ASEAN và Trung Quốc đồng ý về Dự thảo bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông

Diplomat

Tác giả: Carl Thayer

Dịch giả: Trúc Lam

27-7-2018

Ý nghĩa của thỏa thuận giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đối với nội dung đàm phán trong một bản dự thảo bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông COC là gì?

Theo dự thảo có chú thích đưa ra trong thông cáo chung của Hội nghị Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 sẽ được ban hành ở Singapore vào đầu tháng tới, báo The Diplomat đã xem qua, các bộ trưởng:

… ghi nhận với sự hài lòng rằng các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý về nội dung đàm phán trong một bản dự thảo COC [bộ Quy tắc Ứng xử] tại Hội nghị các quan chức ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 về việc thực hiện Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông [SOM-DOC] ở Changsha, Trung Quốc vào ngày 27 tháng 6 năm 2018.

Một báo cáo nội bộ ASEAN về SOM-DOC lần thứ 15, cũng được báo The Diplomat xem qua, ghi nhận sự tán thành của các quan chức cấp cao về bốn điểm.

Thứ nhất, “tất cả các bên phải giữ nguyên bản thảo nội dung đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử một cách bí mật, nghiêm ngặt trong suốt toàn bộ quá trình đàm phán COC”.

Thứ hai, bản thảo nội dung đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử “sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử COC… [và là] một tài liệu sống. Tất cả các bên bảo lưu quyền tham khảo ý kiến với các cơ quan trong nước của mình và đệ trình ý kiến mới hoặc sửa đổi”.

Thứ ba, bản thảo nội dung đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử sẽ được đệ trình lên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc (PMC), được tổ chức ở Singapore vào ngày 2 và 3 tháng 8 để giải trình. Thông cáo rằng ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý về một bản thảo nội dung đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử COC “sẽ được dành riêng cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc PMC”.

Thứ tư, các quan chức cấp cao nhất trí rằng, “sẽ có ít nhất ba phiên họp về bản thảo đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử” do Nhóm làm việc chung ASEAN-Trung Quốc về việc bổ sung bản Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông (JWG-DOC). Sau mỗi lần họp, bản thảo “sẽ được đệ trình lên SOM-DOC”.  JWG-DOC “sẽ không bị loại khỏi các vấn đề nổi bật của bộ Quy tắc Ứng xử để SOM-DOC xem xét và hướng dẫn trong khi mỗi phiên họp đang được tiến hành”.

Có khả năng là phiên họp đầu tiên về bản thảo nội dung đàm phán bộ Quy tắc ứng xử sẽ được tiến hành tại phiên họp JWG-DOC lần thứ 25 được tổ chức tại Siem Reap, Campuchia vào ngày 1 và 2 tháng 9 và lần họp thứ hai sẽ xảy ra tại cuộc họp JWG-DOC lần thứ 26, được tổ chức liền với phiên họp SOM-DOC thứ 16 ở Manila, từ ngày 23 đến 26 tháng 10.

Ý nghĩa thỏa thuận giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đối với bản thảo nội dung đàm phán của bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông COC là gì?

Cần nhắc lại rằng, lần đầu tiên ASEAN và Trung Quốc bắt đầu thảo luận về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông sau khi Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn (Mischief Reef) vào năm 1995. Hai bên đã trao đổi bản thảo bộ Quy tắc Ứng xử COC của mình hồi tháng 3 năm 2000 và đồng ý soạn thảo một văn bản hợp nhất. Tuy nhiên, họ không thể đạt được thỏa thuận về bốn vấn đề chính: phạm vi địa lý (bao gồm quần đảo Hoàng Sa), các giới hạn về xây dựng trên các thực thể bị chiếm đóng và chưa bị chiếm đóng, các hoạt động quân sự ở vùng biển giáp với quần đảo Trường Sa và có hay không việc câu lưu và bắt giữ ngư dân trong vùng biển tranh chấp.

Kết quả là vào tháng 11 năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã kết thúc các cuộc đàm phán về Quy tắc Ứng xử, với một tuyên bố chính trị không ràng buộc. Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC nêu rằng: “Các bên liên quan khẳng định lại việc chấp nhận một quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ thúc đẩy thêm nữa hòa bình và ổn định trong khu vực và đồng ý làm việc trên cơ sở đồng thuận, hướng tới mục tiêu cuối cùng này”.

Phải mất hai năm thảo luận trước khi ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về các điều khoản tham chiếu, thành lập Nhóm làm việc chung ASEAN-Trung Quốc để thực hiện Tuyên bố Ứng xử.

Tại cuộc họp đầu tiên của Nhóm làm việc chung về Tuyên bố Ứng xử (JWC-DOC) vào tháng 8 năm 2005, ASEAN đã lập bản dự thảo các hướng dẫn để thực hiện DOC. Điểm thứ hai của dự thảo ASEAN kêu gọi cần hội ý trước khi gặp Trung Quốc. Điều này chứng tỏ có một trở ngại để tiến tới một thỏa thuận. Thêm sáu năm thảo luận không liên tục và việc trao đổi lần lượt hai mươi mốt bản thảo kế tiếp diễn ra trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng. ASEAN đã sửa đổi điểm thứ hai rằng, ASEAN sẽ “thúc đẩy đối thoại và trao đổi ý kiến giữa các bên”.

Tóm lại, các cuộc thảo luận về việc thực thi Tuyên bố Ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) và xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là giữa Trung Quốc với 10 nước thành viên ASEAN, chứ không phải với chính khối ASEAN. Trước ngày đàm phán SOM-DOC lần thứ 15 vào tháng 6 năm nay, đã có một số bản dự thảo lưu hành ở từng nước riêng lẻ và điều này chứng tỏ sự nhạy cảm về mặt chính trị, nếu không phải là một trở ngại để đạt được thỏa thuận về một văn bản hợp nhất. Giờ đây, mỗi nước trong số 11 nước trở thành thành viên quan trọng trong quá trình đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.

Trong khi có khả năng nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm về bộ Quy tắc Ứng xử (COC), cần lưu ý rằng, việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả của Tuyên bố Ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002 là điều kiện tiên quyết trước khi COC có thể được thực hiện. DOC kêu gọi hợp tác trong năm lĩnh vực: bảo vệ môi trường sinh vật biển; nghiên cứu khoa học biển; an toàn giao thông hàng hải và liên lạc trên biển; các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ; và chống tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán ma túy trái phép, cướp biển, cướp có vũ trang trên biển và vận chuyển vũ khí bất hợp pháp.

Báo cáo nội bộ của ASEAN về SOM-DOC lần thứ 15 lưu ý rằng, tiến độ đã được thực hiện trong khu vực này. Hội nghị cấp cao SOM đã thông qua kế hoạch làm việc về việc thực hiện Tuyên bố Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông DOC (2016-18) và lưu ý hai cuộc họp chuyên môn đặc biệt được tổ chức cùng với nhóm làm việc chung JWG-DOC lần thứ 24, vào ngày 25 tháng 6. Các cuộc họp chuyên môn đã thảo luận về bảo vệ môi trường biển và sự an toàn của giao thông hàng hải.

Ở đây cũng vậy, tiến trình có thể bị kéo dài. Báo cáo nội bộ của ASEAN về SOM-DOC lần thứ 15 lưu ý rằng, “một số bên đã khuyến khích triệu tập các cuộc họp chuyên môn đặc biệt để tăng cường hợp tác thiết thực vì lợi ích của việc thực hiện tuyên bố DOC”.  Trong các cuộc thảo luận về tình hình Biển Đông, báo cáo nội bộ của ASEAN lưu ý rằng, “một số bên cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc tự kiềm chế và phi quân sự, kiềm chế các hành động leo thang căng thẳng ở Biển Đông”. Từ ngữ của hai câu này cho thấy vẫn chưa đạt được sự đồng thuận và cần phải làm nhiều việc hơn nữa.

Bản dự thảo có chú thích về Thông cáo chung của Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 dài tới 29 trang, bao gồm 70 đoạn văn được đánh số. Bảy quốc gia cộng với Ban thư ký ASEAN đã lồng vào 176 đề nghị được thay đổi. Thái Lan đứng đầu danh sách với 30%, theo sau là Indonesia (21%), Brunei (16%), Malaysia (14%), Philippines (10%), Singapore (6%), Myanmar và Ban thư ký ASEAN là 3% cuối cùng. Các nước Campuchia, Lào và Việt Nam đã không thực hiện bất kỳ can thiệp nào.

Thông cáo chung về phần biển Đông của Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 chỉ có hai đoạn văn. Ba nước đã đề xuất tổng cộng sáu bản sửa đổi – Brunei bốn và Philippines với Singapore mỗi nước một bản.

Đoạn đầu tiên của phần Biển Đông (điểm 65) tái khẳng định tầm quan trọng của “hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, trong và ngoài không phận Biển Đông và công nhận lợi ích của Biển Đông như biển của hòa bình, ổn định và thịnh vượng”. Tiếp theo là một lời kêu gọi “thực hiện đầy đủ và hiệu quả” về tuyên bố DOC “trong trạng thái nguyên vẹn”.

Sau đó, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN lưu ý rằng: … nhiệt liệt hoan nghênh sự hợp tác được cải thiện giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, được khuyến khích bởi tiến trình đàm phán quan trọng hướng tới kết luận ban đầu của bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả, về lịch trình đã được các bên đồng ý.

Văn bản sau đó nói về “sự hài lòng của các ngoại rằng các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý về một bản thảo đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử” tại SOM-DOC lần thứ 15. Đoạn văn bản này ghi chú thích của Brunei, yêu cầu câu này bị xóa vì lý do Hội nghị trước giữa các Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc (PMC) phải đưa ra thông báo vì sẽ họp lại sau hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 51.

Theo chú thích, Singapore trả lời rằng, câu trên nên được giữ lại, bởi vì thông cáo chung của Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 “có thể sẽ được đưa ra bàn sau Hội nghị bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc PMC. Vì thế, chúng tôi có thể tham khảo bản thảo duy nhất tại đây”. Singapore cũng lưu ý rằng, thỏa thuận về một bản thảo đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử COC “là thực tế, bất chấp thông cáo của ASEAN và các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc”. Với tư cách là Chủ tịch khối ASEAN, Singapore dường như muốn đưa tham chiếu vào bản thảo thương lượng bộ Quy tắc Ứng xử COC ở cả hai cấp: cấp quan chức cao cấp và cấp bộ trưởng.

Văn bản cũng lưu ý về việc thử nghiệm thành công đường dây nóng để quản lý các trường hợp khẩn cấp trên Biển Đông giữa các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN và vận hành Tuyên bố chung về việc áp dụng Quy tắc Ứng xử khi đụng độ bất ngờ trên biển (CUES) ở Biển Đông. Điều này nhấn mạnh rằng, sự tiến bộ đã được thực hiện trên hai trong số năm lĩnh vực hợp tác đã được nêu trong DOC.

Theo chú thích, Brunei đề nghị chèn một đoạn mới vào văn bản bổ sung để đọc là: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện xây dựng niềm tin và các biện pháp phòng ngừa để tăng cường, ngoài những thứ khác, niềm tin và sự tự tin giữa các bên”.

Đoạn thứ hai trong phần Biển Đông (điểm 66) do Brunei đưa vào: “lưu ý những lo ngại của một số quốc gia về cải tạo đất đai và các hoạt động” trong khu vực, đã làm giảm tín nhiệm và sự tự tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực. Brunei đề nghị một sửa đổi nhỏ trong câu tiếp theo.

Sự can thiệp cuối cùng của Philippines là đề nghị chuyển một câu rằng, liên quan tới cuộc tập trận Hàng hải ASEAN-Trung Quốc sắp tới, trong một phần trước đó của thông cáo chung. Trong phần đầu của thông cáo chung, dẫn đầu trong việc Xây dựng Cộng đồng ASEAN, Philippines cũng đề nghị chuyển điểm 8 với tham chiếu thành “sự tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao“, chuyển đến điểm 2 để làm nổi bật tầm quan trọng của Tòa án Trọng tài rằng chấp nhận vụ kiện do Philippines đưa ra chống lại Trung Quốc.

Không có bản thảo về Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị tiền Bộ trưởng ASEAN (PMC) phiên họp 10 + 1 với các đối tác đối thoại (ngày 2 và 3 tháng 8), cũng được báo The Diplomat xem qua và tường thuật, lặp lại đúng nguyên văn từ ngữ trong dự thảo chú thích của thông cáo chung tại Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN AMM lần thứ 51, liên quan đến bản thảo đàm phán COC và sau đó thêm vào các từ “và khuyến khích tiến bộ xa hơn nữa đối với một Bộ Quy tắc ứng xử COC có hiệu quả”.

Dường như với tài ngoại giao lãnh đạo của Singapore, trong tư cách là Chủ tịch ASEAN và là điều phối viên ASEAN đối với Trung Quốc, tiến trình đang được thực hiện để phát triển các hoạt động hợp tác được vạch ra trong Tuyên bố Ứng xử DOC năm 2002, một điều kiện tiên quyết để thực hiện bộ Quy tắc ứng xử COC. Đồng thời Singapore cũng đã thành công trong việc tập trung sự chú ý của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc về việc hoàn thành một bản thảo đàm phán COC theo thời gian được thỏa thuận qua lại, bao gồm ít nhất ba cuộc họp bàn về nội dung bản thảo.

Những nỗ lực thành công của Singapore tạo sự đồng thuận tại Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 51, đi ngược lại với những rạn nứt xuất hiện hồi đầu tháng 4, khi Tuyên bố của Chủ tịch về khu vực Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN lần thứ 23 đã giảm từ bảy xuống còn một đoạn văn, trong nỗ lực bỏ qua những sự khác biệt. Lần này sự im lặng của Campuchia và Việt Nam dễ làm cho người ta để ý đến.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook