Đường vào kỷ nguyên mới

BS Nguyễn Đan Quế

10-10-2018

Thế giới thay đổi lớn. Các siêu cường đang ‘sắp xếp’ lại chiến lược toàn cầu của mình, chủ yếu dựa trên sức mạnh mới Kinh tế Kỹ Thuật Số, với nhiều ‘bước ngoặt’ phức tạp trong đó có mậu dịch thế giới, để đi vào Chiến Lược Toàn Cầu Mới: Hợp Tác Bắc – Nam.

– Khối Bắc hơn 20 nước, 1/3 dân số toàn cầu, nơi cách mạng Số đang diễn ra vũ bão, với 5 trung tâm quyền lực hàng đầu là: Mỹ – Trung – Nhật – Đức – Nga.

– Khối Nam khoảng 180 nước lớn nhỏ với 2/3 dân số thế giới, đang được thúc đẩy làm Cách mạng Kỹ-nghệ-Hóa, do các nước Khối Bắc chuyển giao (thông qua vốn – kỹ thuật – quản lý), nhằm lấp bớt hố xa cách các nước giầu với các nước nghèo.

Trong khi chạy đua làm CÁCH MẠNG XÃ HỘI KỸ-THUẬT-SỐ, 5 trung tâm quyền lực, Mỹ – Trung – Nhật – Đức – Nga chắc chắn bắt buộc phải chấp nhận THẾ LIÊN HOÀN VỪA HỢP TÁC (để giải quyết những thách thức toàn cầu) VỪA CẠNH TRANH (nhằm chi phối Khối Nam qua đầu tư và thương mại).

Giữa 5 hiện không có mâu thuẫn đối kháng. Nhiều khi công kích nhau kịch liệt, nhưng vẫn chỉ là mâu thuẫn không-đối-kháng. Những mâu thuẫn là luôn thường có, trong chiến lược riêng có phần chung để đối phó vấn đề toàn cầu nào vượt xa khả năng của 1 trung tâm riêng lẻ.

Quan hệ giữa một trong 5 trung tâm của thế liên hoàn với một nước trong khối Nam rồi đây càng ngày càng mang tính ‘đối tác’ hơn là ‘đồng minh’.

Quan hệ giữa các dân tộc trên hành tinh, khuynh hướng chung là hợp tác và giao thoa: Về kinh tế Hợp tác Bắc – Nam qua trật tự kinh tế quốc tế mới, hàng kỹ-thuật-Số trao đổi với hàng kỹ-nghệ-hóa; Về văn hóa là giao thoa Đông – Tây, báo hiệu văn minh nhân loại bổ sung nhau, cân bằng hơn và giầu có đa dạng hơn.

Từ thống nhất VN (1975), qua thống nhất nước Đức (1990), và nay (2018) tiến trình chấm dứt chiến tranh đi đến thống nhất Triều Tiên, cho thấy, tương quan giữa các siêu cường đã diễn biến như thế nào từ đối kháng sang hợp tác. Thương chiến giữa Mỹ với Trung hay Âu châu… chỉ nhằm sửa soạn luật chơi mới cho tương lai. Những thao diễn trên đất liền hay trên biển là nhắm tiến tới thiết lập cân bằng quân sự mới vừa đan xen ràng buộc lẫn nhau trong thế liên hoàn, vừa bảo đảm an ninh toàn cầu, thông qua các tổ chức an ninh cấp vùng (do các nước trong vùng đóng góp và điều động).

***

Tại sao có những thay đổi ghê gớm như thế?

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là:

Cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, một phát minh khoa học gây sửng sốt cho hầu hết các nhà bác học đương thời. Đó là vật chất xuống dưới mức nguyên tử thì đến một lúc: vật chất vừa là hạt vừa là sóng (hay theo Đông phương vật chất là vô thường). Mở ra kỷ nguyên vật lý lượng tử hay cơ học lượng tử. Chỉ cần mã hóa bằng số 1 và số 0 là có thể chuyển đi cùng một lúc hình ảnh và âm thanh. Đây là thủy tổ của Cách mạng Số như internet, robot, trí thông minh nhân tạo, máy điện toán lượng tử…

Và quan trọng hơn: Cơ học lượng tử còn làm thay đổi nhận thức triết lý về CON NGƯỜI: Tinh thần (truyền theo sóng) & Vật chất (truyền theo điểm) là 2 mặt thể hiện ra cùng một lúc của sinh năng (năng lượng của sự sống). Sinh năng là một phần của vũ trụ năng. Vũ trụ năng trực tiếp ảnh hưởng trên mọi sinh năng.

Triển khai những khám phá của cơ học lượng tử nhanh chóng trở thành cuộc chạy đua giữa các nước có trình độ phát triển cao như Nhật – Đức – Trung cùng Nga – Mỹ, cầm đầu 2 khối cộng sản – tư bản. Thập niên 1960, Mỹ sa lầy trong cuộc chiến VN. Tiếp tục Mỹ sẽ mất vị thế hàng đầu. Đây mới là lý do thâm sâu Mỹ dừng cuộc chiến. Cơ học Lượng tử đã nhanh chóng làm tương quan giữa các siêu cường đổi, nên có điều kiện mở Hội nghị Paris nhằm giải quyết cuộc chiến VN.

Dưới đây là những dấu mốc lịch sử đáng ghi nhớ:

25-10-1971: Trung trở thành một trong năm thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thay Đài Loan, qua một cuộc bỏ phiếu của toàn thể đại hội đồng LHQ. Từ đây Trung chính thức là siêu cường có quyền phủ quyết.

27-2-1972: Trung với tư cách siêu cường ký thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ.

27-5-1972: Mỹ – Xô ký thỏa ước Hạn chế vũ khí chiến lươc (SALT). Xuống thang, không chạy đua vũ trang nữa. Quan hệ giữa hai khối cộng sản – tư bản không còn đối kháng mà chuyển dần sang hướng hợp tác.

27-1-1973: ký Hiệp định Paris giải quyết cuộc chiến tranh và lập lại hòa bình tại VN. Chiến tranh VN là xung đột võ trang của 2 khối cộng sản – tư bản trên giải đất hình chữ S, thông qua 2 giới lãnh đạo Hà Nội và Saigon. Tiến trình giải quyết cuộc chiến VN có manh nha khởi đi từ tháng 2-1972 (thông cáo chung Thượng Hải cùng với SALT), và chỉ thực sự hoàn tất khi đối kháng Đông – Tây chuyển thành hợp tác Bắc – Nam; và dĩ nhiên, mâu thuẫn quốc – cộng giữa người Việt cũng không còn nữa. Khi đó, mọi người mới vỡ lẽ cuộc chiến được giải quyết như thế này:

1/ Saigon ra đi trước vì Mỹ muốn rút sớm để giữ vững vị trí hàng đầu trong cuộc đua lượng tử. Bắt đầu từ Tết Mậu Thân 1968 và kết thúc 30-4-1975.

2/ Hà Nội ra đi sau: Từ 30-4-1975 đến Ngày N sắp tới đây. Thời gian lâu dài vì chính dân tộc VN phải quyết định lấy tương lai chính trị của mình.

3/ VN đi vào Hợp tác Bắc – Nam.

BỪNG TỈNH của một dân tộc

Sau 30-4-1975 thực tế 2 miền phơi bầy trần trụi. Tuyên truyền thời chiến hết thiêng. Sóng ngầm chống áp bức độc tài, đòi cơm áo, tự do trong tình hình mới không còn chiến tranh và khối dân hai miền Bắc – Nam hòa làm một. Tâm lý phản kháng khiến giới cầm quyền lo ngại.

Bộ chính trị đảng cộng sản VN (BCT ĐCSVN) đáp lại bằng khủng bố: Xiết chặt quân quản – công an trị, bắt quân nhân chế độ cũ đi học tập, cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản mại bản… ; bất chấp bị chỉ trích, bao vây, cấm vận, cô lập trên trường quốc tế. Kết quả là lòng dân bất ổn, phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, đất nước kiệt quệ.

Cuối cùng phải chấp nhận mở cửa (1986), người dân thấy rõ hơn: Thể chế chinh trị lỗi thời (không chính danh, lãnh đạo cao nhất Bộ Chính trị không là 1 định chế trong hiến pháp, không chịu trách nhiệm trước người dân), đường lối ‘duy ý chí’, bộ máy cầm quyền vô khả năng, cán bộ tham nhũng thối nát từ trên xuống dưới, mất đất mất biển đảo, dân oan khiếu kiện khắp nơi, ô nhiễm môi trường, giáo dục càng cải càng nát…

Mới đây 10-6-2018 biểu tình lớn nhiều nơi trong nước chống dự luật Đặc Khu và luật An Ninh mạng. Công an gia tăng đàn áp mạnh, truy tố nhiều người tham gia, và bắt giữ nhiều blogger. Mặt khác, BCT ĐCSVN làm ra vẻ nắm bắt được xu thế thời đại loan báo làm mạng internet riêng ‘made in VN’, và mang ít robot áp dụng vào sản xuất, rồi cường điệu tuyên truyền là làm Cách mạng 4.0 giống các siêu cường. Nhưng trên thực tế, vị thế chính trị BCT ĐCSVN đang suy yếu, lòng dân oán ghét, nội bộ trung ương đảng chia rẽ trầm trọng, bế tắc vì Mác – Lênin.

Đến cuối năm 2007 VN gia nhập Cơ quan Thương mại Quốc tế, thể chế chính trị còn bộc lộ thêm nhiều nhược điểm không thể khắc phục trong tình hình chiên lược toàn cầu đang chuyển biến rất mạnh: Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là không cùng cách hiểu với thế giới, chỉ giống cái vỏ, không mở cửa hết mà còn gian lận. Phát triển dựa vào xuất cảng, nhân công rẻ, bán tài nguyên, cho thuê đất lâu cả 100 năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vay nợ quốc tế, hy sinh môi trường… nên tuy GDP cao, nhưng ngân sách thu không bù chi, phải tăng nhiều thứ thuế, nền kinh tế không có tính bền vững và không có sức cạnh tranh.

Lực bất tòng tâm, VN thua mọi mặt từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, du lịch chỉ so ngay với các nước trong vùng. Nếu không từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, không công nhận quyền tư hữu, không để khu vực tư nhân làm chủ đạo nền kinh tế quốc dân, không từ bỏ tuyên truyền xảo trá. Nghĩa là, không làm ăn phát triển thưc chất, VN sẽ bị thua ngay trên sân nhà, chứ chưa nói đến trong ASEAN hay toàn cầu.

Đời sống khó khăn và trước nguy cơ tụt hậu, quần chúng phản ứng. Ngày càng nhiều người lên tiếng trên mạng internet vạch rõ sai lầm, hy vọng giới cầm quyền cải tổ, nhưng hoàn toàn thất vọng. không có một đáp ứng nào. Những thông tin đa chiều, những hiểu biết mới, những biến chuyển chưa từng có trên thế giới và nhất là chính ngay tự bên trong sâu thẳm mỗi con người, giúp người dân bừng tỉnh – ‘ngộ’ ra rằng: Thay đổi thực sự không phải là cải tổ hay cách mạng lật đổ, mà là…cá nhân nổi dậy, thoát xác giống như con rắn lột da trườn mình tới với niềm tin sắt đá: Nhận thức quần chúng thay đổi, thì cấu trúc xã hội buộc phải thay đổi theo.

Sang thế kỷ 21, bản chất đích thực của những người tranh đấu trên thế giói cũng như tại VN là những CÁ NHÂN NỔI DẬY, thoát lên trên mọi điều kiện hóa của những hệ tư tưởng cũ, tranh đấu cho nhân loại với quan niệm triết lý mới về con người. Áp lực quần chúng chống ách độc tài đảng trị lên cao dần, có tiềm năng tăng nhanh sau khi cầm đầu đảng, cầm đầu luôn nhà nước (6-10-2018). Trái hẳn tuyên truyền mị dân, khả năng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của BCT ĐCSVN đi xuống, đang bơi đuối sức giữa biển khơi trong cơn giông bão chiến lược toàn cầu.

Khi sức mạnh quần chúng lên đụng / vượt sức thống trị độc tài là Ngày N: Thể chế chính trị VN phải thay đổi hẳn. Điều kiện cần và đủ để Ngày N xẩy ra là: HƯỞNG ỨNG CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU MỚI sẽ đào thải độc tài và đưa VN vào kỷ nguyên mới Hợp tác Bắc – Nam.

Với Thế Chiến lược Toàn cầu Mới trong đầu, mọi nhận biết – mọi đường lối – mọi hoạt động của sức mạnh quần chúng sẽ chủ động, chính xác, có sức gắn kết cao, thuận buồm suôi gió. Và chắc chắn thành công.

Bs Nguyễn Đan Quế – Cao Trào Nhân Bản 10-2018

____

XEM THÊM Một vài dự đoán cho tương lai: < Hội đồng Bảo an LHQ sẽ cải tổ với Mỹ – Trung – Nhật – Đức – Nga là hội viên thường trực. < Tự do tối thượng là tự do sinh năng thì nội hàm các nhân quyền chính xác và sâu sắc hơn. < Thay đổi trên phương diện Quốc tế Công pháp vì nhân loại có nhiều sinh hoạt mới chưa từng có trước đây. Nhiều Bộ luật sẽ ra đời. Đặc biệt phải nói đến luật về các đại dương (kể cả Nam Băng Dương và Bắc Băng Dương), nhất là khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong hải phận quốc tế. Vấn đề Biển Đông sẽ được xem xét giải quyết trong khung cảnh pháp lý mới đó

Hướng đi mới NHÂN BẢN của nhân loai: Vì quan niệm triết lý mới về CON NGƯỜI: Tinh thần & Vật chất là thể hiện ra cùng một lúc của sinh năng (năng lượng của sự sống) nên nền Văn minh Nhân Bản là nền văn minh cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Văn minh Đông phương (hướng nội) và văn minh Tây phương (hướng ngoại) là 2 mặt của nền văn minh Nhân Bản. Những chế độ chính trị nói chung mang tính XÃ HỘI, NHÂN BẢN VÀ TIẾN BỘ. Tính xã hội – Hạ tầng: Xã hội hóa nền kinh tế và văn hóa. Vai trò nhà nước là điều hòa phối hợp giữa các khu vực của nền kinh tế quốc dân và của nền văn hóa dân tộc. – Thượng tầng: Tam quyền phân lập qua bầu cử tự do – dân chủ. – Giữa hạ và thượng là các xã hội dân sự độc lập. Tính nhân bản – Trong kinh tế: Công nhận quyền tư hữu. Nông dân, công nhân có quyên tham gia làm chủ qua số cổ phần được mua sau mỗi năm làm việc. – Trong văn hóa – giáo dục: Một nền giáo dục nhằm đào tạo CON NGƯỜI theo triết lý mới, chứ không phải đào tạo công cụ cho chế độ. Một nền văn hóa nhằm phát triển CON NGƯỜI theo triết lý sống mới, chứ không được điều kiện hóa con người. – Tinh Nhân Bản trong mỗi CON NGƯỜI: Phát triển cân bằng và tối đa cả tinh thần lẫn vật chất của mỗi cá nhân. Muốn thế, tự do sinh năng là cần thiết. Tính tiến bộ * Nông nghiệp – Kỹ nghệ – Đại học với hiểu biết lượng tử là đầu tầu kéo xã hội đi lên. * Liên minh quốc tế những chuyên viên lượng tử là động lực chính đưa nhân loại vào nền văn minh Nhân Bản. * Triết lý mới Nhân Bản là triết lý động, biến thiên theo những khám phá mới về CON NGƯỜI trên hai khía cạnh tinh thần và vật chất.

Ngoài ra, có thể tham khảo thêm về Thế Chiến Lược Toàn Cầu Mới ở: https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/nguyen-dan-que-blog-0927-09272014103625.html

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây