Sự thật Việt làm nên số phận Việt (Phần 3)

GS Lê Hữu Khóa

13-5-2019

Tiếp theo phần 1phần 2

Sự thật trước bất công

Khi hiện tượng luận ra đời, trên đường đi tìm sự thật thì trường phái này phân tích rằng sự thật đã gởi trao cho ta những chỉ báo của nó đã xuất hiện ngay trong hiện tượng, nơi mà cái thật được nhận ra qua trực quan, chính trực quan khi tổ chức lại lý trí, đã bắt đầu trao truyền cho ta một trí tuệ mới để ta tiếp cận ngày càng sát với sự thật.

Husserl, cha đẻ của hiện tượng luận đưa ra luận thuyết sự liên đới của các chủ quan để cùng công nhận là cái biết đã mở cửa cho cái thật xuất hiện, để sự thật tới như một chân lý có rễ sâu, gốc chắc mà không ai bứng được. Để cụ thể hóa luận thuyết này, ông khẳng định là: sự thật đã có từ lâu, đã có sẵn, đã có trước câu hỏi sự thật là gì? Chính cái biết là chìa khóa để mở ra không gian của sự thật, để cái thật được nhập nội vào cái biết.

Heidegger, môn sinh của Husserl và là triết gia sắc nhọn nhất về các lý luận hiện tượng học, khi ông tin rằng luôn có một bản thể nội tại giúp ta nhận ra sự thật, khi chủ thể muốn tìm ra sự thật, thì chủ thể phải là chủ thể mở: mở để sống, mở để nhận, mở để biết, mở để đón sự thật, để được sống thật, sống đúng, với hai bản thể: bản thể của chủ thể song hành cùng bản thể của sự thật.

Tại sao lại dùng cụm từ bản thể? Vì bản thể bên trong không phải là sự giới thiệu tên tuổi bên ngoài, tức là gặp sự vật rồi đặt tên cho sự vật đó, mà không biết nội chất và sự vận hành của sự vật này. Nên bản thể ở trong cái thật, và cái thật không ở trong cái giới thiệu, cái tuyên truyền, nơi mà sự thật của bản thể chính là sự vận hành mà ta thấy-nhận-hiểu qua hiện tượng. Tại đây, chủ thể không còn là một cá nhân riêng rẽ, mà là một chủ thể có bốn năng lực trí thức sau đây:

  • Chủ thể nhận ra sự thật qua sự gỡ bỏ các trói buộc chống lại sự thật.
  • Chủ thể nhận ra sự thật qua sự vén màn để trưng bày cái thật.
  • Chủ thể nhận ra sự thật qua chứng minh bằng dữ kiện.
  • Chủ thể nhận ra sự thật qua xác chứng bằng chứng từ.

Sau khi thực hiện được quá trình của bốn công đoạn này trên con đường đi tìm sự thật, tức là chủ thể đã tái tạo được vị trí nguyên thủy của sự thật là đưa sự thật trở về dạng trung thực ban đầu của nó, mà không còn bị các ám lực phản sự thật nào che, lấp, vùi, dìm được nữa.

Nhưng hiện tượng luận cũng cẩn trọng khi nêu lên một định đề khác: không có sự thật toàn diện trong một sự thật tuyệt đối! Cụ thể là người ta khó biết hết sự thật về sự vật từ khi nó ra đời tới lúc nó chết, vì sự thật có thể vận hành vô hạn trong sự phát huy vô định của cuộc sống.

Đây là phương pháp luận giúp con người tiếp cận đứng đắn với sự thật mang tính khách quan vô vụ lợi; vì mỗi lần con người tự tin quá đáng là mình đã biết hết, biết toàn bộ, biết đầy đủ về một sự thật, thì chính sự diễn biến của bối cảnh, sự biến hóa của hoàn cảnh, sự thay đổi của thực cảnh đã đưa sự thật này vào một quỹ đạo khác rồi. Để sự thật được sống còn như một sự thật, nên sự thật luôn cao, sâu, xa, rộng hơn trí tuệ thuần lý của con người.

Char là thi sĩ hàng đầu của thi ca Pháp trong thế kỷ XX, mà cũng là bạn tri thức tâm giao của Heidegger, có tặng cho triết gia này một bài thơ khi ông ví sự thật như diễn biến linh hoạt của mùa thu, đã vượt hạ để chuyển mình mà vào đông: “Mùa thu sao luôn nhanh hơn cái cào đất của người làm vườn”, chỉ vì trí tuệ của con người thường chậm hơn sự vận hành của thiên nhiên đang trùm phủ lên nó.

Câu chuyện của Husserl, của Heidegger, của Char không hề lý thuyết, không hề trừu tượng với chủ đề của chúng là: sự thật Việt làm nên số phận Việt, khi ta biết sự vận hành vừa ngầm vừa nhanh, nửa hữu hình nửa vô dạng của thân phận Việt hiện nay.

Với Tàu tặc đã chiếm đất, đảo, biển của ta; với Tàu họa đang ô nhiễm môi trường, đang hủy diệt môi sinh của ta; với Tàu hoạn đang ngày ngày đầu độc dân tộc ta qua thực phẩm bẩn, hóa chất độc, kể cả đang tổ chức dày đặc trên quê hương ta một mạng lưới buôn ma túy để truy diệt các thế hệ trẻ của Việt tộc; với Tàu nạn đang thâm độc giật dây chính trị qua lãnh đạo của ĐCSVN, thao túng qua kinh tế, biển lận qua thương mại, tha hóa qua giáo dục…

Tất cả song hành cùng với các làn sóng di dân Tàu ào ạt vào đất Việt để định cư lâu dài, trong quỹ thuật trai Tàu lấy vợ Việt, sinh con lai Tàu theo cha, tạo ra một lực lượng lai đang lan tỏa sâu rộng ngay trong giống nòi Việt. Sự thật này đã cho ta nhìn thấy là số phận Việt đã và đang lâm vào tử lộ của diệt vong!

Badou, triết gia đang có ảnh hưởng sâu rộng nhất hiện nay trong triết học hiện đại, yêu cầu chúng ta là mỗi lần đi tìm sự thật thì nên đi tìm sự bất công trước đã, chính cái bất tín làm nên sự bất công, cũng chính là cái phản sự thật đang xiết cổ sự thật, để bất công được tồn tại, để bất nhân được che giấu. Và con người sẽ tìm ra sự thật của số phận mình ngay trong sự nổi dậy chống bất công. Đây là một mệnh đề mới của học thuật đương đại, vì sự nổi dậy để lật đổ độc tài chính là gốc, rễ, cội, nguồn của bất công, và bất nhân, đưa ta tới con đường của sự thật. Sự nổi dậy luôn dùng tự do của mình để tái tạo lại công bằng rồi bác ái làm nên nội chất của cộng hòa, tạo ra thực chất của dân chủ, đây chính là chân trời của sự thật.

Ông khẳng định: không phải chỗ nào có bất công là chỗ đó có nổi dậy, nhưng chỗ nào nổi dậy rồi chỗ đó chắc chắn có bất công! Đây chính là thử thách để kiểm chứng Việt tộc có phải là một minh tộc hay không trước cuộc sống hiện tại của chính mình? Đây chính là thử nghiệm để xác chứng Việt tộc có phải là một dũng tộc hay không trước tiền đồ của tổ tiên, trước vận mạng của đất nước, trước tương lai của giống nòi?

Sự thật xuất hiện trong sự ngẫu nhiên, nhưng khi sự thật ra đời thì chính sự thật sẽ loại đi sự ngẫu nhiên, để trở thành sự thật của phổ quát, của vĩnh hằng, được chấp nhận mọi nơi, mọi hướng. Sự thật thường tới sau một sự cố, chính sự cố làm sự thật xuất hiện. Sự thật cần kiến thức khách quan để xây dựng lại quá trình làm nó xuất hiện.

Sự thật hiện hình như sự tái tạo lại cái thật để chúng ta kiểm chứng được tính trung thực của nó. Sự thật khi thì cần các kiến thức qua thực nghiệm của khoa học, có khi thì nó cần đạo diễn, cần kịch bản để tổ chức lớp lang thứ tự các dữ kiện, các chứng từ làm nên nó, để xã hội, để truyền thông, để tòa án, để pháp luật kiểm tra mọi phần tử, mọi chi tiết đã làm nên sự thật.

Sự thật thường xuất hiện như là một sự cố ngoại lệ đã trở thành phổ quát qua quá trình sau đây mà con người sống lần lượt qua bốn kinh nghiệm ngay trong tư duy của con người:

  • Sự thật tới từ sự ngẫu nhiên nhưng là sự có thể, nó đang xảy ra.
  • Sự thật tới để xóa đi sự chủ quan tạm thời của con người.
  • Sự thật xuất hiện dẹp hẳn sự chủ quan để dựng lên sự khách quan.
  • Sự thật mang thực chất đặc thù, ngược với thói quen, trái với phản xạ.
  • Sự thật khi được công nhận sẽ trở thành phổ biến với kết quả tất nhiên của nó.

Tổng kết được quá trình này, chúng ta sẽ hiểu tại sao cả một hệ thống từ hàng dọc tới hàng ngang do ĐCSVN độc trị trong độc tài đã tạo ra các con buôn vô tri trong vô luân như Trịnh Xuân Thanh vừa là lãnh đạo quản lý, vừa là “đại gia”; như Vũ Nhôm vừa là công an, vừa là trọc phú…

Chưa hết, trong sự thật của chế độ này là các tướng công an chống cờ gian bạc lận lại tổ chức cờ bạc gian lận trực tuyến ngay trong sào huyệt của Bộ Công an. Khi sự thật được đưa ra ánh sáng, thì các tên tướng này nhận tội trong thổ lộ thật đớn hèn, mà dân chúng cả nước sao thấy chúng mạt vận trong điếm nhục như vậy!

Không những chúng vô minh trong vô giác, mà chúng không hề có nhân cách tướng của các tướng vì dân cứu nước của cả chiều dài lịch sử Việt tộc; chúng không hề có phong cách tướng của các tướng diệt giặc cứu nước trước hiểm họa Tàu tặc đang xâm lăng đất Việt; nên sự thật của sự thật là chúng ta đừng mong chúng có tư cách tướng để làm được các chuyện dân vì nước!

Ngăn chặn sự thật xuất hiện thường là thói quen của bạo quyền, mà khi nó lại vừa là tà quyền thì nó lại đổi trắng thay đen sự thật bằng chính là phản xạ điêu ngoa của nó. Chưa hết, qua bộ máy tuyên truyền nhập nội cùng hệ thống công an trị của nó, nó còn biết dựng lên mọi ý đồ để chặn ngăn sự thật không được thành như sự cố. Khi chặn được sự cố rồi, chúng còn chặn luôn sự kiện hiển nhiên để sự kiện không vào được quỹ đạo của biến cố để biến thành sự thật. Từ đây, bạo quyền độc đảng luôn ngăn sự phát triển của chủ thể là dùng tự do của mình để khám phá sự thật, tà quyền ngăn luôn kiến thức đi tìm sự thật, để kiến thức được trở thành tri thức, là nơi bảo vệ và giữ gìn sự thật qua thời gian.

Sự thật dưới bạo lực

Girard, lý thuyết gia biết tổng kết triết học, sử học, phân tâm học để xây dựng nên nhân học tri thức, đề nghị luận thuyết: nạn nhân oan để giải thích hiện tượng bạo động -kiểu giết người- giữa thanh thiện bạch nhật có ngay trong xã hội con người là: buộc tội oan một người, một tập thể nhỏ, một cộng đồng yếu để quy chụp những tội mà họ không gây ra. Hoặc biến một lỗi nhỏ của một cá nhân, một nhóm thành tội đồ được phình to ra để hành quyết các nạn nhân oan này, như để làm vật tế thần, khi một cộng đồng dùng nạn nhân oan không có tội nhưng bị buộc tội oan để giải tỏa những ấm ức, những dồn nén, những bức xúc, tới từ các xung đột nội bộ trong một chế độ, trong một xã hội đang mất niềm tin, đang bị tha hóa. Cụ thể là chính các nạn nhân oan, không đáng tội chết nhưng bị xử oan để phải chết oan, sẽ giải tỏa sự tù hãm của một tập thể, của một cộng đồng, của một xã hội đang mất phương hướng.

Xã hội Việt hiện nay đang lâm nặng vào quá trình nạn nhân oan, chỉ một lỗi bắt trộm chó mà kẻ cắp có thể bị một xóm, một làng đánh chết, tại đây kẻ nghiên cứu nhân học không thấy được gì thêm về nạn nhân, mà nên quay ra để quan sát kỹ hành động của một tập thể dân bình thường, nhưng một sớm một chiều lại có thể giết người dễ dàng như vậy?

Chính sự bức xúc của một tập thể bị dồn nén bởi những bất công trong xã hội, lại không được công lý che chở, là nạn nhân của cường hào ác bá của độc đảng, qua công an trị mà không được luật pháp bảo vệ, quần chúng này không làm gì được chính quyền đang đè đầu cỡi cổ mình, thì dễ thành sát nhân với một tên trộm, chỉ trộm một con chó thôi mà phải chịu tội chết.

Nạn nhân oan có thể xảy ra dễ dàng hàng ngày trên đường phố, chỉ một cái quẹt xe trong giao thông, chỉ một cái nhìn thẳng của một kẻ lạ, là kẻ đó có thể bị sát hại, bị đâm chết vì những chuyện không đâu!

Hiện tượng nạn nhân oan nói lên rất nhiều trạng thái tâm lý tập thể, tâm thần cá nhân, bị dồn nén quá lâu bởi bạo quyền luôn bạo động với họ, thì chính nạn nhân của bạo quyền sẽ vô tình hay cố ý diệt lẫn nhau, trong bài học mà tổ tiên Việt dặn con cháu nên cẩn trọng trong hành vi: giận cá chém thớt.

Câu chuyện nạn nhân oan trở nên trầm trọng hơn khi nó gây ra trạng thái tâm thần cho những kẻ có quyền lực nhưng lại không được sự tín cẩn của dân chúng, không nhận được lòng khâm phục của kẻ bị trị, nên bịnh tâm thần của kẻ cầm quyền xử những bản án thật nặng với các đứa con tin yêu của Việt tộc, chỉ dùng dân chủ để đòi nhân quyền, mà phải nhận những bản án nhiều năm trong lao lý, đó là những tù nhân lương tâm hiện nay đang trong vòng lao lý. Khi các nhà xã hội học và sử học chỉ nhận định là những bản án nặng là để làm gương, để ra uy, để làm kẻ khác sợ hãi mà không dám vào con đường đấu tranh dân chủ.

Giải luận này chưa đủ, còn thiếu sót, mà chúng ta cần phải đưa giải thích này vào phạm trù nạn nhân oan, để thấy rõ sự hận thù quá mức, sự oán giận quá đổi của kẻ cầm quyền, đang bất lực trước các trào lưu đấu tranh của xã hội dân sự, mà họ không sao dẹp được. Nạn nhân oan luôn phải nhận những đòn thù, những án oan, những trừng phạt kiểu truy sát để truy diệt, để kẻ có quyền được hả giận, thỏa tức, để tà quyền thoát được chuyện “mất ăn mất ngủ” vì nhân dân đã nhìn ra sự bất chính của bạo quyền, sự bất lương của tà quyền, như đã nhận ra sự thật về một chế độ bất nhân sống nhờ quỷ thuật bạo động.

Sự thật Việt của số phận Việt hiện nay đang diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta là:

– Một vài công an có thể đưa một người vô tội vào đồn công an và đánh đòn thù cho tới chết, để hôm sau báo với gia đình của nạn nhân này là nạn nhân đã tự tử, và không một tên công an sát nhân nào bị điều tra để sau đó được phân xử công minh trước tòa án. Một xã hội cho phép đòn thù để tra tấn cho tới chết, mà lại được một độc đảng bạo quyền che lấp tội ác để che giấu tội phạm là một xã hội đang bị nạn nhân hóa.

– Một vài côn đồ, du đảng được công an sử dụng, được bọn ma quyền buôn đất trả tiền, có thể bắt cóc và tra tấn cho tới chết một dân oan đang bảo vệ mảnh đất của mình. Gia đình của nạn nhân oan này không dựa được vào pháp luật, vì tư pháp hiện nay không hề liêm chính, vì bọn xã hội đen này lại được công an bảo kê, được bọn ma đất trả lương, thì đây chính là độc lộ của dân chúng trong xã hội ngập bất công mà một công dân có thể đã bị ép vào tử lộ để đi thẳng từ dân oan tới nạn nhân oan, vô tội đã trở thành tử tội.

– Một nhóm lợi ích tham nhũng đang lũng đoạn xã hội, đang bị điều tra có thể thủ tiêu một đàn em có vài triệu chứng phản bội chúng, để vừa trả thù, vừa để trút giận vào kẻ sẽ là chứng nhân đang tính chuyện bỏ bè rời đảng trong một tập đoàn tội phạm. Và, bè đảng này có thể thủ tiêu chứng nhân này, để trút xả mọi cuồng bạo của nó mà bất chấp pháp luật hiện hành. Một xã hội có mức độ bạo động cao, có cường độ bạo động thường trực như xã hội Việt hiện nay, thì chuyện “thí mạng” nạn nhân oan là một chỉ báo để nói lên sự thật: khi bạo quyền trở thành tà quyền để sẵn sàng giết người, thì nó rất dễ dàng giết luôn đạo lý lẫn luân lý, diệt luôn giáo dục lẫn văn hóa…

Sự thật xuất hiện ngay trong cái bạo động xã hội, mà muốn định nghĩa sự bạo động, thì phải qua đường đi nẻo về của nó là sự giết hại từ tính mạng tới nhân phẩm của nạn nhân của nó. Khi ta nhìn về sự bạo động, thì ta thường nghĩ là ta không phải là thủ phạm, mà kẻ khác mới là thủ phạm, nhưng trên đạo lý làm ra đạo đức khi ta nhắm mắt để bỏ qua các tội phạm, thì ta đã đồng lõa với tội ác, và cứ để tội ác tiếp diễn và lan tràn, thì đạo đức học gọi tên nó là: đồng phạm!

Sự thật trước lẽ phải

Barthes, nhà ngôn ngữ học tinh tế và cũng là nhà phê bình văn học tinh anh, đã ví cuộc sống hằng ngày của con người là cuộc đời của những người thường đeo kính râm đen, dùng màu đen chặn ánh sáng cũng chỉ để chống chói mắt, nhưng chính màu sẫm của đen chặn đi bao ánh sáng tới từ sự thật chân chính.

Hình ảnh cặp mắt kính đen thường như con dao hai lưỡi trong sinh họat xã hội, cụ thể là kẻ đeo kính đen trong một đám tang, thì bề ngoài chứng minh cho người khác biết là đeo kính đen để người khác không thấy mình xúc động trước người chết, không thấy mình khóc trước một sự ra đi vĩnh viễn; nhưng sự thật cũng có thể ngược hẳn lại: đeo cặp kính đen để che giấu với mọi người là mình không hề xúc động, không hề khóc trước bất kỳ một cái chết nào.

Habermas, nhà triết học biết làm ngời lên các định đề hiện đại của xã hội học, khi ông không tách rời chuyện đi tìm sự thật bằng chính hành động của mỗi cá nhân thiết tha sống vì sự thật, ông gọi tên hành động đó là hành động truyền thông liên kếtlực kết hợp các hiểu biết khác nhau chung quanh một sự thật mà chúng ta đang đi tìm, được kết tụ lại để rồi cùng nhau chung sức dựng lại hay dựng lên một sự thật đang bị vùi lấp. Sự kết hợp các quan điểm qua các tri thức khác nhau, các kinh nghiệm khác nhau, nhưng khi nhập lại làm một tổng hợp đủ lực tạo ra một viễn ảnh ngày càng sáng, một chân trời ngày càng tỏ, giúp chúng ta cùng nhau đi tới mà nhận diện ra sự thật đó.

Và trên thực lộ làm nên chính lộ đi tìm sự thật, thì chính các cá nhân khác nhau này, thì chính các tập thể khác nhau này, thì chính các cộng đồng khác nhau này, thì chính các dân tộc khác nhau này, đã nhận diện ra cho mình một đạo lý, đó là: đạo lý chung sức để cùng nhau tới một chân trời mới, vừa đứng với sự thật, vừa đứng cùng đạo lý, đạo lý này có tên gọi là: đạo lý biết hợp tác. Khi sự thật và đạo lý cùng song hành để giúp con người đi vào chân lý, thì lẽ phải sẽ xuất hiện, nó đúng vì nó thật, nó vững vì nó mạnh.

Rorty, triết gia biết đi tìm lý luận khách quan qua tổng hợp các chứng từ, để xây dựng lên tri thức khách quan, để đặt sự thật vào kiến thức khách quan, để chân lý được khai sáng. Ông biết rõ là trong sinh hoạt xã hội, văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế… kiến thức khách quan không như trong khoa học chính xác (toán), không như trong khoa học thực nghiệm (lý, hóa, sinh). Vì kiến thức khách quan trong sinh hoạt xã hội, văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế… được giải thích qua ngôn ngữ bình thường hàng ngày, mà không qua công thức toán, không qua thí nghiệm làm nên kinh nghiệm cho kiến thức; mà sự thật trong đời sống con người chỉ được giải thích bằng ngôn ngữ chính xác nhất: nói thật để nói đúng.

Ricoeur, hải đăng vừa xa, vừa cao của triết luân lý, suối bền của hiện tượng luận, đề nghị một hành trình khác để đi tìm sự thật, thầy dặn các môn sinh của mình là khi ta đi tìm sự thật thì đừng quên tính hỗ tương, như là lực bổ sung của hai loại người có hai vị trí rất khác nhau, đối diện nhau để bổ túc cho nhau trên lộ trình nhận ra sự thật.

Thứ nhất là chứng nhân khi cung cấp các chứng từ cho công lý trước tòa án là trọng tài để giúp sự thật hiện hình, thì kẻ làm nhân chứng này luôn nghĩ rằng mình là kẻ biết hết, hiểu hết, thấu hết.

Thứ hai là điều tra viên cần tin tức, dữ kiện, chứng từ tới từ chứng nhân; mà dưới con mắt của nhân chứng này thì điều tra viên không biết gì hoặc biết quá ít so với sự hiểu biết của nhân chứng. Và đây là sự chủ quan làm nên sự phiến diện của nhân chứng, khi không nghĩ ra là điều tra viên biết rất nhiều chuyện mà nhân chứng này không biết.

Đây là chuyện của mỗi công dân Việt hiện nay, đi tìm sự thật chưa đủ, ngay khi tìm ra chân lý rồi cũng chưa xong, mà phải đi cho trọn hành trình này là nhận ra lẽ phải! Và lẽ phải luôn đứng cùng với sự thật, luôn sống chung với chân lý, cụ thể là cả ba (sự thậtchân lýlẽ phải) luôn biết chống lại phản xạ cúi đầu tuân lệnh độc thoại trong độc tôn; độc quyền trong độc đảng, kiểu khẩu lịnh trong tuyên truyền ngu dân độc khẩu: ơn Đảng, ơn Bác, để mừng Đảng, mừng xuân… Chống lại cái phản sự thật để lẽ phải luôn luôn đúng, mà sự thật hiện nay là ĐCSVN đang trong mê lộ hèn với giặc, ác với dân, từ phản dân hại nước sẽ lần mò tới buôn dân bán nước.

Muốn tới với lẽ phải qua hành trình đi tìm sự thật ngay trên lộ trình tìm cho ra chân lý, chúng ta phải biết là lẽ phải không nằm trong ý thức hệ luôn lấy ý đồ để vo tròn bóp méo sự thật. Con người còn phải có đầy đủ ý thức để biết là lẽ phải tới cùng với chân lý qua sự thật của sự kiện, khi sự kiện đã trở thành sự cố với tất cả tin tức, dữ kiện, chứng từ để từ đó dựng lên chân lý. Chính sự cố làm lộ ra sự thật và không hề tùy thuộc vào nhận xét chủ quan là chuyện này không thể , chuyện kia không khả thi, chuyện nọ mang tính không thực tế, để làm thay đổi tình hình; tất cả đều là một loại ngụy biện trá hình trước sự bất lực.

Vì trong khoa học cũng như trong chính trị, trong xã hội cũng như trong kinh tế… sự cố mang đến sự thật không kinh qua chuyện không thể có, không đi ngang qua chuyện không khả thi, không quá bộ qua chuyện không thực tế. Tính ngụy biện tạo ra tính bao biện để kẻ có ý đồ tồi muốn chặn phương trình sự thậtchân lýlẽ phải, thì luôn luôn sử dụng gian lý để ngoa luận: không thể có vì không khả thi và không thực tế.

Lịch sử con người dạy cho chúng ta rất rõ là: sự cố xuất hiện để nói rõ là sự thậtsự có; và biến cố hiện lên để nói lớn là chân lý rất khả thi, và biến động sẽ tới để nói mạnh lên lẽ phải rất thực tế!

___

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook