Cái quan định luận

Chu Mộng Long

3-5-2019

Minh sử, Lưu Đại hạ truyện có câu: “Nhân sinh cái quan luận định, nhất nhật vị tử, tức nhất nhật ưu trách vị dĩ” 人生蓋棺論定, 一日未死, 即一日憂責未已 .

Đánh giá một cuộc sống con người phải chờ đậy nắp quan tài, một ngày chưa chết một ngày chưa thể khen chê. Nói gọn là đậy nắp quan tài mới có thể luận đúng sai, hay dở, tốt xấu một cách khách quan.

Nhiều người tin vào tính khách quan của cái quan định luận. Riêng tôi rất hoài nghi. Nó đúng ở đâu chứ không thể đúng với đại đa số người Việt.

Trừ một số người “mất dạy”, “vô lương” trên mạng xã hội, còn đại đa số người Việt mỗi khi có người chết, dù là người thân hay không thân đều khóc với mẫu câu “Vô cùng thương tiếc…”. Lời ai điếu chỉ nghe toàn điều tốt đẹp. Một người ngợi ca, cả làng ngợi ca theo, bất luận khi còn sống, kẻ được khóc và ngợi ca đó có vô vàn điều xấu, thậm chí từng gây tội ác.

Tôi kể các bạn nghe một câu chuyện thật 100%. Mà tôi tin các bạn cũng đã từng chứng kiến sự thật tương tự.

Bạn tôi nguyên là đảng viên. Hiển nhiên khi chết, đảng viên được tổ chức đảng dành cho một điếu văn. Khi dự tang lễ, tôi nghe những mẫu câu quen thuộc. Ngoài ca ngợi công trạng đối với đảng, với nhân dân, có phần gia đình, rằng đồng chí là người chồng thủy chung, người cha gương mẫu…

Nghe đến đấy thì không chỉ tôi mà một số người biết chuyện đang rưng rưng xúc động đã không khỏi bật cười. Bởi ai cũng biết, anh ta trai gái như điên, say xỉn và đánh đập vợ con cũng như điên!

Một số người vui cười, hân hoan tại tang lễ cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh sáng nay. Ảnh chụp màn hình VTV

Đấy, cái quan định luận của người Việt! Khi còn sống cứ gieo rắc tội ác đi, chờ khi đậy nắp quan tài, mọi tội ác sẽ được xóa sổ, thậm chí biến tội thành công, biến xấu thành đẹp. Và ta cũng hiểu vì sao các lãnh đạo rất sợ hãi bị cách chức nguyên hay bị khai trừ ra khỏi đảng. Đơn giản vì họ cần cái quan định luận nằm ở điếu văn “Vô cùng thương tiếc một tài năng, một nhân cách…”

Kết quả là xứ sở này có vô số huyền thoại, vì ai cũng có khả năng được phong Thánh. Đến mức một tướng cướp cũng được phong Thánh. Tướng cướp được tôn thờ trong lễ hội chém heo nổi tiếng ở Bắc Ninh chẳng hạn.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây