Bài thơ đã bị kiểm duyệt

FB Đỗ Duy Ngọc

17-2-2018

Nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ bị kiểm duyệt. Nguồn: VN Xứ Đoài

Lâu nay ta nghe bài hát Gởi em ở cuối sông Hồng ở đoạn cuối thấy ngô nghê và lạc lõng bởi những hình ảnh trong đoạn trên và khủc dưới trong ca từ không ăn nhập với nhau. Đi tìm bài thơ ta lại gặp ba dấu chấm như bỏ mất một đoạn. Đọc tờ báo Thể thao văn hoá thuật lại đoạn nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ nói về hoàn cảnh ra đời bài thơ trong chương trình Giai điệu tự hào, ta cũng bắt gặp ba dấu chấm lửng đó.

Hoá ra bài thơ đã bị lưỡi kéo kiểm duyệt cắt bỏ mất một khúc, mà lại là đoạn thơ quan trọng, là cái hồn của cả bài thơ. Tuyên huấn không dám nhắc đến cuộc chiến tranh chống bọn xâm lược Trung quốc năm 1979 nên không cho phổ biến đoạn thơ này, khiến bài thơ mất đi tính chiến đấu vốn có của nó. Điều đó cho thấy lãnh đạo ta cố tránh né không muốn nhớ đến cuộc chiến đấu chống bọn xâm lược Bắc Kinh khởi đầu từ ngày 17.02.1979.

Nguyên văn bài thơ đã bị cắt xén và phổ biến lâu nay:

“Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng…
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.”
(Dương Soái)

Nguyên văn bài thơ chưa bị kiểm duyệt cắt bỏ
(Copy từ face Nguyễn Anh Tuấn)

Gửi em ở cuối sông Hồng
(Dương Soái)

“Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng…
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.

Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình
Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc
Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt
Đạn lên nòng anh giữ trọn nguồn sông

Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng
Đạn quân thù bỗng cuồng điên vào thị xã
Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả
Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong

Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm
Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc
Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục
Máu giặc loang ố cả một vùng

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.

Lào Cai, 1979”

Qua đó, ta thấy rằng người ta không những tránh né trong lịch sử, trong sách giáo khoa dạy học sinh mà cả những tác phẩm văn chương viết về cuộc chiến tranh chống xâm lược Trung quốc, người ta cũng đục bỏ. Lịch sử Việt Nam thời hiện đại đã bị cố ý bỏ sót chương chống bè lũ xâm lược Bắc Kinh .

Đã đành vì muốn giữ hoà khí, vì hữu nghị để phát triển đất nước, tránh hoạ chiến tranh. Nhưng không vì thế mà phải đục bỏ lịch sử, quên đi xương máu của anh hùng liệt sĩ, của nhân dân đã đổ xuống để giữ yên bờ cõi. Bỏ quên hay xoá bỏ lịch sử là một tội lỗi khó tha thứ.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây