Người dịch: Châu Minh Dũng
19-3-2019
Báo Yomiuri Shimbun
Nhiều cơ quan điều phối thực tập sinh kỹ thuật ở Việt Nam đang trả các khoản hoa hồng bất hợp pháp, khoảng 100.000 yên cho mỗi học viên, cho các đại diện và những người khác tại các tổ chức giám sát (xem chú thích bên dưới) ở Nhật Bản, bất cứ khi nào các tổ chức này bảo đảm công việc cho các thực tập sinh này, báo Yomiuri Shimbun cho biết.
Các giao dịch như vậy bị cấm theo luật của [Nhật Bản], khiến Cơ quan hỗ trợ thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản (OTIT) có trụ sở tại Tokyo, phải cảnh báo các cơ quan không tuân thủ quy định, có thể bị thu hồi giấy phép.
Theo một quan chức của cơ quan điều phối, tiền thưởng có liên quan đến khoản hoa hồng mà các thực tập sinh phải trả để vào lãnh thổ Nhật Bản. Số lượng thực tập sinh Việt Nam phải bỏ trốn vì các khoản nợ tăng lên và chính phủ Việt Nam tin rằng các khoản tiền này đang làm cho gánh nặng nợ nần của họ trầm trọng hơn.
Khoảng 2.500 tổ chức phi lợi nhuận đã được chính phủ cấp phép hoạt động với tư cách là các tổ chức giám sát tại Nhật Bản.
Để có thể gửi người đến Nhật, các cơ quan điều phối ở nước ngoài phải được chính phủ của họ xác nhận là các “tổ chức được phép gửi người” và phải ký hợp đồng với một tổ chức giám sát.
Ban quản lý và những người khác làm việc tại bốn tổ chức gửi người ở Hà Nội, đã thừa nhận chuyện trả tiền thưởng. Một trong số các tổ chức này có hợp đồng với hơn 50 cơ quan giám sát ở Nhật, trong nhiều năm đã trả tiền cho đại diện và những nhân viên khác của các tổ chức Nhật. Các tổ chức gửi người đã đồng ý bằng văn bản, trả 100.000 yên Nhật cho mỗi trường hợp thực tập sinh được vào Nhật Bản. Các nhân viên này nói rằng, họ phải trả các khoản tiền để bảo đảm hợp đồng.
Các khoản thanh toán này bắt đầu một phần là do sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt giữa các tổ chức gửi người. Số lượng thực tập sinh kỹ thuật từ Việt Nam đến Nhật Bản tăng vọt trong những năm gần đây, lên tới 130.000 người, nhiều nhất so với tất cả thực tập sinh từ các nước khác vào Nhật Bản. Mức gia tăng tương tự được thể hiện rõ ở số lượng các tổ chức gửi người, hiện đã lên đến khoảng 300.
Báo Yomiuri Shimbun đã tiến hành khảo sát 78 tổ chức giám sát trên toàn nước Nhật, các cơ quan chủ yếu xử lý nhân sự từ Việt Nam và được chứng nhận là “xuất sắc”. Mặc dù có 61 tổ chức khẳng định rằng họ đã từ chối nhận bất kỳ khoản tiền nào, có 24 tổ chức thừa nhận, họ đã được đề nghị nhận tiền hoa hồng.
Tuy nhiên, OTIT biết về các khoản thanh toán như vậy và đã gửi một cảnh báo bằng văn bản cho tất cả các tổ chức giám sát hồi tháng 12/2017. Cơ quan này đang thăm dò các vi phạm có thể xảy ra và chất vấn các quan chức tại một số tổ chức giám sát.
Các tổ chức giám sát bị cấm nhận các khoản hoa hồng theo Luật Đào tạo Thực tập Kỹ thuật và Luật Bảo vệ các thực tập sinh Kỹ thuật với các hành vi phạm tội có thể bị phạt tới sáu tháng tù và đóng tiền phạt tối đa 300.000 yên Nhật. OTIT cho biết, họ sẽ xem xét thực hiện các hành động pháp lý chống lại bất kỳ người phạm tội nào nếu các vi phạm được xác nhận.
Sự gia tăng các vụ bỏ trốn tỉ lệ thuận với số lượng thực tập sinh đến từ Việt Nam ngày càng tăng. Trong năm 2017, có 3.751 thực tập sinh mất tích, tăng gấp bảy lần so với con số ghi nhận chỉ năm năm trước đó. Người ta cho rằng nhiều thực tập sinh đã vay một khoản lớn để trả tiền hoa hồng tới khoảng 1 triệu yên Nhật cho các tổ chức gửi người để được vào Nhật Bản. Nhiều người cho rằng họ phải làm việc bất hợp pháp để xoay xở được các khoản thu nhập cao hơn để trả nợ.
Các tổ chức giám sát
Các tổ chức giám sát là đối tác với các tổ chức gửi người ở nước ngoài. Họ giúp các thực tập sinh tìm việc làm và đảm bảo các công ty tiến hành đào tạo những người này. Họ không hoạt động cho các doanh nghiệp vì lợi nhuận, thay vào đó họ nhận được một khoản tiền cố định từ các công ty nhận thực tập sinh. Một hệ thống cấp phép do chính phủ Nhật quản lý đã được triển khai vào tháng 11/2017, để cấp giấy phép cho các liên doanh được hình thành bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các liên doanh thủy sản và phòng thương mại.