Bản tin Biển Đông ngày 6/9/2018

BTV Tiếng Dân

Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Phòng vệ của Đại học Quốc gia Úc vừa ấn hành một báo cáo của Christopher B. Roberts, phân tích chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc, trong đó cho rằng sự ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang bị thách thức bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc và cách tiếp cận tư bản độc tài trong phát triển kinh tế và gây ảnh hưởng quốc tế. Tác giả nhấn mạnh một loạt các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ là tiền lệ cho cách thức mà Trung Quốc tiến hành đối với các khu vực khác thuộc lợi ích của Trung Quốc.

Cụ thể, tác giả viết về tiền lệ Biển Đông như sau:

“Bất chấp sự tích cực của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông từ năm 1992 và bản thân Bắc Kinh đã đồng ý Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) của ASEAN năm 2002, Bắc Kinh đã đồng thời vừa vi phạm những quy tắc của DOC (ví dụ như thay đổi ‘hiện trạng’) , vừa khai thác và thao túng các diễn biến và chia rẽ nội bộ ASEAN bằng những tuyên bố hai mặt và chiến thuật ngoại giao sổ séc. Điều này, cùng với việc đồng ý các văn bản như “Thoả thuận khung” năm 2017 và “Văn bản Đàm phán” năm 2018 đã cho phép Bắc Kinh trì hoãn bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào về Bộ quy tắc ứng xử mà ASEAN mong đợi từ lâu, cho tới khi nội dung Bộ quy tắc hầu như hoàn toàn theo ý muốn của Bắc Kinh.

Đáng kể nhất, Bắc Kinh đã vi phạm các nghĩa vụ ràng buộc pháp lý trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), một hiệp ước đã được Trung Quốc phê chuẩn vào năm 1996. Ở đây, các hành động bất hợp pháp của Bắc Kinh bao gồm xâm phạm các “quyền chủ quyền” của các quốc gia khác như can thiệp vào các hoạt động đánh cá hợp pháp, và xây dựng và quân sự hoá các đảo nhân tạo với quy mô lớn.

Chính phủ và truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh là nạn nhân của các chính sách ngăn chặn không công bằng của Hoa Kỳ và các đồng minh. Những tuyên bố tuyên truyền này vốn là một phần của chiến lược chiến tranh chính trị rộng hơn và được phối hợp chặt chẽ, nhắm tới những diễn biến như việc triển khai luân phiên 2.500 lính thủy quân lục chiến ở Darwin, Australia (cách đảo Hải Nam hơn 4.000 km) các Chương trình Tự do Hải hành của Hoa Kỳ (FONOPs). Tuy nhiên, đã có rất ít “ngăn chặn” hữu hình đối với hành vi của Bắc Kinh.

Trên khắp Ấn Độ – Thái Bình Dương, Trung Quốc đã từ chối tuân thủ phán quyết trọng tài ‘ràng buộc’ tháng 7 năm 2016 có ý nghĩa địa chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, cũng đáng chú ý không kém là sự thất bại của cộng đồng quốc tế, gồm cả Hoa Kỳ, trong việc đưa ra hành động quyết liệt để ngăn chặn Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế và “trật tự dựa trên luật lệ”.

Đối với khu vực và đặc biệt là Philippines, vụ Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn Scarborough là một sự kiện có tính bước ngoặt. Chính quyền Obama dường như thúc đẩy một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines, nhưng khi Trung Quốc ngay lập tức vi phạm thỏa thuận và chiếm bãi cạn, thì chính quyền Obama dường như bị tê liệt. Tổng thống Philippines đã bay tới Washington để đích thân cầu viện thêm hỗ trợ, nhưng đã không có gì xảy ra.

Điểm mấu chốt cuối cùng là việc Trung Quốc xây dựng nhanh chóng hơn 3.200 mẫu đảo nhân tạo từ đầu năm 2013. Mặc dù đã có thông tin về khả năng Trung Quốc đang xây dựng đảo trên một bài báo của Philippines ngày 31/7/2013 và một tấm ảnh vệ tinh trên trang web của Jane vào tháng 10/2014, hình ảnh toàn diện về các hòn đảo nhân tạo đã không được công khai cho tới tận tháng 2 năm 2015. Một cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ giám sát trực tiếp việc thu thập và phân tích thông tin tình báo về Trung Quốc đã nói với tác giả:

Chính quyền Obama không bị bất ngờ bởi việc TQ xây đảo nhân tạo. Cá nhân tôi đã tham gia cung cấp cảnh báo. Chúng tôi đã gửi những bản báo cáo tóm tắt đến [Washington] DC mỗi ngày và thực hiện các cuộc họp và báo cáo đặc biệt. Nếu nói [rằng] chính quyền Obama đã bị mất cảnh giác thì đó là một lời nói dối. Họ đã theo dõi trong im lặng trong nhiều năm… họ không làm gì ngoài việc phủ nhận điều đó đang xảy ra”.

Thất bại của các quốc gia chủ chốt trong việc công bố các hoạt động xây dựng bất hợp pháp là một sự lơ là nhiệm vụ thật đáng ngạc nhiên. Dù có cố ý hay không, sự im lặng của nhóm tình báo Five Eyes (Hoa Kỳ, Anh, Canada, Úc và New Zealand) đã bảo vệ hiệu quả các hành động của Trung Quốc. Bắc Kinh đã tránh được áp lực quốc tế và đặt hoạt động xây đảo trở thành một sự đã rồi.

Và bởi vậy nên tháng 7/2017, Bắc Kinh đã [có thể] đe dọa sẽ tấn công các tiền đồn của Việt Nam trong khu vực Trường Sa trừ khi Hà Nội ra lệnh cho Repsol, một công ty khoan dầu của Tây Ban Nha, từ bỏ lô dầu “Cá Rồng Đỏ” trong vùng biển kéo dài từ điểm tây nam của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam ban đầu chỉ hoãn việc khai thác dầu của Repsol nhưng vào giữa tháng 3 năm 2018, Hà Nội tin rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ các yêu cầu của Bắc Kinh, dù tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ có chuyến thăm cảng Việt Nam chỉ một tuần trước đó – chuyến thăm lần đầu tiên trong hơn bốn mươi năm.

Một điều đáng báo động khác đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương là những đề xuất của Trung Quốc trong văn bản đàm phán COC bị rò rỉ, cho thấy, rõ ràng nó được thiết kế để thao túng quá trình soạn thảo COC, khiến nó vượt ra ngoài mục đích ban đầu.

Sự thao túng này bao gồm các điều khoản được thiết kế để loại bỏ các hoạt động quân sự và kinh tế của các cường quốc không phải ASEAN trên vùng biển khu vực, hay một số điều khoản khác được thiết kế để củng cố ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với ASEAN – ví dụ như “tuần tra chung thường xuyên”. ASEAN có thể sẽ từ chối một số điều khoản gây nhiều tranh cãi, nhưng có thể sẽ không có được sự gắn kết cần thiết để thương lượng một bộ quy tắc có hiệu lực và có tính ràng buộc.

Trong bối cảnh đó, bắt đầu nhen nhóm một niềm tin về khả năng các nước ASEAN và các quốc gia liên quan ủng hộ “trật tự dựa trên luật lệ” sẽ bị mất Biển Đông. Điều này phản ánh qua các tuyên bố công khai của các cựu sỹ quan và sỹ quan cao cấp đương chức của Mỹ và Úc”.

Tác giả cho rằng, những hoạt động trên của Trung Quốc ở Biển Đông là một tiền lệ có tính chiến lược về cách thức mà Trung Quốc sẽ tiến hành để bảo vệ lợi ích của mình ở những khu vực khác như Biển Hoa Đông, Đài Loan, biên giới Trung – Ấn. Và sự thiếu vắng đoàn kết trong khu vực nhằm bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ sẽ càng khiến Trung Quốc củng cố niềm tin về tính hiệu quả của chiến lược hiện tại của nó.

Tác giả đưa ra một số đề xuất như các nước trong khu vực cần đoàn kết với nhau, cùng đưa ra những phản ứng mạnh mẽ hơn, nhiều chiều hơn, và phải vạch ra những “lằn ranh đỏ” được hậu thuẫn bởi sự sẵn sàng sử dụng quyền lực cứng khi cần thiết. Cần thiết lập những cuộc tuần tra đa quốc gia để giám sát và bảo vệ các nguồn tài nguyên trong vùng biển của các nước ASEAN.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây