“Báo tang” theo kiểu ngẫu hứng tự phát

Bá Tân

3-5-2019

Quốc tang nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh trong hai ngày là ngày 3 và 4/5/2019, do nhà nước quy định, được trịnh trọng công bố đồng loạt trên “cả rừng” báo chí quốc doanh.

Trong hai ngày quốc tang, theo quy định đã công bố, các công sở, nơi công cộng phải treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Sáng hôm nay, ngày đầu quốc tang, có dịp đến một số nơi công cộng (các khu chợ, siêu thị, bến xe…) không thấy treo cờ rủ. Đó là sơ suất về chính trị, cấp ủy và chính quyền những nơi ấy phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, đừng tái phạm trong những dịp quốc tang lần sau.

Trong làng báo chí quốc doanh, phục vụ quốc tang tất bật nhất là VTV và đài tiếng nói Việt Nam. Từ sáng cho đến chiều cùng ngày 3/5/2019, hai cơ quan báo chí này tổ chức tường thuật trực tiếp lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh. Hai đài này nên thống kê để biết số người theo dõi lễ tang nguyên thủ quốc gia. Cùng quân hàm đại tướng, lễ tang đại tướng Lê Đức Anh so với lễ tang đại tướng Võ Nguyên Giáp có số người quan tâm theo dõi khác nhau thế nào.

Trong hàng trăm tờ báo quốc doanh phát hành sáng 3/5/2019, tạo ra sự khác biệt là tờ Thanh Niên và tờ Tuổi Trẻ. Không chỉ dành dung lượng và vị trí “đất vàng” cho sự kiện quốc tang, hai tờ báo này còn tạo sự khác biệt bằng cách thể hiện…  “báo tang”.

Ở trang đầu, phía trên cùng góc trái, báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ đều chạy vệt đen in đậm, tượng trưng cho sự đeo tang. Nhìn vào đó, ngay phía trên trang đầu, mọi người dễ nhận ra đó là…  “báo tang”.

Ảnh chụp các tờ báo giấy khác hôm nay, không có “báo tang”

Quốc tang là việc chung, thực hiện theo quy định của nhà nước, kể cả thời gian cũng như các nội dung cụ thể đã được ban hành.

Còn “báo tang” hình như là chuyện riêng của báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ, bởi cùng ngày quốc tang, hàng trăm tờ báo quốc doanh không làm như Thanh Niên và Tuổi Trẻ. Hai tờ báo này thể hiện “báo tang” là sáng tạo hay là tùy tiện tự phát. Dư luận cho rằng đó là sự ngẫu hứng tự phát, nằm ngoài sự chỉ đạo.

Báo chí quốc doanh xưa nay được tiếng ngoan lành, chỉ làm những việc được chỉ đạo. Nếu có chỉ đạo “báo tang” chắc chắn cả làng báo chí quốc doanh đồng loạt thực hiện. Chỉ có Thanh Niên và Tuổi Trẻ thể hiện “báo tang” điều đó chứng tỏ không có chỉ đạo, do hai tờ báo này cùng chọn “cách chơi” theo kiểu ngẫu hứng tự phát. Cách làm này gặp phải thời Trương Minh Tuấn, hai tờ báo này dễ bị… chịu tang.

Còn ngày mai mới hết quốc tang. Để rồi xem, trong số báo ra ngày mai, Thanh Niên và Tuổi Trẻ còn “báo tang” hay không, và có thêm tờ báo nào thể hiện “báo tang” hay không.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây