Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo, Việt Nam đưa người Mỹ bị đánh đập và giam giữ ra xét xử

ABC News

Tác giả: Conor Finnegan

Dịch giả: Trúc Lam

12-7-2018

Will Nguyễn trong một bức ảnh không ghi ngày của gia đình đưa ra. Nguồn: Vitoria Nguyễn

Việt Nam đã ra lệnh đưa một người đàn ông Mỹ – bị cảnh sát đánh đập và hiện bị giam giữ suốt cả tháng – ra xét xử, ngay cả sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo lên tiếng về vụ việc của anh trong chuyến thăm ở đó tuần này.

Với gia đình của William Nguyễn, người đàn ông 32 tuổi bị buộc tội gây rối trật tự công cộng, đó là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Mỹ đã không làm đủ để đưa anh Nguyễn ra tù và rằng có thể anh đang trên một con đường dài phía trước mặt.

Họ không thực sự thúc đẩy vụ án. Họ gần như tránh nói về vụ này và gạt bỏ những mối lo ngại của tôi hoặc những vấn đề mà tôi đã nêu ra. Thật là bực bội“, Victoria Nguyễn, em của Will, nói về Bộ Ngoại giao trong một cuộc phỏng vấn với ABC News.

Bộ Ngoại giao đã không trả lời các yêu cầu bình luận về trường hợp của Will sẽ bị đưa ra xét xử hoặc những thất vọng của gia đình ông, hôm thứ Tư. Nhưng phát ngôn viên [Bộ Ngoại giao], bà Heather Nauert nói trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng, [Ngoại trưởng] Pompeo “đã lên tiếng về trường hợp của William Nguyễn và khuyến khích một giải pháp nhanh chóng đối với trường hợp của anh“.

Sinh ra ở Houston, Texas, Will tốt nghiệp đại học Yale và đang theo học chương trình thạc sĩ tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore với học bổng toàn phần. Tháng trước, trong thời gian nghỉ ngơi trước khi tốt nghiệp, anh đã đến thăm Việt Nam, nơi mà anh và gia đình đi nghỉ gần như mỗi năm, trong nhiều năm qua.

Trong khi ở đó, các cuộc biểu tình nổ ra vào ngày 10 tháng 6 tại các thành phố lớn trên cả nước, chống lại chính sách kinh tế mới được đề xuất, sẽ cho các công ty nước ngoài thuê các đặc khu kinh tế, đặc biệt là người Trung Quốc. Will tham gia vào các cuộc biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh, em gái của ông cho biết, bởi vì ông tự hào là người Mỹ gốc Việt và coi đó là “một nhiệm vụ công dân … để hỗ trợ người dân Việt Nam và quyền tự do hội họp của họ“.

Anh ấy không phải là một người quá khích“, cô nói thêm, nói rằng anh đã cố gắng kềm chế những người khác không gây bạo động trong các cuộc biểu tình.

Khoảng 150 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình, với các báo cáo rằng, những người bị bắt giữ đã bị tra tấn hoặc bị đánh đập bằng gậy trong khi bị giam giữ bởi chính phủ, theo các nhóm nhân quyền.

Trong một video về vụ việc, lần đầu tiên người ta nhìn thấy Will trên mặt đất bị đấm và sau đó bị kéo lê qua các đường phố trong khi đang quằn quại. Rõ ràng là anh ấy bị thương, máu chảy khắp bên trái đầu và một phần khuôn mặt của anh ấy, và ai đó đã cố trùm một chiếc túi màu cam lên đầu của anh.

Trong một video khác, người ta nhìn thấy anh đứng ở phía sau một chiếc xe tải của cảnh sát, cho thấy anh đứng không vững và vẫy tay với ai đó ở đằng xa, các vết thương dài và sâu bây giờ có thể nhìn thấy rõ ở phía bên trái đầu của anh. Sau đó, chiếc xe tải lái xa ra khỏi tầm của máy quay phim, khi một sĩ quan được nhìn thấy đang vật lộn với Will ở phía sau.

Kể từ đó, gia đình của Nguyễn đã không thể liên lạc với anh, và anh đã không được phép gặp luật sư, mặc dù bị giam giữ hơn một tháng. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với ABC News hồi tháng Sáu, rằng: “Chúng tôi rất quan tâm đến những video, cho thấy William bị thương và việc đối xử với anh William lúc ban đầu… tại thời điểm anh bị bắt giam, và chúng tôi đã lên tiếng về những mối quan ngại đó với chính quyền Việt Nam“.

Các quan chức lãnh sự từ đại sứ quán Mỹ đã có thể thăm anh hai lần, vào ngày 15 tháng 6 và 29 tháng 6, người phát ngôn nói thêm rằng, anh ấy “có sức khỏe tốt và nói rằng anh không cần điều trị y tế” trong lần thăm đầu tiên, năm ngày sau khi bị bắt giữ. Các chuyên gia cho rằng, việc thăm hỏi lãnh sự là một dấu hiệu tích cực, Việt Nam sẵn sàng làm việc với các quan chức Mỹ.

Will đã được nhìn thấy một lần kể từ khi anh bị bắt, trong một đoạn video thú nhận, do chính quyền Việt Nam đưa ra. Trong video đó, anh xin lỗi vì đã gây cản trở giao thông và gây rắc rối cho gia đình và hứa sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc biểu tình chống chính phủ nào nữa.

Đại sứ quán Việt Nam ở Washington đã không trả lời các cuộc điện thoại hoặc email yêu cầu bình luận.

Đó là lời thú nhận bị ép buộc và ghi âm, khá phổ biến ở Việt Nam, một quốc gia cộng sản với độc đảng cai trị, mặc dù nó đã hiện đại hóa và cải cách trong vài thập kỷ qua, cho phép có được một số tự do kinh tế và nhân quyền. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình thường gặp phải những cuộc đàn áp bạo lực và những vụ bắt giữ kéo dài, và các phương tiện truyền thông được kiểm soát chặt chẽ, với những hạn chế lớn về phát biểu chính trị, nói riêng.

Bộ Ngoại giao cảnh báo trên trang web du lịch rằng “Các công dân Mỹ bị giam giữ vì các hoạt động chính trị (bao gồm cả chỉ trích chính phủ hoặc các chính sách đối nội/ đối ngoại hoặc ủng hộ các giải pháp thay thế Đảng Cộng sản), sở hữu tài liệu chính trị và các hoạt động tôn giáo không được phép (gồm từ bỏ tín ngưỡng). Các nhà chức trách cũng đã bắt giữ công dân Hoa Kỳ đăng các thông điệp trên blog hoặc trong các phòng chat trên mạng mang tính chính trị hoặc phê phán chính phủ“.

Nhưng gia đình của Nguyễn vẫn giữ quan điểm rằng, ngay cả khi anh ấy tham gia vào một cuộc biểu tình bị cấm, việc đối xử tàn bạo của nhà chức trách Việt Nam là thái quá và Hoa Kỳ cần yêu cầu trả tự do cho anh ấy ngay lập tức.

Nỗ lực của Bộ Ngoại giao vẫn chưa đủ để gia đình anh Nguyễn, những người lo sợ rằng [Ngoại trưởng] Pompeo quá “ngoại giao” về vấn đề này, thúc giục “giải quyết nhanh” thay vì “trả tự do ngay lập tức”, và chưa đủ để các nhà chức trách Việt Nam chịu trách nhiệm.

Victoria Nguyễn nói với ABC News: “Vấn đề là Ngoại trưởng Pompeo đã không thúc đẩy việc trả tự do ngay lập tức cho anh ấy, mà nói rằng, chúng ta hãy ngoại giao về vấn đề này và giúp anh ấy được trả tự do càng sớm càng tốt. Bộ Ngoại giao đã không làm đủ để kêu gọi trả tự do cho anh ấy ngay lập tức. Anh ấy bị đánh và bị kéo kê … Không ai có bất kỳ trách nhiệm gì“.

Hồi tháng Sáu, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã phản bác ý kiến cho rằng Hoa Kỳ đã không làm đủ, khi nói với ABC News rằng, các quan chức “đã liên lạc với chính phủ Việt Nam ngay sau khi họ biết về vụ bắt giữ anh Nguyễn. Đại sứ và Tổng lãnh sự đã lên tiếng về tường hợp của anh ấy nhiều lần với các đối tác của họ và sẽ tiếp tục làm như vậy … Sự an toàn của ông Nguyễn và sự an toàn của tất cả công dân Hoa Kỳ là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ“.

Mặc dù tình cảm chống Trung Quốc đang phổ biến ở nhiều nơi trên đất nước, Việt Nam đã gia tăng các mối quan hệ kinh tế với cường quốc chính ở phía bắc của họ – là điều mà Hoa Kỳ đang cạnh tranh. Một số nhà phân tích lo sợ, điều này có nghĩa là Hoa Kỳ nhắm mắt làm ngơ trước các vụ lạm dụng nhân quyền của Việt Nam, ủng hộ các mối quan hệ kinh tế và an ninh của chính họ.

Ông Francisco Bencosme là giám đốc vận động khu vực châu Á – Thái Bình Dương của  Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết: “Rõ ràng là quyền con người đã bị đẩy lùi ra phía sau. Bộ Ngoại giao nói rằng họ đang lên tiếng về những vấn đề này, nhưng nhân quyền không được ưu tiên – và không được thực hiện nghiêm túc bởi vì tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.

Bộ Ngoại giao đã tổ chức đón tiếp các quan chức Việt Nam cho cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm của họ vào ngày 17 tháng 5 tại Washington, chưa đầy một tháng trước khi xảy ra vụ đàn áp các cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6.

Tuy nhiên, các chuyên gia hiểu biết về tình hình pháp lý ở Việt Nam nói với ABC News rằng, nếu chỉ để tự cứu mình khỏi phải nhức đầu với các quan chức Mỹ, Việt Nam có thể sẽ không giam giữ Will lâu dài – là điều mà nhiều công dân Việt Nam không may mắn có được.

Về trường hợp của Will bị đưa ra xét xử, gia đình hiện đang tìm một luật sư Việt Nam để đại diện cho anh ấy, nhưng họ lo ngại một luật sư sẽ bị buộc phải đấu tranh cho một bản án nhẹ, chứ không phải là sự tuyên án vô tội, với những hạn chế trong hệ thống pháp lý ở Việt Nam và mối đe dọa trả thù luật sư.

Đó là một tình huống mà gia đình đã hy vọng tránh hoàn toàn: “Chúng tôi đã cố gắng ngăn chặn nó đi xa như thế này“, Victoria Nguyễn nói.

Gia đình có sự hỗ trợ của một số dân biểu Quốc hội, gồm có dân biểu Jimmy Gomez, thuộc đảng Dân chủ ở bang California, Đại diện cho dân chúng ở Los Angeles, nơi Will sống trước khi đi học cao học. Gomez và hai dân biểu khác ở California đã kêu gọi Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là ông Dan Kritenbrink, yêu cầu trả tự do ngay lập tức và thúc giục chính phủ “làm bất cứ điều gì có thể ở mức cao nhất – để có được sự trả tự do này“.

Văn phòng của ông Gomez đã không trả lời yêu cầu bình luận về chuyện Will sẽ bị đưa ra xét xử.

Trong khi đó, hầu hết các thành viên trong gia đình của Will hiện đang ở Singapore – nơi mà anh được cho là sẽ tốt nghiệp vào cuối tuần này.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây