Hồ Bạch Thảo
13-8-2018
Dã Ký [野記], hay Dã Sử đều là công trình của cá nhân ghi chép về lịch sử. Khác với chính sử của triều đình, các sử liệu được sàng lọc rất kỹ, còn Dã ký thì cách chọn hoặc bỏ có phần rộng rãi hơn. Các đời Minh, Thanh đều có Dã Ký; sách đời Minh do Chúc Duẫn Minh 祝允明 soạn, gồm 4 quyển.
Chúc Duẫn Minh [1460-1526] sinh tại Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây; lúc nhỏ nổi tiếng thần đồng, viết chữ đẹp, nhưng đường thi cử lận đận. Năm 19 tuổi đậu Tú tài, thi Hương 5 lần mới trúng Cử nhân vào năm Hoằng Trị thứ 5 [1492], trải qua 7 lần thi Hội không đậu; đến lúc con trai đậu, ông bèn bỏ không thi nữa. Từng ra làm quan, giữ chức Tri huyện Hưng Ninh, Quảng Đông; sau đó thuyên chuyển làm Thông phán phủ Ứng Thiên, Nam Kinh; rồi từ chức trở về quê. Về văn nghiệp ông có 28 tác phẩm, trong đó có 5 tập thuộc loại ký; về thư pháp có 18 tập; sự nghiệp được ghi lại trong Minh Sử.
Trong quyển 2, Dã Ký, chép về cha con Hồ Quí Ly (1), Hồ Nguyên Trừng như sau: “Thời Vĩnh Lạc đánh An Nam, Lê Quí Ly hàng, có 3 con cùng theo vào triều.
Người con trưởng là Trừng được ban họ Trần, làm quan đến Thượng thư bộ Hộ(2). Trừng giỏi chế súng, đã chế súng thần công cho triều đình. Sau đó bị giáng chức, nhưng cho con làm chỉ huy Cấm vệ. Trừng xin theo nghiệp văn, hứa cho mỗi đời có con vào học Quốc tử giám. Ngày nay phàm tế binh khí, đều tế Trừng.
Người con giữa không rõ tên, được ban họ Đặng, cũng làm quan đến Thượng thư, sau bị giáng làm phụ tá huyện Giang Âm [tỉnh Giang Tô]. Có 3 người con, cho 1 người làm chỉ huy Cấm vệ, ban cho ruộng tại Giang Âm rất hậu, được miễn trừ sưu dịch, nay vẫn giữ nghiệp nhà.
Người con út không rõ tên, làm quan đến chức Chỉ huy. Sau đó lâu, xin về quê tế mộ, rồi tự xưng Vương. Quí Ly chết chôn tại kinh sư, sau đó con cháu dời chôn tại bên cạnh núi Chung Sơn.”
永樂中,征安南,黎季氂降,有三子,皆隨入朝。其孟曰澄,賜姓陳,官為 戶部尚書。澄善製槍,為朝廷創造神槍。後貶其官,而命其子世襲錦衣指揮,澄願從文,乃許令世以一人為國子生。今凡祭兵器並祭澄也。其仲曰某,賜姓鄧,亦官 尚書。後貶江陰縣佐,未審丞、簿。有三子,亦令一人襲錦衣指揮,並賜江陰田甚厚,永蠲其傜,今猶守世業。其季曰某,官為指揮。久之,乞歸祭墓,既往,即自 立為王。季氂死葬京師,其子後遷葬於鍾山之旁。
Việc Hồ Nguyên Trừng chế súng thần công cho nhà Minh rồi được phong chức Thượng thư bộ Công còn được xác nhận trong Minh Thực Lục qua văn bản dưới đây:
“[1033] Ngày 11 tháng 4 năm Thành Hoá thứ 5 [21/5/1469]
Dùng con của viên Hữu thị lang bộ Công Lê Thúc Lâm, tên Thế Vinh, làm Trung thư xá nhân.
Thúc Lâm gốc người Giao Chỉ; cha là Trừng, con Lê Quí Ly, em Lê Thương, vốn là tù binh bị bắt về, Thái tông văn hoàng đế tha tội cho, ban cho chức quan, chuyên chế tạo súng đạn, thuốc nổ, tại cục Binh trượng, cuối cùng giữ chức Thượng thư bộ Công. Thúc Lâm kế nghiệp, vẫn tiếp tục chế tạo quân khí. Đến nay xin cho con là Thế Vinh được làm quan tại kinh đô, để tiện bề phụng dưỡng.
Hoàng thượng nghĩ đến người phương xa nên chấp thuận.
(Minh Thực Lục v 42, tr.1329;Hiến Tông q.66, tr.4a)”(3)
Văn bản nêu trên còn cho biết con Hồ Nguyên Trừng là Hồ Thúc Lâm được giữ chức Hữu thị lang bộ Công, Thị lang tương đương với Thứ trưởng ngày nay. Riêng Dã Ký cho biết thêm, em Trừng cũng làm Thượng thư bộ Công, con trai em làm Chỉ huy Cấm vệ, tất cả đều chuyên coi sóc chế tạo súng thần công. Nói tóm lại cả đại gia đình Hồ Quí Ly đã làm chủ kỹ thuật chế tạo súng, kỹ thuật này tất đã có sẵn tại Việt Nam; ngầm dùng nó làm bí quyết trao đổi, mới thoát khỏi chết trong buổi hiến dâng tù, dưới sự chủ toạ của vua nhà Minh vào ngày 5 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [5/10/1407] (4).
Đến đây câu hỏi được đặt ra: Nhà Hồ có súng tốt, làm sao phải chịu mất nước?
Nhắm trả lời câu hỏi này, hãy trở về với sử nước nhà Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Lúc bấy giờ quân Minh chuẩn bị xâm lăng nước ta, vua là Hồ Hán Thương họp triều đình để bàn nên đánh hay hoà; Hồ Nguyên Trừng bèn tâu như sau:
“Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi “Hồ Quí Ly bèn ban cho hộp trầu bằng vàng.”(5)
Câu nói của Hồ Nguyên Trừng, được Hồ Quí Ly khen ngợi ban thưởng, nội dung gồm 2 phần:
– Không sợ đánh, Hồ Nguyên Trừng tự tin như vậy vì đã có sẵn vũ khí tốt.
– Sợ lòng dân không theo, chính là mối lo của cha con Hồ Quí Ly. Hiện tượng này quả thực đã xảy ra, bởi tâm lý dân chúng lúc bấy giờ căm ghét nhà Hồ giành ngôi nhà Trần, nên đồng lòng rủ nhau không theo. Điều này còn lưu lại dấu ấn trong một câu ca dao, diễn tả tâm tình lứa đôi ngang trái, người vợ đòi tự tử tại Hồ Tây, bởi chồng theo phe Hồ Hán Thương:
Chàng về Hồ thiếp cũng về Hồ,
Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây!
Một khi lòng người như vậy, thì súng ống tốt cũng chỉ là khúc củi vô dụng, và sự thất bại trở thành lẽ hiển nhiên.
***
Cần đào sâu suy nghĩ, tại sao lòng dân căm ghét nhà Hồ?
Duyệt qua mấy ngàn năm lịch sử dưới chế độ quân chủ, lòng người nước ta đã bị nhồi sọ phải trung thành với vua cũ, không cần biết tốt hay xấu, có năng lực hay không; hễ ai chống lại triều cũ đều là giặc, là nguỵ, không được dung thứ. Người dân lúc bấy giờ trung thành một cách ngu muội (ngu trung), lại nghĩ đến hào quang về các vua đầu triều Trần đã chiến thắng quân Nguyên Mông, nên không thèm hỏi đến lỗi lớn của vua cuối Trần lúc bấy giờ. Các vua Nghệ Tông, Thuận Tông đều nhu nhược, để cho quân Chiêm Thành, Chế Bồng Nga, 3 lần cướp phá kinh đô Thăng Long; sợ Chiêm Thành đến nỗi phải mang của cải triều đình đến các tỉnh chôn giấu.
Giả sử việc này xảy ra tại một nước dân chủ, với lỗi lầm lớn như vậy; chỉ cần qua một cuộc bầu cử vua nhà Trần ắt phải xuống chức, để Hồ Quí Ly chính danh thay thế. Với vũ khí tốt của cha con nhà Hồ, nếu được lòng dân theo, thì chiến thắng sẽ nằm trong tay.
Liên hệ đến các nước dân chủ, như Mỹ, không phải không có Tổng thống dở; nhưng với cơ chế tốt, tam quyền phân lập [lập pháp, hành pháp, tư pháp], bầu cử tự do, có thể thay đổi vận mệnh đất nước từ xấu sang tốt. Đơn cử trường hợp Tổng thống thứ 15 [1857-1861], James Buchanan nước Mỹ, phạm các lỗi lầm như bênh vực các tiểu bang dung dưỡng chế độ nô lệ tại phương nam, khiến nội tình nước Mỹ chia rẽ trầm trọng. Thì chỉ trải qua một nhiệm kỳ 4 năm, được thay đổi bởi Tổng thống Abraham Lincoln, từ đó vận hội nước Mỹ tốt đẹp hơn, trở thành cường quốc trên trường quốc tế.
Với cơ chế tốt, nước Mỹ từ thời lập quốc đến nay, qua 44 đời Tổng thống, chuyển quyền một cách tương đối ổn thoả, không có một cuộc đảo chính xảy ra. Trái với Việt Nam ta, ngoại trừ các vua giành được độc lập từ ngoại xâm như Ngô Quyền, Lê Lợi; thì mỗi lần thay đổi sơn hà là mỗi lần đổ máu. Trường hợp vua Lý Huệ Tông, tuy đã bỏ đi tu, ngồi nhổ cỏ trước sân chùa Chân Giáo, vẫn bị Trần Thủ Đô đến đe doạ bằng câu nói bóng gió “Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ ”; khiến nhà vua biết thân phận mình phải vào chùa thắt cổ tự tử; ngoài ra cả ho Lý hoặc bị tàn sát, hoặc phải đổi sang họ khác. Còn anh em nhà Tây Sơn, tuy chết rồi cũng bị đào mồ phanh thây; riêng vua còn sống, Nguyễn Quang Toản, thì bị xử lăng trì bởi voi dày. Được làm vua, thua làm giặc; số người bị chết trong các cuộc thay đổi triều đại không biết bao nhiêu mà kể, khiến thi hào Nguyễn Du trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh phải than:
Một phen thay đổi sơn hà,
Tấm thân chiếc lá biết là về đâu!
Lại còn trường hợp oái oăm khác, có vị vua tự nhận thất bại, thiếu khả năng, bệnh tật triền miên; nhưng phải ôm ngôi vị mấy chục năm cho đến chết, để nhìn đất nước lần lượt bị mất từng phần, chờ cho ngoại bang cai trị. Đó là trường hợp vua Tự Đức, qua dụ Tự Trách Mình (Tự Biếm Dụ) ông viết:
“Miễn cưỡng theo mưu kế của bậc lão thần, bỏ đất đai và dân chúng 6 tỉnh Nam Kỳ, để cầu khỏi nạn chiến tranh và yên xã tắc. Trên 200 năm khai sáng gìn giữ gian nan, bỏ trong một sớm; chính là tội của tên tiểu tử này kể sao cho xiết! Túng sử có lập được nên công đức cũng không đủ chuộc được tội lỗi. Huống hồ trẫm lại không công không đức, chỉ trơ mặt trơ thân ngồi nhìn, lần lữa cho đến già yếu; tuy thiên hạ không nỡ trách ta, nhưng lòng ta há lại không suy nghĩ? “(6)
Về sức khoẻ suy yếu, ông tâm sự như sau:
“Vốn bẩm sinh bạc nhược, xưa nay chưa có ai khí chất yếu kém như vậy. Cho nên từ thuở ấu thơ, niên thiếu, cho đến già lão luôn luôn lấy bệnh làm bạn bè, mượn thuốc làm bản mệnh, cơ hồ chưa hề gián cách một ngày.”(7)
Giả sử dưới thời Tự Đức, có một cơ chế tốt chọn người giỏi để thay thế, thì nước ta không lâm vào cảnh 80 năm nô lệ.
***
Bình tâm lượm lặt những sự việc xảy ra qua ngàn năm lịch sử, cũng đủ chỉ cho chúng ta con đường hoạ, phúc; điều nên tránh, điều nên theo. Hãy đặt niềm tin vào tương lai, với một cơ chế tốt, đất nước không cỏn đổ máu một cách vô ích, lòng người hoà hợp, xã hội thăng tiến.
_____
Chú thích:
1. Hồ Quí Ly từ họ Hồ, có thời đổi sang họ Lê nên gọi là Lê Quí Ly, rồi lại trở lại họ Hồ.
2. Thượng thư bộ Hộ: dưới triều Minh là vị quan cao cấp hạng nhất trong 6 bộ.
3. Hồ Bạch Thảo dịch, Minh Thực Lục, Hà Nội: NXB Hà Nội, 2010, tập 3, trang 81.
4. Hồ Bạch Thảo, Minh Thực Lục, sách dã dẩn tập 1, trang 277-281.
5. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hà Nội, 1988, N X B Khoa Học Xã Hội, tập 2, trang 211.
6. Tự Đức, Tự Đức Thánh Chế Văn, tập 3, quyển 2, Tự Biếm Dụ.
7. Tự Đức Thánh Chế Văn, sách đã dẫn, tập 3, quyển 3, tờ 12b.
1. Đòi hỏi dân chủ, được bầu cử, thậm chí lại còn đem nước Mỹ ra minh họa khi nói về các triều đại Lý, Trần, Hồ thì quả thật, bản nhân buộc phải nghĩ rằng tác giả tuy viết rất nhiều về các tư liệu lịch sử nhưng không có phương pháp luận lịch sử.
* Trước tiên, phải nói rằng các vua đầu tiên của các triều đại nói trên, hoặc giấu diếm hoặc công khai về nguồn gốc phương Bắc của mình nhưng đều có điểm chung là tự coi mình là quốc gia ngoại biên và thần phục Trung Nguyên (cho dù triều đình đó không phải là Hán mà là ngoại tộc khác), và luôn nhớ về nguồn gốc phương Bắc của mình như triều Lý lập đền thờ Si Vưu, hoặc như triều Trần lấy ngày 3/3 làm ngày hàn thực để tưởng nhớ Giới Tử Thôi, còn, Hồ Quý Ly thì đặt tên nước là Đại Ngu để tưởng nhớ đến quê cha đất tổ của mình, chính vì thế, nền văn hóa mà nền tảng là nho giáo của triều đình và con người thời đó về bản chất chính là TẦU NHÁI.
* Đã là NHÁI thì mọi mặt đều NHÁI, đặc biệt là cách hành xử (đặc sản của Tầu), đó là, ĐƯỢC LÀM VUA, THUA LÀM GIẶC!
* Bởi thế, triều Trần thay triều Lý, rồi sau này lại bị thay thế bởi triều Hồ chắc chắn phải nằm trong “quy hoạch” trên, lấy đây ra cái chuyện dân chủ và dân cử!?
2. Về triều đại nhà Hồ, lòng dân không theo vì những lý do khác chứ không phải là ngu trung, thương nhớ nhà Trần, cụ thể:
* Dùng tiền giấy Thông Bảo hội sao đưa vào lưu thông để vơ vét các đồ kim khí dùng cho việc đúc vũ khí, tưởng rằng đó là cải cách nhưng không lường trước được việc nảy sinh ra chuyện có tiền giả với lượng khá lớn làm lũng đoạn kinh tế, dẫn đến chuyện mà ngày nay gọi là lạm phát siêu tốc, nhân dân bị mất hết tài sản quý và cuộc sống bị bần cùng hóa.
* Xây dựng một lực lượng quân đội quá lớn dẫn đến việc sức dân đã hao do lạm phát rồi đi đến kiệt quệ vì phải nuôi quân, mặt khác, lại tốn rất nhiều công sức tiền của để chế tạo súng thần công cỡ nòng lớn nhưng vô dụng vì chất lượng thuốc súng kém, không đủ lực tống cho hòn đạn bay xa (chỉ đến khi giặc Minh cướp được các súng này, đưa về làm chiến lợi phẩm và phát hiện ra uy lực công phá rất mạnh của súng khi dùng thuốc súng chất lượng tốt có nguồn gốc từ Trung Á)
* Thời đó, còn rất nhiều các dòng tộc tự hào mình là người gốc Hán, không chấp nhận triều Hồ mà tiếp tay cho giặc Minh xâm lược Đại Việt, thậm chí, như Mạc Thúy (cố tổ của Mạc Đăng Dung) còn thay mặt “các kỳ lão” xin cho Đại Việt được nhập vào chính quốc.