“Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” bây giờ còn lại được gì hả ông Trọng?

FB Trương Nhân Tuấn

14-7-2018

Việc y án tử hình cho ông Đặng Văn Hiến cho ta thêm một cơ hội để xét lại bản chất “xã hội” của cái gọi là “nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân do dân và vì dân” do đảng cộng sản lập nên.

Tiêu chí “xã hội” của các quốc gia phúc lợi (Etat providence) hay quốc gia xã hội chủ nghĩa là giáo dục cưỡng bức và miễn phí (ít nhứt cho tới cấp đại học), ý tế miễn phí, nhà ở miễn phí, trẻ em, người già, người tàn tật, người nghèo… được chu cấp xã hội. Phúc lợi quốc gia được chia đều hàng năm cho mỗi công dân. Nhà nước (phúc lợi hay xã hội chủ nghĩa) bảo đảm sự công bằng về công lý, về cơ hội, về hội nhập… cho mọi công dân. Người công nhân được bảo vệ mọi mặt, từ việc an toàn lao động cho tới về tiền lương tối thiểu cũng như quyền được “nghỉ hè” ăn lương hàng năm.

Nhà nước phúc lợi hay nhà nước xã hội chủ nghĩa là những nhà nước xây dựng trên các giá trị nền tảng của sự “nhân đạo”.

Các nước Bắc Âu hay một số nước Tây Âu, các nước điển hình “Etat Providence”, xem những thành quả xã hội đó như là một sự “thụ đắc” bất khả truất bãi, vì đó là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ và quyết liệt giữa hai giai cấp “chủ” và thợ”.

“Nhà nước phúc lợi” của các nước Bắc Âu và một số nước Tây Âu được xây dựng trên mô hình dân chủ và pháp trị. Quyền lực nhà nước được phân bổ theo nguyên tắc bầu cử tự do và công khai. Mọi người, mọi tư cách pháp nhân trong quốc gia có quyền hạn và nghĩa vụ theo qui định của pháp luật.

Tức là mô hình “nhà nước phúc lợi” được xây dựng trên nền tảng kinh tế tư bản và tự do cá nhân. Trong đó chính phủ chỉ có vai trò trọng tài, không (hay ít khi) can thiệp vào sinh hoạt kinh tế. Các thành viên chính phủ chỉ được quyền làm những điều trong khuôn khổ của pháp luật qui định.

Trong khi mô hình “xã hội chủ nghĩa” được xây dựng cho giai cấp vô sản, bằng bạo lực. Giai cấp vô sản tiêu diệt các giai cấp khác trong xã hội, xây dựng nhà nước trên nền tảng “chuyên chính vô sản” với mô hình “kinh tế nhà nước”.

Nhà nước “xã hội chủ nghĩa”, cụ thể mô hình Cuba, những thành quả xã hội như về y tế, giáo dục, “công bằng xã hội”… gộp chung lại gọi là “tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Ý nghĩa đơn thuần của việc “bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa” trở thành việc bảo vệ những thành quả xã hội.

Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mà đảng CSVN đã xây dựng mấy chục năm nay thành quả là gì? công dân VN có còn nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc đó hay không?

Nhiều năm sau này, các “học giả xã hội chủ nghĩa” nhặp nhằng khái niệm, cố gắng khoát cho “nhà nước XHCN Việt Nam” chiếc áo “nhà nước phúc lợi”, mô hình phát triển của một số các nước Tây Âu và Bắc Âu.

Thôi thây kệ, đường nào cũng về La Mã. Chấp nhứt chi ở chuyện lựa chọn con đường.

Vấn đề là con đường “xã hội chủ nghĩa” có đưa về La Mã hay không?

Báo chí mới trong nước mới đăng những trường hợp thương tâm, cha ôm con khóc ròng vì con không được nhận vô trường công.

Y tế cũng vậy, cũng như giáo dục, nó trở thành một “dịch vụ” đơn thuần như những dịch vụ khác như về ăn uống, du lịch…

Bây giờ xảy ra vụ án xử tử công dân Đặng Văn Hiến. Công lý xã hội chủ nghĩa thật tình tệ hại, thua xa công lý thời kỳ thực dân.

Vụ Đặng Văn Hiến xem ra khác chi vụ án Nọc Nạn thời xưa? Khác nhau là công lý XHCN xử tử hình nạn nhân bị cướp đất Đặng Văn Hiến. Trong khi công lý của thực dân lại xử trắng án cho những nông dân nổi loạn do áp bức.

Hỡi những “học giả xã hội chủ nghĩa chân chính”, trái tim cộng sản quí vị để đâu mà không thấy ai lên tiếng bảo vệ lý tưởng xã hội?

Khi các vấn đề nền tảng của xã hội như giáo dục, y tế… người dân phải trả tiền mới được “thụ đắc”. Khi công lý đứng về kẻ có tiến, khi quyền lợi công nhân không được coi trọng bằng quyền lợi giai cấp chủ nhân… xã hội đó là một xã hội “hoang dã”, mạnh được yếu thua.

Ông Trọng thường hay nói câu: chưa bao giờ đất nước được như thế này cả! (sic!)

Thế này là thế nào?

Những phát triển (khiêm nhượng) về kinh tế của VN hiện nay là do sức lao động của người dân, là do đầu tư của tư bản nước ngoài.

Để ý, những nơi nào, những lãnh vực kinh tế nào có đảng là nơi đó dân chúng kêu ca. Những thứ như “xé rào”, “khoán”, “đổi mới”… là gì nếu không phải là nhà nước “thôi kiểm soát”?

Ông Trọng nói ra với tâm ý “kể công”, nếu không có đảng thì làm gì có hôm nay?

Rõ ràng là lời chim chóc.

“Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” bây giờ còn lại được gì hả ông Trọng?

Không có gì cả, ngoài sự bất công lớn lao hơn cả dưới thời thực dân.

Không, cái “tổ quốc xã hội chủ nghĩa” này cần dẹp bỏ. Nó là sự bịp bợm của thế kỷ.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây