Đất Thủ Thiêm – Kỳ III: Ta thán nhân tình

17-9-2018

Tiếp theo Kỳ I  Kỳ II

Bút ký Võ Đắc Danh

Tác giả với cô Mỹ và chú Tiêu. Ảnh: FB Võ Đắc Danh

Các- Mác từng nói: Khi lợi nhuận tăng lên 100 phần trăm thì cha nó nó cũng giết.

Điều đó cũng có thể hiểu rằng, vì sao người ta bất chấp tình đồng loại, bất chấp đạo lý, bất chấp nghĩa nhân và luật pháp để đuổi hàng vạn người dân cố cựu ra khỏi Thủ Thiêm – vốn là nơi chôn nhau cắt rún của họ để nuốt trọn 160 héc ta đất tái định cư của dân mà Chính phủ đã phê duyệt. Không có gì khó hiểu khi bùn đen đã trở thành vàng, không có gì khó hiểu khi đất từ hai trăm ngàn đồng lên vài trăm triệu đồng trên mỗi mét vuông.

Trong những trang tiểu thuyết, những tuồng tích kiếm hiệp, thỉnh thoảng ta thấy xuất hiện những tay giang hồ hảo hớn chuyên cướp của người giàu để chia cho người nghèo. Ngay cả cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền Việt Minh cũng tịch thu đất đai của điền chủ để phân phát cho tá điền. Vậy thì tại sao ngày nay, người ta nhân danh chính quyền của dân, do dân,vì dân lại đi cướp đất của người dân khốn khổ để giao cho những đại gia bất động sản tiếp tục làm giàu? Điều nầy chỉ có những quan chức trong cuộc mới có thể tự lý giải với lương tâm (nếu có lương tâm) hoặc trả lời trước vành móng ngựa (nếu có thể lôi họ ra được vành móng ngựa).

Sau khi nuốt trọn 160 héc ta đất tái định cư của dân, người ta lại tiếp tục cướp luôn phần đất đai và cả sự sống của những hộ dân nằm ngoài khu quy hoạch. Nghĩa là họ không thể để cho người dân lân cận được “ăn theo” môi trường sang trọng của khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Chúng tôi gặp cụ Lê Huy Tiêu, 83 tuổi chống gậy đi từng bước chậm với sự dìu dắt của người vợ là cụ bà Trần Thị Mỹ, 77 tuổi. Hầu như mỗi ngày hai ông bà đều tới quán cà phê số 16 Vũ Tông Phan của anh Bùi Quốc Toản để trò chuyện cùng với hàng chục dân oan Thủ Thiêm, những người cùng nỗi niềm mất đất. Anh Toản sau khi bị cướp đất cướp nhà, anh về đây thuê một căn phố để mở quán cà phê kiếm sống. Khách của anh hầu hết là những dân oan. Vốn là người học cao hiểu rộng, am tường về pháp luật nên anh Toản tư vấn hồ sơ khiếu kiện giúp cho từng hộ gia đình. Mỗi người khách đến đây đều quảy trên lưng một ba lô chứa đựng hồ sơ. Có lẽ, đó là phần tài sản duy nhất, sự sống duy nhất của họ sau khi nhà cửa đất đai bị cướp. Riêng cô Trần Thị Mỹ thì bộ hồ sơ của cô đóng thành một tập dầy cộm, có cả những bức ảnh màu chụp nhiều hình ảnh của khu vườn và ngôi nhà bị cướp.
Cô Mỹ và chú Tiêu thuộc thế hệ đầu của trường đại học Bách khoa Hà Nội. Chú Tiêu từng du học ở Đức, ở Liên Xô và từng làm chuyên gia cho Bỉ, cho Hà Lan rồi về nước làm việc ở Viện nghiên cứu khoa học của Bộ Thủy Lợi, cô Mỹ làm chuyên viên của Tổng Công ty xây dựng số 4.

Cô Mỹ kể rằng, hồi xưa quê cô ở làng Vũ Đại, cha cô, ông Trần Đức Thùy, gia đình nghèo không ruộng đất phải đi cạo mủ cao su. Năm 18 tuổi, ông tha hương cầu thực vào Nam, rồi sang Campuchia làm công nhân cho một đồn điền cao su của Pháp. Cô Mỹ được sinh ra trên đất khách. Năm 1945, cha cô hồi hương, tham gia Việt Minh ở Sài Gòn. Năm 1958, cô Mỹ được đi tập kết ra Bắc. Năm 1978, cả hai vợ chồng cùng chuyển vào Nam. Đầu thập niên 90, họ lần lượt về hưu và sống cùng con cháu trong căn hộ chung cư ở quận 5.

Năm 2001, họ qua Thủ Thiêm mua 2120 mét vuông đất ruộng trên đường Lương Định Của rồi san lấp thành một khu vườn, trồng xoài, trồng mít, trồng mận, trồng nhãn, trồng hoa kiểng và nuôi mấy đàn ong. Năm 2005, khi vườn cây bắt đầu cho trái, cô chú vừa mới tìm được niềm vui sau những năm khai hoang nhọc nhằn vất vả, cứ tưởng bắt đầu từ đây sẽ được tận hưởng thành quả lao động trong niềm vui của tuổi xế chiều. Cứ nghĩ, biết rằng tuổi mình không còn vui thú điền viên được bao lâu nhưng ít ra cũng làm nên một gia sản để lại cho đời con đời cháu. Nhưng có ngờ đâu nhân tai ập đến, cô nhận được thông báo giải thỏa với mức đền bù theo giá đất nông nghiệp là 150.000 đồng một mét vuông cộng với 50.000 đồng công san lấp, nghĩa là họ sẽ đền bù cho cô tổng cộng trên 400 triệu đồng, nghĩa là tổng cộng số tiền không bù nổi công san lấp (!).

Cô Mỹ bắt đầu đi kiện, cuộc khiếu kiện kéo dài đến năm 2012, họ nâng lên mức đề bù cho cô mỗi mét vuông là 920.000 đồng, cô vẫn không chấp nhận. Lúc bấy giờ, những hộ chung quanh xóm cô đều bị cướp nhà cướp đất được mệnh danh bằng cụm từ cưỡng chế giải tỏa thu hồi đất. Cô nghĩ, trước sau gì cũng tới phận mình, nhưng với lòng tự trọng của người trí thức, cô không muốn bị tổn thương khi người ta đem cobe, xe ủi, xe cứu thương, cứu hỏa cùng với hàng trăm nhân viên công lực bao vây lôi mình ra sân để chiếm đoạt nhà cửa đất đai, cô lên quận làm giấy tờ thỏa thuận rằng, cô tạm thời giao đất cho chính quyền và tạm nhận căn hộ chu cư để tiếp tục đi khiếu kiện, tất nhiên, cô không chấp nhận đồng tiền gọi là đền bù giải tỏa trên bốn tỷ đồng.

Vậy là thừ ấy đến nay, mười bảy năm cô về sống Thủ Thiêm thì đã mất mười bốn năm đi kiện với hàng trăm lá đơn kêu cứu. Nhưng đất trời nào có thấu? Cô kiện thì cứ kiện, trên trang web của ban quản lý dự án người ta vẫn kêu gọi đầu tư vào khu đất của cô, và, trong các dự án giáp ranh với khu đất ấy, một mét vuông đã lên đến hơn 200 triệu đồng.

Tôi nhìn cô dìu chú Tiêu đi từng bước chậm mà không kềm được nỗi xót xa, cô chú sẽ còn tiếp tục đi kiện đến bao giờ, còn đủ sức và quỹ thời gian để đi kiện được bao lâu trong khi hai tấm thân già đã tới tuổi gần đất xa trời!

*

Ông Nguyễn Phi Thường, 71 tuổi, nhưng trông dáng người lụm khụm, khắc khổ, trầm buồn, lúc nào cũng như đang khóc. Có lẽ vì chuyện bi kịch đất đai đã quá sức chịu đựng của ông.
Ông Thường sinh năm 1948 ở Ninh Bình, năm 22 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ, vượt Trường Sơn vào Nam, tham gia những trận chiến bán sống bán chết ở Quảng Bình, Quảng Trị, Campuchia, mang trên người nhiều thương tích và chiến tích. Năm 1987, ông ra quân vì mất sức. Sau nhiều năm lang thang trong hẻm hóc ở Sài Gòn, đến năm 2001 ông cùng sáu anh em trong gia đình hợp sức, bán hết tài sản hùn lại sang Thủ Thiêm, thuộc phường Bình Khánh mua gần mười ngàn mét vuông đất ruộng chỗ cầu Cá Trê và giao cho ông Thường đứng tên cai quản. Thấy trồng lúa không khá nổi, ông xin chuyển sang đất thổ vườn, ông san lấp 400 mét vuông làm nhà ở, toàn bộ phần còn lại ông đào ao lên liếp, dưới nước nuôi cá, trên bờ trồng 400 cây xoài và tu dưỡng hơn 40 cây dừa của người chủ cũ.

Những ao cá đã cho ông đủ cập nhật manh áo chén cơm, nhưng vườn xoài phải đợi chờ qua nhiều năm tháng. Nghĩ thế, ông Thường chuyển sang nghề kinh doanh cây kiểng, ông ươm trồng và mua bán các loại hoa. Cần cù và chịu khó, chỉ sau ba năm, vườn kiểng An Bình của ông Thường trở nên nổi tiếng ở Thủ Thiêm, ông trồng mai vừa bán vừa cho thuê trong dịp tết, ông nhận chăm sóc mai cho khách, ông trồng cau sâm banh cung cấp cho các biệt thự sân vườn… 400 cây xoài và gần 50 cây dừa cũng đã đơm bông kết trái.

Thế rồi đùng một cái, nhà chức trách tới báo cho ông biết rằng đất của ông nằm trong khu quy hoạch, phải thu hồi. Người ta đưa cho ông bảng chiếc tính đền bù 150.000 đồng một mét vuông, hỗ trợ tái định cư 720.000 đồng một mét vuông với điều kiện phải ra đi tự tìm chỗ tái định cư, nếu ông nhận căn hộ chung cư thì sẽ không nhận 720.000 đồng của mỗi mét vuông phần hỗ trợ. Tùy ông lựa chọn. Không cần lựa chọn, không cần nghĩ suy toan tính, ông Thường hiểu ngay rằng, với một vườn kiểng, vườn cây ăn trái, ao cá gần một héc ta đổi lấy một căn hộ chung cư thì chỉ có thằng điên mới chấp nhận. Nhưng nghịch lý thay, đây không phải là cuộc thỏa thuận mà là sự áp đặt của kẻ cầm quyền. Chấp nhận hay không là việc của ông, còn việc của chính quyền là cưỡng chế thu hồi đất bằng bạo lực.

Ngày 14 tháng 10 năm 2011, khoảng mười giờ sáng, sau khi cưỡng chế hai căn nhà bên cạnh, họ kéo tới trước nhà ông, hàng trăm nhân viên công lực được trang bị tận răng trong tư thế sẵn sáng chiến đấu, xe cuốc, xe ủi, xe cứu thương, xe cứu hỏa cùng một đoàn xe tải xếp hàng chờ lệnh. Biết mình không thể chống cự, ông Thường cùng vợ con, cháu nội cháu ngoại chị biết khóc lóc đứng nhìn. Sau khi nhà chức trách đọc xong lệnh cưỡng chế, xe ủi, xe cuốc xông vào san phẳng ngôi nhà, nhân viên công lực cầm cưa máy xông vào quật ngã vườn cây. Vườn mai hàng trăm cây của ông và của khách gởi ông chăm sóc, trị giá hàng tỷ đồng bị chúng nó khiêng từng chậu chất đầy tám chiếc xe tải, chở đi đâu ông không biết…

Câu chuyện xảy ra gần tròn bảy năm, giờ ông Thường kể lại vẫn trong trạng thái kinh hoàng, rưng rưng nước mắt. Ông cho tôi xem bức ảnh chụp vường cau sâm banh bị chúng cưa đứt đọt, hàng trăm cây xếp hàng dọc hàng ngang, trông thê thảm như hàng trăm con người bị chém đứt đầu. Những bức ảnh chụp khu vườn xoài vườn kiểng hoa trái xum xuê cùng với những bức ảnh chụp khu vườn đổ nát, hoàng tàng sau khi bị cướp. Ông Thường nói, nhà tôi hồi năm 1953 bị Tây đốt một lần, tới năm 1966, một lần nữa bị bom Mỹ đánh sập, nhưng không đến nỗi kinh hoàng, khủng khiếp như lần nầy…

Suốt bảy năm qua, ông Thường vừa cùng với bà con Thủ Thiêm đi kiện, mặt khác, ông xin vào làm bảo vệ cho một công ty để kiếm đồng lương phụ với con cái thuê nhà. Nhưng đầu năm nay, tuổi cao sức yếu, người ta không thèm thuê ông nữa.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây