Tác giả: Điền Lương
Dịch giả: Trúc Lam
19-2-2018
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam — Các cơ quan chức năng Việt Nam đã liên tục khẩn nài việc chống lại các mối đe dọa về an ninh mạng và “những nội dung bôi bác đầy nguy hiểm”.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại “tin giả mạo” hoặc thông tin sai lệch ở Việt Nam không nên được sử dụng như một tấm bình phong, nhằm dập tắt các ý kiến bất đồng và làm giảm quyền tự do ngôn luận. Làm như vậy sẽ càng làm tăng thêm sự hoài nghi trong nước, ở một quốc gia nơi mà việc mở rộng không gian tranh luận một cách cởi mở và tự do đã tạo ra một sức ép lớn trên mạng.
Đối với các nước khác, gồm cả các quốc gia dân chủ, họ cũng đang cố gắng hết sức để kiểm soát các thông tin độc hại trên mạng. Ví dụ như ở Đức, đặc biệt nhắm vào các bài phát biểu về thù hận và các tin nhắn cực đoan khác làm ảnh hưởng trực tiếp đến quần chúng, trong khi đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam thường để ý đến nội dung gây bất lợi cho thanh danh của họ và sự tồn tại của chế độ.
Đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam đã nhiều lần thúc giục Facebook và Google chặn các thông tin “độc hại” mà họ cho là vu khống và phỉ báng các nhà lãnh đạo Việt Nam. Google đã loại bỏ hơn 5.000 đoạn phim; Facebook cũng đánh dấu khoảng 160 tài khoản chống chính quyền theo lệnh của chính phủ.
Một dự luật về an ninh mạng được đưa ra thảo luận hồi năm ngoái và kể từ đó, gây ra một loạt tranh cãi về các điều khoản rắc rối. Những điểm quan trọng là yêu cầu Facebook và Google phải đặt văn phòng và máy chủ tại Việt Nam. Các nhà phê bình quy định này nói rằng, nếu luật được thông qua, Việt Nam sẽ làm trò cười vì vi phạm các cam kết trong các công ước và hiệp định quốc tế. Tổ chức Thương mại Thế giới mà Việt Nam gia nhập năm 2006 không yêu cầu các công ty nước ngoài lập các văn phòng đại diện tại các nước thành viên. Thỏa thuận thương mại quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương không áp dụng, trong đó Việt Nam là nước ủng hộ nhiệt tình, ngăn cản các nước ký kết đưa ra yêu cầu đặt cơ sở hạ tầng ở các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.
Các nhà cung cấp mạng cũng lo sợ quy định này sẽ đuổi các công ty Internet và phá hỏng sự phát triển thương mại điện tử. Mặc dù điều khoản đó đã bị loại bỏ do phản đối của công chúng, dự luật vẫn tiếp tục gieo những lo ngại lan rộng vì quá mơ hồ và mập mờ giữa bảo vệ an ninh mạng và kiểm duyệt hoàn toàn.
Sự phát triển cơ sở hạ tầng Internet ở Việt Nam đã vượt qua khả năng quy định và kiểm soát của chính phủ. Điều tốt nhất họ có thể làm là hạn chế truy cập vào các trang web nhất định. Họ cũng đã triển khai một đội quân giám sát chặt chẽ cảm nghĩ của công chúng trên các phương tiện truyền thông xã hội. Việt Nam tiết lộ, trong tháng 12, họ đã tung ra một đơn vị quân đội gồm 10.000 người tác chiến trên không gian mạng, để chống lại các quan điểm “sai trái” trên mạng, một biện pháp giống như mô hình kiểm soát Internet ở Trung Quốc.
Trong một hành động khác, cũng giống như chiếc gương phản chiếu từ Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đã lặp lại kế hoạch phát triển các phương tiện truyền thông xã hội và Internet mà họ có thể kiểm soát một cách hiệu quả hơn. Nhưng đó là một kế hoạch không thực tế. Lần đầu tiên xâm nhập vào thị trường Việt Nam hơn một thập kỷ trước, Facebook hiện rất phổ biến ở đây với khoảng 52 triệu tài khoản đang hoạt động.
Thiết kế của Facebook đã làm tăng những cái click chuột, loại hình báo chí dễ gây xúc động và thậm chí cả những tin tức giả mạo – những điều mà chính phủ coi như một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Điều làm cho các trang như Facebook và YouTube hấp dẫn người dùng là thiếu sự kiểm soát tương đối của chính phủ: Họ có được thứ họ muốn hoặc ít nhất điều họ nghĩ rằng họ muốn. Nhưng nếu Việt Nam tìm cách loại bỏ các yếu tố thu hút mọi người đến các phương tiện truyền thông xã hội phổ biến ngay từ đầu, mọi người sẽ bắt đầu phớt lờ chúng.
Điều này có nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam bị kẹt giữa đe và búa. Sự bùng nổ của truyền thông xã hội tự do dĩ nhiên là làm mất nhuệ khí của một đảng cầm quyền vẫn luôn muốn giữ sự độc tài về quyền lực. Nhưng Việt Nam không có thứ như “Vạn lý Hỏa thành” của Trung Quốc, thay vào đó chính quyền chọn trò chơi mèo vờn chuột để kiềm chế Internet. Thật vậy, bằng các chính sách chặt chẽ áp đặt lên mạng truyền thông xã hội, chính phủ Việt Nam đã cố gắng tỏ ra sẵn sàng đáp ứng những mối quan tâm của công chúng – như việc chặt cây ở Hà Nội hoặc xây cáp treo ở hang động lớn nhất thế giới.
Dường như quy mô thị trường Trung Quốc đã khiến một số công ty công nghệ cân nhắc kiểm duyệt nội dung nào đó trên nền tảng của họ ở Trung Quốc. Trong khi chính phủ Việt Nam có thể giành được một số sự nhượng bộ từ các công ty công nghệ khổng lồ, nhưng Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn. Truyền thông xã hội rất phổ biến ở Việt Nam, nên để trấn áp nó sẽ chỉ gây ra sự tức giận của công chúng ở đất nước, nơi có 54% dân số — tức gần 50 triệu người — sử dụng mạng.
Nhiều điều khoản trong dự luật về an ninh mạng ít nhiều sẽ được thông qua, có thể gây lo lắng cho các nhà đầu tư nước ngoài, có nguy cơ bôi bẩn hình ảnh của Việt Nam là một đất nước hiện đại, ủng hộ chuyện làm ăn. Các nhà làm luật Việt Nam còn ba tháng nữa để thảo luận về dự luật này và đây là một cơ hội hoàn hảo để Quốc hội chứng tỏ mình không chỉ là cơ quan bù nhìn của Đảng Cộng sản cầm quyền, mà còn là một quốc hội thực sự đại diện cho lợi ích của người dân. Các đại biểu quốc hội nên mời các chuyên gia nghiên cứu và góp ý cẩn thận, cũng như công chúng đóng góp.
Với những quyền lợi liên quan, chính phủ phải từ bỏ ý định xây dựng bức tường lửa theo kiểu của Trung Quốc, hoặc theo những bước chân của một số nước láng giềng Đông Nam Á nhằm dập tắt tự do ngôn luận, trên danh nghĩa cuộc chiến chống tin giả. Hành động như thế sẽ chỉ càng làm cho đất nước bị cô lập khỏi thế giới văn minh hơn.
Điền Lương là một nhà báo điều tra đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
© Tiếng Dân — Bản tiếng Việt