Phiên tòa sơ thẩm ở Từ Sơn xử anh Đỗ Công Đương hôm nay

FB Hà Huy Sơn

17-9-2018

Phiên tòa diễn ra trong ngày từ 7 giờ 30′ kết thúc 14 giờ.

Ông Đương, bà Nga, ông Vui, ông Trung bị kết án “Tội gây rối trật tự công cộng” K2, Đ318 BLHS 2015.

Ông Đương bị 48 tháng tù, ông Vui 30 tháng tù, bà Nga 36 tháng, ông Trung 28 tháng tù.

Tôi xin đăng Luận cứ bào chữa tại phiên tòa hôm nay.

LUẬN CỨ BÀO CHỮA

Cho bị cáo Đỗ Công Đương tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, tại Tòa án nhân dân thị xã Từ Sơn, ngày 17/09/2018.

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Tôi Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn; địa chỉ số 156 Trần Vĩ, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội là người bào chữa cho bị cáo Đỗ Công Đương, xin trình bày quan điểm bào chữa như sau:

I. Tóm tắt vụ án:

Ngày 26/01/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định khởi tố vụ án số 26 về “Tội gây rối trật tự công cộng” quy định tại điều 318 Bộ luật hình sự 2015. Ngày 26/01/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định khởi tố bị can số 86 đối với ông Đỗ Công Đương về “về “Tội gây rối trật tự công cộng” quy định tại điều 318 Bộ luật hình sự 2015. Ngày 14/06/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Từ Sơn ra bản Kết luận điều tra số 126. Ngày 12/07/2018, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Từ Sơn ra Cáo trạng số 134/CT-VKS truy tố ra trước Tòa án nhân dân thị xã Từ Sơn để xét xử các bị can Lê Thị Thanh Nga, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Vui và ông Đỗ Công Đương về “Tội gây rối trật tự công cộng” theo điểm c khoản 2 quy định tại điều 318 Bộ luật hình sự 2015.

Ngày 04/09/2018, Tòa án nhân dân thị xã Từ Sơn ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử các bị cáo can Lê Thị Thanh Nga, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Vui và ông Đỗ Công Đương về “Tội gây rối trật tự công cộng” theo điểm c khoản 2 quy định tại điều 318 Bộ luật hình sự 2015 vào 8 giờ 00 ngày 17/09/2018.

“Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
c) … gây đình trệ hoạt động công cộng;”

Ông Đỗ Công Đương bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 24/01/2018 đến nay.

II. Một số vi phạm về thủ tục tố tụng:

1. Cáo trạng nêu các bị cáo Nga, Vui, Trung “hiện đang tại ngoại” nhưng thực tế tại phiên tòa thì 02 bị cáo Trung, Vui lại đang bị tạm giam.

2. Video sự việc xảy ra tại hiện trường sáng 24/01/2018, theo BL 856 – 859 chưa được giám định về kỹ thuật, xác định là video thật không cắt, ghép hình ảnh vì vậy video này không được xác định là chứng cứ để giải quyết vụ án.

3. Cáo trạng trang 01: Quyết định số 677/QĐ-UBND ngày 11/12/2009 Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn “V/v Thu hồi đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư dịch vụ xã Tam Sơn” (BL 226) nhưng cáo trạng lại nêu “ Quyết định này” là của UBND thị xã Từ Sơn.

4. Lời khai của những người làm chứng và những người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án này là không khách quan vì họ chịu sự chi phối của chính quyền.

Tòa án xét xử không khách quan: Triệu tập người làm chứng một phía là những người thuộc cơ quan của chính quyền và đơn vị thi công, không triệu tập những người dân (khoảng 30 người dân) có mặt nơi xảy sự việc ra ngày 24/01/2018. Trong đó, ngày 30/07/2018 ông Nguyễn Hữu Mỹ sinh năm 1950 người có mặt tại hiện trường có đơn xin làm chứng gửi tòa nhưng lại không được chấp nhận.

5. Lời khai của bị cáo Nga: cho rằng ngày 24/01/2018 gọi điện cho bị cáo Đương nhưng Cơ quan điều tra không có bằng chứng.

6. Tại phiên tòa tôi Luật sư Hà Huy Sơn đã đề nghị tòa cách ly những người làm chứng (64/70 có mặt) không được thực hiện. Nên những lời khai của những người làm chứng này không đảm bảo khách quan – không được xác định là chứng cứ.

7. Cáo trạng xúc phạm các bị cáo: gọi tên trống không là “Đương” mà không gọi là bị can, bị cáo.

8. Tại phiên tòa 17/09/2018 phần hỏi Thẩm phán chủ tọa hỏi đã có dấu hiệu mớm cung như “ông/bà có chứng kiến sự việc như bản cáo trạng truy tố không” chứ không hỏi rằng đã thấy sự việc gì xảy ra để đánh giá lại các chứng cứ lại các lời khai tại bút lục hồ sơ mà chỉ để hợp thức cáo trạng. Luật sư Hà Huy Sơn đã yêu cầu Chủ tọa không được mớm cung và yêu cầu Đại diện VKS thực hiện chức năng giám sát tại phiên tòa nhưng Đại diện VKS đã không thực hiện.

9. Tại phiên tòa 17/09/2018 trình chiếu video là vật chứng tại Tòa nhưng Tòa không thực hiện thủ tục công khai niêm phong, mở niêm phong vật lưu trữ video. Video không có âm thanh không chứng minh được bị cáo Đương có hành vi hô “cướp cướp” hoặc ‘gào thét”, bị cáo Đương không “xô đẩy lực lượng chức năng” mà chỉ thấy hình ảnh công an sắc phục và người không mặc sắc phục sử dụng vũ lực với bị cáo Đương. Cáo trạng phản ánh sai sự thật (trang 06).

III. Mặt khách quan của tội phạm:

1. Hành vi khách quan:

Bị cáo không có hành cản trở hoạt động của đơn vị thi công, bị cáo chỉ dùng điện thoại quay video.

Bút lục từ 930 – 938, 956 – 963 và 925, 926: Bản ảnh hiện trường không có biển báo cấm quay phim, chụp ảnh; không hàng rào hoặc dây chăng làm ranh giới cho người dân biết không được vượt qua. Hành vi của bị cáo dùng điện thoại di động để quay sự việc các cơ quan chức năng tiến hành giải phóng mặt bằng và đơn vi thi công đang hoạt động thì đây là quyền giám sát của công dân. Nói cách khác đây là hành vi hoàn toàn hợp pháp của bị cáo.

2. Bị cáo Đương không phải là đồng phạm với các bị cáo khác vì bị cáo Đương đến hiện trường để quay phim, chụp ảnh thực hiện quyền giám sát của công dân theo quy định của pháp luật; không có mục đích hành vi ngăn cản đơn vị thi công.

3. Hậu quả của hành vi: Cơ quan điều tra không chứng minh được quan hệ nhân quả giữa hành vi của bị cáo Đương với việc đơn vị thi công phải dừng thi công 40 phút.

4. BL 16 sơ đồ hiện trường không xác định bị cáo Đương ở vị trí nào khi xảy ra sự việc sáng 24/01/2018.

Điều 201. Khám nghiệm hiện trường

1. Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.

5. Không tiến hành thực nghiệm điều tra để xác minh tính khách quan của sự việc xảy ra sáng 24/01/2018.

Điều 204. Thực nghiệm điều tra

1. Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.

Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.

6. Ông Đương không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Cáo trạng – trang 11).

IV. Sai phạm của UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND thị xã Từ Sơn:

1. Ngày 11/08/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định số 1039/QĐ-UBND “về việc thu hồi đất và giao cho UBND xã Tam Sơn để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư dịch vụ xã Tam Sơn” (BL 225) và ngày 11/12/2009, Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn ra Quyết định số 677/QĐ-UBND “V/v Thu hồi đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư dihc vụ xã Tam Sơn” (BL 226). Đây là dự án dịch vụ, kinh doanh không thuộc “trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ.” Nên không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất. Căn cứ điều 40 Luật đất đai 2003 quy định thì Quyết quyết số 1039/QĐ-UBND và Quyết định số 677/QĐ-UBND là trái pháp luật.

“Điều 40. Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế

1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ. Việc thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật này.

2. Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.”

2. Căn cứ điều 44 Luật đất đai 2003, quy định:

“Điều 44. Thẩm quyền thu hồi đất

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được uỷ quyền.”

Thẩm quyền thu hồi đất là UBND chứ không phải là Chủ tịch UBND. Quyết định số 1039/QĐ-UBND, ngày 11/08/2008 do Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành trái thẩm quyền. Do đó các văn bản, quyết định trong đó có kế hoạch số 29/KH-CATX(AN) ngày 18/01/2018 “Đảm bảo ANTT việc thi công san lấp mặt bằng xây dựng hạ tầng kỹ thuật – thực hiện dự án đất Dân cư dịch vụ (Khu B) tại thôn Dương Sơn, xã Tam Sơn” của Trưởng Công an thị xã Từ Sơn để tổ chức bảo vệ thi công san lấp mặt bằng xây dựng hạ tầng kỹ thuật thực hiện dự án đất dân cư dịch vụ khu B tại thôn Dương Sơn, triển khai ngày 24/01/2018 ban hành căn cứ vào Quyết định số 1039/QĐ-UBND và Quyết định số 677/QĐ-UBND là đều trái pháp luật.

V. Kiến nghị:

Kính thưa Hội đồng xét xử,

– Căn cứ các lý lẽ tôi trình bày ở trên;

1. Căn cứ khoản 1 điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự 2015,

Đề nghị HĐXX trả tự do cho bị cáo Đỗ Công Đương.

2. Căn cứ điều 6, Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Điều 6. Phát hiện và khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội

1. Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phát hiện nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa.

Đề nghị Tòa ra văn bản kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền tuyên hủy Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 11/08/2008 “về việc thu hồi đất và giao cho UBND xã Tam Sơn để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư dịch vụ xã Tam Sơn” của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và Quyết định số 677/QĐ-UBND ngày 11/12/2009 “V/v Thu hồi đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư dịch vụ xã Tam Sơn” của Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn.

Tôi xin trân trọng cám ơn sự lắng nghe của các quý vị,

Thị xã Từ Sơn, ngày 17/09/2018.

Người bào chữa

Luật sư Hà Huy Sơn

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây