Thảm sát tại New Zealand – Một vụ khủng bố vì chủng tộc hay tôn giáo?

Thạch Đạt Lang

16-3-2019

Một quốc đảo cô lập, bình yên ở Nam Thái Bình Dương, thuộc Liên Hiệp Anh với chỉ có hơn 4 triệu dân vừa trải qua một cuộc thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử. Đó là Tân Tây Lan (New Zealand) vừa bị một biến cố làm rúng động cả thế giới, với 49 người bị bắn chết, xảy ra vào sáng thứ Sáu 15.03.2019, tại 2 nhà thờ Hồi Giáo ở thành phố Christ Church.

Theo nguồn tin cảnh sát cho biết, có 42 người khác bị thương, một số bị thương nặng, trong đó có một em bé 4 tuổi. Cảnh sát đã bắt giữ 4 người – 3 đàn ông, một phụ nữ – sau vụ nổ súng. Một người trong họ là Brenton Tarrant, 28 tuổi bị buộc tội sát nhân.

Đây là vụ nổ súng kinh hoàng nhất trong lịch sử Tân Tây Lan. Điểm đặc biệt ở vụ thảm sát này là kẻ sát nhân cho truyền hình trực tiếp (live stream) biến cố xẩy ra trên mạng xã hội. Ngoài ra, một bản tuyên ngôn của phe cực hữu đã được phổ biến, một phần trong đó vinh danh Darren Osborne, trong vụ tấn công nhà thờ Hồi Giáo Finsbury-Moschee ở London năm 2017.

Brenton Tarrant, thủ phạm xả súng trong nhà thờ ở Tân Tây Lan. Ảnh: Twitter

Tin tức cho biết, Brenton Tarrant là người sinh đẻ tại Úc, một kẻ cực hữu, một tên khủng bố thích sử dụng bạo lực, thường xuyên ca tụng các phong trào cực hữu ở Mỹ.

Nhân chứng mô tả, thủ phạm là một người da trắng, tóc vàng, mặc áo chống đạn, đội nón bảo hiểm. Cảnh sát cũng tịch thu được một số chất nổ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công trong một xe hơi mà họ bất ngờ khám xét sau cuộc nổ súng.

Đội bóng Cricket của Bangladesh chuẩn bị cho cuộc thi đấu ngày hôm sau 16.03.2019 đã may mắn thoát khỏi cuộc tấn công này.

Sau khi thảm sát xảy ra, cảnh sát khám xét một khu đất ở phía Đông Nam New Zealand và di tản người dân ở trong khu vực lân cận.

Thủ tướng Tân Tây Lan, Jacinda Ardern khẳng định, đây là một hành động khủng bố (Terror Act) nhắm vào dân Hồi Giáo trong nước của bà. Ardern nói rằng: “Tấn công vào người Hồi Giáo ở một nơi chốn họ đang cầu nguyện là một hành động kinh tởm, đê hèn”.

Thủ tướng Anh, Theresa May cùng nhiều lãnh đạo khác trên thế giới đều gửi lời chia buồn đến thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand, kể cả cựu tổng thống Barack Obama. Nữ hoàng Elisabeth II bày tỏ sự đau buồn sâu sắc với thủ tướng Ardern, các nạn nhân và hứa rằng sẽ yểm trợ Tân Tây Lan với tất cả khả năng của mình.

Tổng thống Donald Trump của Mỹ cũng gửi lời chia buồn đến Tân Tây Lan như sau: “Tôi gửi lời chúc tốt đẹp và đầy thiện cảm tới người dân Tân Tây Lan sau thảm sát kinh hoàng ở nhà thờ Hồi giáo. 49 người vô tội đã chết một cách vô lý cùng với nhiều người bị thương khác. Nước Mỹ đứng cùng với Tân Tây Lan để chung sức trong bất cứ chuyện gì mà chúng ta có thể làm. Chúa phù hộ tất cả chúng ta”.

Ủy viên cảnh sát Mike Bush cập nhật liên tục tin tức về vụ thảm sát, cho biết số nạn nhân tử vong là 49 người và 42 người khác bị thương. Ông kêu gọi người dân Tân Tây Lan hãy giúp đỡ cho cảnh sát khi có dấu hiệu nghi ngờ, đồng thời phải cảnh giác cao độ vì không có gì bảo đảm an toàn tuyệt đối khi những tài liệu liên quan đến cuộc khủng bố được loan truyền, phát tán rộng rãi trên mạng.

Ông cho biết thêm, để bảo đảm an ninh cho người dân, cảnh sát sẽ được bố trí đông đảo trong các sinh hoạt cộng đồng vào sáng thứ Bảy 16.03.2019.

Cho đến giờ phút này, chưa có kết luận chính xác rằng vụ thảm sát ở Christchurch, New Zealand vì lý do tôn giáo hay chủng tộc. Người ta chỉ biết chắc chắn một điều: Thủ phạm là người da trắng, sinh trưởng ở Úc, thuộc nhóm cực hữu với chủ trương bạo động, thường vinh danh các hoạt động của nhóm cựu hữu thượng tôn sắc tộc da trắng ở Mỹ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đặt câu hỏi được mà không trả lời được câu hỏi. Toàn bộ bài viết giống như “đọc báo dùm bạn”. Nên suy nghĩ kỹ trước khi viết.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây