Trao đổi về bài “Hãy cứu thiên nhiên”

Nguyễn Đình Cống

11-11-2018

Ngày 10/11 trang Bauxite đăng bài “Hãy cứu lấy thiên nhiên Việt Nam!của Mai An Nguyễn Anh Tuấn (NAT).

Bài báo mở đầu và kết thúc bằng tiếng kêu xé lòng: “Hãy cứu lấy Tài nguyên Thiên nhiên của Đất Nước chúng ta đang bị tận diệt”. Đó là tiếng kêu thống thiết của những trái tim và khối óc như bị lửa đốt, dao đâm trước thảm cảnh một phần đất nước đang bị hủy hoại. Tôi xin chân thành chia sẻ tấm lòng vì quê hương của tác giả, xin tỏ lòng cảm phục vì sự hiểu biết, sự dẫn giải và phân tích tình hình khá toàn diện trên thế giới và trong nước. Chỉ xin trao đổi về 3 vấn đề: cách thể hiện, nguyên nhân và biện pháp.

Về thể hiện. Nội dung phong phú là tốt, nhưng bài quá dài. Tôi nghĩ chỉ nên viết dài, trình bày nhận thức đa chiều, lập luận chính xác khi thể hiện kết quả nghiên cứu, nhằm mục tiêu học thuật. Còn những bài có tính thời sự cao nên viết ngắn, thật súc tích, đặc biệt đối với báo mạng. Tâm lý của nhiều người là ngại đọc bài quá dài. Nó dễ làm lẫn lộn các nội dung cơ bản với chi tiết minh họa.

Về nguyên nhân. Tác giả đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản là sự vô cảm và ích kỷ, chỉ biết lợi mình mà xem thường việc hại người và để lại di họa cho con cháu.

Riêng ở nước ta, NAT viết: “Ở VN, sự trì trệ, bảo thủ, tầm nhìn hẹp, yếu kém về chuyên môn, cộng với tình trạng tham nhũng khoa học đã khiến Sự nghiệp Môi trường trở nên lạc hậu so với thế giới hàng thập kỷ, và là căn nguyên của một hệ thống chính sách sai lầm về các vấn đề Môi trường. Điều đó dẫn tới hệ quả là môi trường ô nhiễm tràn lan khủng khiếp chưa từng thấy, Tài nguyên (tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người) bị khai thác bừa bãi phung phí khiến những ai có lương tri và hiểu biết đều phải đau xót đến đứt ruột. Vấn đề Môi trường và Thiên nhiên bị tận diệt cũng đã nóng lên trong các phiên họp Quốc hội…”

Trình bày như trên không có gì sai nhưng chưa chính xác, chưa chỉ ra được sai lầm nghiêm trọng của lãnh đạo trong kế hoạch phát triển đất nước. Sau 1975 VN rơi vào thảm cảnh đói kém, kiệt quệ. Nguyên nhân một phần ít do chiến tranh, phần lớn do sai lầm trong đường lối. Đó là hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo tư sản, cấm chợ ngăn sông v.v… Để sửa sai, lãnh đạo đã nhảy từ thái cực cấm đoán sang thái cực phát triển kinh tế bằng bất cứ giá nào. Tuy rằng có đề ra phương châm “Phát triển ổn định”, nhưng thực tế lại vô cùng nóng vội, quá chạy theo sản phẩm vật chất, quá quan tâm làm giàu cá nhân và nhóm lợi ích, quá chạy theo hình thức về chỉ số tăng trưởng GDP v.v… mà làm xuống cấp đạo đức, gây nhiều oan trái, phá nát môi trường.

Phải chăng sự phát triển như thế là vì hạnh phúc của nhân dân? Đúng là đời sống vật chất của đa số nhân dân được cải thiện (trừ số dân oan), nhưng hạnh phúc thật sự thì không đáng kể. Điều mà lãnh đạo hết sức quan tâm là giữ chế độ độc tài toàn trị, giữ được lợi ích nhóm. NAT chỉ ra: “Ở VN, sự trì trệ, bảo thủ, tầm nhìn hẹp, yếu kém về chuyên môn…” Hỏi rằng ai trì trệ, ai bảo thủ…, vì sao trì trệ và bảo thủ đề làm gì? Phải chăng toàn dân VN, phải chăng trí thức tinh hoa của VN trì trệ, bảo thủ. Không phải.

Cần chỉ rõ ra rằng, trì trệ, bảo thủ là bản chất của lãnh đạo CS. Họ trì trệ vì kém trí tuệ, họ bảo thủ nhằm thực hiện chủ thuyết Mác Lê đã lỗi thời. Không những họ trì trệ, bảo thủ mà còn tìm mọi cách hủy diệt tinh hoa nếu có gì đó trái ý họ. VN đã từng có nhà khoa học lớn bị hành hạ cho đến chết ở trong tù, đó là TS Nguyễn Duy Xuân (thầy của GS Võ Tòng Xuân), là LS Nguyễn Mạnh Tường bị biến từ nhà trí thức lớn thành kẻ ăn mày, là Nguyễn Hữu Đang, một trí thức và nhà cách mạng tiền bối bị hủy hoại gần suốt cuộc đời trong tù ngục v.v… Đó là những kiến nghị, những phản bác về khai thác Bôxit, về Formosa, về nhiệt điện than v.v… bị vứt ngay vào sọt rác và những trí thức đưa ra các kiến nghị như vậy bị quy là thế lực thù địch, phản động.

Trực tiếp gây ô nhiễm, phá nát môi trường là một số cá nhân và tập đoàn, nhưng ai bảo kê, dung túng cho chúng nó, tại sao chính quyền bất lực. Phải chăng lực lượng vô cùng hùng hậu của công an, cảnh sát chỉ lo bảo vệ Đảng và chế độ và góp phần bảo vệ cho bọn phá hoại môi trường. Tôi cho rằng bọn trực tiếp phá môi trường là nguy hiểm, là kẻ thù nội xâm, nhưng bọn dung túng, hỗ trợ cho chúng nó nằm trong chính quyền và lãnh đạo còn nguy hiểm hơn, tội ác nặng hơn. Những tên đã lộ mặt, đã trốn tránh như Võ Kim Cự. Còn biết bao tên khác cần bị vạch mặt chỉ tên, bị xét xử và trừng phạt.

Về biện pháp. NAT có dẫn ra một số công trình của GS Đặng Huy Huỳnh, của TS Nguyễn Đắc Huy, các hoạt động của tổ chức Mơ Mộng, các cuộc thi Chúng em bảo vệ thiên nhiên, Trẻ em vì môi trường và nhiều hoạt động rời rạc khác rồi nhận xét: “xu thế xây dựng nền văn hóa bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường đã bắt đầu trở thành một nhu cầu tự bên trong, có tính cấp thiết của xã hội.”

Những điều NAT nêu ra đều có tác dụng tốt, nhưng chưa chỉ ra được nhiệm vụ cốt lõi. Vấn đề môi trường là cấp thiết của xã hội, quá đúng, nhưng liệu đối với lãnh đạo, đối với chính quyền có cấp thiết không? Họ phải làm gì? Phải chăng là ra vài nghị quyết rồi để đó, phải chăng phát hiện vài vụ, phạt vài chục triệu rồi cho qua, phải chăng tuyển thêm biên chế để lo về môi trường… Đó chỉ là một số biện pháp “gãi ngứa”. Cần dùng biện pháp mạnh từ phía chính quyền. Nhưng than ôi, chính quyền chỉ nói mồm chứ thật tâm chưa muốn, chưa thể, chưa dám dùng biện pháp mạnh. Còn phải đem toàn lực, toàn tâm, toàn trí để chổng đỡ chế độ toàn trị nằm bên bờ vực sụp đổ.

Tiếng kêu của Nguyễn Anh Tuấn “Hãy cứu lấy thiên nhiên Việt Nam”, tuy là tiếng kêu xé lòng, nhưng cũng chỉ mới của một số người. Phải tích lũy từng tiếng kêu như thế để trở thành tiếng thét, thành sức mạnh tinh thần của toàn dân mới mong cứu được đất nước thoát cảnh tàn phá.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. “Phải tích lũy từng tiếng kêu như thế để trở thành tiếng thét, thành sức mạnh tinh thần của toàn dân mới mong cứu được đất nước thoát cảnh tàn phá.” <= Kính thưa GS NĐ Cống và tất thảy Quý bạn quan tâm: Cần và có thể làm gì, như thế nào? Thiển nghĩ, phải chăng hãy sử dụng ngay quyền công dân hiến định, nắm tay nhau cùng XUỐNG ĐƯỜNG, thét to, hô vang để đông đảo quốc dân đồng bào cùng biết, đồng bào hải ngoại biết, bạn bè quốc tế biết, …
    Đỗ Thịnh, 76 tuổi, 037.8462.640

  2. Bắt chước trí thức mải mê trích Bác Hồ, tớ cũng trích Bác Hồ mê mải. Thời chống Mỹ cứu (cái con Tự Do í) nước, Bác Hồ kính iêu của chúng ta có nguyện “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn” cũng phải “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, đánh cho Trung Quốc nó vào biển Nam Trung Hoa”, aka giải phóng miền Nam khỏi sự đô hộ của dân chủ tư bẩn. Bi giờ Đảng phản bội lại lý tưởng Cộng Sản của Bác Hồ kính iêu, nháo nhào phát triển chủ nghĩa tư bẩn, chúng ta cũng nên hy sanh thiên nhiên để theo Đảng .

    Nghĩ lại dân mềnh tin yêu Đảng quá đi mất . Hễ Đảng dắt đi đâu là đi theo, bất kể con đường đó có phản bội lại tư tưởng của Bác Hồ kính iêu hay không .

    • Con đường đó Không chỉ phản lại bác hồ mà đấu cha tố mẹ,nhục mạ Tổ tiên,giết nhau như ngoét để tranh quyền làm tiền bằng mọi giá dù tàn phá hết non sông…!

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây