“Cách mạng 4.0“ (Phần 3): Nền độc tài số – Digital Dictatorship

FB Nguyễn Thọ

18-10-2018

Tiếp theo Phần 1Phần 2

Kẻ nào nắm được khẩu phần ăn của bạn, chưa chắc đã điều khiển được bạn. Nhưng khi đã nắm được cách sống, cách suy nghĩ, cách tiêu tiền của bạn, họ có thể điều khiển được. Đó chính là nguy hiểm của Chủ nghĩa Tư bản số TBS mà nhân loại phải đối mặt.

Trong khi phương Tây đắp “thành lũy mạng“ để cản các cuộc tấn công của kẻ thù vào các căn cứ hạt nhân, các hệ thống năng lượng quốc gia, các kho dữ liệu tình báo… thì họ lại bị nốc-ao (Knock out) qua các kẻ hở của các tập đoàn TBS. Giờ đây tình báo Mỹ, Phòng nhì Pháp và BND của Đức bỗng nhiên phải tập trung vào điều tra các fake news đã và đang tác động đến kết quả bầu cử và tình hình bài ngoại ở các nước này.

Sự tinh vi xuất sắc của các loại fake news này ở chỗ nó không tung tràn lan các thông tin chống lại đối tượng nó cần phải triệt hạ. Dựa vào các dữ liệu thu thập được, các trung tâm fake news thậm chí đưa ra các tin có lợi cho đối thủ, nhưng chỉ tập trung mê hoặc một nhóm cử tri thích hợp. Sau khi kết quả sít sao vụ trưng cầu dân ý Brexit với 51,9% vs. 48,1% được công bố, hàng trăm ngàn thanh niên Anh bỗng cảm thấy mình có lỗi. Chỉ trước đó 2 ngày, họ đã đọc được trên mạng kết quả thăm dò là phe phản đối sẽ thắng áp đảo. Dù đa số thanh niên Anh muốn ở lại EU, nhưng tin vui đó là một cái cớ để những kẻ ham vui tận dụng ngày thứ năm được nghỉ để ngủ bù cho đêm disco vừa qua. Sau ngày này, không ai tìm ra kế quả thăm dò đó ở đâu ra nữa. Đây có thể là giải thích cho việc quá ít thanh niên tham gia bỏ phiếu hôm đó. (1)

Những giả thiết về vai trò của Nga trong vụ bầu cử 2016 ở Mỹ và vụ 50 triệu bộ hồ sơ người dùng Facebook bị à Cambridge Analytica móc túi để dùng cho vụ bầu cử ở Mỹ cho thấy nhân loại đang có nguy cơ trở lại “Jurasic Park“. Người ta đã hân hoan vì tạo ra được những sinh vật cực kỳ thông minh, lớn nhanh như thổi, để rồi không còn kiểm soát được nó nữa. Những kho dữ liệu khổng lồ, được phân tích và phân loại cực kỳ chính xác, khi đã bị lợi dụng, sẽ có sức phá hoại khôn lường. Nhìn vẻ mặt lúng túng của Zuckerberg trong các cuộc điều trần ở quốc hội Mỹ và EU, tôi có cảm tưởng cậu đang mất dần sự kiểm soát đứa con cưng của cậu. Những gì đang xảy ra ở VN cũng vậy.

Nhưng may mắn là CNTB chỉ tồn tại trong không gian tự do và phát triển được nhờ tự do cạnh tranh. Chính nhờ cạnh tranh mà các tập đoàn TBS đã không thể trở thành khủng long. Người ta không quên sự biến mất của AOL, sự đi xuống của Hotmail và Yahoo. Không cẩn thận thì Facebook hay Google cũng cùng chung số phận. Cẩn thận với ai? Với các đối thủ, với thị trường, với hệ thống pháp luật. Nhưng đáng sợ nhất là xã hội dân sự, người bảo vệ cho tự do thông tin và bí mật cá nhân. Tất cả các thợ săn này đã giữ được phần nào cân bằng sinh thái không gian mạng. Ở những khu rừng già thiếu các yếu tố trên, có lúc thỏ bị sói “nuốt bài” và “xé danh khoản”. Tư bản mà.

Nhưng toàn cầu hóa cũng góp phần cho TBS phát triển nhanh tại các chế độ Tư bản độc tài (Autocratic Capitalism). Ở đó TBS đã thực sự trở thành con quái vật. Trong nhiều bài trước, tôi đã kể về Chinanet một mình chống lại Internet.

Trung Quốc không phát minh ra Internet, eCommerce, hoặc eBanking, nhưng lại có 9 trong số 20 tập đoàn mạng lớn nhất thế giới. Các Weibo, Baidu, Alibaba, Wechat v.v. cung cấp cho gần 800 triệu người sử dụng tất cả các loại dịch online vụ nào mà trên đời này có. Hơn cả Amazon, Alibaba còn lo vận chuyển hàng xách tay cho khách du lich TQ từ các outlet ở châu Âu về đến tận nhà. 800 triệu người Hoa đang hân hoan tận hưởng các kiến thức mới, các tiện nghi trực tuyến qua các máy ZTE, Huawei… Chỉ có một thiểu số tinh tú biết rằng, họ đang bị giam và bị đồng hóa trong cái lồng sắt Chinanet (Khi đã biết thì có cách chống).

Những thanh niên Trung Quốc mà tôi gặp ở Đức thường là những người dễ thương và có học, rất linh hoạt trong sinh hoạt mạng. Nhưng khi nói chuyện về các đề tài dân chủ, nhân quyền, môi sinh, họ hẫng hụt bởi nhiều khái niệm.

TBS Trung quốc không chỉ tập trung vào ngu dân mà đã trở thành một bộ máy giám sát và theo dõi dân. Tiết lộ dữ liệu cá nhân của người sử dụng là một tội danh ở mọi xứ tự do, nhưng ở Trung Quốc không tiết lộ mới là tội. Những năm qua, công nghiệp tin học TQ đã có những bước tiến lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nhận dạng và Big Data… “Nhà nước và Tư bản cùng làm“, họ bắt tay ngay vào việc quản lý xã hội bằng các thành tựu đó. Mua bánh bao ngoài chợ hay cho tiền người hát rong bằng barcode và smartphone không phải là huyền thoại, mà là một thực tế. Trong một xã dân chủ thì đây là một thành tựu eBanking vĩ đại. Nhưng trong một chế độ độc tài thì đây là một cơn ác mộng.

Mới đây, Băc Kinh thí điểm việc quản lý công dân ở một số thành phố nhỏ bằng cách cho điểm và phân loại công dân . Social Credit System – Hệ thống tín dụng xã hội , cái tên nghe vừa XHCN vừa tư bản. Thông qua các mạng trên, người ta sẽ thu thập mọi dữ liệu về sinh hoạt của công dân. Anh nào hay xem phim sex sẽ bị trừ điểm, xem phim cách mạng thêm điểm. Mua nhiều rượu bị trừ, mua rau sạch được cộng điểm. 1,4 tỷ công dân bị kiểm soát bằng 200 triệu camera ở mọi ngõ ngách(2). Công nghệ Big Data và AI cho phép scan mọi biển số ô-tô và nhận dạng từng khuôn mặt. Ai đi sai luật hay cãi cọ bị trừ điểm. Phê phán chính quyền thì mất hàng đống điểm. Ai trên 1300 điểm thì được xếp hạng công dân AAA, con cái sẽ dễ vào đại học hơn. Ai dưới 700 điểm là có vấn đề. Thấp hơn nữa thì tự nhiên không mua được vé tàu, vé máy bay.(3)

Phóng sự của ABCnews đã làm tôi bị sốc (4). Sốc không phải vì các biện pháp dồn con người vào rọ, mà vì những nạn nhân lại thấy hạnh phúc khi được chui vào rọ. Ai có thời gian, có thể dịch và phụ đề tiếng Việt phim này để mọi người cùng xem, cùng rùng mình về Tư bản số trong chế độ độc tài.

Lùa được dân vào các khuôn phép vô hình và nếu ép vài thế hệ sống theo những ba-rem đó, người ta sẽ làm được như người Nhật trồng dưa hấu vuông. Vài trăm triệu người Trung Quốc sẽ bị đồng hóa tròn xoe như nuôi trong lọ.

Phẩm chất của loài người chính là ở chỗ không ai giống ai. Cá tính nhã nhặn, sạch sẽ, đúng giờ cũng cần như tính nóng mặt là chửi, hứng lên là làm. Tính khôn lỏi, né tránh cũng cần như máu khùng, rỗi hơi xuống đường biểu tình giữ cây xanh để ăn đòn của du côn… Sự cọ xát giữa những dị biệt này đã đưa nhân loại được như hôm nay.

Nếu mọi người bị đồng hóa thành một quần thể chỉ suy nghĩ và hành động theo một sự chỉ đạo thì loài người sẽ quay lại trước cả thời kỳ man rợ. Thời kỳ của những con giun. Giun digital!

*Ngày Blogger Như Quỳnh cùng gia đình được đoàn tụ tại Mỹ. Nhớ thương 4 mẹ con bà cháu chị Tuyet Lan Nguyen!

______

(1) https://www.deutschlandfunk.de/grossbritannien-junge-briten-demonstrieren-gegen-den-brexit.795.de.html

(2) https://iapp.org/news/a/chinas-path-towards-a-digital-dictatorship/

(3) https://www.stern.de/digital/technik/china–totale-ueberwachung—so-sollen-alle-buerger-bewertet-werden-7943770.html

(4) https://www.facebook.com/abcnews.au/videos/the-worlds-first-digital-dictatorship-is-up-and-running-in-china/344665802945830

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây