Chuyện ông chủ tịch tỉnh ở đập thủy điện và các dấu gạch ngang

Văn Biển

21-6-2018

Sáng nay xe Thần Chết chở một người đàn ông tên Tư, ngoài 60. Khác với mọi người, ông khách này trông có vẻ thanh thản.

Hiếm có người nào ở chức vụ như ông, đứng đầu một tỉnh, có khác gì ông vua con, bao nhiêu quyền uy, lợi lộc mà ra đi cứ nhẹ thênh.

Tôi thôi giữ chức ấy từ hôm vô bệnh viện. Khi biết mình bị ung thư giai đoạn cuối thì coi như Thần Chết sắp tới hỏi thăm rồi. Đáng lẽ ở cương vị của ông người ta phải buồn và tiếc lắm.

Ai mà không buồn, không tiếc khi phải ra đi trong lúc mọi việc còn dang dở. Đúng ra là có hơi sớm so với thời buổi bây giờ. Nhưng số mệnh mà. Với lại khi Thần Chết tới gõ cửa, ai dám cưỡng lại.

Khi tôi tới bệnh viện, đứng bên giường ông, nghe các bác sĩ bàn nhau đã hết cách rồi. Lúc chợt tỉnh lại, tôi nhác thấy ông đứng ở cửa. Biết là xong rồi. Tôi tự trấn an một cách hài hước, “ừ, lão ta, xin ông đừng giận nhé, đã gọi thì mình đi, sợ gì ai”.

Có một lúc khá lâu giữa những cơn đau ông trông có vẻ thanh thản như không hề biết chỉ lát nữa mình sẽ ra đi. Xin hỏi lúc đó ông đang nghĩ gì.

Chắc là đang nhẩm mấy câu thơ một ông bạn nhà thơ tặng. Đúng, nó như liều thuốc an thần hay một lời chúc trước lúc lên đường.

Ông còn nhớ không?

Ông Tư cười: Thần Chết mà cũng muốn nghe thơ quả là chuyện lạ.

Ông lầm đấy, ngày ngày tiếp xúc với cái chết, muôn vàn kiểu chết, ông bảo có là gỗ đá cũng không thể vô cảm.

Vâng, tôi đọc nếu ông muốn nghe:

Đêm nằm nghe đất lạnh thấm lưng.

Định mệnh mà, nào ai tránh được.

Nếu đã sống cuộc đời không vô ích

Khi ra đi

đôi cánh bỗng nhẹ nhàng…

Nếu đã bay hồn ơi đừng bay đi mất

Hãy quẩn quanh bên đất mẹ yêu thương

Hãy chắt lọc những gì thương xót nhất

Mảnh đất nghèo còn lắm quỷ nhiều ma

Ít tiếng cười mà quá nhiều nước mắt

“Ba trăm năm lệ chảy quanh thân Kiều (Tố Hữu) (1).

 

Bài thơ như liều thuốc an thần, giúp người lên đường thanh thản.

Như vẫn còn thòm thèm. Thần Chết hỏi vị khách, ông còn nhớ bài nào na ná loại đó không?

May có ông bạn tặng tôi mấy câu lúc cả hai còn khỏe mạnh. Tôi đọc nhé:

Rồi mai mốt cây đời tôi héo úa

Tôi xa bầy đi làm kẻ-nghìn-xưa

Thân thành đất sớm chiều hong nắng-lụa

Hồn lên trời thao thức giọt sao khuya (2)

Thần Chết vẻ ngậm ngùi. Ông có nghĩ người viết những câu vừa rồi sẽ thanh thản khi đối mặt với Thần Chết.

Vâng, hạnh phúc là lúc ra đi cảm thấy ung dung nhẹ nhàng. Nhưng không phải cứ ra đi là hết. “Hồn lên trời thao thức giọt sao khuya”.

Tôi cũng cảm thấy điều đó như ông. Thần Chết giọng bùi ngùi.

Ông có thể cho xe đi chậm lại một chút được không?

Ông còn bị mệt à?

Không, tôi muốn ngắm lại quang cảnh một chút. Tôi vừa chợt nhớ tới một câu thơ cổ: “Tráng sĩ hề một đi không trở lại”. Cảm thấy lòng nao nao…, chỗ này năm vừa rồi tôi có tới cùng bà con chống lũ. Chẳng biết năm nay lũ có về sớm hơn mọi năm không. Hôm đó vội quá quên dặn anh em thường xuyên kiểm tra các đê đập. Dạo này có nhiều Thủy điện gây hại cho bà con quá. Trước kia, có thời người ta gọi Thủy lợi là Thủy hại. Bây giờ Thủy điện còn tai hại hơn gấp trăm lần. Ông có thể dừng xe lại một chút được không?

Ông có hẹn à?

Không. Tôi muốn xem lại vài chỗ vá dạo nọ. Có cần phải tu sửa gì không. Sắp tới mùa mưa rồi.

Xe dừng. Ông Tư xuống xe đi loanh quanh trên thân đập. Lúc thì nhìn khắp, lúc lại cúi xuống xem xét tỉ mỉ từng chỗ kè, chỗ vá. Ông đứng thẳng dậy nhìn phía trên đập. Hồ nước mênh mông loang loáng dưới ánh trời chiều. Cảnh đẹp như mơ. Đây đó vài người đang cất vó, đôi chiếc thuyền câu dập dềnh trên sóng nước lăn tăn… Trên nữa là bóng núi, rừng cây ngập trong tia nắng chiều sắp tắt. Tất cả như một bức tranh phong cảnh của Levitan. Họa sĩ thiên tài Nga.

Rồi ông nhìn xuống lòng đập. Nhà cửa chỗ san sát, chỗ rải rác quanh rìa lòng hồ. Toàn những ngôi nhà tạm bằng tranh, tre, lá, nứa. Mùa này lòng hồ cạn. Bà con tranh thủ làm màu, những loại cây trồng, rau củ ngắn hạn. Ông ghé vô từng nhà. Có nhà vắng, người đi làm chưa về, nhưng cửa để ngỏ hoặc khép hờ. Có nhà bếp đỏ lửa. Ông vô bếp mở từng nồi cơm, nồi canh, trã cá kho. Cơm độn khoai sắn hoặc có nồi khoai sắn cõng lèo tèo mấy hột cơm. Ông thở dài, trong một đất nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Canh lỏng bỏng rau, ông lấy đũa khuấy. Không thấy thịt hoặc xương. Trã cá kho toàn tép hoặc cá con li ti.

Ông đi sang nhà khác. Nhà đang ăn cơm ngoài sân tranh thủ ánh nắng chiều. Đập thủy điện mà không có nhà nào có điện. Quanh mâm cơm có mấy đứa nhỏ, vài người lớn. Một đứa nhìn mâm cơm hỏi: “Ủa mẹ, lúc trưa con thấy bố cất vó được một mớ cá lớn mà sao không ăn hả mẹ”. Một đứa khác nói: “Hay bố thả xuống hồ nuôi cho nó lớn, mai cất vó được con cá to hơn”. Bà mẹ cười như mếu: “Hồi chiều mẹ đổi gạo rồi các con ạ. Ăn tạm mai sẽ dành cá cho các con”.

Ông lại sang mấy nhà khác. Nhà cửa, bữa cơm nào cũng giống nhau. Nhà trống huơ trống hoắc. Đồ điện tử chưa về tới đây. Bỗng trước mặt ông là trường tiểu học. Ông ngập ngừng một chút rồi bước vô một lớp cửa khép hờ. Giờ này trường đã nghỉ. Bàn ghế cái gãy chân, cái xộc xệch. Ông nhìn lên bảng, tấm bảng đen treo trên vách với hàng chữ viết ở góc nắn nót, ngay ngắn.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Ông nhìn dòng chữ quen thuộc đó rất lâu. Những chữ đó với ông thì có lạ gì. Ngày nào chẳng hàng chục lần đập vô mắt ông mỗi khi ngồi vào bàn làm việc. Sao lúc này nó như muốn giữ ông lại. Bỗng ông giật thót. Cái dấu vạch ngang giữa mỗi cụm từ bỗng mờ đi. Mỗi dấu gạch ngang bỗng biến thành chữ “trừ” rõ ràng, ngay ngắn, viết theo lối chân phương.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập trừ Tự do trừ Hạnh phúc

Ông nhìn quanh không thấy ai. Ông bỗng nghe tiếng cười khẽ cạnh mình, giọng đàn ông: Những câu chữ loại đó ở cửa miệng nhân dân ta từ lâu rồi. Tôi tưởng đồng chí Chủ tịch phải biết chứ. Mà không biết chữ Độc lập cứ đà này liệu có còn không?

Ông Tư nhìn quanh quất: Nhưng ông là ai. Ông đang ở đâu?

Tôi đang đứng cạnh. Tôi theo từ lúc Chủ tịch xuống xe đi thăm đập thủy điện. Rồi theo ông đi vào từng nhà, thăm bếp núc, xem từng bữa cơm của bà con. Tôi thấy nhiều lần ông khóc. Và chẳng giấu gì, tôi cũng khóc theo ông. Có điều tôi khóc vì một lẽ khác. Tôi ước, nếu đất nước ta, vị lãnh đạo nào cũng biết đau khổ trước nỗi khổ của nhân dân như ông thì phúc cho đất nước này biết mấy. Tới lúc ông bước vô trường, vô lớp học, lúc ông chăm chú nhìn tấm bảng đen, nhìn hàng chữ quen thuộc mấy chục năm nay rồi nhìn các khẩu hiệu, tôi biết được những suy tư của ông và tôi nghĩ ra những ý định nghịch ngợm vừa rồi.

Không phải nghịch ngợm đâu anh bạn ạ. Chuyện nghiêm túc. Sáng tạo của người dân thật là lớn. Chỉ cần thay hai dấu gạch ngang nhỏ bằng hai chữ “trừ” mà thấy tất cả mọi chuyện nhỏ, chuyện lớn hiện lên nguyên trạng tình hình của Đất nước. Xin hỏi, tại sao ông có mặt nơi này, vào lúc này?

Tôi làm nghề dạy học. Mỗi lần cầm phấn viết lên bảng đen mấy chữ đó, tự cảm thấy như mình tự lừa và lừa các em học sinh. Cho tới cái từ “Độc lập” thiêng liêng đến giờ chưa chắc đã còn giữ được. Mảnh đất hình chữ S bao nhiêu xương máu của ông cha dựng nên, đang mất dần mất hồi dưới dạng này hoặc dạng khác. Chẳng biết Chủ tịch có cảm thấy điều đó không?

Anh bạn cứ nói đi. Tôi đang thích nghe.

____

(1) Thơ viết dưới giàn lan (Văn Biển).

(2) Phạm Mộ Đức

____

Bài trích từ sách Que Diêm Thứ Tám của tác giả Văn Điển gửi tới. Mời đọc lại: Câu chuyện nhà báo trẻ và nhà văn có tuổi  —  Bên chiếc quan tài lạ ở cõi âm

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Chuyện “trừ ” tác giả viết hay quá !
    Mong Ông viết tiếp chuyện “cộng,” chắc còn nhiều thú vị hơn.
    Rồi chuyện “nhân ” chuyện “chia ” nữa.
    Ôi ! Đất nước này!

    • Chuyện cộng là cộng sản, cộng nhà cửa ruộng vườn của dân vào của mình rồi hô biến thành những thứ nhạy cảm rất khó công khai.
      Chuyện nhân là nhân đạo, nhân văn, nhân bản nơi cửa cái miệng đỏ hon hỏn, ướt nhem nhép của lũ đầy tớ dân tuôn ra trơn tuồn tuột, chẳng ngắc ngứ vướng mắc tí nào.
      Chia là chia bôi, chia chác quyền và tiền giữa các phe phái, là gầm ghè hót hốt nhau vào lò .

Comments are closed.