Vài tư biện về giáo dục

FB Dương Kỳ

19-11-2018

Thực ra thì giáo dục của chúng ta đang rơi vào hai trạng thái mà chính nó là tác nhân đã đẩy tất cả những vấn đề của xã hội tới trạng thái hỗn loạn như lúc này:

Thứ nhất là, tách người học ra khỏi cuộc sống mà đáng ra chính trường học phải là nơi cho chúng thấy rõ điều đó nhất và đưa chúng đến những kỹ năng cần thiết để sinh tồn – trường học và đi học không phải là để chuẩn bị, mà thực chất là đang đi vào cuộc sống đang hiện diện một cách chân thực.

Thứ hai là, cưỡng đặt người học vào vị thế của người truyền dạy tri thức mà không phải ngược lại, tức hoá mình vào chủ thể bằng chính tâm thức của người đang ở vào cái trạng thái mà nhà giáo dục phải hiểu được.

Chính bởi cái tư duy và nhận thức vừa hết sức thô thiển vừa phản giáo dục ấy mà sau khi bước vào cánh cửa trường học, những đứa trẻ đã dần trở thành những bản vị không cần phải được minh hoạ mà được ghi nhớ:

Chúng không còn tìm thấy cái hứng thú của việc tiếp nhận tri thức mà bỗng chốc trở nên chỉ còn sự chán nản để cố gắng học thuộc những tiếng nói đến từ phía người dạy;

Chúng chẳng còn cần phải nhận ra mình muốn tìm thấy ý nghĩa gì ở những bài học theo cách mà tâm tưởng tự nó phác hoạ hay hình dung ra;

Chúng không nhất thiết phải chứng minh điều gì ngoài việc lặp lại các khẩu lệnh và đúng nhất các cách lập luận của giáo viên để cho ra cùng một kết quả;

Chúng chẳng còn tha thiết mơ tưởng hay hồ hởi mường tượng về những khung cảnh tự do và tươi vui mà chúng vẫn hằng kỳ vọng rằng chính những con người chung quanh sẽ đem tới khi cùng chung một mái trường;

Chúng chẳng còn biết đặt ra mục đích và phương cách để đạt được điều đó ngoại trừ chỉ còn mục tiêu duy nhất là tỏ ra biết vâng lời và nhiệt thành đáp ứng các đòi hỏi liên tục được đặt ra bởi những người làm giáo dục.

Và tất cả những kiểu cách giáo dục ấy sẽ đưa tới một tình trạng là những tâm hồn trong sáng dành cho những tìm tòi và khai phóng, sẽ dần rơi vào sự đồng dạng về bản tính và không mấy khác nhau về các hoạch định tương lai.

Chúng cũng trở thành những con người thụ động với những định mức nhỏ hẹp để tự thoả mãn lấy những mưu cầu chỉ còn lại sự phó mặc và dễ dãi.

Trong tất cả những giá trị mà nền giáo dục ấy tạo ra được đó là những gã thợ mộc rất xông xáo và sẵn lòng để lấp đầy những kế hoạch được vạch sẵn hoặc bị đốc thúc từ phía những kẻ có quyền áp đặt lên.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây