GS Lê Hữu Khóa
25-3-2019
Tự do nâng tự trọng, dâng tự chủ, đón tự tin
Tự do là rễ của hệ tự (tự tin, tự lập, tự chủ) không có tự do sẽ không có nhân quyền và dân chủ, cụ thể là sẽ không có công bằng và bác ái để có tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp, tư pháp, không có tự do sẽ không có một xã hội dân sự văn minh.
Tự do là gốc của hệ công (công bằng, công lý, công pháp) trong đó công tâm không hề rời đạo lý và luân lý để tự do cá nhân không bị bóp, xiết, ngăn, chặn bởi ích kỷ, tư lợi luôn là mối đe dọa trong đời sống cộng đồng, trong sinh hoạt tập thể.
Tự do là cội của hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức), hợp lưu của ý thức, nhận thức, tâm thức, làm nội lực cho thăng hoa cá nhân, cho thăng tiến tập thể, cho thăng chất cộng đồng. Không có tự do thì tập thể chỉ là khuôn khép, cộng đồng chỉ là khung kín, và xã hội chỉ là nhà tù không quản giáo.
Tự do là nguồn của hệ sáng (sáng kiến, sáng lập, sáng tạo) trong đó tự do sáng tạo của cá nhân là dàn phóng cho tự do tập thể, là dàn nhúng cho tự do cộng đồng, để đưa xã hội vào quỹ đạo trong cá nhân, làm động cơ cho dân tộc, là động lực cho đất nước.
Tự do là nền của hệ văn (văn hóa, văn minh, văn hiến), trong đó có tự do sáng kiến của tập thể, có tự do sáng lập của cộng đồng, có tự do sáng tạo của cá nhân, kích thích văn hóa mở cửa để đón các văn hóa khác, thôi thúc văn minh của một dân tộc hội nhập vào văn minh của thế giới, đón chào các văn hiến của láng giềng, cùng nhau xây dựng một nhân văn đáng sống cho nhân loại.
Tự do là trụ của hệ nhân (nhân loại, nhân sinh, nhân tình), được tự do của nhân tri, nhân trí, nhân văn đưa tới những chân trời của nhân đạo, nhân bản, nhân tính, trong đó nhân quyền hỗ trợ cho nhân nghĩa có chỗ đứng xứng đáng trong nhân cách của mỗi cá nhân qua tự do. Tức là tự do làm người một cách liêm sỉ nhất, tự do làm chủ cuộc đời mình một cách liêm minh nhất.
Tự do là cột của hệ cá (cá nhân, cá thể, cá tính), tại đây tự do nâng hệ cá tới hệ chủ (chủ động, chủ đạo, chủ quyền) để cá thể thực sự thành chủ thể, sống có trách nhiệm với tập thể, lao động có bổn phận với cộng đồng, tiến thân có đạo đức với xã hội, và chủ thể đó không ngừng có sáng kiến với dân tộc, có sáng tạo vì đất nước, chính tự do là định chất của mọi định nghĩa về chủ thể sáng tạo trong mọi xã hội văn minh, dân chủ, nhân quyền hiện nay.
Tự do là móng của hệ tư (tư duy, tư tưởng), trong đó các hệ thống tư tưởng văn minh luôn lấy tự do của cá nhân, của tập thể, của cộng đồng, của nhân loại làm mấu chốt cho hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) để làm cao, sâu, xa, rộng hệ nhân (nhân tri, nhân trí, nhân văn). Nếu không có tự do nghiên cứu, điều tra, điền dã, trong học thuật thì sẽ không có hệ phát (phát minh, phát huy, phát triển) trong tất cả các chuyên nghành khoa học.
Tự do là mái nhà của hệ triết (từ triết học tới minh triết) đây chính là quá trình tiến hóa tư duy của nhân loại qua nhân tri luôn củng cố cho nhân trí trong quy luật tiến hóa của nhân loại, qua đó ta biết thêm nhiều để hiểu sâu hơn hệ nội (nội chất, nội hàm, nội công) của nhân tính, cụ thể là để thấu suốt hơn số kiếp của con người, thân phận của cá nhân trong nhân thế.
Tự do là thuật để chống hệ tham (tham quan, tham quyền, tham chức) mà thực chất là để duy trì tham nhũng, mà dân tộc đã bị tướt đi quyền tự do bầu cử để chọn người tài phục vụ đất nước, tự do biểu tình trước vô số các bất công trong xã hội hiện nay. Chính tự do dẫn dắt dân chủ, chính tự do sẽ đưa đường dẫn lối nhân quyền, trong đó có tự do để tự chọn cho mình một tương lai, một chân trời không có tham quan bất tài, không có tham nhũng vô nhân, làm kiệt quệ mọi tiềm năng phát triển của Việt tộc, đó là tự do diệt bọn “sâu dân, mọt nước”.
Tự do là vốn để chống hệ độc (độc đảng, độc tài, độc tôn, độc trị) đang truy diệt nội công Việt tộc, đang vùi lấp nội lực trí thức, đang thủ tiêu sung lực thanh niên, đang bóp nghẹt mảnh lực của toàn dân trên con đường phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật… Một hệ độc đang giết lần, giết mòn mội sinh lực xã hội, biến thanh niên là nguyên khí của quốc gia, thành những kẻ làm thuê, làm công với điều kiện lương bổng tồi, với bảo hiểm lao động tục. Chỉ có tự do của toàn dân, của toàn xã hội, của mọi cá nhân mới loại bỏ được hệ độc này đang thiêu hủy tiền đồ của tổ tiên, biến nam giới Việt tộc thành lao nô, biến nữ giới Việt tộc thành nô tỳ cho các nước láng giềng. Tự do phải được xác minh, xác nhận, xác chứng để vĩnh viễn gạt hệ độc đang trù ếm tương lai của giống nòi này.
Tự do là lực để chống hệ xâm (xâm lấn, xâm lược, xâm chiếm) của bọn lãnh đạo Bắc Kinh, mang phong cách không nhân cách mà ta có thể gọi chúng là: tàu tặc, với ý đồ muôn thuở xâm lăng để đồng hóa Việt tộc. Chỉ có tự do bảo vệ chủ quyền, tự do bảo đảm độc lập, tự do bảo quản đất nước của toàn dân, ta mới đi trên lưng bọn bán nước cho Tàu tặc đang lẩn lách trong giới lãnh đạo hiện nay. Chỉ có tự do của chính ta, ta mới đi trên vai bọn lãnh đạo “hèn với giặc, ác với dân”, vì chúng đã vong thân đang chờ vong quốc. Chỉ có tự do của chính ta, ta mới đi trên đầu bọn Tàu tặc chỉ biết dùng tự do của kẻ mạnh để trộm, cắp, cướp, giật, đất đai biển đảo của láng giềng, mà không biết dùng tự do của chúng để làm đẹp tự do của nhân phẩm.
Tự do là nhân tính
Tự do có trong nhân tính, tự khi con người phải tự gầy dựng cho mình một chương trình, một dự phóng, một tương lai nếu con người không dựa vào được thượng đế, thần linh hay tôn giáo hoặc di đoan đẻ gánh số kiếp của mình.
Tự do hiện diện trong chất sống của một cá thể, luôn được củng cố bởi các phương án của cá thể đó trong suốt quá trình sinh tồn của mình: tự thân trong tự chọn để tự chủ trong tự tin là chỉ có mình mới nuôi, mới sống cho mình, nghĩa là chỉ có mình mới tự cứu mình được mà thôi.
Tự do khi được định vị, định hình, định dạng qua ngữ vựng, ngữ văn, ngữ pháp: tự do là tự do, thì tự do không còn cần tới cách giải quyết siêu hình (học) là con người sinh ra và số phận của nó thuộc về hoặc nằm trong tay môt đấng tối cao là thượng đế sáng tạo ra cuộc sống và con người. Bản chất của tự do là vô thần, vì nội chất của tự do là vô thánh, nhưng tự do không vô đạo, nếu định nghĩa đạo là con đường, thì chính tự do là con đường để nhân sinh đi đúng vào hướng của nhân tính. Nếu luận điểm này là cơ sở cho phạm trù tự do, thì chuyện có thượng đế hay không, không còn hệ trọng nữa, vì chính con người phải quyết định và quyết đoán số phận của mình như giãi quyết một vấn đề sinh tử: con người là phương án, nhân sinh là dự phóng luôn đi về phía hay, đẹp, tốt, lành của nhân tính!
Tự do trong hay, đẹp, tốt, lành của nhân tính là tự do của trách nhiệm, của bổn phận ngay trên phương án cho tương lai, ngay trên dự phóng của mai sau, thì tự do chính là đạo lý làm nên luân lý trong đó con người biết nhận trọng trách cho chính một viễn ảnh nhân đạo có hậu cho mình và cho đồng loại.
Tự do là câu hỏi trên thượng nguồn của con người trước cuộc sống, mà chính con người đó phải tìm ra câu trả lời ngay trong hạ nguồn của cuộc đời mình; khi thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong bi quan đã rơi vào: “Chúng tôi tuổi trẻ đầu thai lầm thế kỷ”, rồi lại đặt câu hỏi: “Ta làm chi đời ta?”, thì cậu thanh niên thuở nào là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có câu trả lời ngay trong chiến tranh tang tóc của Việt tộc thế kỷ XX vừa qua:“Tôi yêu mọi người, cỏ cây, nhân loại”. Và, nhân loại này của Trịnh Công Sơn có (đầy và dầy) nhân tính trong một định nghĩa tự do có trách nhiệm trước nhân sinh và mọi sinh vật chúng quanh nhân sinh đó!
Tự do là nhân bản
Tự do là quyền chọn lựa, chọn lựa lúc đầu là giải thích cuộc sống qua một đấng thượng để tối cao sáng tạo ra mọi sự sống, trong đó có cuộc sống, thân thể, hình hài, tư duy của con người, cho đến nay chúng ta có tự do là không tin (hoặc không còn tin nữa) là thượng đế có thể cứu rỗi con người trước các thử thách của đói nghèo, các thăng trầm của bịnh tật, của chết chóc, tới từ chiến tranh, từ bạo lực…
Tự do là quyền quyết định, quyết định đi theo một ý thức hệ chính trị (thí dụ như ý thức hệ cộng sản) để làm cách mạng, để đổi đời rồi đổi kiếp. Và khi cách mạng thành công, con người khám phá ra bọn lãnh đạo cách mạng chỉ là bọn trộm, cắp, cướp, giật, như tổ tiên đã giáo dưỡng cho con cháu “cướp ngày là quan”. Vì, chúng đã biến chất từ các nhóm lợi ích để hình thành ra các mafia ngay trong chính quyền độc đảng của chúng, để làm chuyện “sâu dân mọt nước”, trong đó có kẻ sẵn sàng bán nước. Chúng ta được quyền quyết định không tuân thủ lệnh của chúng, vì chúng đã vong quốc trong ma đạo vong thân của chúng!
Tự do là quyền phán đoán, phán đoán lịch sử để hiểu sử tính, để thấu sử luận, để không lặp lại sai lầm về sử quan trong tương lai, phán đoán các chính quyền độc đảng làm chỗ dựa cho độc tài, độc trị, độc tôn, để chọn lựa và quyết định cuộc sống theo hướng đa tài, dựa trên đa trí, đa năng, đa hiệu, có cơ sở trong đa nguyên để bảo đảm dân chủ vì nhân quyền của chúng ta.
Tự do là quyền hành động, hành động để nhân cách của chúng ta được tôn trọng trong nhân phẩm của một nhân tính trọng nhân quyền, quý nhân tri, yêu nhân trí để nhân thế được tự do chọn lựa nhân nghĩa, nhân tự, nhân đạo, tức là nhân bản.
Tự do trong nhân hành
Tự do không trừu tượng, tự do có hai thế thăng bằng: thân thể và tư tưởng, trong thân thể có thể xác của cá nhân và bản thể là sự trao truyền sự sống tới từ cha mẹ và tổ tiên, trong tư tưởng có tư duy và tự lợi. Tư duy theo phương hướng của tri thức tạo nên ý thức, hoặc theo tư lợi theo định hướng phòng thân, thủ thân, lập thân.
Tự do không mơ hồ, không tự sát, không ai chống một cá nhân được quyền tự sát, nhưng tự do của nhân sinh là để bảo vệ thân thể và tư tưởng, như bảo vệ hai thế thăng bằng khác: sự sống và sự tồn tại, chính cái quyền được sống là định nghĩa đầu tiên của tự do, chính cái quyền được tồn tại là định nghĩa thứ nhì của tự do. Cả hai định nghĩa này làm nên tính duy lý, hợp lý và chỉnh lý trong động cơ của tự do: hành động của tự do.
Tự do được cụ thể hóa qua hành động của tự do theo quá trình: hiểu biết-chọn lựa-quyết định để hành động vì tự do, tự do được sống, tự do được tồn tại trong cuộc sống, và vận dụng cuộc đời, xã hội, cộng đồng, tập thể, gia đình… để ngày ngày thực hiện tự do cao hơn, rộng hơn, sâu hơn, xa hơn.
Tự do luôn thực hiện nhân quyền của nó cao hơn, rông hơn, sâu hơn, xa hơn, nó đòi hỏi được lập gia đình qua hôn nhân, cùng lúc nó cũng muốn sống độc thân để giữ gìn tự do cá nhân của nó. Chưa hết, nó đòi hỏi được ly thân rồi ly hôn, bây giờ nó còn muốn hôn nhân cho các cá nhân đồng tính.
Tất cả đòi hỏi này không hề mâu thuẫn nhau, vì tự do không có khung, chẳng có khuôn, nó là lảnh thổ của nhân tính, luôn muốn nới rộng biên giới, cùng lúc nó muốn phá luôn các ngục tù ý thức hệ, các mô hình bảo thủ, các mô thức lỗi thời, để nhân tri nâng cao nhân loại, để nhân trí đào sâu nhân tình.
Không vô chính phủ cũng không loạn luân, không cực đoạn cũng không ích kỷ, tự do trọng đạo lý, quý đạo đức, nhưng tự do biết xắp, xếp, đổi, sửa luân lý để cuộc sống đáng sống hơn, đáng sống rồi thì phải sống vui để vui sống, từ đó nhân sinh không còn tù hãm nhân trí nữa!
___
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp hai tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).
Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.