Tâm sự với trí thức Việt tộc về tự do (Phần 3)

GS Lê Hữu Khóa

26-3-2019

Tự do nâng tự trọng, dâng tự chủ, đón tự tin

Tiếp theo phần 1phần 2

Tự do qua nhân trí

Tự do qua nhân trí là hành trình của chủ thể qua hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức) trong “tổng thức” (ý thức, nhận thức, tâm thức), tại đây thức được sống và được tồn tại qua tỉnh thức trước điều kiện làm người của mình, thí dụ qua chữ nhân của Khổng học, qua chữ đạo của Lão học, qua quy luật sinh, lão, bịnh, tử của Phật học.

Tự do qua nhân trí luôn là hành trình khám phá (đi một ngày đàng, học một sàng khôn), luôn là hành trình khai phá (thương người như thể thương thân), luôn là hành trình khai sáng vừa cho trí tuệ, vừa cho đạo đức (nắng ba năm ta không bỏ bạn, mưa một ngày bạn đã bỏ ta).

Tự do qua nhân trí có phương trình riêng của nó khám phá-khai phá-khai sáng vì được khai thị, mở mắt nhìn đời bằng ý thức được dựng nên từ tri thức, chính ý thức quyết định ba nền móng cho các định luận về tự do:

  • Ý thức của tư duy về tự do
  • Ý thức của hành động về tự do
  • Ý thức của đấu tranh vì tự do

Tự do qua nhân trí phân biệt được các sinh hoạt xã hội rất khác biệt của chủ thể, trong đó nghề nghiệp khác chuyên môn, chức năng khác vai trò, thân phận khác số kiếp, vì cam phận chấp nhận trong thụ động của cá nhân là chịu nhắm mắt-khoanh tay-quỳ gối với vị thế của nạn nhân, nó hoàn toàn xa lạ với định vị của tự do là đòi hỏi, là đấu tranh, là chủ động để chống lại kiếp khuất phục trước các bất công.

Tự do qua nhân trí chống lại tất cả phản xạ vô điều kiện trong đời sống xã hội, trong sinh hoạt xã hội, trong quan hệ xã hội; không những phản xạ nhắm mắt-khoanh tay-quỳ gối đều đáng chê, khinh, ghét, bỏ, mà kể cả chuyện máy móc hóa ngữ vựng thưa, bẩm, dạ, vâng trước các tầng lớp lãnh đạo đang bóc lột, đang bòn rút, đang tha hóa đạo đức xã hội. Chính tự do sẽ là nền, móng, cột, trụ cho bất tuân dân sự, nếu cuộc đời bị đe dọa, nếu cuộc sống bị tha hóa.

Tự do qua nhân trí của chủ thể có ý thức là sự thông minh, đề nghị chúng ta phải cân, đo, đong, đếm trong đời sống xã hội, trong sinh hoạt xã hội, trong quan hệ xã hội, bằng thực nghiệm (một duyên, hai nợ, ba tình), bằng khoa học (duy lý, chỉnh lý, hợp lý). Và, tự do bó buộc chúng ta phải tra, truy, xét, kiểm lại chính ý thức của chúng ta trước các bất công vẫn còn tồn tại trong xã hội, để làm cho bằng được chuyện mà thi hào Nguyễn Du đã dặn con cháu: “Phải lần cho tới tận nguồn, lạch sông” về các điều kiện làm người để thấy, hiểu, thấu, nhận phẩm chất của tự do.

Tự do ngay trong nhân dạng

Tự do ngay trong nhân dạng là tự do từ hành vi tới ngôn ngữ, từ hành động tới xử thế, vì trong đối nhân xử thế ta thấy được những cá nhân nào đã có hoặc chưa có tự do. Chính nhân dạng là kết quả của nhân cách, dựng nên tư cách để tạo ra phong cách cá nhân, tự lao động qua sáng tạo, từ hợp tác qua đấu tranh.

Tự do ngay trong nhân dạng còn là hậu quả (hoặc hiệu quả) ngay trong truyền thông khi chế tác ngôn ngữ, trong kiểu không, thiếu, vắng, biệt tự do: “thiên mệnh”,“ý trời”, “trời đã định”… hay kiểu biết, hiểu, thông, thấu tự do: “nhân quyền”, “nhân phẩm”, “nhân lý”, “nhân trí”… Đây không phải chỉ là cách nói, là khuôn ngôn ngữ mà là mức độ và trình độ làm người, muốn hay không tiếp nhận nhân trí, để dùng tự do mà đòi hỏi nhân sinh phải có nhân tính.

Đó là quá trình nhận thức về tự do của Thúy Kiều qua ý thức của Nguyễn Du, đi từ vô thức “Ngẩm hay muôn sự tại trời. Trời kia đã bắt làm người có thân”, tới thụ động nhưng thách thức“Cũng đành nhắm mắt xuôi chân. Để xem con vận xoay vần tới đâu”, và cuối cùng là tới nhận thức “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều!”.

Tự do ngay trong nhân dạng là biểu hiện ra ngoại cảnh, ra đời sống xã hội, ra sinh hoạt xã hội, ra quan hệ xã hội một nội dung: chấp nhận hay không số kiếp của mình trước bất bình đẳng, chấp nhận hay không số phận của mình trước bất công. Và, nếu muốn, có, nhận, thâu tự do, thì tự do sẽ thay đổi số kiếp mình, thì tự do sẽ lật ngược số phận oan khiên của mình, để tạo ra một kiếp mới, để sinh ra một phận mới, lành hơn, tốt hơn, hay hơn, đẹp hơn.

Tự do ngay trong nhân dạng luôn mang cùng lúc ba nội hàm, gầy dựng nên nội chất, đúc kết ra nội dung của tự do:

  • Ý thức hiện hữu: có mặt trong cuộc sống, lấy tự do để định hướng nhân sinh quan.
  • Ý thức chủ thể: có mặt giữa cuộc đời, lấy tự do để định vị thế giới quan.
  • Ý thức lý tưởng: có mặt trong thế sự với lý tưởng của đạo lý hay, đẹp, tốt, lành cho mình, cho mọi người, cho chuyện sống chung trong xã hội là chuyện mong muốn, chớ không phải là chuyện cam chịu.

Tự do ngay trong nhân dạng với ý lực của tự do, được thực hiện cụ thể, bởi hai tư duy:

  • Tự do biến ước nguyền thành hiện hữu, hiện diện, hiện tại ngay trong phương án xây dựng cuộc sống.
  • Tự do biến dự phóng trở thành: dự đoán, dự tính, dự phòng ngay trong sinh hoạt thay đời, đổi kiếp vì mình, cho mình.

Tự do giáo dưỡng dân chủ

Tự do giáo dưỡng dân chủ ngay trong chuyện chuyển đổi tư duy, từ chuyện “mỗi người giữ một vị trí” trong định chế, trong cơ chế, để cá nhân không được “cựa quậy” gì trong một chế độ; cho tới nhận thức ra là “mỗi người được đổi vị trí” của mình trong cuộc sống, trong xã hội, cùng lúc đổi luôn số kiếp của tập thể, số phận của cộng đồng của mình trước môt hệ thống ý thức hệ quái tâm dị não, áp chế nhân quyền.

Tự do giáo dưỡng dân chủ ngay trong đấu tranh cho công bằng xã hội, chống lại chuyện“con vua thì được làm vua”, với bi hài kịch “thái tử đảng” sinh ra như những quái thai vô tài bất tướng nhưng được lãnh đạo theo kiểu cha truyền con nối của thể loại“con quan thì được làm quan”, gây một thảm kịch cho cả dân tộc: “cả họ làm quan” qua gia đình, hậu duệ, thân tộc, họ hàng… với một cơ chế quái vật ma hình quỷ tướng, làm trò hề cho các quốc gia dân chủ văn minh.

Tự do giáo dưỡng dân chủ được chứng minh ngay trong lịch sử của Việt tộc là chuyện “con vua thì được làm vua, con sải ở chùa thì quét lá đa” là vừa sai trái, vừa vô minh, vì vừa bất công vừa vô nhân. Hãy nhớ lại trường hợp của Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) là con “sải chùa” mà cũng là minh sư: Vạn Hạnh, đã lập ra triều Lý, sáng ngời trong Việt sử, một triều với các khai quốc công thần, dụng nội lực văn hóa Việt để chế tác ra sung lực cho văn minh Việt, để gầy dựng nên hùng lực cho văn hiến Việt.

Tự do giáo dưỡng dân chủ được chứng minh qua quá trình của các cá nhân, các tập thể, các cộng đồng, từ vị thế nạn nhân của bất công và trong thăng trầm đã chủ động chấp nhận thử thách để tiếp nhận tự do để đề kháng, để đòi hỏi, để đấu tranh, trường hợp các phong trào dân oan là minh chứng thông minh cho tri thức của tự do:

  • Phong trào dân oan Dương Nội, với gia đình của chị Cấn Thị Thêu từ phong trào bảo vệ đất tới đấu tranh vì dân chủ, vì nhân quyền có tầm vóc quốc tế.
  • Phong trào dân oan Đồng Tâm, với dân làng sáng suốt “bắt giữ công an” đã đàn áp họ để cướp đất họ, tới vận động truyền thông dân chủ trong cả nước để cùng đồng tâm với nhau đấu tranh vì dân chủ.
  • Phong trào dân oan Thủ Thiêm, với dân cư quyết tâm bám đất, chống bọn ma xó lãnh đạo thành phố buôn đất bán dân, chặn lại bọn ma bùn chủ thầu buôn đất bán nhà, giờ đã thành phong trào dân chủ được sống và được chết ngay trên mảnh đất của mình, những mảnh đất có được nhờ lao động của tổ tiên và của chính mình.

Tự do chế tác cá tính

Tự do chế tác cá tính, không những qua phẩm chất của cá nhân, đòi hỏi sống bằng chính nhân phẩm của mình, mà tự do còn chủ động để hành động một cách rất cụ thể qua sáng kiến trong cải cách, sáng lập ra các hội đoàn, sáng tạo ra các phương án phù hợp với mong muốn, với chờ đợi, với tâm nguyện: thay đời đổi kiếp, cho mình, cho thân quyến, cho đồng bào, cho đồng loại.

Chính vì tự do luôn bức thiết nên cá tính là kết quả, hậu quả, hiệu quả của tư duy, của hành vi trong hành tác cá nhân, giờ đã có nội lực của kiến thức, sung lực của ý thức, hùng lực của nhận thức để đòi hỏi, để đấu tranh. Có cá tính để đề kháng, có cá tính để đối kháng chống bất công, chống bạo quyền, đây là định nghĩa của cá tính, vừa là thượng nguồn, vừa là hạ nguồn của các định luận về tự do.

Tự do chế tác cá tính, tức là giúp cá nhân cho xuất-hiện-để-thể-hiện cá tính của mình, để khẳng định chuyện thay đời đổi kiếp là chuyện khả thi: làm được và phải làm! Như vậy tự do biến số phận thành dự phóng, biến cá tính thành sung lực của tương lai. Tự do dẫn dắt tự chủ, chính cá tính qua tự do biến ảo thành thực (thực chất, thực tại, thực tế) qua thực tài của cá tính, biết hành động theo kim chỉ nam của tự do.

Và, cả hai tự do cùng cá tính, đã biến cá nhân thành chủ thể, vừa có trách nhiệm với cộng đồng, vừa có bổn phận với tập thể, vừa có đạo đức với dân tộc; cùng lúc có sáng kiến theo dự phóng, biết sáng lập các phương án mới cho tương lai, và có chương trình cụ thể qua sáng tạo, để chế tác ra các đạo lý hay, đẹp, tốt, lành.

Từ đấu tranh Dương Nội tới đấu tranh Đồng Tâm, từ đấu tranh Thủ thiêm giờ với hàng trăm phong trào dân oan trên ba miền của đất nước, trong cả nước, các cá nhân mà lúc đầu còn riêng lẻ, giờ qua đòi hỏi, qua phong trào, qua truyền thông… đã trở thành chủ thể có cá tính mang nội chất tự do vì dân chủ.

Tự do chế tác cá tính, biến nạn nhân thành chủ thể, có tự do hiểu sự thật để nhận diện thủ phạm trong bạo quyền qua độc tài, tham nhũng qua tham quan, nhận diện chân lý để chứng minh các phong trào dân oan là hậu quả của chuyện trộm, cắp, cướp, giật của bọn bạo quyền thông đồng với bọn thầu đất. Chính nạn nhân giờ đã trở thành chủ thể tự do đầy cá tính bảo vệ sự thật để bảo toàn chân lý, bảo hành lẽ phải. Phương trình sự thật-chân lý-lẽ phải là rễ của đạo lý, gốc của luân lý, cội của đạo đức, giờ đã đứng về phía nạn nhân, đã đứng về phía nước mắt, đã đứng về phía nhân quyền!

Tự do luôn song hành với nhân phẩm. Tự do luôn song đôi với nhân tính. Tự do song cặp với nhân cách. Và, ta phải phân tích cao, sâu, xa, rộng hơn nữa: Tự do mang hùng lực của“mâu thuẫn bổ sung” (ngược nhau nhưng không kình chống nhau), đó là tự do vừa biết đề kháng, vừa biết sáng tạo để chiến thắng, đó là tự do vừa trường kỳ, vừa đoản kỳ để thành công trước mọi thử thách!

Tự do tự xây

Tự do tự xây, khi đã tiếp nhận đạo lý, đón nhận đạo đức, thâu nhận luân lý, để xây lên liêm chính, để dựng lên liêm sỉ, bảo vệ nhân phẩm chống lại cường quyền, độc tài, tham nhũng. Từ đó, cụ thể hóa dự phóng đẹp, để hiện thực hóa tương lai, hay để thể hiện hóa chuyện thay đời đổi kiếp theo định hướng tốt, theo chân trời lành cho nhân sinh.

Tự do tự xây, dựa trên ngữ pháp “xây để dựng tự do”, vì không ai ban bố tự do cho ta, mà tự do có được qua ý thức không chấp nhận bất công, qua nhận thức không dung túng độc tài, qua tâm thức không nhượng bộ bạo quyền. Quá trình“xây để dựng tự do” đã được các hệ thống tư tưởng của các quốc gia văn minh nhờ dân chủ, nhất là các kết quả trong nghiên cứu, điều tra, điền dã về hành động tự do trong khoa học xã hội và nhân văn làm rõ nét, rõ dạng, rõ hình, quá trình đó là:

  • Tự do phải biết xây để dựng, qua không gian và thời gian của hệ cảnh (bối cảnh, thực cảnh, tâm cảnh).
  • Tự do phải biết tự xây, qua thực tế và hiệu quả của hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức).
  • Tự do phải biết giữ cái đã xây, từ hiện tại tới tới tương lai theo hệ sáng (sáng kiến, sáng lập, sáng tạo) vừa để bảo vệ vừa để duy trì, vừa để phát huy vừa để phát triển tự do.

Tự do tự xây, đi trên lưng bất bình đẳng để dẹp nó, đi trên vai bất công để hủy nó, đi trên đầu bất tài, dựa độc tài, qua độc đảng, phải ra đi để nhường chỗ cho nhân quyền trong nhân phẩm.

Hãy nhìn sâu hơn các phong trào dân oan (Dương Nội, Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu….) là đằng sau tiếng khóc, tiếng gào, tiếng thét chống bạo quyền sinh ra bất công là định nghĩa cụ thể của tự do: “chống bạo quyền để được sống công bằng”, bất công là không thể chấp nhận được! Bạo quyền không có chỗ hợp lý, hợp pháp để đứng cạnh, đứng kề với nhân phẩm, nhân đạo, nhân nghĩa.

Cho nên, phong trào dân oan là một thể hiện đấu tranh tự do vì nhân quyền, nó rất văn minh nhờ hùng lực dân chủ tự sinh, tự pháp, tức là tự xây của nó. Nó sẽ được tôn trọng xứng đáng trong các hội đoàn nhân đạo vì nhân quyền, trong Liên Hiệp quốc, trong lịch-sử-luôn-muốn-văn-minh-của-nhân-loại, một nhân loại có liêm sỉ!

___

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp hai tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook