nhiều thực tại, trong đó lãnh đạo chính trị phải làm được hai chuyện cùng một lúc, hai chuyện này gần như trái ngược nhau trong thực cảnh, để nắm rõ thực trạng của dân tộc. Một là giải quyết các bất công gây nên căng thẳng, hiềm khích, xung đột trong xã hội; hai là lập ra chính sách cho tương lai có mục đích chính là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, phát triển đất nước, với mục tiêu cao thượng là đưa xã hội về phía văn minh để thăng hoa dân tộc, chính trị không bao giờ rời xã hội.

Lý của (lãnh) đạo trong bài học thứ ba là tập hợp được tất cả tiềm năng của dân tộc, tài nguyên của đất nước trong một sung lực tổng thể để tạo được một ý lực trong chính sách bảo vệ và phát huy đất nước, nơi đây lý tưởng chính trị đi đôi với hành động lãnh đạo. Chính lãnh đạo sẽ biến sung lực thành hùng lực trong phát triển kinh tế và mãnh lực trong quyết tâm bảo vệ bờ cõi quê hương, chính trị không bao giờ rời nhân dân.

Lý của (lãnh) đạo trong bài học thứ tư chọn phương hướng để làm định hướng, biết định hướng để thấu các ưu tiên ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, rồi xếp loại và xếp thứ tự các ưu tiên này qua các chính sách để quyết đoán đâu là ưu sách phải thực hiện cho bằng được để dân tộc được thay đời đổi kiếp theo chiều hướng hay, đẹp, tốt, lành, đưa nhân tính vào nhân tình, đưa nhân tri vào nhân loại, đưa nhân thế vào nhân nghĩa, đưa nhân phẩm vào nhân bản, chính trị không bao giờ rời nhân đạo

Lý của (lãnh) đạo trong bài học thứ năm là nắm thời giữ thế – tùy thời lập kế, tùy thế lập mưu – để chọn ra các chính sách nhiều hiệu quả, ít hậu quả, vắng bóng khổ đau, ngày càng đầy phúc lợi cho dân tộc, không bị xơ cứng trong ý thức hệ, không bị nhốt tù bởi các khẩu lịnh tuyên truyền xa thực tế, xa thời thế, chính trị không bao giờ rời thời cuộc.

Lý của (lãnh) đạo trong bài học thứ sáu là biến tâm niệm quốc thái dân an thành tâm lực dân giàu nước mạnh, trong đó kẻ lãnh đạo giỏi là kẻ của bây giờ và tại đây, kẻ lãnh đạo tài là kẻ của hiện thực của thế giới hiện nay, kẻ lãnh đạo lớn là kẻ thấu nội cảnh và hiểu ngoại cảnh của đất nước mình, để dùng ngoại cảnh mà nâng nội cảnh.

Lý của ý

Nếu ý tưởng chính trị sinh ra từ lý tưởng lãnh đạo (quốc thái dân an để tiến tới dân giàu nước mạnh) thì ý tưởng chính trị sẽ làm nền cho sáng kiến trong quyết định, cho sáng tạo trong chính sách, từ đó thực tế hóa lý tưởng lãnh đạo. Từ đây nhân dân có thể đặt ra hai yêu cầu cho chính giới lãnh đạo, thứ nhất nếu không có ý tưởng chính trị để phục vụ cho lý tưởng lãnh đạo thì đừng lãnh đạo! Thứ hai lý tưởng lãnh đạo luôn là ý lực lãnh đạo vượt kinh nghiệm của quá khứ, không lặp đi lặp lại cái cũ nếu cái cũ không làm dân tộc thăng hoa, đất nước giầu đẹp.

Tới đây ta thấy, hệ vấn đề lý tưởng lãnh đạo sẽ là thượng nguồn cho mọi sinh hoạt lãnh đạo chính trị, trong đó bọn tham quyền không có ghế ngồi, bọn tham ô không có chỗ đứng, bọn tham nhũng không có chỗ dựa.

Ý tưởng chính trị thể hiện lý tưởng lãnh đạo trong việc đi tìm quốc thái dân an rồi tiến tới dân giàu nước mạnh, thì đây là chuyện thực tiễn chớ không phải chuyện lý thuyết, chuyện thực tế chớ không phải chuyện trừu tượng. Và bản lĩnh của lãnh đạo chính trị là đưa ý tưởng chính trị vào nhân sinh, đưa lý tưởng lãnh đạo vào nhân tình, để ý lực lãnh đạo biến thành thực lực chính trị, làm nên thực tế xã hội. Nếu không có lý tưởng lãnh đạo, thì sẽ không thấy, không hiểu, không thấu phương trình biến hóa của ý lực lãnh đạo-thực lực chính trị-thực tế xã hội, theo dân tộc theo hướng thăng hoa. Nếu không nhận ra phương trình này thì đừng lãnh đạo, hay để những kẻ có lý tưởng hơn mình thực hiện phương trình này, biến nó thành chương trình cụ thể trong lãnh đạo chính trị thay mình.

Chính lý tưởng lãnh đạo dẫn dắt ý tưởng chính trị, tạo ra đường lối chính thống cho mọi sinh hoạt chính trị, chế tác ra các quá trình tuyển chọn chương trình chính trị. Và, nếu lãnh đạo liêm chính với chính sách liêm minh thì lý tưởng lãnh đạo có mặt ngay trong hiến pháp, để điều hành tư pháp, điều chế hành pháp, điều động lập pháp. Tại đây sân chơi-trò chơi-luật chơi chính trị được cổ vũ bởi lý tưởng dìu dắt ý tưởng, mà ta thấy rất rõ trong các nước dân chủ vì tiên tiến, văn minh vì tôn trọng nhân quyền.

Hiện diện của lý tưởng lãnh đạo đưa đường dẫn lối ý tưởng chính trị không hề là chuyện mơ hồ, huyễn hoặc trong chính giới, vì nó vừa là mục đích, vừa là động cơ để cải tổ các định chế, dựa trên phương án lý tưởng lãnh đạo-ý tưởng chính trị. Trong đó ý tưởng chính trị làm gốc cho tư tưởng chính trị, dựa trên lý tưởng lãnh đạo vừa là bàn đạp, vừa là dàn phóng cho mọi chính sách. Trong đó có sự chấp nhận cạnh tranh giữa các ý tưởng chính trị, có sự chấp thuận đấu tranh giữa các lý tưởng lãnh đạo. Đây chính là nội công của sinh hoạt chính trị, nội lực của bản lĩnh lãnh đạo; nhận cạnh tranh, nhận đấu tranh tới từ đối phương, đối thủ như nhận sự “bồi dưỡng chính trị” tới từ ngoại giới để thêm sức, thêm tài cho sung lực chính trị của mình.

Lý … chỉnh

Chỉnh chu trong hành động chính trị phải dựa vào sự chu đáo của lãnh đạo, trong đó liên tục chỉnh đốn hàng ngũ lãnh đạo, để có hiệu quả trong sinh hoạt chính trị, không ngừng cải tổ theo hướng tốt mà không cần phải dùng xương máu để làm cách mạng. Biết có công bằng qua công lý, để pháp lý có chỗ dựa là pháp luật, vừa nghiêm minh để chống tội ác, vừa biết khoan hồng để giáo dục dân chúng theo hướng tự giác, từ ý thức tới nhận thức.

Lý chỉnh chu nhờ luôn được chỉnh đốn bởi đạo lý hay, đẹp, tốt, lành, bởi luân lý vững chắc của tổ tiên, biết nhận bổn phận và trách nhiệm với non sông, với giống nòi, đây là chuyện có thật và có độ dày (rất dày) trong Việt sử qua quyết tâm của Ngô Quyền, qua quyết đoán của Lý Thường Kiệt, qua hai đời thịnh trị Lý-Trần, qua đạo đức của Nguyễn Trãi, qua mãnh lực của Quang Trung.

Lý chính trị chỉnh chu (quốc thái dân an) luôn được bồi dưỡng bởi lý tưởng chính trị (dân giàu-nước mạnh) không hề là chuyện mơ tưởng chính trị, mơ hồ lãnh đạo, đó là những mô hình sáng, luôn được lau chùi để ngày càng sáng hơn, qua hành động chính trị cụ thể của lãnh đạo: làm chính trị thì đừng chọn cách đi đường mòn trên cái xấu, cái dở, để lập lại cái tồi, cái hèn, mà chọn cái sáng suốt khác để đi lên, trong cái tỉnh táo của lãnh đạo có lý tưởng đi xa vì có quyết tâm đi lên.

Lý chính trị chỉnh chu (quốc thái dân an) qua lý tưởng chính trị (dân giàu-nước mạnh) mang cách xử lý phương trình gần dân-xa thói, tức là luôn gần dân để hiểu mong cầu và đòi hỏi của dân, nhưng xa thói xấu, như xa các lệ tầm phào vì tầm thường trong nhân cách. Cụ thể là dân tình quý trọng các lãnh đạo liêm minh-liêm chính-liêm sỉ, chấp nhận thanh bạch-thanh đạm-thanh bần, và dân tình rất khinh thói khoe của hiện nay của các lãnh đạo xây biệt phủ, biệt dinh, biệt thự của các lãnh đạo thối nát.

Cụ thể có một lãnh đạo tối cao là cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh xây dựng nội thất mạ vàng, người ta khinh vì nó chỉ nói lên cái vô lý của vô minh, vô tri, vô giác của một lãnh đạo. Ta khinh bọn lãnh đạo sống để mạ vàng trong khi dân đen, dân oan ngày càng nhiều, chỉ vì ta thấy chúng ngày càng gần hệ bán nước, nhưng ngày càng xa hệ cứu nước!

___

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook