Những cái “khó” của Việt Nam trong hồ sơ chủ quyền biển đảo (Phần 2)

FB Trương Nhân Tuấn

6-12-2018

Tiếp theo Phần 1

Vấn đề Estoppel

Tháng sáu 2016 tờ “The Diplomat” đăng liên tục hai bài viết của tác giả Greg Austin nội dung liên quan Biển Đông nhân vụ TQ cho xây dựng 6 bãi đá chìm, nổi (chiếm của VN năm 1988) thành các đảo nhân tạo.

Greg Austin, cái tên không lạ trong giới nghiên cứu chủ quyền biển đảo VN. Ông là tác giả tập China Ocean’s Frontier (Biên giới trên biển của Trung Quốc), một tập sách gây “mất ngủ” cho giới “học giả” VN. Qua tập sách tác giả cho rằng Việt Nam đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS. Lập luận của tác giả, việc thụ đắc chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa đến từ sự nhìn nhận của “quốc gia” Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tác giả cũng cho rằng VN đã bị mất tố quyền (Estoppel) do công hàm 1958.

Hai bài viết trên “The Diplomat”, một bài tác giả tố cáo VN “bên xâm lược lớn nhứt ở Biển Đông”. Bài kia tác giả phê bình thái độ của Chỉ huy Trưởng lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ là Đô đốc Harry Harris Jr. khi ông này lên tiếng chỉ trích TQ trong việc bồi đắp và mở rộng các bãi ở TS.

Theo Greg Austin, TQ là “nạn nhân”, do việc bắt nạt của Mỹ và yêu sách chủ quyền “phi lý” của VN.

Tập sách cũng như các bài viết của Greg Austin là một thách thức lớn về học thuật cho học giả VN. Đến nay vẫn chưa thấy học giả VN nào phản biện thuyết phục các lập luận của Greg Austin (trong tập sách cũng như trong hai bài báo này).

Những lập luận của Greg Austin ghi lại (ý chính) như sau:

VNDCCH đã ủng hộ chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa từ lúc mới giành độc lập. VN chỉ mới thay đổi lập trường về Hoàng Sa và Trường Sa năm 1979 theo “Sách trắng” gởi LHQ.

Ngày 23 tháng 11 năm 1980, TQ gởi văn thư đính kèm hồ sơ chủ quyền đến Tổng thơ ký Liên hiệp quốc nhằm phản biện (Sách trắng của VN), nội dung:

“Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa… Đây là một thực tế mà phía Việt Nam, trong các tuyên bố và ghi chú của chính phủ, trên báo và tạp chí và bản đồ và sách giáo khoa, đã nhìn nhận và tôn trọng”.

Hồ sơ đính kèm một số tài liệu:

Thứ nhứt công hàm 1958 nội dung “Việt Nam công nhận và hỗ trợ” và “tôn trọng quyết định” (về hải phận và chủ quyền lãnh thổ) của TQ.

Thứ hai, trang báo Nhân nhân ngày 6 tháng 9 năm 1958 đăng tải đầy đủ về tuyên bố của Trung Quốc (mà không có bình luận hay phản biện nào).

Thứ ba, ngày 13 tháng 5 năm 1969, báo Nhân Dân đăng bài tố cáo một vụ xâm lược của máy bay Mỹ trên “Đảo Vĩnh Hưng và Đảo Đông của Quần Đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc”.

Thứ tư, ngày 9 tháng 5 năm 1965, chính phủ VNDCCH ra tuyên bố về việc Hoa Kỳ chỉ định một “vùng tác chiến” ngoài khơi Việt Nam. Tuyên bố xác định “vùng tác chiến” ảnh hưởng đến “hải phận của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên Quần đảo Hoàng Sa”.

Trung Quốc cũng trích dẫn các tuyên bố của một Thứ trưởng Ngoại giao VNDCCH và một quan chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao vào năm 1956, theo đó các vị này cho rằng “chiếu theo lịch sử thì HS và TS thuộc về TQ từ thời nhà Tống”.

Greg Austin cũng mĩa mai sự “thiếu hoạt động để bảo vệ chủ quyền” của VNDCCH và CHXHCNVN thể hiện trong Sách Trắng năm 1979. Greg Austin ghi nhận: tất cả các hành vi bảo vệ chủ quyền được nhắc đến trong Sách Trắng từ 1955 đến 1974 đều được thực hiện bởi “chính quyền Sài Gòn”.

Về vấn đề Hoàng Sa (TQ cưỡng chiếm bằng vũ lực trên tay VNCH ngày 17 và 19 tháng giêng năm 1974), Greg Austin ghi nhận phản ứng đầu tiên của VNDCCH về việc này vào tháng 6 năm 1976 qua việc công bố một bản đồ cho thấy quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ của VN.

Dựa trên những dữ kiện này Greg Austin (cũng nhu nhiều học giả quốc tế khác như Thomas Bradford trong tập “The Spratly Island Imbroglio : a tangled web of conflict”) cho rằng VN đã bị “Estoppel” (mất tố quyền) về Hoàng Sa Trường Sa.

Ý kiến của hai học giả này có phù hợp với nguyên tắc luật học hay không? VN không thể “nói ngược lại” ở các việc gì? Ở “12 hải lý” hay ở “chủ quyền HS và TS”? Ta có thể “hóa giải” được hay không?

Muốn biết ta phải tìm hiểu ý nghĩa nội dung công hàm 1958, đồng thời nắm vững nguyên tắc “Estoppel”. Theo tập quán luật quốc tế nguyên tắc này được áp dụng như thế nào?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Thi Sĩ Bùi Chí Vinh.

    Biển Đông không chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” láu cá
    Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính thưa em (thứ tàu lạ mơ hồ)
    Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn cường hào, không có thềm lục địa cho ác bá
    Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi trẻ khát tự do

    Biển Đông tang thương từ những rặng san hô
    Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo
    Nơi bọn xâm lăng đang gióng trống giương cờ
    Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu

    Anh đã từng nếm mùi chiến tranh, từng nếm mùi đói cơm thiếu áo
    Thoát chết ở Trường Sơn, sống lại ở đồng bằng
    Thuộc lòng sử Việt Nam như một người tử đạo
    Thương cọc nhọn Ngô Quyền, mê chiến thắng Bạch Đằng Giang

    Làm sao có thể thờ ơ trước bầy cá mập ăn đêm
    Dám lồng lộn khắp Biển Đông dọa nạt
    Chúng săn anh và chúng đuổi em
    Bằng lý luận của Thiên Triều xưa… “quá đát”

    Em ơi em tự do có thật
    Mộ gió cha ông cũng có thật kia kìa
    Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập
    Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hả hê ?

    Em ơi em khi sinh tử cận kề
    Mới hiểu hết thế nào là nhân quả
    Mới thấy “cháy nhà ra mặt chuột” ngô nghê
    Thấy “tàu lạ” thành tàu quen… dối trá

    Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ
    Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ
    Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá
    Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do !

    Nguồn Mạng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây