Về tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức (phần 3)

FB Ngô Ngọc Trai

18-5-2018

Tiếp theo phần 1 và phần 2

Ảnh: internet

2. Tiếp theo Cáo trạng mô tả hành vi của ông Trần Huỳnh Duy Thức như sau:

Trích: “Trần Huỳnh Duy Thức cho rằng năm 2010 là năm “vong” và năm 2020 là năm “tận” của Đảng Cộng sản Việt Nam, điều này thể hiện rõ trong tài liệu do Thức làm ra có tên gọi “Lần sinh nhật thứ 79 này của Đảng là lần cuối?”; “… Với Triều đại Cộng sản… 2010 là năm vong, 2020 là năm tận…”. Thức đề ra phương thức hoạt động nhằm mục đích thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam gọi là “Chấn kế”, trong đó nêu rõ: phải áp dụng kế sách “Đoài đánh Đoài” – tức là sử dụng những người Cộng sản đánh những người cộng sản, vì Thức cho rằng trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam có hai thành phần người “cấp tiến” và người “cơ hội”; Thức sẽ tác động vào những người Cộng sản “cấp tiến” loại trừ những người Cộng sản “cơ hội”;

Trong những năm đầu “Nhóm nghiên cứu Chấn” chủ trương liên kết với lực lượng mà Thức cho là “cấp tiến” trong Đảng Cộng sản Việt Nam để nắm quyền lãnh đạo đất nước và cho đến năm 2020 sẽ xóa bỏ hoàn toàn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tài liệu Chấn kế đề ngày 27/4/2006 cũng đã nêu: “… dùng chính Đoài để thay đổi. Nếu dùng được thì đây cũng là kế sách cực kỳ quan trọng trong khi ta chưa có lực lượng…”;

Với vai trò cầm đầu “Nhóm nghiên cứu Chấn”, Trần Huỳnh Duy Thức đã phân công nhiệm vụ cho các đối tượng trong tổ chức này như sau: Trần Huỳnh Duy Thức phụ trách chung, vạch đường lối hoạt động của tổ chức; Lê Th L phụ trách phát triển lực lượng ở trong nước; Lê Thị T T giúp Thức theo dõi quan hệ nước ngoài; Trần Thị T giúp Thức soạn thảo tài liệu; Cù Thị P giúp Thức sửa lỗi chính tả các tài liệu do Thức làm ra trước khi đăng tải trên mạng Internet và chuyển ra nước ngoài.” Hết trích.

Chúng tôi cho rằng Những nhận định về “vong”, “tận” chỉ là quan điểm suy nghĩ của một người, họ được quyền suy nghĩ như vậy, mặc dù không tích cực với Đảng cầm quyền thì đó cũng không phải là tội. Chúng tôi cho rằng việc công dân một nước phê phán, chỉ trích những sai lầm, yếu kém của Đảng cầm quyền và Chính phủ đương nhiệm là hoàn toàn bình thường. Đó là quyền sinh hoạt chính trị và bày tỏ ý kiến của công dân.

Mọi công dân được quyền sinh hoạt chính trị chứ đó không phải là đặc quyền riêng của nhóm người nào, và trong khi sinh hoạt chính trị họ có quyền bày tỏ quan điểm về các đường lối chính sách của Đảng chính trị và Chính phủ nắm quyền. Các tổ chức chính trị và bộ máy chính phủ không thể yêu cầu người dân chỉ được yêu thích khen ngợi mình.

Về kế sách “Đoài đánh Đoài”, đó cũng chỉ là sản phẩm của suy nghĩ có tính chất dự định, còn việc làm trên thực tế nếu có cũng chỉ là những hành vi tác động vào nhận thức con người có tính chất khuyến dụ, thuyết phục. Những hoạt động đưa đến những chuyển biến nhận thức như vậy xảy ra là điều bình thường, và là diễn tiến thường xuyên thuộc về bản chất con người vốn có tính chất xã hội khi tiếp cận với các thông tin tri thức.

Đoạn cáo trạng mô tả thêm về Nhóm nghiên cứu Chấn cho rằng ông Thức đã phân công nhiệm vụ cho mọi người trong nhóm. Những quy kết như ông Thức “phụ trách chung”, Lê Th L “phụ trách phát triển lực lượng ở trong nước” đó chỉ là kết quả của hoạt động điều tra có mục đích làm tăng yếu tố “có tính chất tổ chức” cho Nhóm nghiên cứu Chấn.

Nhưng nội dung phân công này không phải là đã được thể hiện bằng văn bản trong một tài liệu thu thập được, mà đó chỉ là kết quả của quá trình điều tra. Khi đưa ra những quy kết như vậy để kết tội mà không đưa ra được chứng cứ tài liệu đi kèm thì chúng tôi cho rằng không thỏa đáng. Bởi một sự quy kết nhằm mục đích kết tội như vậy thì nó cần thu thập được bằng chứng, một sự phân công như vậy đáng ra phải được thể hiện bằng văn bản như một nội quy hội nhóm hoặc điều lệ tổ chức thu thập được.

Trên thực tế ông Lê Th L không phát triển được lực lượng nào ở trong nước để tham gia vào Nhóm nghiên cứu Chấn, bởi vì nhóm này chẳng có thêm người nào, mà sau đó năm 2007 ông L lại tách ra khỏi nhóm này như đã được xác định. Tới thời điểm bị bắt năm 2009 thì Nhóm nghiên cứu Chấn chỉ gồm ông Thức và ba nữ nhân viên công ty. Các hoạt động viết bài của ông Thức thì đó cũng chỉ là những hoạt động có tính chất riêng rẽ cá nhân, thể hiện mong muốn khát vọng cá nhân mà chẳng phải là kết quả của một hoạt động có tổ chức. Những việc làm của ba người phụ nữ như sửa lỗi chính tả văn bản, đó chỉ là thực hiện bổn phận của một nhân viên trong công ty.

3. Cáo trạng tiếp đoạn mô tả về hành vi của ông Trần Huỳnh Duy Thức như sau:

Trích:” Trần Huỳnh Duy Thức lập cho các đối tượng email, mật khẩu riêng để trao đổi thông tin phục vụ cho hoạt động của “Nhóm nghiên cứu Chấn” và đối phó với sự phát hiện của các cơ quan chức năng, như: Lê Th L sử dụng email “Simple.man01@gmail.com” (bí danh là Sim hoặc Mic); Lê Thị T T sử dụng email “2003.Jenny@gmail.com” (bí danh là Jen hoặc Jessica); Trần Thị T sử dụng email “Streamgol@gmail.com” (bí danh là Stream hoặc Sting); Cù Thị P sử dụng email “Serendon@gmail.com” (bí danh là Seren); còn Thức sử dụng email “TonyOwang@gmail.com” (bí danh là Tony hoặc Charles Winter).

Trần Huỳnh Duy Thức còn lập ra 03 blog: “Trần Đông Chấn”, “Psonkhanh”, “Change we need” và một số email với các tên gọi khác nhau nhằm che dấu sự phát hiện của các cơ quan chức năng để đăng tải nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc, chống đối sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân; nói xấu gây chia rẽ nội bộ giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tạo uy tín cho bản thân tạo sự ủng hộ của dư luận xã hội vào thời điểm mà Thức gọi là Lúc phất cờ.

Cụ thể blog Trần Đông Chấn có 22 tài liệu (Thức làm ra 19 tài liệu, tàng trữ 03 tài liệu), trong tài liệu có tên gọi “Khủng hoảng và thời cơ” Thức cho rằng: “… Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến một sự sụp đổ xã hội trầm trọng, và đây chính là thời cơ cho người dân đứng lên thực hiện một cuộc thay đổi chính trị, giành lấy quyền lực…”; blog Psonkhanh có 15 tài liệu (Thức làm ra 11 tài liệu, tàng trữ 04 tài liệu), trong tài liệu có tên gọi “Lời bộc bạch của một đảng viên” Thức cho rằng: “… Sự sụp đổ và thay đổi là chắc chắn và không thể tránh khỏi… lực lượng thay đổi có thể hành động lúc nào thì lúc đó sẽ có sự thay đổi…”;

blog Change we need có 23 tài liệu do Thức làm ra trong tài liệu có tên gọi “Lần sinh nhật thứ 79 này của Đảng là lần cuối?” nêu rõ: “… Triều đại Cộng sản Việt Nam sẽ suy vong nhanh chóng là tất yếu không thể cản lại được bởi chính sai lầm của nó…”. Ngoài các tài liệu đăng trên các blog, các đối tượng còn sử dụng các email thể hiện nội dung liên lạc, trao đổi phục vụ hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân của tổ chức “Nhóm nghiên cứu Chấn”, trong đó email Tony0wang@gmail.com có 194 trang tài liệu; email Trandongchan@gmail.com có 138 trang tài liệu.

Trần Huỳnh Duy Thức đã có kế hoạch làm ra tài liệu có tên gọi “Con đường Việt Nam” đây là một kế hoạch tổng thể về hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Thức đã giao cho Thượng Công N thu thập tư liệu về chuyên đề văn hóa, dân tộc Việt Nam; đến tháng 4 năm 2008, Thức đã viết xong phần đầu với tiêu đề “ý thức hệ chính trị nào cho Việt Nam”.

Thực hiện kế sách Đoài đánh Đoài của Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Th L đã tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XII để nếu trúng cử sẽ có tiếng nói ảnh hưởng đến Đảng cộng sản Việt Nam, tạo vị trí trong cơ quan quyền lực cao nhất để tiếp cận, tác động lãnh đạo cao cấp ủng hộ hoạt động của “Nhóm nghiên cứu Chấn”. Lê Th L đã làm ra tài liệu “Kế hoạch hành động Media cho Chấn kế” đề ngày 05/9/2006 có nội dung: “… Việc tham gia vào Quốc hội của Chấn chuẩn bị cho lúc phất cờ trên nền tảng chính danh … Mục tiêu của Chấn vận động vào Quốc hội để tạo nền tảng cho thành công của lúc phất cờ…”. Quá trình Lê Th L tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Trần Huỳnh Duy Thức giúp vận động bầu cử, chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn của báo chí trong và ngoài nước”. Hết trích.

Chúng tôi thấy rằng:

Thứ nhất, việc sử dụng các địa chỉ email không đúng như tên thật của mình là điều bình thường. Vốn dĩ các địa chỉ email phải sử dụng các ký tự chữ Latinh viết liền không dấu không thể dùng tên tiếng Việt, thực tế tất cả các thư điện tử chỉ dùng các cụm từ gần giống với tên thật hoặc khác hoàn toàn với tên thật của người Việt. Cho nên việc ông Thức và 4 người liên quan lập ra địa chỉ email không đúng như tên thật của mình cũng là điều bình thường. Nhiều người trong giao dịch làm ăn vì lý do giữ bí mật cũng hay sử dụng nhiều địa chỉ email khác nhau và khác với tên thật của mình. Cho nên nếu cho rằng việc làm của ông Thức là một thủ đoạn tinh vi nhằm che dấu sự phát hiện thì không thỏa đáng trong môi trường thông tin mạng điện tử.

Thứ hai, việc ông Trần Huỳnh Duy Thức lập ra 03 blog và viết nhiều bài đăng tải trên đó chỉ phản ánh những nỗ lực cá nhân đơn độc của ông Thức mà không phải là kết quả của một tổ chức. Những nội dung bài viết nói xấu, bài xích, chỉ trích các cơ quan Đảng và Chính phủ thì đó chỉ là quyền sinh hoạt chính trị và bày tỏ ý kiến của công dân. Đối chiếu với các quy định pháp luật hiện tại (mặc dù tự bản thân các quy định cũng còn nhiều điểm không khoa học), thì hành vi viết bài nói xấu, phê phán cũng không phải là tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Về tài liệu Con đường Việt Nam, Cơ quan An ninh điều tra cho rằng đây là một kế hoạch tổng thể về hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, mặt khác họ cho biết là đến tháng 4 năm 2008, Thức đã viết xong phần đầu với tiêu đề “ý thức hệ chính trị nào cho Việt Nam”. Như vậy làm sao có thể đánh giá tính chất của một tài liệu khi mà nó còn chưa được hoàn thành? Khi tài liệu mới chỉ viết xong phần mở đầu thì làm sao đã khẳng định được đây là một kế hoạch tổng thể? Và xét cho cùng thì đó cũng chỉ là một ý tưởng trên giấy, đã làm gì được trong thực tế, còn xa mới có thể lật đổ được một chính quyền nhân dân nào, và do vậy việc làm dang dở này chỉ có tính chất của sự chuẩn bị.

Việc ông Lê Th L ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 12 thì đó về cơ bản là quyết định mong muốn của cá nhân ông Lê Th L, cho rằng đây là thực hiện theo kế sách chỉ đạo của ông Trần Huỳnh Duy Thức là khiên cưỡng, gượng ép. Cùng lắm là ông L chỉ chia sẻ mong muốn ý tưởng của mình với ông Thức, và hai người vốn độc lập với nhau và có chung những khuynh hướng chính trị thì họ ủng hộ khuyến khích việc làm tích cực của nhau.

Việc ứng cử Đại biểu Quốc hội cũng không phải là đã lật đổ chính quyền nhân dân. Một chính quyền nhân dân không thể bị lật đổ chỉ vì một người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội, một việc làm bình thường ở những quốc gia sinh hoạt chính trị dân chủ. Nhưng ở Việt Nam thời điểm ông L tự ứng cử thì do những nhận thức lạc hậu về các quyền dân sự và chính trị của công dân, cho nên các ban ngành nhìn vào việc một người tự đứng ra ứng cử Đại biểu Quốc hội như một hành động kỳ dị có âm mưu. Cho đến kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 năm 2016 vừa rồi đã có rất nhiều người tự ứng cử và dư luận dần xem đó là bình thường. Còn nếu mục đích của ông L khi ứng cử Đại biểu Quốc hội là nhằm để tiếp cận với lãnh đạo Đảng và Chính phủ cấp cao để tác động chuyển hóa, thì đó cũng là việc còn xa mới đạt đến, đó cùng lắm cũng chỉ là những cố gắng cá nhân nhằm tạo lập môi trường điều kiện cho việc làm về sau, và do vậy toàn bộ cũng chỉ là hành vi chuẩn bị chứ chưa thể nói gì đến việc lật đổ vào lúc đó.

Còn tiếp…

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây