Chưa phải là cơn bão cuối cùng (Kỳ 3)

Văn Biển Thế Dũng

17-8-2018

Tiếp theo Kỳ 1Kỳ 2

Thế Dũng: Ngay từ thời trai trẻ anh đã kiên quyết chỉ trở thành nhà văn nổi tiếng chứ không chịu trở thành Đảng viên dù là cháu ruột của một Thủ tướng nổi tiếng. Bạn bè hay gọi anh là nhà văn Hoàng thân vì anh là một trí thức văn nghệ sĩ thuộc hạng “con ông cháu cha”. Anh đã sống vắt qua hai thế kỷ, gần gũi với cõi thâm cung bí sử của Chính quyền Cộng sản Việt Nam.

Que diêm thứ Tám của anh làm tôi hình dung ra ngôi nhà mà định mệnh đã dành cho anh, cũng là ngôi nhà trái tim tan vỡ. Sự đau đớn của anh không giống sự đau đớn của Berna Sô. Nó giống như một cơn bão của tâm trí mà anh đã âm thầm tích tụ từ thời đại của mình. Sau ngót ba mươi năm từ lúc khởi bút khi viết đến dòng cuối cùng với tâm thế dứt ruột để cuốn sách ra đời anh đã khóc.

Hy vọng Que diêm thứ Tám chưa phải là cơn bão cuối cùng của Văn Biển. Anh nghĩ sao?

Nhà văn Văn Biển: … “Kiên quyết trở thành nhà văn nổi tiếng”. Bạn ơi, không bao giờ có chuyện đó đâu. Năm 25 tuổi vào làm ở Sở Địa chất. 9 năm sau chuyển sang Hội Sân khấu với kịch bản “Đêm Stockhôn” và truyện “Cô bê 20” là tấm chứng chỉ, hay tờ giấy thông hành vào Hội Nghệ sĩ Sân khấu. Cho tới lúc nghỉ hưu, chưa qua chức tổ phó Công đoàn.

Mặc dầu là cháu ruột cụ Phạm Văn Đồng, lại được cụ cưng chiều và sống trong ngôi nhà riêng của chú 17 năm, cho tới nay cũng chỉ là anh thợ cày, mấy nhà phê bình “lớn” không mấy ai biết tên, biết tuổi. Có vài cuốn sách được Trung ương Đoàn khen là bằng chứng cao nhất về những trang viết cho lứa tuổi Thiếu nhi. Còn “hoàng thân, hoàng thích” là vài anh em quen biết họ gọi đùa cho vui, chứ anh em họ biết thằng Biển là ai, là thế nào rồi.

Còn chuyện không vào Đảng có lý do của nó. Kể ra hơi dài dòng một chút. Ngay từ hồi 15 tuổi ở quê nhà, tình cờ đọc vài cuốn sách, trong số đó có cuốn “Biện chứng pháp và duy vật lịch sử” bản tiếng Pháp của Nhà xuất bản Polyzer (?) Bây giờ chỉ còn nhớ trong đó có câu: Con gà có trước hay quả trứng có trước, phủ định của phủ định. Có cảm tình với chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa Mác từ đó.

Một hôm ông anh học ở Lêningrad gửi về cho chú em trong phong bì có chiếc lá bạch dương, ngẫu hứng làm ngay mấy câu thơ (!):

Tay cầm chiếc lá bạch dương

Mà nghe như cả thu vàng nước Nga

Quê Lê Nin dù rất xa

Lòng con hát mãi bài ca Tháng Mười.

Một tình cảm hồn nhiên của cậu học sinh tuổi 15, 16! Sau này còn làm cả bài thơ dài về Mác, tiếc nay chỉ còn nhớ mỗi câu đầu:

Nếu vẽ Mác con sẽ vẽ một Mặt Trời Đỏ Rực…

Năm 1955 tập kết ra Bắc đọc cho cụ Đồng nghe cả bài thơ dài. Trầm ngâm mãi, một lát sau cụ phán một câu nhớ suốt đời: Bài thơ Biển dùng đao to búa lớn…

Sau này một lần đi tàu liên vận từ Mạc Tư Khoa về nước ngang qua Sibêri, ngồi trong toa tàu trông thấy tượng Lênin cao to mình phủ đầy tuyết, đứng trên cánh đồng tuyết mênh mông trắng xóa, cằm vị lãnh tụ đầu tiên của giai cấp vô sản như lưỡi cày hất lên, một cánh tay chỉ về phía trước. Tôi viết ngay bài thơ tứ tuyệt, nay chỉ còn nhớ mỗi câu cuối:

Tay Người chỉ lối tới ngày mai.

Buồn thay, cái ngày mai đó không phải Thiên đường mà hơn một tỷ người đã tới là Địa ngục. Một Địa ngục trần gian khủng khiếp.

Tuổi 17, 18 cho tới hơn chục năm sau vẫn là một tình yêu lý tưởng sôi nổi, bồng bột, tưởng như là một chân lý muôn đời…

Vậy tại sao từ ngày ra Bắc và có 17 năm sống trong nhà cụ Đồng lại không vô Đảng, mặc dầu cả mấy đời bí thư chi bộ bá vai đi dạo ngoài sân 51 Trần Hưng Đạo (trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật) to nhỏ: Biển làm đơn xin vô Đảng… Mỗi lần như thế tôi đều viện cớ thoái thác: Mình còn nhiều mặt yếu kém lắm. Với lại chưa vội gì…

Thật ra lý thuyết là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác. Càng sống, càng tiếp xúc, va chạm, thấy không giống như mình từng nghĩ. Rồi những vụ việc Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, Đánh tư sản miền Bắc v.v… với bao điều ngang trái kỳ quặc khác, đã từ từ đánh mất niềm yêu, niềm tin lý tưởng mình đã chọn từ tuổi thiếu thời.

Về chuyện không vô Đảng, tôi có bộc bạch với cụ Đồng. Tất nhiên không nói rõ lý do. Cụ bảo: Cái đó tùy Biển. Vào hay không không thành vấn đề. Miễn sống tốt và làm việc tốt. Ông cụ thừa biết tôi làm việc ra sao rồi. Mỗi lần ra nhà chú đều dặn vợ tôi: Chú giao cho Tâm một việc: không cho Biển làm việc nhiều. (Tới nay ở tuổi 88, 89 con gái tôi ở nước ngoài, luôn gọi điện hoặc nhắn qua email: “Ba không nên đọc và viết nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe”). Còn hầu hết bản thảo các kịch bản của tôi cụ đều đọc, và lúc trả cụ khen Biển viết hay hoặc chỉ nói: Chú thấy không có vấn đề gì.

Nhớ mỗi lần ra nhà chơi, cụ thường nằm ở ghế mây, anh em tôi ngồi cạnh. Cụ nói: Các cháu sau này không nên làm chính trị. Dường như cụ cảm nhận một điều gì không hay trong đời sống chính trị lâu nay… Từ những chuyện Sáu Thọ giết người tới những cơn mơ vĩ cuồng của Tổng Bí thư Lê Duẩn, rồi chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị cánh Lê Duẩn, Sáu Thọ chơi sát ván. Từ vị Đại tướng thắng trận Điện Biên lừng lẫy trở thành “vị tướng” cây đa nhà bò. Kẻ sĩ không ai làm thế. Cùng bao chuyện khác trong chính giới kể cả lối hành xử quá đáng với cụ Hồ… Tất cả những chuyện đó không thể không làm ông suy nghĩ…

Mặc dầu ông không hiểu làm chủ tập thể là cái quái gì, nhưng trong cuộc nói chuyện với cán bộ tỉnh Lâm Đồng ông buộc phải hô lên khi kết thúc buổi nói chuyện: Làm chủ tập thể muôn năm! mà chắc tự ông không biết mình đang nói gì. Bi kịch chính trị cũng có phần nào bi kịch của đời thường, nhưng nó ghê gớm hơn.

Bạn có nói trong câu hỏi “ngôi nhà định mệnh… và trái tim tan vỡ… nó giống như một cơn bão của tâm trí mà anh đã âm thầm tích tụ…”. Thật ra thì không có sự đau đớn hay tan vỡ nào cả. Tôi có cái may mắn hơn bao nhiêu người khác nên không có những điều bạn nghĩ. Sự tin yêu lý tưởng ban đầu tuy mạnh mẽ như “tiếng sét” chỉ là sự ngộ nhận đáng yêu của tuổi 15, 16. Và khi va chạm thực tế không mấy hay ho đã bừng tỉnh nhanh chóng sau giấc mơ đẹp.

Que diêm thứ Tám chỉ là đỉnh điểm của phần lớn kịch bản chính trị đắp chiếu nằm trong ngăn kéo “Thành phố con tàu, Nàng Bạch Tuyết mới, Chiếc gương chàng Ngốc… Những kịch bản này tôi sẽ nói tới sau. Tôi may mắn không có cái bi kịch của Trần Đỉnh (tác giả Đèn Cù) như vẫn còn ấm ức khi bị khai trừ khỏi Đảng…”.

Kết thúc cuộc phỏng vấn bạn có hỏi cuốn sách của tôi có phải là cơn bão cuối cùng không?

Gọi nó là cơn bão e hơi quá chăng. Thật ra chỉ là tiếng kêu cứu, đôi khi là gào thét của những người đang sống và đã khuất, và cả con cháu họ sau này. Sau khi Đất nước trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt và những biến cố lịch sử để lại những vết thương khó lành (Cải cách ruộng đất, Đánh phá tư sản miền Bắc và sau đó miền Nam và… bao chuyện đau lòng khác). Như lời tâm sự của tác giả: “Khi cuốn sách đã tới dòng cuối cùng, tôi đã khóc. Xin đừng cười. Hãy thông cảm cho tác giả đang ở ngưỡng cửa 90. Sắp bước lên chiếc xe tồi tàn của Thần Chết đi vào nơi xa lạ mà trên tay không có tấm vé khứ hồi. Xin gởi tới các bạn lòng biết ơn nếu tình cờ cuốn sách tới tay bạn và bắt đầu mở ra. Nếu có gì đúng xin hãy chấp nhận. Nếu sai xin được lượng thứ. Dầu đúng, dầu sai, tôi đã viết với tất cả tấm lòng chân thành và sự cố gắng của mình…” (Trích đoạn cuối Que diêm thứ Tám).

Trở lại một chút với lời đầu của câu hỏi cuối. Tôi không muốn vô Đảng, không muốn trở thành người nổi tiếng mà muốn là một công dân có trách nhiệm. Vì thế trong các loại hình nghệ thuật sở trường (truyện Thiếu nhi, Thơ, Truyện ngắn v.v…) tôi chọn Sân khấu làm nơi dấn thân. Những chuyện buồn vui về sân khấu tôi sẽ nói tới sau.

Bình Luận từ Facebook