Bài 1: Thế nào là gây rối trật tự công cộng?

FB Luật sư Hữu Pháp

6-3-2019

Tài xế Hà Văn Nam – người đang đấu tranh với những BOT “bẩn”, kết quả đã khiến nhiều BOT bẩn phải tháo dỡ, di chuyển đến đúng vị trí của nó. Chính vì những hành vi đấu tranh, Hà Văn Nam đã bị những đối tượng xấu bắt, giữ và tra tấn dã man, cũng như nhiều tin nhắn đe doạ giết cả nhà cậu ấy. Cho đến nay, những đối tượng xấu này vẫn chưa được điều tra làm rõ, khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử, TẠI SAO? Đối với việc Hà Văn Nam bị bắt, khởi tố về hành vi gây rối trật tự công cộng tại BOT Phả Lại có nhiều dấu hiệu oan sai, mang tính suy diễn.

Vậy, thế nào là GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG?

Muốn hiểu rõ thế nào là phạm tội gây rối trật tự công cộng, trước hết, cần phải hiểu rõ ràng “trật tự công cộng” là gì?

Trật tự công cộng là hệ thống các quan hệ xã hội được hình thành và điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật và các nội quy, quy tắc về trật tự chung, an toàn chung, mà đòi hỏi mọi thành viên của xã hội phải tuân theo những quy định chung đó nhằm đảm bảo cho cuộc sống, lao động, sinh hoạt bình thường của mọi người.

Nơi công cộng, được hiểu là nơi, chốn có đông người đang sinh hoạt hợp pháp, thuộc quyền sử dụng chung, như công viên, đường xá, hay những nơi có quyền sử dụng riêng, nhưng có lúc tụ tập đông người hợp pháp, như rạp hát, đình, chùa… v..v..

Những nơi chốn, được gọi là công cộng đó, có nội quy, quy tắc điều chỉnh, trên cơ sở pháp luật hiện hành, người nào vi phạm nội quy, quy tắc, phá vỡ sự sinh hoạt bình thường, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người xung quanh, tức là có dấu hiệu phạm vào tội “gây rối trật tự công cộng”.

Do đó, gây rối trật tự công cộng là hành vi vi phạm quy tắc xử sự được đặt ra cho mỗi công dân ở nơi công cộng, xâm phạm tình trạng ổn định của sinh hoạt chung của xã hội. Là các hành vi xâm phạm đến con người, đến quyền hoặc lợi ích hợp pháp của họ hoặc xâm hại đến quyền sở hữu và diễn ra tại nơi công cộng.

BLHS năm 2015, Điều 318 quy định: Tội gây rối trật tự công cộng

“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm”.

Trước tiên, chúng ta có thể hiểu đơn giản hành vi “Gây rối” trong tội Gây rối trật tự công cộng là việc: gây náo động, hò hét gây mất trật tự ở những nơi công cộng như ngoài đường phố, khu dân cư, công viên… Hành vi này gây nên sự xáo trộn, hoảng sợ cho những người xung quanh đang sinh hoạt hợp pháp; làm rối loạn hoạt động nơi công cộng đang diễn ra một cách hợp pháp, người phạm tội thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng với lỗi cố ý.

Tuy nhiên, hậu quả của việc gây rối trật tự công cộng “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” theo quy định của BLHS năm 2015 thì hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn hay quy định cụ thể. Trong nội dung Điều luật Gây rối trật tự công cộng mới chỉ quy định “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Nhưng, NHƯ THẾ NÀO là “ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” đến nay chưa có văn bản nào quy định mặc dù BLHS năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Điều này đã gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật về tội gây rối trật tự công cộng.

Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng và Liên ngành tư pháp Trung ương có văn bản hướng dẫn để các cơ quan tố tụng địa phương áp dụng khi xử lý loại tội phạm này.

Theo tôi, trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, thế nào là “ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải hết sức thận trọng khi xử lý đối với những hành vi gây rối trật tự công cộng, bảo đảm theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội. tránh làm oan người vô tội.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây