Nước Tàu nên chia thành nhiều quốc gia (Phần 2)

Chu Chi NamVũ Văn Lâm

7-7-2018

Tiếp theo phần 1

Những chỉ dấu chứng tỏ họ Tập không còn quyền hành như vào nhiệm kỳ đầu, nói chi đến siêu quyền lực. Đó là:

1.- Vấn đề Vương Kỳ Sơn

Có thể nói trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị 7 người nhiệm kỳ đầu của Tập Cận Bình, ông là người khá nhất, có liên hệ với nhiều giới chức cao cấp Hoa Kỳ, như Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chánh dưới thời Tổng Thống Georges W. Bush (Bush con). Là người duy nhất trong Ban Thường vụ, có kiến thức về kinh tế, vì ông đã từng là Giám đốc điều hành Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, mà người Tổng Giám đốc là Trần Nguyên, con của Trần Vân, người được coi là Giáo hoàng của Kế hoạch kinh tế nước Tàu trong suốt thời gian từ lúc Đảng Cộng sản Tàu thành lập năm 1921 cho tới năm 1989. Nhưng sau đó ông đã cùng Đặng Tiểu Bình quyết định tư hữu hóa kinh tế Trung Cộng, bằng cách trao tài sản quốc gia cho con cháu 8 Đại gia, gồm có Đặng Tiểu Bình, Trần Văn, Vương Chấn v.v… Nên nhớ hai người Phó Tổng Giám đốc của Ngân hàng trên là Hà Bính, con rể của họ Đặng, người Phó thứ nhì là Vương Quân, con của Vương Chấn.

Theo tài liệu của Bloomberg ngày 03/01/2013, vào năm 2011, số vốn của ngân nhàng trên đã là 1.600 tỷ USD, bằng ¼ tổng sản lượng quốc gia lúc bấy giờ. Ngân hàng đứng đằng sau yểm trợ cho tất cả những công trình xây cất, xây dựng hãng xưởng có liên quan đến con cháu Bát Đại Gia.

Ông Vương Kỳ Sơn không những làm ở ngân hàng đó, mà sau này còn là Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Đông, Bí thư Nam Hải, Thị trưởng Bắc kinh, rồi lên chức Phó Thủ tướng, đặc trách về kinh tế tài chánh. Vào nhiệm kỳ đầu của họ Tập, ông đứng thứ 6 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, đặc trách về kỷ luật Đảng, coi về chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”, nhưng trên thực tế ông là người quyền hành hét ra lửa, chỉ sau Tập Cận Bình.

Họ Tập rất muốn giữ ông lại trong Bô Chính Trị và trong Ban Thường vụ, nhưng họ Tập đã không làm được việc này. Và điều đó chứng tỏ họ Tập cũng không có quá nhiều quyền hành trong Đảng, nhất là trong Ban Trung Ương như nhiều báo chí thổi phồng.

2.- Quân đội không còn ủng hộ nhiệt tình ông nữa, nhất là giới tướng tá trẻ

Phải nói là Tập Cận Bình đã được hàng ngũ giới tướng lãnh trẻ, trong đó có Diệp Tuyển Ninh, con của Thống tướng Diệp Kiếm Anh, Lưu Nguyễn, con của cựu Chủ tịnh nước Lưu Thiếu Kỳ, Lưu Á Châu, con rể của Lý Tiên Niệm, cựu Chủ tịch Quốc hội, ủng hộ ông nhiệt tình vào nhiệm kỳ đầu; nhưng nay Diệp Tuyển Ninh vừa mới chết, Lưu Nguyễn và Lưu Á Châu không còn ủng hộ ông nhiệt tình nữa như trong nhiệm kỳ đầu.

Chính vì lẽ đó mà có người nói rằng họ Tập không còn được sự ủng hộ của Quân đội. Điều này cũng không phải là không có lý.

Ở đây chúng ta cũng nên mở một ngoặc kép, nói thêm về nhân vật Diệp Kiếm Anh. Ông người Quảng Đông, thuộc dân tộc thiểu số “hakkhat” (Khách gia), chứ không phải dân tộc Hán, sinh năm 1897, chết năm 1986, là một trong 10 Thống tướng của Mao, đã có nhiều công trong cuộc cách mạng Mao; nhưng cũng có nhiều công đối với những nạn nhân của Mao.

Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoa Nam, đi theo Trung Hoa quốc dân Đảng của Tôn Dật Tiên, sau đó mới theo Cộng sản vào năm 1927.

Ông là một trong những người chính làm cuộc đảo chính, lật đổ vợ Mao, bà Giang Thanh và nhóm 3 tên. Chính ông đã đề nghị phục chức cho Đặng Tiểu Bình trong phiên họp Trung Ương Đảng lần thứ 3, khóa X, từ ngày 16 đến ngày 21/07/1977, và đã được chấp nhận, họ Đặng đã được phục tất cả mọi chức tước, từ Ủy viên Trung Ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Tham mưu trưởng quân đội. Trong khi trước đó vào ngày 10 đến 12/07, hai nhân vật cũng rất quan trọng, đó là Trần Vân và Vương Chấn, cũng đề nghị phục chức cho họ Đặng, nhưng bị bác bỏ. Tướng Vương Chấn còn phải làm tự kiểm thảo.

Ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc triệt hạ từ Hoa Quốc Phong, người chính thức được Mao chỉ định kế vị, và giúp họ Đặng lấy lại quyền hành.

Tướng họ Diệp không những là ân nhân của gia đình họ Đặng, mà còn là ân nhân của nhiều gia đình nạn nhân của Mao, trong đó có gia đình Tập Trọng Huân, thân sinh của Tập Cận Bình. Sau khi ông này ra khỏi tù, ông đã kêu về làm phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, Phó Chủ tịch Quốc hội, cả 2 chức là nhân vật thứ nhì sau ông.

Ông chết năm 1986, nhưng các con ông, nhất là Diệp Tuyển Ninh, và nhiều người con khác, có công rất lớn trong việc đưa Tập Cận Bình lên ngôi.

3.- Vấn đề chống tham nhũng không được đẩy mạnh như nhiệm kỳ đầu của ông để ông làm một bàn đạp thâu tóm quyền hành

Chúng ta thấy, mặc dầu người được chỉ định việc chống tham nhũng, kiểm tra kỷ luật Trung Ương đảng, là ông Triệu Lạc Tế, người thứ nhì sau Vương Kỳ Sơn, nhưng từ Đại hội Đảng thứ 19 đến nay, người ta có cảm tưởng vấn đề này gần như bị chìm xuồng, họ Tập không còn có thể dùng vấn đề này như một bàn đạp để tiêu diệt những phe nhóm chống đối mình như nhiệm kỳ đầu.

Cũng chính trong vấn đề chống tham nhũng, hối lộ này, ngay trong Đảng, gần đây người ta tố cáo phía đằng vợ của ông.

Trong bức thư ký tên bởi những người Đảng viên trung thành, như lời mở đầu của bức thư “Chúng tôi là những Đảng viên trung thành”, theo đó: “Sự ủng hộ của đồng chí đối với Chu Tiểu Bình và Hoa Thiên Phương như là đại diện của mặt trận văn học đã khiến vô số người hoạt động nghệ thuật – văn học bất mãn cay đắng (Chu Tiểu Bình và Hoa Thiên Phương là 2 cây bút chuyên môn ca tụng họ Tập – Lời tác giả bài này); sự cho phép trực tiếp các đơn vị văn hóa ca tụng đồng chí và vụ bổ nhiệm bà em vợ đồng chí làm giám đốc và nhà sản xuất Chương trình mừng xuân của Đài Truyền hình Trung ương đã biến một chương trình gala vốn nổi tiếng thành một công cụ tuyên truyền cá nhân của đồng chí”. (Bức thư vừa dẫn).

Việc chỉ định Vương Hộ Ninh làm nhân vật thứ 5 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị nói lên sự thỏa hiệp giữa 3 phe phái chính trong Đảng, đó là phe Tập, phe Giang, phe Hồ. Điều này chứng tỏ ông đã phải lùi bước trước ít nhất là 2 phe kia. Trong một bài chúng tôi có viết trước đây về vấn đề diệt tham nhũng của Tập Cận Bình, chúng tôi có đưa ra 3 giả thuyết: 1) Phe Giang Trạch Dân sẽ thắng bằng cách giết được họ Tập qua những cuộc đảo chính và ám sát; 2) Phe Tập sẽ thắng vì triệt hạ được phe Giang; 3) Cuộc chiến tranh không phân thắng bại, hai phe bắt buộc phải nhượng bộ lẫn nhau, làm thỏa hiệp?

Việc chỉ định Vương Hộ Ninh vào trong chức vụ quan trọng nhất trong Ban Thường vụ, đặc trách về ý thức hệ, nói lên sự thỏa hiệp của 3 phe, phe họ Tập, phe họ Giang và phe họ Hồ. Họ Tập không còn một mình một ngựa, múa gậy vườn hoang như trước kia.

Tại sao? Vì Vương Hộ Ninh là tiêu biểu cho một loại trí thức gió chiều nào, theo chiều đó, nếu nói nặng thì là một trí thức hèn. Là giáo sư chính trị ở đại học Phúc Đán, Thượng Hải, ông đã phục vụ 3 triều, với Giang Trạch Dân, ông làm ra ý thức hệ 4 Đại diện cho họ Giang: không những gồm có thợ thuyền, nông dân mà có cả thương gia, kỹ nghệ gia và trí thức. Với Hồ Cẩm Đào, ông làm ra lý thuyết hãy mang tinh thần khoa học vào việc quản trị đất nước. Nay với Tập Cận Bình, ông làm ra “Giấc mơ Trung Quốc, một con đường, một vòng đai”.

Con người ở triều đại nào cũng có mặt, mà lại ở địa vị then chốt, như nắm ý thức hệ, tất nhiên không thể nào chủ trương chỉ trích, loại bỏ phe phái Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Thực ra người ta nói đến lý thuyết, tư tưởng là người ta nói quá lên, chứ thực sự cả 3 tư tưởng chỉ là những khẩu hiệu rỗng tuếch, không chiều sâu, chẳng chiều dài, chiều rộng. Chẳng khác nào tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là ăn cắp những câu nói của người khác, như câu “Cần, kiệm, liêm, chính”. Câu này các cụ ai cũng nói.

Trở về với Đại hội 19, người ta nói đến sự thỏa hiệp sau Đại hội này là như vậy. Đó là tình trạng của Tập Cận Bình hiện nay.

Xin nhắc lại một lần nữa, là nước Tàu hiện nay dưới sự cai trị của Tập Cận Bình đang bị lâm vào cảnh thù trong, giặc ngoài:

Trong nội bộ đảng, bề ngoài có vẻ là thỏa hiệp, nhưng bên trong phe nào cũng chờ thời, có dịp là hạ bệ phe khác. Phe Giang không bao giờ tha thứ cho phe Tập, ngay cả phe Hồ, vì họ cho là đồng lõa. Nợ máu mà phe Giang phải chịu, bao nhiêu tướng lãnh cao cấp từ Từ Tài Hậu cho tới Quách Bá Hùng, bao nhiêu cán bộ cao cấp như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai v.v…, người thì phải tự tử chết, kẻ thì bị tịch biên gia sản cả dòng họ, bị xử tù chung thân. Nợ này nhất định phải trả, như những phim kiếm hiệp. Phim ảnh không nói lên tất cả, nhưng cũng nói lên một phần tâm tính của dân tộc đó. Người ta khen dân Tàu là dân tộc thận trọng, làm ăn có tính toán suy nghĩ, nhưng nhiều khi không phải vậy.

Cứ xem phim kiếm hiệp thì rõ, mới nghe đồn rằng kẻ đó giết cha, giết sư tổ của mình, là kéo cả gia đình, dòng tộc, bè phái đi trả thù. Kết cục sự thật không phải vậy, nhưng nay việc đã xảy ra vì nhận xét hồ đồ, chỉ còn cách là chịu sự trả thù lại.

Điều này có lẽ một phần đã ăn sâu vào máu một số người Tàu, nhất là giới lãnh đạo, vua chúa quan quyền. Việc tranh quyền cướp nước, anh em giết lẫn nhau để giành ngôi vua, những người trong Bộ Chính trị giết nhau để giành địa vị cao, xẩy ra thường xuyên ở nước Tàu.

Ngày xưa, dưới thời Khang Hy, chín anh em tranh nhau để giành ngôi thái tử, đến nỗi giết nhau, người đời và ngay cả phim ảnh sau này nói đến trong phim “Cửu long tranh ngôi”.

Ngày hôm nay, 7 người trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, bị dân nói là “Thất hùng tranh bá”. Hai sự việc, bề ngoài thì khác nhau, nhưng bề trong lại giống nhau. Nó nói lên tính ham quyền, không những cho cá nhân, mà cho cả gia đình, dòng tộc, phe phái, và tính thù dai của người Tàu.

Về vấn đề nội chính, kinh tế, tài chính, xã hội dưới thời cầm quyền sau 6 năm vừa qua của Tập Cận Bình cũng không mấy sáng sủa.

Trước kia dưới thời mở cửa của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và ngay đến thời Hồ Cẩm Đào, tăng trưởng kinh tế là ở 2 con số, nay với họ Tập, chỉ còn 1, vào năm 2017, theo thống kê chính thức của chính phủ là 6,5%, nhưng trên thực tế chỉ còn 4 hay 5%.

Cả gần 200 triệu người thuộc giới trung lưu, vì nghe lời khuyến dụ của họ Tập đã chơi chứng khoán, kết quả vào năm 2015, thị trường chứng khoán Trung Cộng tuốt đốc, mất 3.600 tỷ USD, làm cho nhiều người trắng tay. Đây là thành phần năng động, là xương sống của một xã hội. Họ chắc chắn là trong lòng thù ghét họ Tập, chỉ chờ cơ hội là sẽ nổi lên trả thù, đúng theo truyền thống của Tàu.

Xã hội Tàu hiện nay vô cùng bất công, giới quan quyền thì vô cùng giàu có, 50 nghị sĩ trong quốc hội Trung Cộng là những tỷ phú, chiếm tài sản đến 90 tỷ USD. Đấy là nước Tàu Cộng sản, xã hội chủ nghĩa, công bằng. Trong khi đó 50 nghị sĩ giàu có của Hoa Kỳ, nước đại tư bản, chỉ chiếm 1,9 tỷ USD, chưa đầy 2 tỷ.

Trong khi đó, theo nhiều viện nghiên cứu, khoảng 300 triệu dân Tàu vẫn sống dưới mức nghèo đói, một ngày không có đến 3 USD để sống. Trong số này, có những cựu quân nhân, đã giải ngũ, trước đây khi đi lính, thì được chính quyền hứa hẹn nhiều điều, nay giải ngũ, phải sống một cuộc sống cơ cực, cơm không đủ ăn, bệnh không có thuốc uống, không dám đi bác sỹ, nhất là nhà thương. Thêm vào đó chính quyền lại đối xử bất công, thiên vị cho ngành công an, bạc đãi quân đội, vì ngân sách quốc phòng thấp hơn công an. Ngân sách này, mới nhất là 228 tỷ USD, trong khi công an ít nhất 300 tỷ USD, hay hơn thế nữa. Gần đây lại có một vụ công an đánh đập, đối xử tàn nhẫn với một số cựu quân nhân, nên họ đã kêu gọi nhau, từ cách tỉnh, cùng đoàn kết, đứng lên phản đối chính quyền. Có người nói đây là mầm mống của Thiên An Môn 1989 thứ hai.

Đấy là sơ qua về tình hình quốc nội, còn tình hình quốc ngoại, thì từ ngày họ Tập lên nắm quyền, nước Tàu bị tẩy chay, không những ở các nước chung quanh, mà cả thế giới, bởi chính sách bành trướng và quyết chí sát nhập Đài Loan.

Gần đây, bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan, không những chủ trương Đài Loan trở thành quốc gia, mà còn kêu gọi những nước chung quanh và ngay cả thế giới hãy đoàn kết để tẩy chay chính sách bành trướng của họ Tập.

Giấc mơ thực sự của mỗi người dân Tàu hiện nay, và có thể nói là của bất cứ con người nào, dân tộc nào, dù đến từ mọi chủng tộc khác nhau, đó là có một đời sống no ấm, được tự do phát biểu ý kiến của mình trong dân chủ và hòa bình, thiếu một trong hai điều kiện trên cũng không được. Đồng ý con người thiếu ăn thì sẽ chết, nhưng thiếu giá trị tinh thần, bị cấm đoán tư tưởng, bị bắt giam, bỏ tù vô cớ, cũng đau khổ không kém. Và hơn thế nữa, thiếu những giá trị tinh thần này sẽ làm cho một dân tộc tụt hậu. Dân tộc Tàu là một dân tộc thông minh, nhẫn nại, cần cù, văn minh rất sớm, nhưng bị chìm đắm quá lâu trong những chế độ độc tài, nhất là với chế độ độc tài Cộng sản hiện nay, nên nước Tàu càng trở nên tụt hậu và bất ổn.

Giới lãnh đạo Tàu, bắt đầu từ Tập Cận Bình, hãy ghi nhớ và suy ngẫm câu nói của ông La vũ, bạn nối khố của mình: “Cha của chúng ta là những nhà cách mạng nồng cốt của Mao Trạch Đông. Nhưng sau cuộc cách mạng, thay vì có được một nhà nước dân chủ, chúng ta trở thành một chế độ độc tài. Đó là sự khác biệt giữa Mao Trạch Đông và George Washington”.

Hãy làm thế nào để nước Tàu trở thành một quốc gia liên bang, trong đó có nhiều quốc gia nhỏ, có tính tự lập. Làm như vậy, mới có thể thực sự lo hạnh phúc cho dân, chứ không phải lo thực hiện giấc mơ “một vòng đai, một con đường” không những ảo tưởng, không thiết thực cho dân Tàu, mà còn mang đến bất ổn cho những dân tộc chung quanh.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây