Nghề Nổ? Văn hóa Nổ? Những cú nổ long trời lở đất!

Lê Thiên

19-5-2019

Vào những ngày đầu tháng Năm 2019, truyền thông trong nước bỗng rộ lên chuyện một người có tên Lê Hoàng Anh Tuấn tự xưng “Nhà báo Quốc tế” kèm theo hàng loạt chức danh và bằng cấp. Chính cái nhãn “nhà báo quốc tế” của Lê Hoàng Anh Tuấn gây ồn ào trên truyền thông trong nước.

Chuyện Lê Hoàng Anh Tuấn nào đó khoe khoang nghề nghiệp, chức danh và bằng cấp thực ra đâu có gì mà làm ầm ĩ, chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện” trong cái xã hội Việt Nam thời xả hơi chết ngộp ấy thôi.

Tuy nhiên, đọc báo Trí Thức Trẻ của CSVN ngày 10/5/2019, thấy bài NGHỀ “NỔ” Ở VIỆT NAM, của tác giả Bùi Hải, chúng tôi cảm thấy nhức nhối vì tiếng… nổ!

Chuyện nổ… từ một bài báo luồng Đảng

Tác giả bài báo luận rằng “Nổ là một kỹ xảo, nhưng ở Việt Nam, nó có thể trở thành một nghề làm giàu và tạo ra mối quan hệ với những người mà dân thường có mơ cũng không thể tiếp cận thân tình”.

Bùi Hải lại bình luận: “Cái mồm nổ là biểu hiện sinh động nhất của thói HÁO DANH”. Theo tác giả bài báo, “Người ta thường háo danh vì hai lẽ: Giải quyết khâu oai với gia đình, cộng đồng và tìm cách trục lợi từ cái danh đó”.

Bùi Hải dẫn giải: “’Một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp’ là quan niệm về khâu oai từ thời xa xưa của người Việt. Còn ở thế kỷ 21, những cái tên muốn oai, cần phải đặt trước nó một học hàm, học vị để phần kính thưa, kính gửi có sức nặng. Các lò ấp tiến sĩ, thạc sĩ được dịp chạy hết công suất, một phần không nhỏ là để trang bị khâu oai cho nhiều người, chứ không phải để cống hiến thêm cho xã hội một nghiên cứu khoa học có giá trị”.

Đọc bài “Nghề ‘nổ’ ở Việt Nam” của Bùi Hải, chúng tôi chú ý tới đoạn sau đây dưới tiểu đề “Bệnh nhận vơ và câu chuyện lịch sử”. Xin ghi lại nguyên văn:

BỆNH NHẬN VƠ VÀ CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ

Dân gian có cụm từ rất hay mà càng ngày người ta càng ít dùng, đó là “nhận vơ”: Nhận và vơ vào những thứ không phải của mình. Hiểu theo nghĩa ấy, “nổ” có nghĩa là “nhận vơ một cách ồn ào nhất, trắng trợn nhất”.

Bệnh nhận vơ, háo danh và các biến thể của nó có mặt trong nhiều ngõ ngách của đời sống ở Việt Nam.

Dù hai chiếc xe tăng tiến vào dinh Độc Lập tháng 4.1975 đều anh hùng, và những người lính tăng đi được đến ngày cuối cùng của cuộc chiến đã là một kỳ tích, nhưng xe tăng nào mới là chiếc đầu tiên xông đất đầu não chính quyền Sài Gòn, thì phải mất rất nhiều năm, sự thật mới được trả lại. Nếu không có chứng cứ của nhà báo nước ngoài và sự lên tiếng của báo chí trong nước, thì sự nhận vơ ấy, có thể mãi mãi che lấp một phần lịch sử.

Câu chuyện ai là người thảo ra bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống VNCH Dương Văn Minh đọc ngày 30.4.1975, cũng bị tranh cãi trong nhiều năm. Tất nhiên sự thật không thể có hai.

Chúng tôi e rằng cái tiêu đề “bênh nhận vơ và câu chuyện lịch sử” trên đây có vẻ đi lệch với chủ đề “NGHỀ NỔ” do chính tác giả nêu ra!

Vâng! “Nhận vơ” có thể là một chứng bệnh, nhưng đó chưa hẳn là “nghề nổ”. Cũng vậy, chuyện giành nhau xe tăng của anh, xe tăng của tôi, xe nào vào cổng Dinh Độc Lập trước; hoặc chuyện người ta tranh nhau ai “là người thảo ra bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống VNCH Dương Văn Minh đọc ngày 30.4.1975có lẽ nên xếp vào chuyện lục súc tranh công hơn là chuyện về NGHỀ NỔ!

Thực ra, nghề nổ đã tiềm tàng và từng nổ lạch bạch từ rất lâu trong lòng chế độ đảng CSVN từ khi cái đảng ấy hãy còn trong giai đoạn trứng nước. Xin đơn cử vài thí dụ.

Cú nổ rền vang… Lê Văn Tám

Chuyện Lê Văn Tám, đuốc sống diệt giặc nổ to đùng, và liên tục nổ dòn… kéo dài hơn 70 năm, từ năm 1945 ở Miền Bắc XHCN, rồi sau năm 1975 nổ giòn tại Miền Nam và trên cả nước. Lê Văn Tám lên tên đường phố, tên trường học, vào sách giáo khoa cho học trò nghiền ngẫm và noi theo…

Chẳng ai biết mặt mũi lai lịch Lê Văn Tám ra sao! Chỉ được nghe kể lại chuyện cậu học trò tên Lê Văn Tám “một gương hy sinh dũng cảm oanh liệt: một chiến sĩ Việt Nam đã tẩm dầu [xăng] vào mình, tự làm mồi lửa hy sinh thân mình, chạy vào kho dầu Xi-mông Pi-ê-tờ-ri (Simon Piétri) [Thị Nghè, SàiGòn] của địch. Lập tức kho dầu bị bắt lửa!” (Báo CỨU QUỐC Cơ quan Tuyên truyền Tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh, Hà Nội, số 71, ngày 19-10-1945).

Chuyện khó tin, nhưng đảng cho nổ, và nó nổ dòn, nổ dai… Cho đến khi học giả Phan Huy Lê tiết lộ thì mới vỡ lẽ: Chính nhà sử học Trần Huy Liệu, nguyên Bộ Trưởng Bộ Tuyên truyền của CSVN (VNDCCH) thú nhận, mình đã “hư cấu” truyện hoang đường Lê Văn Tám nhằm phục vụ cho mục đích tuyên truyền!

Trong bài viết đăng trên tạp chí Xưa và Nay số ra tháng 10 (năm 2009), giáo sư sử học Phan Huy Lê nói rằng, ông đã được ông Trần Huy Liệu, Viện trưởng Viện sử học và cũng là Bộ trưởng Tuyên truyền hồi thập niên 1940, kể cho nghe nhân vật Lê Văn Tám là do ông Liệu dựng lên để cổ vũ tinh thần chiến đấu của người Việt. Ông Phan Huy Lê nói rằng ông Trần Huy Liệu còn nói với ông và hai người khác trong một cuộc gặp rằng “Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa. Quả pháo Lê Văn Tám chưa tịt ngòi hẳn, vẫn còn gượng lẹt đẹt đây đó trên vài báo đảng… làm trò nổ!          

Lạm phát pháo nổ… nổ chùm

Ấy là chưa kể các vụ nổ khác, nổ rền vang, như “Những tấm gương anh hùng… Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai! (Báo An Ninh Thủ Đô 07/4/20214).

Chuyện anh hùng Võ Thị Sáu là vụ nổ khác. Sáu được biết sinh năm 1933, tại Đất Đỏ, Bà Rịa. Năm 1946 “mới 13 tuổi, Sáu đã vào khu kháng chiến, và trở thành liên lạc viên của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Năm 1947 (14 tuổi), Sáu trở thành đội viên Công an xung phong Đất Đỏ.[4], tham gia nhiều trận tập kích bằng lựu đạn, ám sát các sĩ quan Pháp và Việt gian cộng tác với quân Pháp! Tuổi 14, vị thành niên, tay đứa trẻ gái tên Sáu đã nhúng máu!

Lại còn có cả những vụ “nổ” được tặng thêm yếu tố tâm linh phù phép cho có vẻ linh thiêng phù phép, như… nổ chuyện về những con số BẢY huyền thoại của người mang tên Bảy – Nguyễn Văn Bảy, anh hùng QĐNDVN. Nguyễn Văn Bảy hồi nhỏ học lõm bõm biết đọc thôi. Lên Lạng Sơn thầy giáo dạy “tốc hành” 7 ngày, học 7 lớp. Đặc biệt, Nguyễn Văn BẢY, người con thứ BẢY trong một gia đình, lái máy bay MIG-17, bắn hạ 7 (BẢY) chiếc máy bay Mỹ, … máy bay của ông bị bắn, 84 vết thủngcó những vết thủng rất lớn, nhưng an toàn! Ôi! Nổ hơn liên thanh! Tờ ANTĐ còn nổ bạo:Gặp người phi công chuyên né … tên lửa”.

Báo Sao Đỏ ngày 29/05/2017 thì nổ về những tay thiện xạ khác “chỉ có ở Việt Nam: Súng ngắn [súng lục] K54 bắn rụng trực thăng, súng trường K44 vít cổ phản lực Mỹ”. Hoặc DŨNG SĨ DIỆT MỸ TUỔI 13 VÀ 3 LẦN GẶP BÁC HỒ. Đó là đứa bé gái [lại cũng con gái] tên Thu, 9 tuổi làm giao liên, 11 tuổi, vận chuyển vũ khí; 13 tuổi tham gia nhặt sỏi, cát nhét vào các nòng súng địch, bé Thu được phong tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ khi mới 13 tuổi! Khủng khiếp chưa?

Còn nhiều, thật nhiều… những pháo nổ rền vang khắp chốn trên dải chữ S! Đảng nổ! Quan nổ! Tướng nổ! Đại gia nổ! Nổ chức tước! Nổ chức danh! Nổ bằng cấp! Nổ giàu sang! Nổ thành tích và … kỳ tích!

Gần đây nhất, tuyền thông CSVN lại nổ bạo khi Việt Nam được chọn làm địa điểm Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim: “điểm đến tuyệt vời cho những quyết định quan trọng”, “nâng lên tầm cao mới”, (báo Giáo Dục Việt Nam 07/2/2019). Trước Việt Nam, Singapore đã là nơi diễn ra Hội Nghị Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Tiều Tiên lần thứ nhất! Không nghe Singapore nổ! Nào ngờ Hội nghị Trump-Kim vỡ đột ngột! Kỳ tích CSVN tịt ngòi nổ!

Nổ tập thể, lên đồng tập thể

Nổ tập thể ở Việt Nam đích thị là những tràng nổ pháo chùm dòn dã nhất loài người! Như chuyện đội tuyển bóng đá U23 VN chiến thắng, báo Nhân Dân ngày 23/01/2019 phóng lên tựa đề “Chiến thắng kỳ diệu U23 Việt Nam” và Các chàng trai U23 Việt Nam với tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh, đầy quả cảm, vượt qua mọi áp lực để làm nên lịch sử diệu kỳ, giành quyền đá trận chung kết giải vô địch U23 châu Á 2018 sau chiến thắng vô cùng thuyết phục, đầy cảm xúc trước U23 Qatar, làm nức lòng hàng triệu người hâm mộ nước nhà”. Còn dân chúng thì hàng triệu dân xuống đường “đi bão” ăn mừng U23 Việt Nam đại thắng, gây kẹt xe và tai nạn giao thông chết người chưa từng thấy!

Trên thế giới có nhiều tổ chức chuyên theo dõi, đánh giá, xếp hạng hoạt động của các quốc gia về các mặt đời sống xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế, giáo dục, tôn giáo… Thông thường, khi nhận kết quả đánh giá, nếu được xếp hạng cao, người ta hoặc cố gắng duy trì hạng bậc cao ấy hoặc nỗ lực phát huy cao hơn. Nếu bị xếp hạng thấp, người ta tự hỏi mình vì sao thấp để từ đó tự điều chỉnh lại mình để được tốt hơn. CSVN thì khác, khi bị đánh giá thấp thì vừa tìm cách vòng vo tự bào chữa, vừa tru tréo chửi bới cơ quan xếp hạng. Nhưng nếu được xếp hạng cao thì… nổ đùng, dai dẳng… Bằng chứng dẫy đầy trên các báo của chế độ, điển hình là các tờ Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, An Ninh Thủ Đô, Sài Gòn Giải Phóng v.v…

Ấy là chưa kể vô số khẩu hiệu (slogan) phóng ra những tiếng nổ cực mạnh, đại để như đảng ta đỉnh cao trí tuệ loài người, chủ nghĩa Mác-Lê vô địch, bách chiến bách thắng, bác Hồ vĩ đại! v.v…

Mọi thứ nổ trên đây cũng như bất cứ trận nổ nào khác (kể không hết) xét cho cùng chẳng nhằm nhò gì cả so với những phát nổ cực hiếm văng ra từ… bác!

Cú nổ lịch sử… mang thương hiệu Trần Dân Tiên

Cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch được ghi tên tác giả là Trần Dân Tiên. Gần một thế kỷ, người ta mất công mang “đuốc sống Lê Văn Tám” đi rọi tìm Trần Dân Tiên, chẳng thấy mặt mũi Trần Dân Tiên ở đâu, cũng chẳng bao giờ biết Trần Dân Tiên là ai, sinh sống làm sao, tài nghệ viết lách cao siêu tới đâu đến nổi Hồ Chí Minh tâm phục, khẩu phục nhận trả lời phỏng vấn để có được cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”!

May thay, từ nội bộ “đảng ta” xuất hiện đồng chí Nguyễn Minh Cần, đảng viên cốt cán của “đảng ta”, từng nắm chức Phó Chủ Tịch Ủy ban Hành Chánh TP Hà Nội ngay thời Hồ Chí Minh trị vì nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở phía Bắc Việt Nam. Chính Nguyễn Minh Cần[1] tiết lộ:

Khi cuốn sách được xuất bản lần đầu ở miền Bắc –‘tác giả của nó là một nhà báo nổi tiếng có cơ hội được biết rõ về thân thế của Người’. Thực ra, hồi những năm 50, đại đa số cán bộ, chứ nói gì đến nhân dân, chưa hề nghe tên và không ai biết cái ông ‘nhà báo nổi tiếng’ Trần Dân Tiên, tác giả cuốn sách ‘bất hủ’ đó là ai cả. Chỉ có một số rất ít cán bộ cao cấp thì thầm rỉ tai nhau về điều bí mật quốc gia: ‘… Chứ còn ai nữa!’

Mãi về sau này, qua hàng mấy thập niên, nhiều người mới ngã ngửa ra là ông tác giả ‘Chứ còn ai nữa!’ đó, ông Trần Dân Tiên huyền thoại kia, chính là ông Nguyễn Tất Thành, cũng chính là ông Nguyễn Ái Quốc, và cuối cùng, cũng chính là … ông Hồ Chí Minh. Thế nhưng báo chí chính thức ở Việt Nam cho đến nay vẫn tiếp tục ‘giấu như mèo giấu c…’ … ‘một người như Hồ Chủ Tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy …’ (trích sách Những mẩu chuyện …, tr. 7) thì … tự tay mình viết tiểu sử của mình để tự tôn vinh, tự đề cao chán chê, rồi ‘lập lờ đánh lận con đen’ đặt tên tác giả là Trần Dân Tiên. Quả là một sự phỉ báng đối với lương tri con người!”[2]

Lại cũng theo Nguyễn Minh Cần, về việc thực hiện cuốn tiểu sử, bác bảo: “Đồng bào đang đói khổ, có nhiều việc cần kíp phải làm trước. Hãy gác cái ý viết tiểu sử bác lại, v.v…”. Vừa phán như thế xong, bác lại nhặt cái mặt nạ Trần Dân Tiên dưới đất lên, đeo vào, nâng bi tiếp: “Một người như Hồ chủ tịch của chúng ta, với ĐỨC KHIÊM TỐN NHƯỜNG ẤY và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của người được”.

Bởi vì “Trần Dân Tiên” nói vậy mà không phải vậy! Bất chấp “đồng bào đói khổ” dài dài… chuyện đời bác vẫn được trau chuốc và cuốn “những mẩu chuyện…” vẫn được tô vẽ, được in ra, được tán tụng và tái bản liên tục cho tới những năm gần đây nó mới tắt ngủm khi mà tác giả Trần Dân Tiên bị nhận diện đích thị là Hồ Chí Minh… “với đức khiêm tốn nhường ấy”… nhưng lại thích nổ, nổ bạo[3]! Cơn địa chấn big bang tịt ngòi!

***

Có không văn hóa “nổ”?

Cũng liên quan tới chuyện “nổ” của tay điếm đàng Lê Hoàng Anh Tuấn, chúng tội đọc thấy trên mạng ngày 08/5/2019 bài Sống với văn hóa “nổ” của Mạnh Kim. Tác giả viết:

“Những kẻ như Lê Hoàng Anh Tuấn thật ra là ‘sản phẩm’ của một xã hội đảo điên, từ một nền giáo dục đảo điên, ‘có được’ từ một nền chính trị thường xuyên tỏ ra ‘thiếu khiêm tốn’ đến mức luôn khiến người dân thắc mắc không biết chính quyền [chế độ] này đang tỉnh hay điên. Dân chúng vẫn cứ phải sống chung với những cái ‘thùng rỗng kêu to’ cùng với nền văn hóa ‘nổ’, không giới hạn và không một chút ngượng… Những quả bom kiểu Lê Hoàng Anh Tuấn xét cho cùng chẳng ảnh hưởng gì mấy với xã hội nhưng ‘bom’ từ chính quyền [chế độ CS] thì luôn mang lại mức độ ‘sát thương’ đáng kể…!

Hoàn toàn đồng ý với nhận xét trên. Tuy nhiên, không hiểu tác giả Mạnh Kim có ngụ ý gì khi cho rằng “nổ” là “văn hóa”, thứ văn hóa mà người dân Việt Nam phải “sống với”.

Có lẽ vì hiện tượng “nổ” đang ngự trị khắp mọi miền đất nước Việt Nam và có cơ bành trướng khiến Mạnh Kim băn khoăn, e rằng nó đã hóa thành một thứ văn hóa mới không cách gì loại trừ: VĂN HÓA “NỔ”!

Trong thực tế, làm gì có thứ văn hóa gọi là văn hóa “nổ”! NỔ đích thị là VÔ VĂN HÓA, nhất là khi cái nổ được nhà cầm quyền dùng làm lợi khí tuyên truyền, xúi gịục hận thù chém giết nhau, gây nên tình trạng bại não và mất nhân tính cho bao thế hệ con em Việt Nam, dạy cho bao lớp trẻ trong nước sa đà trong cách sống vô văn hóa, chỉ biết lấy dối trá và ác độc làm chuẩn mực sống! Thậm chí không ít những vụ “nổ” được phóng đại để đưa vào sách giáo khoa. Thế nên, giới trẻ Việt Nam bị nhồi sọ để thành những mẫu người chỉ biết chuông gian dối và say mê gây ác! Trẻ em VN nghiện… nổ và nổ bạo, không thua người lớn! Nổ trở thành dịch bệnh truyền nhiễm, lây lan khắp nước đến nay là vậy!

Chuyện bằng giả, bằng dỏm, chức danh ảo, chiến công bịa bị phát hiện là chứng tích những cú nổ long trời! Từ nổ bậy, nổ bạo về vị trí, tư thế, tài năng, người ta đánh mất tất cả lương tri cùng tư cách làm người… hiện hình thành những con khỉ chuyên bắt chước… văng nổ!

Kết

Trở lại với bài “Nghề ‘nổ’ ở Việt Nam” của Bùi Hải, chúng tôi nghiệm thấy quả thật ở Việt Nam đã từng có và hiện vẫn còn có một NGHỀ như thế – NGHỀ NỔ, mà trường dạy nghề chính là cơ quan tuyên truyền của Đảng CSVN. Nó, cái trường dạy nổ ấy đã hiện hữu ngay từ buổi đầu đảng mới khai sinh, tiếp tục phát huy, bành trướng và tồn tại đến hôm nay! Chính trường này đã và đang sản xuất vô số Thạc sĩ nổ, Tiến sĩ nổ, Giáo sư nổ…

Những kẻ xuất thân từ TRƯỜNG NỔ của CSVN dĩ nhiên sống bằng NGHỀ NỔ để ngồi ngất ngưỡng trên đầu người dân, ung dung nổ, đấm và đớp!

_______

[1] Nguyễn Minh Cần sinh năm 1928 tại Huế. Vào Đảng CS Đông Dương năm 1946. Từ năm 1954 đến 1962, Ủy viên Thành ủy Hà Nội rồi Phó Chủ tịch UBHC Thành phố Hà Nội, chủ nhiệm báo Thủ Đô Hà Nội…

[2] Nguyễn Minh Cần – Công Lý đòi hỏi. Nhà XB Văn Nghệ 1997. Thêm vài “mẫu chuyện” về cuôc đời của Hồ Chi Minh, trang 311-331.

[3] Như ghi chú 2 trên đây.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. NỔ đến mức trắng trợn đưa HCM.lên ngang hàng với Đức Phật là ĐỦ
    hơn cả bài này,nhưng Do Van còn càm ràm để làm gì cơ chứ ?

  2. Bài này nhét quá nhiều thứ tạp nham vào…
    Thế nào là “đủ” như các cụ ta vẫn dạy?

    Trần Huy Liệu, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng (lãnh tụ Nguyễn Thái Học 1930, tù Côn Đảo; sau theo Việt Minh, làm bộ trưởng Tuyên Truyền, suốt giai đoạn giành độc lập (kháng chiến chống Pháp). Sau đó, bỏ chính trị, làm nghiên cứu Sử. Lê Văn Tám là nhân vật tuyên truyền rất có tác dụng ở cái thời người dân dùng gậy gộc đánh Pháp. Hậu sinh làm sao hiểu nổi?
    Làm Sử, Trần Huy Liệu nói lại với học trò những điều mà người làm Sử chân chính cần làm. Lẽ ra, cần được kính trọng.
    Cảnh báo: Hãy dè chừng với những người cực đoan ở cả hai phía. Bên nào thắng, đều là tai họa cho Dân, cho Nước.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây