Phóng sinh: Nhân quả báo ứng

Chu Mộng Long

13-5-2019

Tôi có dự định viết một tiểu thuyết về Lê Long Đĩnh. Tiểu thuyết có tên là Phóng sinh.

Sử viết về Lê Long Đĩnh mang tội ác tày đình. Tôi không có ý định chiêu tuyết cho ông vua này, bởi việc nhà tiền Lê bị diệt cũng là tất yếu của nhân quả báo ứng.

Sử là diễn ngôn của kẻ chiến thắng, một mặt nỗ lực tô son triều đại của mình, mặt khác ra sức bôi nhọ kẻ thua cuộc. Cần phải giải thứ huyền thoại này để trả mọi thứ về sự thật. Chỉ có sự thật mới khai phóng nhân loại thoát khỏi sự bịp bợm để đi đến văn minh thật sự.

Nhân quả báo ứng là bài học quan trọng nhất của lịch sử.

Lịch sử của Việt Nam là lịch sử nhân quả báo ứng nhãn tiền. Lê Hoàn thông dâm với thái hậu Dương Vân Nga và mắc nghi án chủ mưu giết Đinh Tiên Hoàng để soán ngôi. Đến lượt các con của Lê Hoàn tàn sát nhau và vị vua cuối cùng là Lê Long Đĩnh chết dưới bàn tay của Lý Công Uẩn. Đến lượt nhà Lý bị nhà Trần nhổ cỏ tận gốc.

Lưu ý là các triều đại này đều lấy Phật giáo làm quốc giáo! Với tư cách là “quốc giáo”, nhà chùa có quyền lực to lớn như Giáo hội Rome thời đế chế La Mã.

Bây giờ thì tôi hình dung bi kịch Lê Long Đĩnh.

Lê Long Đĩnh chắc chắn sinh ra không là ông vua ngu hay hèn. Là con thứ nhưng dám xin làm thái tử đã thể hiện một tham vọng đế vương. Và phải là một cậu bé thông minh đĩnh ngộ mới được Lê Hoàn chấp nhận. Có bôi nhọ kiểu gì thì sử sách cũng không che đậy được tài năng chính trị, ngoại giao, quân sự của Lê Long Đĩnh. Bốn năm cầm quyền, Lê Long Đĩnh 5 lần ra trận dẹp yên ngoại xâm lẫn nội loạn. Năm lần ngồi trên yên ngựa đánh đông dẹp bắc như vậy thì “ngọa triều” kiểu gì, ngoại trừ sự cố tình bịa đặt bôi nhọ của nhà Lý và của các sử nô bưng bô cho kẻ cầm quyền?

Lê Long Đĩnh bị đầu độc chết hay hoang dâm và bệnh trĩ mà chết? Điều này Lý Công Uẩn biết và giới tu sĩ Phật giáo làm hậu thuẫn cho Lý Công Uẩn biết.

Các sử gia, các nhà văn hóa quá đề cao tinh thần nhập thế của Phật giáo trong công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước, nhưng tôi lại hình dung, chính tinh thần nhập thế ấy của Phật giáo cũng đã từng làm cho đất nước rơi vào nội loạn binh đao máu xương chồng chất.

Ở xứ sở này, nội chiến tương tàn khốc liệt và đẫm máu hơn giặc ngoại xâm, nhưng các sử gia đã dùng công lao chống giặc ngoại xâm đè lấp lên sự thật của lịch sử nồi da xáo thịt.

Đáng ghét nhất là bọn trí thức giả cầy lập ra các trong tâm nghiên cứu tôn giáo, đặt chuyện nghiên cứu tôn giáo với sự khua môi múa mép khuyển dương tinh thần nhập thế, thực chất là chính đám này đã làm nát bét và ô uế tôn giáo thuần khiết.

Tôi quan tâm nhiều đến cái chi tiết Lê Long Đĩnh róc mía trên đầu nhà sư Quách Mão bị sử gia cho là tội ác trời không dung. Ừ thì đó là tội ác trời không dung, nhưng không có lửa làm sao có khói.

Tôi thử cho thằng bé nhà tôi giải thích theo cách của nó. Nó nói, Lê Long Đĩnh từ nhỏ sống với núi rừng và sông nước Hoa Lư, vui với chim cá, lấy chim rừng, cá nước làm bầu bạn. Nhưng mỗi năm đại lễ của nhà Phật, ngoài chi phí tốn kém bằng cách bòn vét tiền của dân đen và ngân khố, người ta còn săn bắt chim cá nhốt tù, hành hạ trong nỗi đớn đau rồi phóng sinh để làm từ thiện. Đám nhà sư lại hậu thuẫn cho Lý Công Uẩn tạo ra một thế lực đầy đe dọa và bất cứ việc gì cũng can thiệp vào quốc gia đại sự. Lại còn dùng ngoại cảm đồng bóng để tuyên truyền Lý Công Uẩn làm vua. Lê Long Đĩnh nhìn thấy tình cảnh ấy mà uất nên mới có chuyện bắt nhà sư ngồi thiền cho mình róc mía trên đầu. Kết quả là… thiền cái con khỉ! Lý Công Uẩn đã tương kế tựu kế lu loa chuyện này để làm cuộc lật đổ.

Tôi khen thằng bé nhà tôi giỏi, dù đó là tưởng tượng trẻ con!

Sự thực là nhân dân vùng Hoa Lư không xem Lê Long Đĩnh là tội đồ. Đó là lý do họ vẫn lén lút hoặc công khai lập đền thờ Lê Long Đĩnh. Và đó cũng là lý do Lý Công Uẩn phải dời đô về vùng Kẻ Chợ của Đại La cũ để né tránh vì ám thị bị trả thù. Nhưng kết quả là, dù không bị họ Lê trả thù thì họ Trần cũng làm cái việc nhân quả báo ứng còn khốc liệt hơn!

Huyền thoại về các ông vua Trần đầu tiên xuất gia khi vừa trên tuổi 30 cũng là một bí ẩn cần giải đến nơi đến chốn, vì không hẳn mấy ông này yêu Phật để thành Phật. Thường giết người thì bị ma ám, vong ám nên phải đi tu để tìm cách giải thoát. Và với tư cách nhà tu kiêm Thái thượng hoàng thì quyền lực to hơn cả Diêm Vương.

Câu chuyện tôn giáo nhập thế hay can dự vào chính trị còn là câu chuyện dài…

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây