Hiếu Bá Linh, biên dịch
24-1-2018
“Chúng tôi sẽ sẽ nỗ lực để trong thời gian tới luật sư Đức có thể tiếp cận tốt với thân chủ [ở Việt Nam] và các phương tiện truyền thông quốc tế có thể vào tham dự quan sát phiên tòa. Chúng tôi đang đối thoại rất tường tận với phía Việt Nam. Đây là một quá trình đối thoại với phía Việt Nam và vẫn đang tiếp tục. Đại diện Đại sứ quán của Pháp, Hoa Kỳ và Phái đoàn EU tại Việt Nam đã đến theo dõi phiên tòa cùng với Đại diện Đại sứ quán Đức”.
Ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh bị kết án tù chung thân ở Việt Nam, trong buổi họp báo thường kỳ tại Berlin của Chính phủ Liên bang Đức vào ngày 22/01/2018, các nhà báo đã đặt nhiều câu hỏi về sự kiện này và bà Maria Adebahr, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức đã trả lời các câu hỏi của ký giả.
Sau đây là bản dịch toàn bộ nội dung phát biểu của bà Maria Adebahr, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức tại buổi họp báo:
Chúng tôi đã theo dõi phiên xử [Trịnh Xuân Thanh] tại Việt Nam và trong toàn bộ phiên tòa xét xử chúng tôi đã cử một đại diện đến đó [trong phòng dành cho báo chí, quan sát qua màn hình TV truyền ra từ phòng xử án]. Đại diện Đại sứ quán của Pháp, Hoa Kỳ và Phái đoàn EU tại Việt Nam đã đến theo dõi phiên tòa với chúng tôi. Việc quan sát phiên xử diễn ra đúng mực.
Chúng tôi đã nhiều lần nói cặn kẽ và rõ ràng với chính phủ Việt Nam về thái độ của Đức đối với án tử hình. Tòa không tuyên án tử hình đó là một điều mà chúng tôi ghi nhận. Hiện nay còn có một phiên xử khác nữa sắp sửa bắt đầu. Chúng tôi cũng chờ xem phiên tòa này sẽ như thế nào.
Tôi nghĩ rằng trong suốt toàn bộ diễn biến – nguyên do vì sao – phía Việt Nam nhận biết rất rõ thái độ của Đức.
Vẫn còn quá sớm để đánh giá thêm nữa về phiên xử này, vì sắp có một phiên tòa xét xử khác và cũng còn có khả năng kháng án phúc thẩm. Trong chừng mực đó, vẫn còn quá sớm để đánh giá nó.
Như đã nêu trên, chúng tôi đã nói rất, rất là rõ ràng với phía Việt Nam về thái độ của chúng tôi. Trên thực tế, chúng tôi cũng lấy làm rất tiếc rằng báo chí quốc tế không được cho phép [tham dự phiên tòa xét xử] và chúng tôi cũng đã nói rõ với phía Việt Nam rằng luật sư Đức đã bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam. Đó là một điều mà với quan điểm của chúng tôi thì không thể nào xảy ra được, và về chuyện này chúng tôi cũng đã tìm thấy những từ ngữ rất rõ ràng [để nói chuyện với phía Việt Nam].
Chúng tôi đang đối thoại rất tường tận với phía Việt Nam và phía Việt Nam nhận thức rõ quan điểm cũng như thái độ của chúng tôi đối với toàn bộ sự kiện kể từ tháng Tám. Đây là một quá trình đối thoại với phía Việt Nam và vẫn đang tiếp tục.
Những quan sát mà chúng tôi nhận được từ trong phòng [dành cho báo chí theo dõi qua màn hình TV truyền ra từ phòng xử án] thì phần khá lớn phù hợp với nhà nước pháp quyền, [theo nghĩa thực hiện đúng] những gì mà được ấn định trong Bộ luật hình sự Việt Nam.
Mặt khác chúng tôi thấy [phía Việt nam] theo một cách nào đó đã cố gắng để có một phiên tòa xét xử phù hợp theo nhà nước pháp quyền. Nhưng ngược lại cũng có những khía cạnh của phiên tòa mà chúng tôi thấy đáng phê bình. Đó là tình trạng mà người ta phải nhận thấy trong thời điểm hiện nay. Bởi vậy chúng tôi sẽ quan sát một một cách rất, rất chăm chú phiên tòa sắp tới và phiên tòa tiếp theo nữa.
Chúng tôi sẽ sẽ nỗ lực để trong thời gian tới luật sư Đức có thể tiếp cận tốt với thân chủ [ở Việt Nam]. Chúng tôi sẽ nỗ lực để các phương tiện truyền thông quốc tế và những quan sát viên của Liên minh châu Âu có thể vào tham dự quan sát phiên tòa. Rồi thì người ta sẽ nhìn thấy sự việc tiếp diễn như thế nào.
Lưu ý: Những phần nằm trong ngoặc vuông [] là ghi chú của người dịch.