Chính trị Mã Lai: Chiến thắng của tinh thần khoan dung và đại nghĩa

“Nếu Mahathir từng là thủ tướng của Barisan Nasional trên hai thập niên có thể thức tỉnh và lật đổ chính quyền Barisan Nasional tham nhũng thối nát thì liệu sẽ có một lãnh tụ Cộng sản nào xuất hiện như Mahathir ở Việt Nam hay không để lật đổ cái chế độ phi nhân và vong bản?”

LS Nguyễn Văn Thân

9-6-2018

Mã Lai có một thể chế liên bang quân chủ lập hiến gồm có 16 tiểu bang và lãnh thổ. Dân số khoảng 30 triệu. 60% là người bản xứ gốc Mã Lai theo đạo Hồi. Khoảng 20% là người gốc Hoa và 6% gốc Ấn độ. Chính trị Mã Lai căn bản dựa trên sắc tộc và tôn giáo.

Kết quả cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 của Mã Lai vào ngày 9 tháng 5 vừa qua là một cú sốc lịch sử. Lần đầu tiên từ khi giành độc lập vào năm 1957, Liên minh cầm quyền Barisan Nasional bị lật đổ mà không rớt một giọt máu trong cuộc cách mạng thầm lặng. Mahathir, cựu thủ tướng từ 1981 tới 2003 trở lại làm thủ tướng lãnh đạo Liên minh đối lập Pakatan Harapan thành lập chính quyền. Chỉ vài ngày sau, Anwar Ibrahim, cựu Phó Thủ tướng và cựu thù của Mahathir được ân xá và ra tù. Wan Azizah, vợ của Anwar trở thành Phó Thủ Tướng của Mahathir. Najib Rajaz, Thủ tướng thất cử bị cảnh sát tiến hành điều tra về tội tham nhũng.

Cựu thủ tướng Mahathir Mohamad (giữa) đã giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử vừa qua. Ảnh: AFP

Quốc Hội Liên bang Mã Lai có 222 ghế. Đảng hoặc liên minh nào thắng 112 là có đủ đa số để thành lập chính quyền. Pakatan Harapan thắng tổng cộng 113 ghế so với Barisan Nasional với 79 ghế. Barisan Nasional là liên minh cầm quyền mà trong đó UMNO đại diện cho người bản xứ Mã Lai là Đảng lớn nhất. Pakatan Harapan là một liên minh gồm có 4 đảng gồm có Đảng Công Lý Nhân dân (PKR), Đảng Dân Chủ Hành động (DAP), Malaysian United Indigenous Party (PPBM) và National Trust Party (AMANAH). PKR do vợ chồng Anwar Ibrahim lãnh đạo và thắng 47 ghế. DAP là Đảng đại diện cho đa số người Mã Lai gốc Hoa ở các thành phố lớn thắng 45 ghế. PPBM của Mahathir thắng 13 ghế và AMANAH thắng 11 ghế.

Lịch sử chính trường Mã Lai cận đại chìm nổi thăng trầm qua quan hệ của hai nhân vật chính là Mahathir và Anwar. Mahathir Mohamad sinh ngày 20/12/1925 tại Kedah Mã Lai. Bố ông là một nhà giáo. Sau trung học, ông ghi danh vào trường y và tốt nghiệp hành nghề bác sĩ. Mahathir đắc cử vào Quốc Hội vào năm 1964 làm dân biểu của UMNO Đảng lớn nhất trong Liên minh Barisan Nasional. Mahathir bị đuổi ra khỏi UMNO vào năm 1969 vì bất đồng quan điểm với Thủ Tướng Tunku Abdul Raman. Nhưng ông tái gia nhập vào năm 1970 và trở lại làm dân biểu vào năm 1974 khi ông được bổ nhiệm là Bộ Trưởng Giáo dục. Mahathir trở thành Phó Thủ tướng vào năm 1976 và làm Thủ Tướng vào tháng 7 năm 1981. Ông là người thường dân đầu tiên làm thủ tướng.

Dưới sự lãnh đạo của Mahathir, Mã Lai phát triển từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu thành một quốc gia công nghiệp với một tầng lớp trung lưu có trình độ giáo dục cao dựa vào chính sách tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước và đầu tư ngoại quốc. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh châu Á vào cuối thập niên 90 đưa kinh tế Mã Lai vào tình trạng suy thoái. Sự kiện này làm đổ vỡ quan hệ với Anwar Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Tài chánh. Sau đó, Anwar bị sa thải và truy tố về tội giao hợp hậu môn và tham nhũng.

Mahathir từ nhiệm vào năm 2003 sau khi làm thủ tướng liên tục trong 22 năm. Người kế nhiệm là Abdulla Badawi. Badawi từ chức vào năm 2009 và Najib Razak lên thay thế.

Vụ xì căng đan 1MDB nổ ra vào năm 2015 chấn động dư luận Mã Lai. 1MDB là một quỹ đầu tư quốc doanh của Mã Lai do Najib thành lập. Dựa vào báo cáo tài chánh nộp với cơ quan quản lý công tỳ thì 1MDB nợ hơn 11 tỷ Mỹ kim. Cựu Thủ tướng Najib bị cáo buộc là chuyển gần 700 triệu Mỹ kim vào trương mục riêng của ông. Najib giải thích đây là số tiền tặng từ một hoàng gia ở Saudi Arabia. Sau đó, ông đã trả lại số tiền này. Nhưng không có ai tin lời giải thích của Najib. Mahathir cố gắng thuyết phục UMNO cách chức Najib nhưng thất bại.

Vào năm 2016, Mahathir rút khỏi UMNO và thành lập Đảng Malaysian United Indigenous Party (PPBM) và gia nhập Liên minh Pakatan Harapan. Tới tháng Giêng năm 2018, Mahathir được chính thức đề cừ làm ứng viên thủ tướng của Pakatan Harapan. Vào ngày 10/5/2018, Mahathir tuyên thệ nhậm chức Thủ Tướng sau khi đã về hưu được 15 năm. Với 92 cái xuân xanh, Mahathir là nguyên thủ lớn tuổi nhất.

Anwar Ibrahim sinh ngày 10/8/1947 tại Penang. Thời còn trẻ, ông từng là lãnh tụ của Hội Sinh Viên Hồi Giáo Mã Lai. Vào năm 1974, Anwar bị bắt giam 20 tháng vì tổ chức biểu tình chống tham nhũng. Ông gia nhập UMNO vào năm 1982 với sự khuyến khích của Mahathir. Mahathir đã làm thủ tướng một năm trước đó. Anwar nhanh chóng lên chức trở thành Bộ Trưởng Văn hóa vào năm 1983, Bộ Trưởng Nông nghiệp vào năm 1984, Bộ Trưởng Giáo dục vào năm 1986 và Bộ Trưởng Tài chánh vào năm 1991. Vào năm 1993, Anwar lên chức Phó Thủ Tướng và được chỉ định làm thủ tướng một khi Mahathir quyết định về hưu.

Quan hệ giữa Anwar và Mahathir khắn khít như cha con. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chánh châu Á vào năm 1997 dẫn đến sự sứt mẻ trầm trọng. Anwar trong cương vị Bộ Trưởng Tài Chánh ủng hộ đề nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là chính quyền Mã Lai cần mau chóng tiến hành cải cách gồm có cắt giảm ngân sách, mở cửa thị trường và triệt tiêu tham nhũng. Trong khi đó, Mahathir lên án các nhà tư bản chẳng hạn như George Soros chuyên đầu cơ mua bán tiền tệ và muốn siết lại đầu tư ngoại quốc. George Soros là một tỷ phú Mỹ gốc Do Thái. Mahathir nổi tiếng là người ghét dân Do thái. Trong một cuộc hội nghị của các tổ chức Hồi giáo vào năm 2003, Mahathir phát biểu rằng: ”Người Do thái đang thống trị thế giới. Họ dùng người khác chiến đấu và chết thay cho cho họ”. Không biết có phải vì vậy mà ông đổ lỗi cho George Soros về tình trạng khủng hoảng kinh tế của Mã Lai vào thời đó hay không?

Bất đồng giữa Anwar và Mahathir dẫn đến bất hòa. Vào tháng 9 năm 1998, Anwar bị sa thải và bị truy tố về tội tham nhũng và quan hệ tình dục với người đồng giới cụ thể là giao hợp hậu môn với ông tài xế gia đình. Giao hợp hậu môn dù có sự đồng thuận của các bên vẫn là một tội đại hình dưới Bộ Luật Hình sự Mã Lai có thể bị phát tù tới 20 năm. Sau các phiên xử, Anwar bị tuyên án 6 năm tù cho tội tham nhũng và 9 năm tù cho tội giao hợp hậu môn.

Trong lúc Anwar ở tù thì vợ ông Wan Azizah thúc đẩy phong trào cải cách dân chủ Reformasi dẫn đến sự ra đời của Liên minh đối lập Đảng Công Lý Nhân dân (PKR).

Vào năm 2004, Tòa Kháng Cáo chấp nhận đơn kháng cáo và hủy tội trạng giao hợp hậu môn. Anwar ra khỏi tù nhưng chọn ra nước ngoài dạy học vị bị cấm hoạt động chính trị tới năm 2008. Trong cuộc tranh cử vào tháng 3 năm 2008, PKR thắng 31 ghế và trở thành Đảng đối lập lớn nhất trong Quốc Hội. Wan Azizah trở thành nữ lãnh tụ đối lập đầu tiên.

Tới tháng 6 năm 2008, tức chỉ 3 tháng sau cuộc tranh cử, Anwar lại một lần nữa bị truy tố về tội giao hợp hậu môn với một nhân viên phụ tá 24 tuổi. Tòa tuyên bố Anwar vô tội vào tháng Giêng năm 2012. Anwar lãnh đạo Liên minh đối lập tham gia cuộc bầu cử vào tháng 5 năm 2013 và chiếm 50.87% số phiếu với 89 ghế, Barisan Nasional chiếm 47.38% số phiếu nhưng thắng 133 ghế. Lý do mà Barisan Nasional ít phiếu hơn nhưng lại thắng nhiều ghế là vì cách sắp xếp gian lận các đơn vị bầu cử của Liên minh cầm quyền.

Vào tháng 3 năm 2014, công tố viện kháng cáo và Tòa Kháng cáo đảo ngược quyết định của phiên tòa đầu tiên và phán Anwar có tội. Anwar bị tuyên án 5 năm tù.

Sau vụ xì căng đan 1MDB nổ ra vào năm 2015, nhiều người Mã Lai gồm có chính khách đối lập yêu cầu Thủ Tướng Najib từ chức. Najib phản pháo bằng cách ban hành dự luật an ninh cho phép thủ tướng bắt giam bất cú người nào gồm có những người tham gia biểu tình phản đối tham nhũng mà không cần trát tòa. Liên minh đối lập nộp đơn khiếu nại cho rằng dự luật này vi hiến. Vào ngày 5/9/2016 Anwar được phép cho ra khỏi tù để trình bày lập luận khiếu nại trước tòa. Bỗng nhiên Mahathir xuất hiện bắt tay Anwar và bày to quan điểm ủng hộ đơn khiếu nại của Liên minh đối lập. Cái bắt tay của hai kẻ cựu thù sau 18 năm đi vào lịch sử chính trường Mã Lai.

Sau khi thắng cử, công tác đầu tiên của chính quyền là yêu cầu Hoàng Gia Mã Lai ban hành quyết định ân xá cho Anwar trong tuần lễ đầu tiên nắm chính quyền. Mahathir đã thi hành đúng thỏa thuận đó của Pakatan Harapan. Mahathir công bố là ông sẽ làm thủ tướng từ 1 tới 2 năm rồi sẽ nhường chức lại cho Anwar.

Quan hệ giữa Mahathir và Anwar bắt đầu như cha con, rồi trở thành kẻ thù, rồi lại hòa giải thành đối tác liên minh đáng trở thành câu chuyện của một bộ phim Hollywood. Theo lời của Anwar, khi Mahathir ngỏ lời là họ hãy bỏ qua quá khứ mà hợp tác liên kết để hầu có cơ hội cứu Mã Lai từ chính quyền tham nhũng của Najib thì Anwar không chỉ phải chiến đấu với chính bản thân mà với cả gia đình. Con gái ông uất nghẹn không hiểu tại sao ông lại có thể bắt tay tha thứ với người đã xô gia đình xuống vực thẳm. Bị cáo buộc giao hợp hậu môn không chỉ là một tội phạm hình sự mà còn là một sự sỉ nhục tồi tệ nhất đối với một người Hồi giáo. Nhưng Anwar hiểu được là ông đang ở tù. Chỉ có Mahathir lãnh đạo thì Pakatan Harapan mới có cơ hội thắng. So với những đau thương, mất mát cá nhân và gia đình thì trách nhiệm cứu nước Mã Lai từ một chính quyền tham nhũng và thối nát quan trọng hơn nhiều.

Không chỉ có Anwar mà Lim Guan Eng lãnh tụ của DAP đã từng bị bắt ở tù hết 2 lần dưới thời của Mahathir. Bố của ông Lãnh tụ Đối lập Lim Kit Siang cũng từng bị Mahathir bỏ tù. Ngay sau khi thắng cử, Mahathir bổ nhiệm Lim làm Bộ Trưởng Tài chánh với trọng trách giải quyết vụ bê bối 1MDB và bảo vệ uy tín của nhà nước Mã Lai trên thị trường đầu tư quốc tế.

Ngoài Anwar và Mahathir, chính trị Mã Lai cũng được thể hiện qua hình ảnh tương phản của hai người phụ nữ. Thứ nhất là Wan Azizah vợ của Anwar. Với chiến khăn che đầu truyền thống, bà là biểu tượng của một người vợ chung thủy sát cánh bên chồng khi thành công cũng như trong hoạn nạn. Bà hiểu được nếu cả Phó Thủ Tướng Anwar khi vô tù cũng bị đánh đập thì hệ thống công lý thật quá tồi tệ. Bà phải tranh đấu không chỉ cho chồng vì Anwar không phải là nạn nhân duy nhất mà cho tất cả mọi người dân Mã Lai thấp cổ bé miệng. Và bà đã mạnh dạn thành lập đảng chính trị và tham gia chính trường ngân mình vào thế giới của các trò chơi bẩn thỉu.

Trong khi đó, Rosmah Mansour vợ của Najib là một người thích tiêu xài. Rosmah lấy Najib nhỏ hơn bà 2 tuổi vào năm 1987. Lúc đó, bà đã ly dị và có 2 con nhỏ nhưng là một thiếu phụ 36 tuổi nhan sắc tuyệt trần. Najib chọn bỏ vợ và 3 con nhỏ để lấy bà. Chỉ vài ngày sau khi thất cử, cảnh sát đã bố ráp các căn nhà của vợ chồng Najib tịch thu hơn 30 triệu Mỹ kim tiền mặt cùng với vo số nữ trang đắc tiền và hơn 400 túi xách hiệu Birkin mỗi cái trị giá từ 10,000 đến 300,000 ngàn Mỹ kim. Cảnh sát đang tiếp tục điều tra và đã ra lệnh cấm hai vợ chồng ra khỏi nước.

Đối với 2 lần cáo trạng giao hợp hậu môn, Anwar đều không nhận tội và phản đối vụ án có liên quan tới động cơ chính trị. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2013, phóng viên đặt câu hỏi 3 lần ông có phải là người đồng giới hoặc lưỡng giới hay không thì Anwar lại không xác nhận ‘’phải’’ hay ”không” mà đáp rằng đó là phạm vi đời sống riêng tư không liên quan tới vai trò chính khách của ông. Nhưng cho dù Anwar có là người đồng giới hoặc lưỡng giới thì kết quả bầu cử vừa qua cho thấy cử tri không đặt nặng vấn đề sinh hoạt phòng the hoặc lãnh tụ của họ ăn ngủ với ai hoặc ân ái kiểu nào. Điều quan trọng là lãnh tụ không thâm lạm công quỹ ăn cắp tiền thuế cực nhọc của người dân. Cử tri sẽ không chấp nhận những tay ma đầu miệng giảng mo-ran tay thụt két.

Barisan Nasional nắm quyền quá lâu nên trở tha hóa. Công quỹ bị mất cả hàng tỷ Mỹ kim mà Najib không hề hấn gì vì hệ thống tư pháp và truyền thông đã bị lũng đọan quá mức không còn giữ được tư thế độc lập và tự do bởi những ân huệ và áp lực của chính quyền. Như Việt Nam, tòa án và truyền thông trở thành công cụ của đảng cầm quyền. Cũng may là Mã Lai thừa hưởng hệ thống đa đảng đại nghị Westminter của Anh nên người dân rốt cuộc cất lên được tiếng nói.

Kết quả bầu cử vừa qua cũng là một bài học quý giá cho phong trào dân chủ Việt Nam về sức mạnh của tinh thần liên kết và thái độ khoan dung. Hai cái này tuy hai mà một. Không có lòng khoan dung, đại lượng thì không có đoàn kết. Anwar Ibrahim và Lim Guan Eng đã thắng được chính bản thân họ để vì đại cuộc mà gạt bỏ thù riêng mời Mahathir làm lãnh tụ. Họ thật sự là những con người yêu nước vì đối với họ, lợi ích của đất nước Mã Lai quan trọng hơn những năm tháng mà họ ngồi trong tù.

Các nhà đấu tranh dân chủ cho Việt Nam cũng cần phải noi theo, gạt bỏ hiềm khích, xích mích cá nhân để liên kết tạo sức mạnh tập thể. Trong mấy ngày qua, ý định thông qua dự luật đặc khu kinh tế tạo lên một làn sóng phẫn nộ chưa từng có ở trong và ngoài nước. Thành phần phản đối quyết liệt nhất gồm có những người đã và đang đứng trong hàng ngũ của chế độ, chẳng hạn như Gs Nguyễn Minh Thuyết, Ts Lê Đăng Doanh, Sử gia Nguyễn Đắc Xuân và Ts Trần Đức Anh Sơn. Thái độ khoan dung nên được áp dụng cho tất cả mọi người yêu nước bao gồm các đảng viên cộng sản.

Nếu Mahathir từng là thủ tướng của Barisan Nasional trên hai thập niên có thể thức tỉnh và lật đổ chính quyền Barisan Nasional tham nhũng thối nát thì liệu sẽ có một lãnh tụ Cộng sản nào xuất hiện như Mahathir ở Việt Nam hay không để lật đổ cái chế độ phi nhân và vong bản?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây