Chính tri của chính trị (Phần 2)

GS Lê Hữu Khóa

22-5-2019

Tiếp theo phần 1

Nhân nhập nhân

Nhân nhập nhân vừa là lương tri của chính trị, vừa là lương tâm của lãnh đạo, đây là quá trình nhập nội vào thực tế của nhân dân, thực cảnh của dân chúng, thực tại của quần chúng để thấy, để hiểu, để thấu các vấn đề, các khó khăn, các lầm than của dân tộc, và nếu chỉ ngồi trong bàn giấy, chỉ đóng cửa phòng để họp hành, thì “có mắt cũng như mù” trước hiện thực (bây giờ và ở đây) của xã hội.

Nhân nhập nhân trước hết là lấy nhân tính để nhập nội vào nhân tình ngay trong xã hội mà nhân dân đang sống, đang làm, đang ăn, đang ở, để thấy các trầm luân hàng ngày của nhân sinh, thấy dân đen nhọc nhằn như thế nào, hiểu dân oan tủi nhục ra sao, từ đó mới có ý thức chính trị để có nhận thức lãnh đạo qua chính sách. Chuyện giả vờ dựng kịch đầu năm: từ nguyên chủ tịch Trương Tấn Sang thuở nào, giả bộ cầm cày lang thang cạnh các bờ ruộng với nông dân, mà thực sự thì không hề biết cày là gì! Đây chuyện chính trị giả, lãnh đạo xạo!

Nhân nhập nhân sau đó là lấy nhân nghĩa để nhập sâu vào nhân thế ngay trong đau đáu “chén cơm manh áo” của nhân dân, ngay trong trằn trọc “cơm áo gạo tiền” của dân chúng, để thấy thật rõ các thiếu thốn hàng ngày trước các lo toan “ăn bữa sáng lo bữa tối”, rồi từ đó mài dũa ý thức chính trị cho thật bén, thật sắc để phục vụ cho nhận thức lãnh đạo thật sâu, thật rộng. Chuyện giả vờ dựng kịch đi “ăn phở” với dân thường của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội An, vậy mà trước đó lại kéo hàng chục xe hộ tống qua phố cổ, nơi mà mọi người phải đi bộ, nơi mà Liên Hiệp Quốc qua UNESCO muốn bảo tồn. Đây chỉ là trò chính trị thấp, của lãnh đạo tục!

Nhân nhập nhân tiếp theo là lấy nhân tâm để nhập cho thấm nhân sinh, qua thành tâm của lãnh đạo phải sống với dân để hiểu dân. Đây là chuyện không khó làm, ta đã thấy nhiều lần trong Việt sử, và có không biết bao nhiêu chuyện trong sử của thế giới là vua, quan, tướng “giả dân” để “đi vào dân”, để “chia sẻ cùng dân”. Từ đó, đặt ý thức chính trị vào chỗ trung tâm của não bộ lãnh đạo, để có chánh ngữ khi tuyên bố: “lấy dân làm gốc”! Còn chuyện dành đứng hàng đầu trong các lễ hội, chọn ghế ngồi hàng trên trong các hội thảo, bám chỗ ưu tiên để vái lạy trong các chùa chiền, chỉ là trò bịp trong chính trị, cho kịch dỏm của lãnh đạo!

Nhân nhập nhân để nắm vững phương trình ý thức chính trị-nhận thức lãnh đạo, để hiểu chính nhân dân đưa đường dẫn lối cho chính sách, chính dân chúng soi sáng chính nghĩa của lãnh đạo.

Nhân… sinh… quan?

“Con quan thì được làm quan”, chỉ nói lên được một loại nhân sinh quan thô tục trong quá trình tái sản suất các bất công trong xã hội, không đủ liêm sỉ lẫn thông minh để tôn trọng hiền tài. Từ đó, đưa xã hội vào quỹ đạo thô bỉ của quy trình: “Con vua thì được làm vua, con sải ở chùa thì quét lá đa”, một xã hội không có một chân trời của công bằng, không có tương lai của công lý, mà thảm họa hiện nay Việt tộc đang lãnh chịu thực tế “thái tử đảng”, trực tiếp hay gián tiếp vùi dập bao nguyên khí quốc gia, tới từ bao thế hệ thanh niên.

Đại nạn “thái tử đảng” được dọn đường bởi chuyên quyềntham quyền ngay từ thượng nguồn qua thanh lọc lý lịch gia đình, con cháu của những gia đình bị xem là địch, là ngụy, thì bị diệt lối thăng hoa ngay trong trứng nước. Chuyện “thái tử đảng”, trong hệ quả “con quan thì được làm quan”, con của bọn lãnh đạo vơ thì con cháu chúng tiếp tục được vét. Đây là hằng số bi đát của chế độ mà thế giới các nước dân chủ, có nhân quyền, lấy bình đẳng làm công lý đang vô cùng khinh miệt.

Muốn dẹp chuyện “thái tử đảng”, muốn xóa chuyện “con quan thì được làm quan”, muốn khử cho bằng được chuyện “con vua thì được làm vua, con sải ở chùa thì quét lá đa”, thì rất dễ và đây là chuyện của lãnh đạo chính trị, có thể làm nhanh, làm gọn, làm triệt để bằng cách tổ chức lại:

  • Sân chơi là giáo (giáo dục, giáo khoa, giáo trình, giáo án).
  • Trò chơi là học (học lực quyết học vị, học hàm).
  • Luật chơi là chuyên (chuyên nghành, chuyên môn, chuyên nghiệp, chuyên gia).

Nhân không còn sinh “con quan thì được làm quan”, qua chuyên quyềntham quyền mà được chính thức hóa bằng phương trình giáo-học-chuyên mới thật sự là nhân sinh quan thông minh và văn minh, vì nó biết dựa trên hệ mở của đa (đa năng, đa hiệu, đa tài, đa dạng) nhờ đa nguyên!

Nhân trong sống đủ

Sống đủ-đủ sống trong nhận định “cơm no, áo ấm” đã là chuyện rất rõ trong lãnh đạo chính trị, vì nó được định lượngđịnh chất bằng các chỉ báo khách quan, các tính toán khoa học, các phân tích thống kê: một người, một gia đình, một quốc gia với bao nhiêu dân, thì cần bao nhiêu thực phẩm, bao nhiêu năng lượng để lao động, để sống bình thường… Chỉ số thu nhập, trung bình sản suất, sức mua trong tiêu thụ cũng được định toán hóa, mô hình hóa, để phân loại một quốc gia là giàu và một số nước là nghèo, và ở giữa là các dân tộc được xem là đủ, sống đủ-đủ sống.

Sống đủ-đủ sống phải được phân tích đầy đủ qua khác biệt vùng miền, nơi mà mọi người biết là trên đất Việt, nếu ở vùng sâu-vùng xa thì sống khó-khó sống, chính lãnh đạo phải hàng ngày đau đáu về chuyện sống khó-khó sống này, vì chóng chầy nó sinh ra một bi kịch khác: sống còn-còn sống, đây là nghịch cảnh vì nó nghịch chiều với sống đủ-đủ sống. Vì, sống còn là phải tranh sống hàng ngày để được sống, và còn sống nhưng biết phải đau đớn chấp nhận một quy luật vô cùng bất công là “sống nay, chết mai”.

Nên, sống còn-còn sống hiện là thảm kịch của các bé vùng sâu-vùng xa phải ăn lá cây để sống còn; và cha mẹ của các bé còn sống nhưng cuộc sống không có lối ra, cuộc đời trước mắt là ngõ cụt! Sống còn-còn sống là sống thiếu, sống lây lất, sống vật vờ, đó là sống đói, sống khổ. Kể cả sống trong căm phẫn khi thấy các lãnh đạo từ trung ương tới địa phương dựng chuyện xây đài tưởng niệm hàng ngàn tỷ để chia chát, để vơ vét, để biển lận trong cảnh cùng quẩn của dân chúng vùng sâu-vùng xa, đó không những là trường hợp của Sơn La, mà cả của Cao Bằng, Yên Bái… Bọn này không phải lãnh đạo chính trị, chúng chính là bọn “hút máu, nạo tủy” của dân, lấy tiền thuế của dân để làm giàu qua đục khoét ngân sách nhà nước.

Làm lãnh đạo mà không thấy chuyện sống đủ-đủ sống khác nhau với sống khó-khó sống, càng khác hơn nữa với sống còn-còn sống, vì ba hệ vấn đề khác nhau “một trời một vực”, thì các lãnh đạo này đừng lãnh đạo nữa.

Sống đủ-đủ sống mà rơi vào sống khó-khó sống để nay mai sa vào sống còn-còn sống hiện đang là số phận ngặt nghèo của rất nhiều đồng bào ta, nhưng họ vẫn sáng suốt để nhận ra là các thiên tai (bão, lũ, lụt…) đi kèm với nhân tai (phá rừng, xã lũ, diệt môi trường…), khi người dân gọi đó là nhân tai thì các lãnh đạo chính trị phải hiểu là dân đang buộc tội lãnh đạo: “trời đánh dân” qua thiên tai (bão, lũ, lụt…) trước hết là lỗi, là tội của lãnh đạo, trước đó đã để xảy ra nhân tai vì lãnh đạo vô trách nhiệm!

Nhân trong sống đúng

Sống đúng là sống trong nhân phẩm, tạo ra nhân cách, dựng được phong cách của cá nhân trong xã hội, bảo vệ được tư cách biết dụng đạo lý hay, đẹp, tốt, lành, để đối nhân xử thế, qua luân lý của tổ tiên có trách nhiệm với giống nòi, có bổn phận với tổ quốc. Nhận chức trong lãnh đạo chính trị phải dựa trên đức của sống đúng trong nhân nghĩa, nhân đạo, nhân tâm để dụng trong nhân lý, nhân tri, nhân trí, để trị (quản lý, tổ chức) nhân thế, nhân tình, nhân loại.

Làm lãnh đạo chính trị là hàng ngày học hệ nhân này, nói cho sâu là tu với nó, tu theo nghĩa tự rèn luyện-tự huấn luyện mình. Trong tôn giáo, ta thấy có kẻ tu được, có kẻ không tu được; và kẻ tu trọn tức là kẻ tu đúng, thì ta xem như họ có chân tu. Trong chính trị ta thấy rất rõ chuyện này, có kẻ làm chính trị được, làm trọn đời, làm cả kiếp, và khi rời khỏi cõi đời này, thì dân mang ra để thờ, đó là các lãnh đạo đắc đạo, nhờ lãnh đạo với chữ: nhân!

Sống đúng còn là sống trong nhân văn, được hiểu theo nghĩa rộng là sống với văn hóa cao, xử thế với văn minh rộng, đối nhân trong văn hiến cao, trong đó lãnh đạo có trách nhiệm làm sáng văn hóa, có bổn phận dụng văn hiến 4000 năm của Việt tộc để đưa văn minh vào đời sống hàng ngày của nhân dân, để người dân sống văn minh trong mọi sinh hoạt xã hội.

Sống đúng cần có cơ sở của một xã hội tốt, qua các định chế tốt tổ chức được các cơ chế tốt, bảo đảm một đời sống thường ngày tốt. Lãnh đạo phải lắng nghe các câu hỏi của thanh thiếu niên, hàng ngày trên truyền thông mạng xã hội, và phải trả lời các câu đó với hệ nhân một cách chính đáng nhất.

Đó là trường hợp của Cát Linh, cô bé miền Trung của xứ Nghệ với câu hỏi: “Làm sao thanh thiếu niên chúng tôi có thể sống đúng, sống tốt trong một xã hội mọi chuyện đều xấu, giáo dục xấu, kinh tế xấu, với các lãnh đạo từ trên xuống dưới đều xấu…”.

 Đó cũng là trường hợp của Lynn Nguyễn, du học sinh Việt tại Anh quốc: “Làm sao thanh thiếu niên chúng tôi có thể học đúng, hiểu đúng, khi lãnh đạo chính trị bưng bít từ tin tức tới đánh tráo lịch sử, mang phản xạ ăn gian nói dối để tuyên truyền, để lừa đảo dân!”

Sống đúng trước hết đối với lãnh đạo chính trị trước hết phải là sống thực, với sự thật làm nên chân lý, chế tác ra lẽ phải để trị (quản lý, tổ chức). Kế tiếp sống đúng đối với lãnh đạo chính là sống sạch, không tham quyền cố vị để trục lợi, nhận thanh bạch, không sợ thanh đạm, bất chấp thanh bần, như vậy mới gánh vác được đại sự!

Nhân trong sống vui

Sống vui hàng ngày để vui sống cả đời, là sự hiển hiện của hạnh phúc, khi sống đủ đã có và sống đúng đã thành, thì thực tế cả một dân tộc sống vui- vui sống chính là niềm vui cao đẹp nhất của lãnh đạo chính trị. Đây không phải là chuyện mơ mộng, mà là chuyện có thật và kéo dài hàng trăm năm qua hai đời Lý-Trần, mà Việt sử kể lại với thái hòa là thực cảnh nơi mà nhà cửa cứ để mở mà không lo sợ trộm cắp, với thái bình là bối cảnh mà cả nước chuộng thiền, yêu thiền, sống thiền. Có nhiều vua, lắm tướng đánh giặc giỏi, lãnh đạo tài, quản lý đúng, lại còn biết đi tu, trong hiện cảnh của một quốc gia biết an nhiên, tự tại, với minh vương Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, với minh quân Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo.

Quy trình sống đủ-sống đúng-sống vui phải có trong giáo trình đào tạo lãnh đạo của đất nước, “cầm cương nẩy mực” vì đồng bào, nhận đối thoại thường xuyên với nhân dân, không chỉ vì mục đích kinh tế, vật chất, mà còn có giáo dục song hành cùng văn hiến, của một dân tộc tìm sự sung túc cùng lúc với các giá trị tâm linh.

Không cần phải là nước giầu nhất, mạnh nhất để đạt được chuyện này. Đây chính là chuyện cứu cánh của lãnh đạo chính trị, đó là thực tế của ba quốc gia Bắc Âu nhỏ nhưng không nghèo, ít dân và rất quý dân: Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy. Họ làm đúng trong giáo dục mà không cần đầu tư nhiều tiền như Việt Nam, vào tượng đài liệt sĩ, vào nghĩa trang ưu tiên cho cán bộ cao cấp. Họ làm đúng trong kinh tế mà không bán đứng tài nguyên, thiêu hủy môi trường, vì họ biết sống đủ-sống đúng-sống vui và tin vào các giá trị của nhân phẩm.

Nhân lý của họ là nhân trí, và nhân đạo của họ là nhân bản. Họ không phải là một trường hợp đơn lẻ, bây giờ lại có Cost Rica, rất nhỏ giữa các quốc gia rất lớn trong châu Mỹ La Tinh nhưng biết trọng môi trường như trọng nhân tính; lại thêm Népal của châu Á, biết lấy hạnh phúc của vui sống để làm kim chỉ nam cho mọi chính sách. Tất cả các quốc gia nhỏ này đều biết bảo vệ quê hương họ, bảo trị an ninh trật tự cho dân chúng họ, nhưng họ thật thông minh – nhờ lãnh đạo của họ rất thông minh – biết chọn sống đủ-sống đúng để sống vui, còn hơn là giầu mà ngu! Lắm tiền nhưng thiếu lạc.

Nhânquả

Nhân vừa là nguyên nhân, vừa là nhân loại, trong đó nguyên của hạt, của giống, khi gieo vào đất sống, cấy vào nhân sinh luôn theo quy luật “nhân nào quả nấy”. Vì, quảkết quả, nếu hay, đẹp, tốt, lành thì là hiệu quả; còn nếu xấu, tồi, tục, dở thì là hậu quả.

Quy luật “nhân nào quả nấy”, được Phật giáo phân giải tận tường, Khổng giáoLão giáo không phân tích ngược lại hoặc khác đi; trong khoa học xã hội và nhân văn đã dụng nó không những như lý thuyết luận, mà còn như phương pháp luận để phân tích chính xác hơn quan hệ xã hội qua chính trị, giữa kẻ thống trịngười bị trị. Nhất là trong chính trị học, luôn lấy quy luật nhân quả làm cốt lõi để giải thích các phản xạ của quần chúng, các phản ứng của nhân chúng trong ngắn hại, trung hạn và dài hạn.

Quy luật “ác giả ác báo” tới để củng cố quy luật “nhân nào quả nấy”, cùng lúc mài sắc nhọn hơn diễn luận của quy trình nhân quả, để báo động cho nhân sinh biết cái hậu quả của xấu, tồi, tục, dở đang biến thái qua hậu nạn tới từ thâm, độc, ác, hiểm. Nơi đây, hệ bạo (bạo quyền, bạo lực, bạo hành, bạo động, bạo chúa…) bó buộc các lãnh đạo phải nghiệm thêm cho thật tỉnh táo và sáng suốt thêm một vấn nạn khác, có nhân lý vì có nhân tri: “hại nhân, nhân hại”, không biết các lãnh đạo hiện nay có đủ tuệ giác hay không để cụ thể hóa nó hơn nữa: “hại dân, dân hại”!

___

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook