Trung Quốc và những cuộc đi

Trần Nhã Thụy

6-6-2018

Tôi có một người bạn. Cũng như chúng tôi, bạn phải đi làm vất vả nuôi con. Con bạn tầm tuổi với con chúng tôi. Hằng ngày bạn phải đưa đón con đến trường, chở con đi học thêm. Cũng như chúng tôi, bạn rất bức xúc về thực trạng giáo dục nước nhà.

Chúng tôi, có chung những mối lo. Nhưng, khác hơn chúng tôi một chút, bạn có một nỗi ám khủng khiếp về người láng giềng TQ. Không ưa người TQ, đã đành, bạn sợ một ngày nào đó TQ sẽ thôn tính VN. Nỗi sợ hãi và ám ảnh này, đến với bạn những lúc trên đường, trong bữa ăn, lẻn vào từng giấc ngủ. Thật ra thì bạn không lo cho bạn, mà lo cho đứa con. Bạn không thể hình dung con mình lớn lên trong một đất nước nô lệ.

Phải làm gì? Bạn tham gia vào hầu hết các diễn đàn, bày tỏ thái độ quyết liệt về những tiêu cực xã hội. Bạn tìm hiểu các thông tin liên quan. Dường như không một ngày nào bạn thoát ra khỏi nỗi ám ảnh đó. Và, cuối cùng, bạn quyết định rời khỏi VN.

Cũng chẳng dễ dàng gì. Bạn nỗ lực tìm mọi cách. Cùng đồng hành với cậu con trai còn ngơ ngác trước cuộc đời. Cuối cùng thì tới cuối tháng 6 này bạn chính thức rời khỏi VN.

Ở VN, có biết bao nhiêu người như bạn của tôi? Tôi nghĩ là không ít. Thông tin trên các báo cho biết, tại TP.HCM có khoảng 500 thí sinh bỏ thi trong kỳ thi chuyển cấp lên lớp 10 vừa rồi. Nguyên do không rõ. Nhưng theo chỗ tôi biết thì nhiều khả năng những thí sinh này đang chuẩn bị tị nạn giáo dục. Mỗi người một lý do khác nhau, nhưng chắc chắn trong đó có nỗi ám ảnh mang tên TQ.

Đi. Tìm mọi cách để thoát khỏi VN. Đó là một thực tế. Nhưng nhiều người nói với tôi rằng, họ không sợ TQ bằng sợ trước thái độ và hành động của chính phủ hiện thời. Họ ra đi vì thấy mình không được che chở, bảo vệ. Tiếng nói của họ lạc lõng, không ai lắng nghe. Hành động của họ bị quy kết, buộc tội.

Trở lại dự án “Đặc khu 99” vừa rồi. Tôi nghĩ phản ứng mạnh mẽ của người dân chính là từ sự ám ảnh khốc liệt trước họa TQ. Nhưng cao hơn, chính là sợ từ “những ngón tay êm” nhấn nút thông qua của các ĐBQH. Họ phải gào lên. Sợ bên ngoài thì ít, mà sợ bên trong thì nhiều. Nhưng, rốt cuộc rồi những người yêu nước, những người đau đáu với tương lai con em mình nhất, đang lặng lẽ rời khỏi đất nước này.

Tị nạn, dù là tị nạn giáo dục, vẫn là một cuộc chạy trốn, với những vết thương khó chữa lành. Ngay cả tị nạn thành công vẫn là một nỗi đau. Tại sao chúng ta không thể sống hạnh phúc dưới mái nhà của mình? Tại sao chúng ta không thể tự hào ngay trên quê hương của mình? Những câu hỏi cũ mèm mà cứ nhức nhối.

Thật ra thì người VN khá giống người TQ. Người VN nhập cư khắp nơi trên thế giới. Người TQ cũng vậy. Một ai đó ví von rằng nếu một người TQ tham gia Tour de France thì chắc chắn anh ta sẽ về chót, vì đạp đến đâu anh ta ngó quanh quất đến đó, coi thử có nơi nào cắm đất làm nhà được không. Bạn tôi từ Úc về cho biết bên đó tràn ngập người TQ. Nhưng hiện nay, người TQ đang tấn công các nước chậm phát triển như Congo, Venezuela… Và, VN cũng nằm trong nhóm các nước ấy. Người TQ tìm cơ hội nơi luật pháp lỏng lẻo và người dân hiền lành.

Tôi chẳng phải là nhà kinh tế, chính trị hay nhà xã hội học. Nhưng tôi biết vấn đề TQ khá phức tạp. Nó làm đau đầu nhiều quốc gia lớn như Nhật, Mỹ, chứ không riêng gì VN.

Tôi chỉ nghĩ rằng, muốn tránh họa TQ, chúng ta phải khác TQ. Chúng ta nên là chính mình, là một VN đẹp đẽ nhưng mạnh mẽ. Chúng ta cần nhiều người tốt cùng ở lại đây, trong lúc này.

Có vẻ như chúng ta có quá nhiều người khôn ngoan nhưng có rất ít người tốt.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Cám ơn bạn Trần Nhã Thụy, bạn thật sự là người có hiểu biết và suy nghĩ thật sâu sắc. “Tại sao chúng ta không thể sống hạnh phúc dưới mái nhà của mình? Tại sao chúng ta không thể tự hào ngay trên quê hương của mình?” Bạn ơi, tám mươi mấy triệu người dân Việt Nam dường như đang bất lực, những người có điều kiện đang tìm đường chạy trốn khỏi đất nước này. Người ta tìm đến những nơi có điều kiện sống tốt hơn: môi trường trong lành, chính trị cởi mở, nơi mà người dân được quyền phản đối nếu chính quyền sai. Hiện tại, mọi người chỉ quan tâm đến vấn đề cá nhân hơn tập thể, nói chi đến những vấn đề của Xã Hội, của cả đất nước. Lo cơm áo gạo tiền hàng ngày còn chưa xong, Vùng vẫy, gào thét vài ngày bạn thấy mệt mỏi, lâu ngày bạn sẽ có xu hướng tìm cách nào để được yên thân hơn và trở thành người vô cảm. Còn bao nhiêu trái tim Việt dành cho đất nước Việt Nam này?. Con người có số phận, vậy đất nước có số phận không hả bạn?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây