31-12-2018
Chỉ còn mấy giờ đồng hồ nữa là hết năm 2018, tờ lịch cuối cùng rơi xuống để đón một năm mới đến. Năm 2018 bản thân và gia đình có nhiều chuyện buồn. Đầu năm mất anh trai ruột, cuối năm mất người vợ chung sống hơn bốn mươi năm. Vốn biết có đến có đi, có sinh có diệt, đời vốn vô thường nhưng cũng không giấu được nỗi buồn riêng. Năm mới tới, cũng muốn gác cái buồn riêng ấy để viết cái gì đấy vui một tý để đón những ngày mới, mong có một năm mới vui tươi hơn.
Thế nhưng đọc báo thấy tin một người chết vì đói và rét trên chiếc xe ba gác ở Thanh Hoá. Người chết mới hơn tuổi sáu mươi, chết quạnh hiu vì đói và rét mà chẳng ai hay.
Thanh Hoá là địa phương nổi tiếng với những cán bộ lãnh đạo khét tiếng ăn chơi, giàu có, vợ lớn vợ nhỏ đầm đìa và vợ nào cũng nhà, cũng xe, cũng tài sản kếch xù. Mặc dù đây là thành phố chẳng làm ra của cải mà chỉ sống nhờ ngân sách trung ương. Cán bộ sống như vua và dân chết như ăn mày. Chuyện này không chỉ có một người mà sẽ còn có nhiều người, nhiều gia đình chẳng có cơm ăn, chẳng có cái áo mặc chống rét khi Tết tới.
Cái chết của người đàn ông vô danh đó khiến ta ngậm ngùi và gợi lại những thảm cảnh của các nhân vật trong các tác phẩm văn học của một thời tố cáo chế độ thực dân phong kiến. Các nhân vật vẫn còn đấy trong thời đại ngày nay. Họ cùng khổ hơn, đau khổ hơn, hờn tủi hơn bởi vì bọn cường hào ác bá ngày xưa không còn nhưng lại có bọn cường hào mới, tàn nhẫn hơn, thủ đoạn hơn, thâm hiểm hơn, ác độc hơn và trên hết là chúng có luật pháp che chở. Chưa viết được lời vui đã thấy thấm những giọt nước mắt cho những số phận.
Nước mắt chưa khô lại được tin: Cả mảng lớn núi Hòn Cậu, ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã đổ ập ước chừng ngàn tấn đất, đá làm sập nhà, chôn chết ba nạn nhân thuộc 3 thế hệ trong một gia đình… Người ta cho rằng những dự án xây dựng trên đầu dân ở Khánh Hoà là nguyên nhân của những vụ sạt lở gây chết người gần đây ở địa phương.
Vì những món lợi người ta bất chấp số phận của người dân, sẵn sàng đặt bút ký cho những dự án đe dọa cuộc sống của dân đen. Và với vị trí thấp hèn, không cất được tiếng nói, người dân nghèo chấp nhận những thiệt thòi về mình kể cả những cái chết. Tang thương phủ trên mảnh đất nghèo ngày cuối năm. Tiếng khóc uất nghẹn đầy xót xa vẫn còn vọng trên đống hoang tàn.
Khi gió lạnh cuối năm thổi về, những dân oan Thủ Thiêm vẫn còn co ro ở những phố Hà Nội để tiếp tục kêu oan như mấy chục năm qua họ đã làm nhưng chưa nghe tiếng vọng. Nhiều người dân Thủ Thiêm vẫn ngóng chờ và rất nhiều người lại sẽ đón giao thừa với thân thế của một kẻ không còn miếng đất để cắm cây nhang, đốt ngọn đèn cầy đón ông bà. Vẫn còn đó những tiếng khóc, vẫn còn đó nỗi uất nghẹn của những kẻ bị cướp trắng tay.
Một Tất Thành Cang vẫn còn đấy, dù bị cách chức nhưng tài sản vẫn còn hiên ngang giữa phố phường. Rồi Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân, Lê Thanh Hải… những kẻ chủ mưu cướp đất của dân vẫn còn đấy, vẫn ung dung tận hưởng cuộc sống vương giả có được từ máu và nước mắt của dân. Chúng còn đó là lòng dân chưa yên, chúng còn đó là nước mắt dán còn chảy, chúng còn đó là nỗi uất nghẹn chưa nguôi.
Và đất nước này không chỉ có từng đó, còn biết bao số phận oan nghiệt bị dập vùi, còn biết bao con người bị đẩy vào đường cùng không lối thoát, còn biết bao đất đai, ruộng đồng bị cướp trắng để làm giàu thêm tài sản của nhóm lợi ích. Biết bao tài nguyên, sông suối, rừng già đã bị vặt trụi để làm thành biệt phủ, cung điện xa hoa, xe hơi bóng lộn và cuộc sống chẳng khác vua chúa của một số người.
Đêm nay, đêm cuối của một năm, gió lạnh làm tê tái biết bao số phận. Oan nghiệt làm đau khổ biết bao con người. Làm sao viết được những lời vui. Tạm quên nỗi buồn riêng lại rơi nước mắt nỗi đau chung của một dân tộc. Lũ sâu bọ vẫn còn đầy ra đấy, dân đen vẫn còn lắm khổ đau.
Năm mới lại chưa thấy hi vọng gì cho đất nước dù chung quanh bầu trời đang chuẩn bị để đốt pháo hoa.