“Khẩu súng hai nòng” của Bộ xây dựng

FB Nguyễn Tiến Tường

11-11-2018

Không có một quốc gia nào “kỳ lạ” như Việt Nam. Thay vì lập pháp ban hành luật thì lại để hành pháp xây dựng luật sau đó Quốc Hội thông qua. Điều này dẫn đến việc cơ quan quản lý tha hồ ra luật, vừa đá bóng vừa thổi còi, thậm chí ra luật này đá luật kia.

Điền hình như Luật Nhà ở do Bộ Xây dựng ban hành năm 2014, Khoản 4, điều 23 quy định DN muốn chấp thuận đầu tư dự án, phải nhận chuyển nhượng “đất ở”, tức 100% đất ở. Đây là một quy định cực kỳ vô lý mà có thể xem Bộ đã tự đặt một Barie chặn đường.

Bởi vì Luật Đất đai có trước đó, quy định tại điều 191 quy định tổ chức kinh tế “được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân”. Nực cười nữa, Luật Nhà ở lại được xây dựng dựa trên cơ sở Luật Đất đai nhưng lại “phản” luật mẹ.

Chưa hết, Quy định này của Luật Nhà ở còn “tát” thẳng vào Luật Quy hoạch khi Luật này cho phép định hình các khu đô thị, khu dân cư mới. Nhưng với quy định 100% đất ở, sẽ không thể nào lập các đô thị mới, khu dân cư mới cả.

Bởi vì thực tiễn là cần các quỹ đất hợp pháp nhiều loại sau đó mới chuyển đổi tùy công năng, mới hình thành đô thị. Quy định như vậy thì đất hoang, đồng ruộng, ven sông rạch… không được phép lập khu đô thị. Sẽ không có Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Củ Chi… và bài toán Thanh Đa cũng chết dở.

Luật đi ngược với thực tiễn, kiểu có con rồi mới có cha, có cháu giữ nhà rồi mới có ông. Cũng may Lý Thái Tổ dời đô đã lâu, chứ nếu không thì sẽ bị luật hành ra bã.

BXD dựng luật sai nhòe ra, báo hại địa phương. 3 năm qua, TP. HCM kêu cứu bằng một núi văn bản. Kêu lên Bộ XĐ, thứ trưởng Đỗ Đức Duy kêu rà soát. Địa phương rà soát báo cáo, chỉ 26% dự án đáp ứng đúng luật. Vì là dự án giữa trung tâm thành phố. Còn nếu là dự án mới ở ngoại thành đáp ứng nhu cầu an cư bức bách của dân, thì không thể làm được do vướng luật.

Thứ trưởng Duy nhận báo cáo xong tưởng làm gì. Lại kêu địa phương báo cáo Chính phủ. Địa phương xin chính phủ, PTT Trịnh Đình Dũng (nguyên là Bộ trưởng Bộ XD thời điểm ra Luật Nhà ở) rất rành rẽ về việc này, lại chỉ đạo lòng vòng bao gồm một nhỏ hai nhỏ và ba nhỏ rất chung chung.

Cái địa phương trông chờ nhất là Văn bản hướng dẫn luật điều chỉnh lại chữ “ở” thì 3 năm qua, Bộ Xây dựng không cho!

Chỉ một chữ “ở” sai, luật đang gây tổn thất cực lớn cho xã hội. Đối với các quốc gia văn minh, việc ra luật sai sẽ bị khởi kiện bồi thường. Nhưng cơ chế Trung ương tập quyền ở Việt Nam quá khủng khiếp, làm sai mà 3 năm xin sửa không sửa.

Có ý kiến cho rằng Bộ bảo thủ, sợ trách nhiệm không dám sửa sai. Tuy nhiên, cũng rất dễ suy luận Bộ cố tình tạo Barie để “mở cửa” linh động chăng? Bởi vì nếu song hành hai luật nói trên, Bộ bán vé luật nào cũng được? Trong khi địa phương thì không dám ho he, mòn mỏi đợi chủ trương. Nếu như vậy, thì đây là một ví dụ điển hình của tham nhũng chính sách.

Nếu chiếu theo Luật Nhà ở, còn một mét vuông đất không phải đất ở cũng không được làm dự án, thì Dự án Thành Phố Thông Minh trị giá 4 tỷ đô mà đích thân Thủ tướng duyệt cho Tập đoàn Sumimoto và BRG thực hiện tại Đông Anh (Hà Nội) trong thời gian gần đây dựa trên luật nào khi rõ ràng 271ha đất ở giai đoạn một, chắc chắn phần lớn là đất nông nghiệp?

Đợi Quốc Hội xem xét lại Luật lúc đó thì địa phương được vạ má sưng, con chết khát mẹ mới cho bú. Không chỉ dựng “luật hai cửa”, còn rất nhiều chính khác tại Bộ Xây dựng biến bộ này thành đồn luỹ siêu lợi ích cục bộ. Chúng tôi sẽ đề cập đến nhân vật đã cố công xây dựng chính sách kiểu “súng hai nòng” để trục lợi.

Tạm thời, xin kính méc Quốc Hội một kiểu kiến tạo “tréo ngoe” của hành pháp!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây