Bức tranh ô nhiễm sơ lược

FB Mai Quốc Ấn

15-10-2018

Các nguồn thải tại Việt Nam gây ô nhiễm và nhiễm độc trực tiếp hay phơi nhiễm đủ thời gian để nhiễm độc tích tụ tại Việt Nam không hiếm. Đa số chúng không phải “thiên tai” mà do “nhân họa”.

Có một số nguồn đất, nước tại địa phương bị nhiễm độc (asen trong nước là ví dụ) vì điều kiện địa chất. Mức độ asen trong đất, nước hay trong trái cây, rau củ, gia súc gia cầm thường ở mức chấp nhận được và mức độ tích tụ độc tố sẽ còn ở ngưỡng an toàn và có các biện pháp kiểm soát y tế khác để tình hình trong ngưỡng chấp nhận “kiểu Việt Nam”. Dùng cụm từ “kiểu Việt Nam” bởi vì Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) là rất thấp so với thế giới. Hãy hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu lâu năm, bạn sẽ hiểu ngưỡng của tiêu chuẩn trong nước của Thái, Sing, Hàn, Nhật cao bao nhiêu. Ở Thái Lan hiện tại, chuẩn của họ tương đương với Mỹ.

Giờ nói đến “nhân họa”. Hãy lấy ví dụ về cụm nhiệt điện Vĩnh Tân ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Các nhà máy Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng đặt sát nhau và khi xây dựng gần như giống nhau tuyệt đối về địa chất, luồng gió, nước làm mát (nước biển), dòng chảy (của biển), khu xử lý chất thải (bản chất là khu chứa tro xỉ).v.v.. Tất cả điều này đều có modul số liệu tính toán trong Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của từng dự án một. Nhưng khi tất cả các nhà máy đều cùng hoạt động phải tính đến mức cộng hưởng của nó đến môi trường thì chưa. Cái “chưa” đầu tiên chính là chưa công bố ĐTM để cộng đồng giám sát. “Chưa” tiếp theo là quan trắc tự động nguồn thải cũng cần công bố sô liệu cho cộng đồng được biết. Và thứ “chưa” nguy hiểm nhất chính là chưa có phương thức xử lý nguồn thải một cách khoa học.

Thứ ví dụ bằng mắt thường dễ thấy nhất là núi tro xỉ ngày càng đầy lên và sắp hết chỗ chứa. Nghĩa là phương pháp xử lý kiểu cũ (chôn lấp) đã qua lỗi thời vẫn được áp dụng. Ngoài ra, không nhìn thấy là mức độ ô nhiễm đất, nước, không khí (phải test mẫu) mà cán bộ đã giấu. Tôi dám dùng từ “giấu” vì người dân khẳng định đoàn nọ, đoàn kia của trung ương và địa phương đến nhiều nhưng dân chỉ biết đến thế, số liệu không thấy đâu. Ngay cả tiền hỗ trợ nước uống (vì nước giếng mức ô nhiễm rất cao) cho người dân được quy thành “hỗ trợ thiên tai” là đủ hiểu các cán bộ có trách nhiệm đã báo cáo láo ra sao.

Có ĐTM hay các mẫu test định kỳ, test bất kỳ tại nơi này mà công bố lên website của Bộ TNMT, UBND tỉnh, wesite cấp sở đúng tinh thần minh bạch thì các nhà khoa học sẽ chỉ ra được mức độ ô nhiễm. Tôi dùng cụm từ “mức độ ô nhiễm” là nói ô nhiễm ít hay nhiều, ô nhiễm có kiểm soát hay không kiểm soát chứ ô nhiễm là chắc chắn.

Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 20 nhiệt điện hoạt động và tiến tới sẽ là 54 nhiệt điện đồng loạt hoạt động năm 2030. Hãy nhớ số liệu này!

Nhưng nghĩ Việt Nam chỉ có bấy nhiêu nguồn ô nhiễm thì hết sức sai lầm. Các bãi xỉ thép, bãi xỉ từ làm ximang, làm phân bón hay xỉ hạt nix đóng tàu, dầu cặn tưới rau, chất thải nuôi heo gà bò,… đều có thể là nguồn ô nhiễm trực tiếp gây ra bệnh tật. Các họng xả của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cũng là những nguồn độc hại rất lớn. Khu công nghiệp thì có đấu nối xử lý nước thải tập trung nhưng chỉ cần công bố kết quả quan trắc tự động sẽ rõ nó có hoạt động thường xuyên, đúng luật hay không. Cụm công nghiệp hay cơ sở sản xuất kinh doanh bất kỳ tôi đảm bảo chỉ cần vài thiết bị đo đạc nước, không khí cơ bản xung quanh mà xác định vượt ngưỡng cơ bản; bằng kinh nghiệm cá nhân là tôi có thể dự đoán được mức ô nhiễm đủ để gọi thanh tra Sở TNMT địa phương hay C49, PC49 lập biên bản hoặc bắt tại trận hay không.

Đôi khi, qua báo chí, một số báo cáo cho rằng không khí Hà Nội hay Tp.HCM trong mức an toàn thì bạn chỉ cần xem hôm đó… có mưa hay không. Mưa sẽ kéo lượng bụi trong không khí vào nước mưa nên không khí vốn ô nhiễm trở nên an toàn thì sẽ có mưa axit. Vật chất vốn không tự sinh ra và mất đi, đó là điều cơ bản. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ khác về báo cáo láo về nguồn ô nhiễm, mức độ ô nhiễm.

Đây chỉ là chút phác họa về các nguồn ô nhiễm để các bạn dễ định hình về các “nguồn độc” sẽ gây nhiễm độc trực tiếp hay phơi nhiễm, nhiễm độc tích tụ. Hãy nhìn việc ô nhiễm ở một góc độ rộng hơn và logic hơn. Khi phản đối bauxite Tây Nguyên thì nên nhìn khu vực chứa bùn đỏ cách đầu nguồn sông Đồng Nai khoảng 20km. 20km đấy chỉ dài và chậm khi bạn đi bộ chứ nó chỉ là vài chục phút đến vài giờ để số bùn ấy ảnh hưởng đến hơn 16 triệu dân trong lưu vực sông nếu vỡ hồ chứa bùn đỏ, ví dụ thế.

Chặt cây rừng, xây nhà máy nơi cách bạn cả nghìn km không có nghĩa nó không ảnh hưởng đến sức khỏe hay túi tiền của bạn. Và mất một khoảnh rừng, thêm một nhà máy chính là giảm tín chỉ cacbon (CDM) của quốc gia để rồi mọi thứ thuế, phí bảo vệ môi trường theo cam kết của Việt Nam với thế giới phải tính vào túi tiền gia đình bạn. Phí môi trường trên giá xăng là một ví dụ rất cụ thể và dễ hiểu. Phí rất cao, nhưng thu nhập bình quân đầu người của chúng ta lại rất thấp so với thế giới.

Bạn có dụng cụ để test toàn bộ thứ bạn ăn uống không? Nếu không, xin đừng vô cảm! Kể cả bạn có uống nước đóng chai, ăn đồ nhập bạn cũng phải… thở.

Tôi đã chứng kiến quá nhiều cái chết của người quen lẫn người lạ, người im lặng lẫn lên tiếng về ô nhiễm. Họ có một tên chung: bệnh nhân K. Và tôi tin chắc chắn một điều rằng bất kỳ ai xem status này từng chăm chút người thân là bệnh nhân K trước khi “bắt buộc chia tay” sẽ hiểu rất rõ điều tôi viết.

(Biết đâu, chính tôi, do đi thực tế ở rất nhiều nguồn thải suốt hơn 10 năm qua, sẽ là người tiếp theo…)

Chú thích: Tôi mới chỉ viết về tro xỉ nhiệt điện- lý do làm cho người dân Vĩnh Tân “xuống đường”. Nhưng nó chưa là gì so với núi gyps khổng lồ này của các công ty sản xuất phân bón. Tro xỉ thép và hạt nix cũng độc hại hơn tro xỉ nhiệt điện nhiều. Ảnh: internet

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Các ĐTM không những chỉ xét hàm lượng riêng thải ra từ cột khói một và chỉ làm mô hình cho bụi thô PM 10. Không một ĐTM nào làm mô hình khảo sát tác động của bụi cực mịn PM 2.5 cũng thải ra đó mới là loại ô nhiễm nguy hiểm và độc hại nhất cho sức khoẻ dân cư. PM 2.5 được thế giới khoa học chọn ra làm cơ sở để tính ra chỉ số phẩm chất không khí AQI hay Air Quality Index. Nếu cứ bỏ qua PM 2.5 không cần khảo sát cùng nghĩa là bỏ cửa trống cho kẻ sát thủ âm thầm tấn côngbvào buồng phổi hàng triệu dân mình. Theo một nghiên cứu trong nước số người dân chiụ ảnh hưởng trên 30 triệu. Không còn thời gian cho dân chờ các quan ngăn cản thảm trạng này khi họ quyết định ưu đãi dành 50% công suất điện trong quy hoạch sẽ cho điện than. VN ơi hãy tỉnh dậy.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây