Quy trình và lịch sử

FB Mai Quốc Ấn

9-9-2018

Procedure hay quy trình là một phương pháp cụ thể để thực hiện một quá trình hay công việc. Thông thường quy trình luôn được văn bản hóa hoặc chí ít truyền miệng lặp đi lặp lại để các cá nhân, nhóm cá nhân hay tập thể ghi nhớ và tuân thủ.

Giờ sẽ nói tiếp về một quy trình khác: “Tôi chưa đọc kỹ kết quả kiểm tra nên chỉ có thể nói thế này, tôi ký vào bất cứ cái gì liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm đều theo quy trình, thủ tục“, ông Lê Văn Năm, kiến trúc sư trưởng phê duyệt thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm nói như vậy.

Nghe câu của ông Lê Văn Năm thực sự cảm thấy rất quen. Những cán bộ xộ khám cũng từng nói câu này. Những cán bộ hóa quan chức sau một đêm cũng được lý giải bằng câu này. Những thất thoát ngân sách cũng vẫn “làm theo quy trình”. Nợ công tính bằng số triệu tỉ đồng cũng không khác. Nắm đấm thép kinh tế nhà nước “đấm vỡ mặt” nhân dân cũng “đúng quy trình” như vậy .v.v…

Vậy “đúng quy trình” là gì nếu người dân phải mất đất, mất nhà, mất cơ hội làm ăn và chứng kiến các cán bộ biến chất, các gian thương thâu tóm đất đai, tài nguyên, cơ hội công việc?

Như đã nói, quy trình thường được văn bản hóa. Quy trình nhà nước dĩ nhiên được văn bản hóa. Có thể hiểu, quy trình chính là thể chế. Các chính thể đều ban hành thể chế để bảo vệ sự thống trị của mình. Tùy theo thời đại và triều đại, thể chế có sự thay đổi nhưng cơ bản vẫn là bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị.

Vấn đề ở đây là những người dân Thủ Thiêm bị can thiệp bằng quy hoạch và cao hơn là bị cưỡng chế trái phép để nay mất đất, mất nhà (có trường hợp mất cả người thân) vì sự “đúng quy trình” như ông Lê Văn Năm nói. Logic đơn giản nếu nhìn vào kết luận của UB Kiểm tra trung ương và kết quả của Thanh tra Chính phủ thì dẫn đến một kết luận: Ông Lê Văn Năm đã thực hiện đúng quy trình một quy trình không đúng!

Ai bày ra quy trình ấy thì dần sẽ xuất hiện thôi…

Nhưng người nông dân Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng bị lấy đất có đúng quy trình không? Người nông dân Đặng Văn Hiến bị giao đất trên… bản đồ mà không có đo đạc thực địa, có đúng quy trình không? Và họ chỉ là hai ví dụ trong một quốc gia dễ dàng tìm ra nhiều ví dụ về làm đúng quy trình của một quy trình không đúng.

Nhưng nhìn rộng hơn nữa, việc xã hội loài người luôn phát triển sẽ tự đào thải những quy trình chưa đúng lẫn các cán bộ máy móc “làm đúng quy trình” như ông Lê Văn Năm. Cuộc đào thải nào cũng đau đớn cả nhưng đau đớn nhất chính là những người thấp cổ bé họng nhất. Họ đớn đau trước khi họ nhìn thấy sự thay đổi đúng quy trình một cách đúng nghĩa, đúng khoa học, đúng đạo lý.

Và quá trình nào của Việt Nam nói riêng hay xã hội loài người nói chung cũng có một quy trình xác nhận: Lịch sử! Lịch sử sẽ ghi nhận hết những quy trình hôm nay để phán xét từng sự kiện, từng cá nhân, từng nhóm người hay cả một dân tộc, cả một chủng loài dù họ “làm đúng quy trình” hay không!

Điều thú vị nhất mà tôi chứng kiến chính là ngày càng có nhiều cán bộ nhận ra vai trò của lịch sử. Và họ cũng hành động có trách nhiệm hơn bắt đầu từ nhận thức đó. Hoặc chính họ sẽ đi vào lịch sử rất “đúng quy trình”…

(Còn nhân dân thì ai đọc bài này thấy mình là dân “đúng quy trình” chưa thì lên tiếng thử xem.)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trình độ hạn chế nhưng chức vụ không hạn chế vì do đảng phân công, đảng giao nhiệm vụ nên phải chấp hành thành ra vi phạm khuyết điểm- xin rút kinh nghiệm nghiêm túc !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây