Sự biến mất bí ẩn các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ với Trung Quốc

Lời Dịch Giả: Gần 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị chính quyền cộng sản Trung Quốc tra tấn man rợ và giam giữ tại nhiều trại tập trung. Trung Quốc đang đối mặt với nhiều lời chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền và Liên Hợp Quốc về vấn đề này. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc do các vi phạm nhân quyền với cộng đồng Duy Ngô Nhĩ vào tháng 12/2018. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã không ban hành bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Trung Quốc.

Ngoài sự bênh vực từ các tổ chức phi chính phủ và nhân quyền, ít có quốc gia nào lên án Trung Quốc về vấn đề đàn áp dã man người Duy Ngô Nhĩ. Tân Cương là vùng đất bản lề trong dự án “Con đường tơ lụa mới”, nên Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ Tân Cương. Bởi thế, Trung Quốc không muốn có bất kỳ một rủi ro nào tại Tân Cương và sẵn sàng dùng bạo lực để đàn áp và quét sạch người Duy Ngô Nhĩ.

Nỗi khốn khổ tận cùng và nguy cơ diệt chủng của người Duy Ngô Nhĩ cũng như sự im lặng của các nước trước các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, cụ thể Hoa Kỳ, nhắc nhở người Việt Nam đừng dựa dẫm, ỷ lại sự trợ giúp của bất kỳ nước nào đối với cuộc vận động dân chủ. Xóa bỏ chế độ độc tài cộng sản hung bạo và phi nhân là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi một người Việt Nam.

Khi nào đông đảo người Việt biết dựa vào chính mình và học cách dựa vào nhau? Khi nào đa số người Việt quyết tâm xoá bỏ tâm thế nô lệ, để nỗ lực dựa vào chính mình bằng con đường tri thức và hợp tác, nhận lãnh trách nhiệm xóa bỏ độc tài và xây dựng dân chủ cho thế hệ trẻ Việt Nam?

Người dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị đàn áp. Photo Courtesy

Foreign Policy

Tác giả: Amy MacKinnon

Dịch giả: Mai V. Phạm

11-4-2019

Hai nhà hoạt động nhân quyền có chuyên môn về các vấn đề Trung Quốc nói rằng, vào tháng 12/2018, họ được các quan chức Mỹ cho hay, chính quyền Trump đang chuẩn bị áp dụng lệnh trừng phạt đối với Bắc Kinh liên quan đến việc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở phía tây Tân Cương, Trung Quốc.

Hai nhà hoạt động nhân quyền được thông báo các lệnh trừng phạt Bắc Kinh thuộc Đạo luật Magnitsky toàn cầu, cho phép chính phủ Hoa Kỳ đặt lệnh cấm du lịch và đóng băng tài sản đối với các cá nhân vi phạm nhân quyền.

Nhưng khi Ngày Quốc tế Nhân quyền diễn ra vào ngày 10/12/2018 – ngày Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thường công bố một loạt các lệnh trừng phạt mỗi năm, đã không có thông báo trừng phạt nào được đưa ra. Các nhà hoạt động nhân quyền tin rằng, chính quyền Trump đã dẹp bỏ kế hoạch này để tránh làm tổn hại đến các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

(Câu hỏi của dịch giả: Tại sao chính quyền Trump lại xem trọng cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc nếu như theo logic của Trump và những người ủng hộ, cuộc đàm phán với Trung Quốc là một ân huệ với Trung Quốc?)

Sophie Richardson, Giám Đốc Nhân Quyền của Trung Quốc, cho biết: “Những cuộc thảo luận với các quan chức chính phủ cho biết sẽ có các lệnh trừng phạt vào tháng 12”. Nhà hoạt động nhân quyền thứ hai, không muốn được nêu tên, cũng đã nghe những điều tương tự trong các cuộc họp với các quan chức chính phủ.

Bà Richardson cho biết, bà đã nghe các quan chức bày tỏ sự thất vọng khi lệnh trừng phạt không còn nữa do các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Bà cũng từ chối nêu danh tính của các quan chức đã thông báo cho bà.

Rob Berschinski, Phó Chủ tịch cấp cao của Tổ chức Human Rights First, cho biết, tổ chức của ông cũng đã “lạc quan một cách thận trọng” khi nghe thông báo từ Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, rằng các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc sẽ được công bố vào tháng 12.

Việc Hoa Kỳ không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các hành động của Trung Quốc tại Tân Cương, nơi họ đã buộc gần một triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại tập trung, đã gây thất vọng lớn với cộng đồng nhân quyền.

Francisco Bencosme, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói: “Trong khi Hoa Kỳ đang đàm phán các hiệp định thương mại, tôi nghĩ điều quan trọng cần nhớ là lịch sử sẽ không nhớ chi tiết về các cuộc đàm phán, mà là Hoa Kỳ đã hành động ra sao về vấn đề nhân quyền khổng lồ này”.

Tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Hoa Kỳ đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt Magnitsky ở nhiều nơi, bao gồm cả Trung Quốc.

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nói: “Hoa Kỳ đang phát triển một chiến lược toàn diện để giải quyết chiến dịch đàn áp chưa từng có ở Tân Cương. Về các hành động cụ thể của Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Mỹ không dự đoán các biện pháp trừng phạt tương lai”.

Trong Bộ Tài chính, một phát ngôn viên cho biết, các quan chức không ra “tín hiệu các biện pháp trừng phạt hoặc bình luận về các biện pháp có thể xảy ra”.

Một ủy ban nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết, Trung Quốc đã biến Tân Cương, nơi sinh sống của khoảng 11 triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, thành “một trại giam khổng lồ được che đậy trong bí mật”. Tạp chí “Daily Beast” cũng báo cáo rằng, Trung Quốc đang tìm cách xây dựng một hệ thống đăng ký toàn cầu cho người Duy Ngô Nhĩ sống ở nước ngoài và đe dọa sẽ giam giữ người thân của họ, nếu họ không tuân thủ các yêu cầu cung cấp thông tin của công an Trung Quốc.

Nhiều người Duy Ngô Nhĩ sống ở Hoa Kỳ, có người thân đang bị giam giữ trong các trại tập trung, phải đối mặt với tình thế khó xử: lên tiếng – khiến người thân của họ gặp nguy hiểm – hoặc phải im lặng.

Murat Ataman, em trai của Dilshat Perhat Ataman, là người bị đưa đến một trại tập trung vào tháng 6/2018. Dilshat, biên tập viên của một trang web nổi tiếng của người Duy Ngô Nhĩ, bị bốn năm tù từ năm 2010 đến 2014 về tội gây nguy hiểm cho an ninh nhà nước.

Phải mất 4 tháng để Murat Ataman biết rằng anh trai mình đã bị đưa đến một trại tập trung. Người Duy Ngô Nhĩ buộc phải cài đặt các ứng dụng giám sát trên điện thoại di động của mình, bị hạn chế khả năng giao tiếp tự do với thế giới bên ngoài, và hạn chế người thân ở nước ngoài liên lạc với họ.

Vào ngày 27 tháng 3, Pompeo đã gặp gỡ cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ. Trong số đó có anh Ferkat Jawdat, là người đã đến Hoa Kỳ tị nạn vào năm 2011. Mẹ và 4 người họ hàng của cha anh hiện đang bị giam giữ tại Tân Cương.

Năm ngày sau cuộc họp, Jawdat nhận được tin nhắn từ Trung Quốc rằng dì và chú của anh đã bị kết án 8 năm tù và chuyển đến một thành phố khác. Anh Jawdat nói rằng, các thành viên trong gia đình anh trước đây đã bị thẩm vấn về các hoạt động của anh tại Hoa Kỳ.

Tôi đã quyết định hoạt động công khai vì tôi không biết tôi có thể cứu mẹ tôi hay không, nhưng tôi muốn cứu những người khác”, anh Jawdat nói.

Kế hoạch của Trung Quốc là quét sạch dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Điều này sẽ được viết trong sách lịch sử như là một cuộc diệt chủng. Những đứa con của tôi và của bạn sẽ tìm hiểu về điều này. Tôi không muốn con gái tôi một ngày nào đó sẽ hỏi tôi: Bố đã làm gì để ngăn chặn điều này?”, anh Jawdat chia sẻ.

Các thành viên của Quốc hội lưỡng đảng đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Trump đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và đã đưa ra các dự luật trừng phạt ở cả Thượng viện và Hạ viện.

Gần một năm nay, tôi đã tham gia cùng các đồng nghiệp của mình ở cả lưỡng đảng để yêu cầu Chính quyền Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan trực tiếp đến việc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại giam”, Dân biểu đảng Dân chủ Brad Sherman, Chủ tịch Tiểu ban đối ngoại về châu Á-Thái Bình Dương, cho biết trong một tuyên bố.

Trong một cuộc biểu tình ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ ở Washington, D.C., vào thứ Bảy, các diễn giả liên tiếp kêu gọi Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc.

Với tầm ảnh hưởng kinh tế rộng lớn của Trung Quốc, nhiều thành viên của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ xem Hoa Kỳ là niềm hy vọng duy nhất của họ.

Trong số các quốc gia Hồi giáo, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ lên án mạnh mẽ Trung Quốc về việc đối xử vô nhân đạo với người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác. Một số quốc gia Hồi giáo thậm chí còn hỗ trợ Trung Quốc.

Năm 2017, Ai Cập đã bắt giữ và trục xuất hàng chục sinh viên Duy Ngô Nhĩ trở về Trung Quốc. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm nay, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman cho biết, Ả Rập Saudi ủng hộ Trung Quốc quyền thực hiện các biện pháp chống khủng bố.

Tháng trước, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (Organisation of Islamic Cooperationc) gồm 57 quốc gia có dân số Hồi giáo đáng kể, đã thông qua một nghị quyết khen ngợi những nỗ lực của Trung Quốc chăm sóc cho các công dân Hồi giáo.

Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các quốc gia trên khắp Trung Á và Trung Đông như một phần của chiến lược ​​Vành đai và Con đường.

Ông Berschinski của tổ chức Human Rights First, người từng phục vụ trong chính quyền Obama với chức vụ Phó trợ lý Ngoại trưởng, cho biết năm 2018 là năm đầu tiên không có lệnh trừng phạt nào được công bố theo Đạo luật Magnitsky hoặc Đạo luật Magnitsky Toàn cầu vào ngày quốc tế Ngày nhân quyền.

Không có lời giải thích chính thức nào được đưa ra, mặc dù ông Berschinski cho rằng có lẽ sự quá tải công việc tại Bộ Tài chính có thể là một yếu tố.

Đạo luật Magnitsky lấy tên từ một luật sư người Nga, ông Sergei Magnitsky, là người đã chết trong một nhà tù ở Moscow sau khi tố cáo tham nhũng của chính phủ Nga. Được thông qua vào năm 2012, Đạo luật Magnitsky cho phép chính phủ Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm nhân quyền. Đạo Luật Magnitsky Toàn Cầu được ban hành vào năm 2016, đã mở rộng khả năng trừng phạt đến nhiều đối tượng trên thế giới.

Ông Bechchinski nói: “Người dân bắt đầu lo ngại rằng chính quyền [Trump] đang từ bỏ các lệnh trừng phạt theo Đạo Luật Magnitsky Toàn Cầu”.

Ghi chú của dịch giả: Đạo luật Magnitsky (Magnitsky Act) được Tổng thống Obama ký thành luật vào năm 2012, cho phép chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt các cá nhân từ Liên bang Nga với tội tra tấn, giết người phi pháp, và các vi phạm nhân quyền khác. Đạo luật Magnitsky Toàn Cầu (Global Magnitsky Act) mở rộng phạm vi của các biện pháp trừng phạt từ chỉ các công dân Nga đến toàn bộ đối tượng trên toàn thế giới có các hành vi vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Với bọn Tầu thì phải đánh trực diện, trong đó, mục tiêu chính là buộc chúng phải thay đổi chế độ và tự do cho cho dân Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ (Uyghur – tức là Tân Cương mà MaiV Phạm đang nói tới), chứ mấy cái lệnh trừng phạt đã nhằm nhò gì mà đã nhắng lên thế!?

  2. Dù ủng hộ các biện pháp cứng rắn kinh tế của ông Trump với Trung cộng thì cộng đồng Việt Nam cũng phải luôn theo dõI và trông chừng thái độ của ông Trump theo từng thời kỳ.
    Chúng ta chưa biết ông là 1 người kiên quyết theo đuổi dân chủ, tự do, nhân quyền hay là 1 người đặt lợi ích kinh tế của Mỹ lên trên hết.

    • Đừng phán xét. Hãy tự thay đổi mình. Trump của nước Mỹ. Cộng sản là của VN. Muốn VN không cộng sản thì tự mình phải quyết.

    • Một kẻ khi mở mõm chỉ biết TẤN CÔNG CÁ NHÂN, bỏ bóng đá người, thì có tư cách ở chổ nào các bạn nhỉ? Không biết giới tính của nghiemnv là gì, nhưng với sự đớn hèn và thiếu hiểu biết lộ rõ qua comment, thì chắc chắc không phải là của một con người có đầu óc. Đề nghị BBT Tiếng Dân xử lý các comment công kích, chửi rủa cá nhân để làm trong sạch không gian đàm luận của bổn báo.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây