GS Lê Hữu Khóa
15-9-2018
Một dân tộc không được hưởng dân chủ, dân tộc đó sống chỉ nửa kiếp, sống dở kiếp, sống không trọn kiếp.
Muốn có dân chủ phải có trên thượng nguồn là các phong trào xã hội vì dân chủ; mà các phong trào xã hội đòi hỏi vì mong cầu dân chủ chính là các các phong trào đòi hỏi công bằng qua công lý, mong cầu tự do để được tự chủ.
Nhưng thượng nguồn của thượng nguồn trong tư duy dân chủ chính là năng lực của nhân lý muốn chấm dứt bạo quyền gây ra bất công, mà tư duy dân chủ còn muốn rời luôn tất cả các niềm tin không có cơ sở lý luận tới từ mê tín, tới từ dị đoan, không cho con người có công bằng để dựng nên công lý, không cho tự do chế tác ra tự chủ. Như vậy, dân chủ là một hệ thống tư tưởng của nhân lý, khi con người muốn tự quyết về số phận của mình, tự chủ về số kiếp của mình, tự tin về lẽ sống của mình, vì biết tự trọng trên chính số phận làm người của mình.
Nhân lý dân chủ khi được mở lối, nó chấp nhận chông gai với nhiều thử thách, nó trực diện với cuộc sống đầy chướng ngại vật với nhiều thăng trầm, chính nhân lý của dân chủ đe doạ quyền lợi của hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc tôn, độc trị), nó đặt lại luôn vấn đề niềm tin của tín ngưỡng, của tôn giáo nếu các tín ngưỡng, các tôn giáo không xử lý một cách thuyết phục tầm vóc của nhân tri, bề thế của nhân trí, làm nên bản lĩnh của nhân lý.
Nguồn gốc hành động của nhân lý dân chủ xuất hiện để đấu tranh vì dân chủ tới từ sự thất vọng về các ý thức hệ không lấy dân làm gốc, đấu tranh vì dân chủ thường tới từ sự chán ghét bạo quyền của các bạo chúa, độc quyền của độc đảng… chỉ thấy tự lợi của chúng mà gạt đi quyền lợi của dân tộc, của nhân loại.
Nhân lý dân chủ khi được mở lối từ hệ tự (tự do nâng tự chủ, dâng tự tin, chuộng tự trọng), dân chủ là dân làm chủ chớ không phải một cá nhân, một đảng, một bè phái… Dân làm chủ từ đòi hỏi tới đấu tranh, từ phong trào tới tuyển cử, từ định chế tới cơ chế, dân làm chủ thì làm chủ qua trò chơi-sân chơi-luật chơi của dân chủ: dân đầu phiếu-dân ứng cử-dân kiểm phiếu. Còn trò chơi quái thai đảng cử trong sân chơi quái dị dân bầu sinh ra luật chơi quái đản, dành cho âm binh với kết quả đại đa số đại biểu quốc hội là đảng viên, đây là dân chủ giả, vì bản chất của nó là dân chủ gian, vì thực chất của nó là dân chủ đểu.
Nhân lý dân chủ mở lối cho một hệ thống tư tưởng dựa trên nhân lý, nơi mà hệ công (công bằng tạo ra công lý, dựng nên công dân được bảo vệ bởi công quyền) trong đó công dân là một chủ thể của dân chủ, có trách nhiệm với đất nước, có bổn phận với dân tộc, xây dựng một công quyền có công tâm, vì dân tức là vì dân chủ. Một hệ thống tư tưởng luôn dựa trên hệ luận: nơi mà lý luận để tìm đường đi nước bước có lập luận để xây dựng nên một mái nhà chung cho dân tộc, một nền chung để bảo vệ đất nước, có giải luận để thấy các phương hướng phát triển, có diễn luận để thấy các chân trời sẽ tới, để giáo dưỡng con cháu, các thế hệ mai hậu.
Một hệ thống tư tưởng dựa trên nhân lý cho nhân loại phải chỉnh lý trong hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) mà còn phải toàn diện trong hệ hành (nơi mà hành tác hằng ngày để bảo vệ định chế dân chủ song hành cùng các hành động cụ thể để nuôi dưỡng các cơ chế dân chủ trong tương lai). Chỉnh lý trong hệ luận và toàn diện trong hệ hành thể hiện hai sức mạnh của dân chủ: bề dầy của nhân lý để xây dựng nhân tri, để làm nên nhân trí trên con đường đi tìm bình đẳng–bác ái-tự do cho nhân loại. Các tầng lớp xã hội ngày càng bình đẳng, để bác ái hiện diện trong tập thể, có mặt trong mọi cộng đồng, cùng lúc các công dân ngày cành nhiều tự do hơn; chính phương trình bình đẳng–bác ái-tự do này sẽ làm gốc cho thể chế cộng hoà, có cội và có nguồn từ một chế độ thật sự dân chủ.
Nhân lý dân chủ biết nói: không!
Nhân lý dân chủ sẽ mở lối để xây dựng lại kiếp người trong đó nhân tình phải có nhân tính, nơi mà bác ái biết chế tác ra vị tha, khoan dung, rộng lượng để kẻ mạnh giúp kẻ yếu, chớ không phải ngược lại là cá lớn nuốt cá bé trong bạo lực quái thai của mạnh được yếu thua. Muốn nhân lý dân chủ đưa đường dẫn lối, thì khi khởi hành phải biết nói: không! Với mọi ý đồ lãnh đạo độc tài muốn thuần hoá nhân tính, muốn tha hoá nhân lý, cụ thể là không còn thưa, bẩm, dạ, vâng một cách vô điều kiện với thượng đế trong mọi tôn giáo, mà nhất là dứt-khoát-để-dứt-điểm với mọi độc quyền trong độc tài, độc tôn trong độc đảng.
Dân chủ là một cuộc cách mạng tuyệt đối trong tư duy của con người biết dùng tự do để tạo ra tự chủ cho mình; dân chủ là một cuộc cách mạng toàn diện trong hành động của con người dùng tự quyết vì biết tự trọng trước nhân phẩm, làm nên nhân cách của mình. Nhân lý dân chủ là một tác phẩm của nhân tri, trong đó con người là tác giả của nhân trí cho chính mình.
Nhân lý dân chủ có sức thuyết phục của dân chủ là biết dựa trên quy luật cùng-nhau-để-có-nhau, không ai được diệt ai và không ai được bỏ ai, chuyện cốc mò cò ăn trong các giai đoạn lịch sử người bóc lột người phải chấm dứt càng sớm càng hay. Nhất là chuyện kẻ ăn ốc người đổ vỏ trong thảm trạng của xã hội Việt Nam hiện nay nơi mà tham quyền sinh đôi cùng tham nhũng để bòn rút của cải dân tộc, nạo vét tài nguyên của đất nước thì phải được xoá bỏ sớm ngày nào hay ngày nấy!
Nhân lý dân chủ không những mở lối cho hệ nhân (nơi mà nhân lý, nhân tri, nhân trí biết đưa đường dẫn lối cho nhân tình, nhân thế, nhân sinh, nhân loại để bảo vệ nhân đạo, nhân nghĩa, nhân bản, nhân văn) mà nhân lý dân chủ còn khai sáng hệ thức (nơi mà kiến thức làm nền cho tri thức để chế tác ra trí thức, trong một dân tộc có ý thức, trong một xã hội có nhận thức tới từ nhân lý dân chủ). Chính hệ nhân khi được trợ lực bởi hệ thức, giúp nhân lý dân chủ đủ vai vóc để nhận các thử thách thời cuộc, hiểu các xung đột xã hội, thấu các mâu thuẫn trong nhân sinh và tìm cách vượt qua các khó khăn, vượt thoát các trở lực, và vượt thắng các trở ngại trong các thế kỷ qua, mà luôn bảo vệ được nhân tính trong nhân lý, đây là sức mạnh của dân chủ.
Nhân lý dân chủ mở lối đúng cho nhân loại vì nó tính toán trúng cho nhân sinh, với đáp số ít tồi tệ nhất cho nhân thế, vì trên thượng nguồn nó biết vượt thoát các trở lực tới từ thượng đế, thần linh, mê tín, dị đoan, rồi nó vượt thắng luôn các bạo quyền, tà quyền không lấy nhân làm lý, mà chỉ lấy quyền để trục lợi. Song song với quy luật sáng sủa trò chơi-sân chơi-luật chơi của dân chủ qua đầu phiếu (thực) qua bầu cử (thật), dân chủ còn có một nội lực qua hệ năng (tại đây khả năng được đào tạo để trở thành kỹ năng, chế tác ra tài năng) làm nguyên khí cho quốc gia. Chuyện kéo bè lập đảng để đánh lận con đen qua hệ tham (tham quan sinh ra tham ô, đẻ ra tham nhũng, để nuôi quái thai tham quyền) sẽ bị kết án bởi tư pháp thật sự dân chủ, để rồi bị kết tội bằng các hằng số luân lý của hệ liêm (nơi mà liêm khiết trong phong cách làm nên liêm chính trong nhân cách để bảo vệ liêm sỉ cho tư cách).
Trước khi có dân chủ, tôn giáo cũng đề ra quy luật cùng-nhau-để-có-nhau, nhưng qua sự tổ chức và dưới quyền điều hành của một đấng thiêng liêng là thượng đế, khai sinh ra vạn vật, khai sáng cho muôn loài. Trong quá trình hình thành dân chủ, từ cổ sử Hy Lạp tới tận thế kỷ XX, dân chủ là ý nguyện đã biến thành ý lực để tách chính trị ra khỏi tôn giáo. Chưa hết, nó kiểm soát chính giới ngay trong sinh hoạt chính trị, nơi đây chính trị gia phải là các công dân gương mẫu. Nếu chính trị gia rơi vào tham ô, tham nhũng thì chóng chày sẽ rơi vào tay của tư pháp đại diện cho công pháp, được trợ lực bởi công lý để đưa các chính trị gia tham ô, tham nhũng vào vòng lao lý. Không phải như hiện trạng độc đảng hiện nay của Việt Nam, nếu là đảng viên thì thoát được công pháp, nếu là lãnh đạo thì thoát được công lý, và tham ô, tham nhũng vẫn thoát được lao lý.
Nhân lý dân chủ mở lối cho nhân tri, trên con đường với bao chướng ngại vật tới từ nhiều bọn xấu trong lãnh đạo, vì chúng là bọn đầu nậu không những trong chính trị mà cả trong kinh tế, không những trong quân đội mà cả trong công an, không những trong giáo dục mà cả trong văn hoá… Không gian dân chủ không hề là mưa thuận gió hoà, thời gian dân chủ không hề là thuận buồm xuôi gió, không gian và thời gian của dân chủ thường có những mùa biển động, nên các chính quyền dân chủ chấp nhận đầu sóng ngọn gió, các chính khách dân chủ chấp nhận vì có khả năng đứng mũi chịu sào cho dân tộc và đất nước. Vì họ được đào tạo thật qua học thật-thi thật-bằng thật, với học vị thật, qua học hàm thật vì họ có học lực thật, không như hiện trạng quái thai độc đảng tại Việt Nam, cho ra đời học giả-thi giả-bằng giả để âm binh thành quan chức qua mua bằng-bán cấp, rồi tức khắc nhập vào ma đạo của mua chức-bán quyền.
Trật tự chính trị, trật tự luật pháp
Dân chủ mở lối cho nhân lý trên gốc, rễ, cội, nguồn ngay trong lịch sử của nhân loại, với cách mạng của các khám phá khoa học liên tục từ thế kỷ XV tới thế kỷ XIX; lại được hỗ trợ bởi các cuộc cách mạng chính trị qua tam quyền phân lập, nhất là tại Anh Quốc và Pháp quốc; cho tới cuộc cách mạng công nghiệp từ hơn ba thế kỷ qua. Lịch sử dân chủ là tuần tự dân chủ, ngày ngày, tháng tháng, năm năm tự hoàn thiện hoá, trong đó trật tự chính trị song hành cùng trật tự luật pháp, nơi mà không ai được đứng trên, đứng ngược, đứng ngoài luật pháp.
Như ta đang thấy hiện nay tại Việt Nam qua thế ăn trên ngồi trốc của ĐCSVN-Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay. Một ĐCSVN đứng trên hiến pháp; đứng ngược với vận mệnh đất nước đang bị Tàu tặc xâm chiếm; đứng ngoài vòng công lý với tham ô và tham nhũng đang làm suy kiệt mọi thực lực phát triển của một dân tộc. Một ĐCSVN, một tập đoàn tội phạm, chà đạp lên công lý và công pháp, bằng biển lận và tội ác.
Dân chủ mở lối cho kinh tế thị trường, có tự do cạnh tranh trong quy luật hợp tác quốc tế, tại đây thế kỷ XX là thời điểm lịch sử cho thấy các thể chế dân chủ đủ lực và đủ tầm để hiện đại hoá bằng cách phổ quát hoá bầu cử để có các chính quyền, chính phủ vừa là đại diện xứng đáng qua nhiệm kỳ, vừa là chủ thể trong các quy luật hợp tác quốc tế. Ba thực tế (kinh tế thị trường, tự do cạnh tranh, hợp tác quốc tế) luôn song hành cùng ba cuộc cách mạng (công nghiệp, khoa học, kỹ thuật) ngày ngày nới rộng tự do của cá nhân, của tập thể, của cộng đồng, của dân tộc, của nhân loại. Tự do ngày càng rộng trong các thế chế dân chủ thật sự đã cho ra đời ba hiện thực mới của dân chủ: cá nhân luật, chính quyền luật và định chế luật, trong đó luật pháp dựa trên công bằng của công lý vừa bảo quản, vừa bảo trì công pháp, nơi mà luật sẽ bảo vệ mọi công dân, tức là mọi cá thể của xã hội.
Khi các ý thức hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc tôn, độc trị) xuất hiện tại Liên Xô với cách mạng 1917, kế tiếp với Đức quốc xã gây nên Đệ Nhị Thế Chiến 1939-45, nơi mà thế kỷ XX vừa là chiến trường, vừa là thử thách sinh tử của các thế chế dân chủ, người ta nhận ra nội công tự chủ và nội lực tự do từ Tây Âu qua Bắc Mỹ vượt được mọi thăng trầm của các cuộc khủng hoảng, các suy thoái kinh tế. Chính bản lĩnh tự chủ trong tự do, trong dân chủ từ Tây Âu và Bắc Mỹ mà con người vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ ba cuộc cạch mạng khác: cách mạng vi tính, cách mạng truyền thông, cách mạng mạng xã hội, qua internet.
Tại châu Á, có dân chủ Nhật đóng vai trò sáng tạo kỹ thuật, có Ấn Độ biết duy trì thể chế dân chủ trong một quốc gia trên một tỷ công dân, với những vấn đề xã hội và tôn giáo rất phức tạp, cùng lúc Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, rồi Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan cũng dần dần vào quỹ dạo dân chủ. Chuyện cơm no áo ấm song đôi cùng trong ấm ngoài êm, trong đó dân chủ làm rễ cho nhân lý, làm gốc cho nhân trí, làm cội cho nhân bản, làm nguồn cho nhân văn, là chuyện khả thi và khả thực của mắt thấy tai nghe trong thực tế của quốc thái dân an, chớ không phải là chuyện hoang đường kiểu thiên đường cộng sản với hưởng thụ theo nhu cầu. Mà thực chất là chuyện gian lận với một độc đảng chỉ biết bắt bớ và giết hại để vơ vét của cải dân tộc, cào nạo tài nguyên đất nước.
Công dân chủ thể đa nguyên
Dân chủ với nội công tự chủ và nội lực tự do là điểm hẹn của nhiều tự do mới tới từ ít nhất 12 cuộc cách mạng vừa được kể trong thế kỷ XX: kinh tế thị trường, tự do cạnh tranh, hợp tác quốc tế, công nghiệp, khoa học, kỹ thuật, vi tính, truyền thông, mạng xã hội, cá nhân luật, chính quyền luật và định chế luật. Chính sức mạnh của các thể chế dân chủ đã hiện đại hoá thế giới, để thế kỷ mới XXI là thế kỷ của hiện đại với các cuộc cách mạng mới: toàn cầu hoá từ hợp tác quốc tế tới thế giới trực tuyến, tự động hoá từ sản suất công nghiệp tới phân công lao động bằng rô bốt hoá, chống ô nhiễm môi trường tới tái tạo hoá năng lượng. Tại đây, sự cuồng đạo của tín ngưỡng vô lý tới sự cuồng bạo của các thể chế độc tài, độc đảng vô nhân không có chỗ đứng trong sự tiến hoá của dân chủ với hùng lực của hơn hằng chục cuộc cách mạng cùng nhau song hành vì nhân lý.
Chính nhân lý dân chủ đang chế tác ra khung công pháp mới cho nhân loại : công dân chủ thể đa dạng từ tham gia chính trị, định chế, cơ chế tới sáng tạo ra hội đoàn mới với nhân sinh quan mới về nhân quyền, với thế giới quan mới về tự do, với vũ trụ quan mới về môi trường.
Công dân chủ thể đa nguyên tận dụng hệ đa (nơi mà đa nguyên luôn được củng cố và trợ lực bởi đa tài, đa năng, đa hiệu qua đa dạng, đa chiều, đa lực) tới từ cạnh tranh chính trị và xã hội trong các thể chế dân chủ để xây dựng nên hệ sáng (tại đây sáng kiến mở lối cho sáng chế làm nên sáng tạo từ ý nguyện tới ý muốn, từ ý định tới ý lực). Công dân chủ thể đa nguyên tìm ý nghĩa của cuộc sống trong tự do của chủ thể có bổn phận với đồng bào, có trách nhiệm với đất nước, cùng lúc sáng tạo những ý nghĩa mới cho nhân sinh, với các nội dung mới cho nhân loại, những giá trị mới cho nhân tính, vì mình và vì tha nhân.
Công dân chủ thể đa nguyên có mặt trong các đảng phái, các công đoàn, và có hiện diện tích cực trong các hội đoàn từ thiện tới các tổ chức bảo vệ môi trường. Công dân chủ thể đa nguyên có nhiều sinh hoạt xã hội, có nhiều quan hệ xã hội, với đời sống xã hội phong phú, nâng tính đa dạng, đa chiều, đa phương lên ngày càng cao, mà chỉ có thực chế dân chủ mới mang tới các tự do ngày càng rộng cho các công dân chủ thể này.
Nhân lý dân chủ không hề bị khung trong khuôn, không hề bị giam trong ý thức hệ, không hề bị độc tài bỏ tù, độc đảng giam cầm mà luôn năng động qua hệ mở từ đa nguyên chính trị tới kinh tế hoá toàn cầu, từ khám phá khoa học tới ứng dụng kỹ thuật mới, từ luật vì trật tự xã hội tới luật bảo vệ công dân đòi dân chủ và nhân quyền. Vì thế nên các bạo chúa truy diệt tự do bằng bạo quyền, các độc đảng huỷ hoại đa nguyên bằng độc tài, tất cả bọn này đều tránh tranh-luận-để-giải-luận với các thể chế dân chủ trong tiến trình của nhân loại, dụng nhân lý để giữ nhân tính. Vì dân chủ là chuyển động để thăng hoa, còn độc tài là ngưng đọng để kềm chế, vì dân chủ là phân phối công bằng quyền lợi, còn độc đảng thì tráo phân phối thành tư lợi.
____
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên BÁO TIẾNG DÂN đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp qua TRỰC LUẬN (l’argumentation directe), XÃ LUẬN (l’argumentation sociétale) http://bit.ly/2OMGXH9 trong VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).
____
Mời đọc lại các bài khác của tác giả: Thư gởi tuổi trẻ của Việt tộc — Thư gởi các đảng viên của ĐCSVN: Trả lại thẻ đảng để nhận lại nhân phẩm Việt! — Thư gởi các ủy viên Bộ Chính trị đảng CSVN — Thư gởi các đại biểu Quốc hội: Cúi đầu bấm nút, rồi cúi đầu quỳ gối! — Thư gởi các Bộ trưởng của chính phủ: Chạy chức hay chạy dân? — Thư gởi các nhà lãnh đạo tương lai của Việt tộc: Lãnh đạo nhận nhân lý, nhập nhân trí — Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 1) — Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 2) — Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 3) — Một xã hội bị âm binh hóa (Phần 1) — Một xã hội bị âm binh hóa (Phần 2) — Một xã hội bị khổ sai hóa (Phần 1) — Một xã hội bị khổ sai hóa (Phần 2) — Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 1) — Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 2) — Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 3) — Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 4)