Tác giả: David Brown
Dịch giả: Song Phan
21-12-2017
- Hơn một nửa số tàu đánh cá trên thế giới hoạt động ở biển Đông, nơi mà quyền chủ quyền là chủ đề gây tranh cãi gay gắt giữa các nước ven biển.
- Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng biển đang nhanh chóng trở thành nơi xảy ra thảm hoạ môi trường, sự sụp đổ gần kề của một trong những vùng thuỷ sản sinh sản nhiều nhất thế giới.
- Hiện một nhóm chuyên gia gồm các nhà chiến lược địa chính trị cũng như các nhà sinh vật học biển đang kêu gọi các bên tranh chấp cùng hợp lại để quản lý và bảo vệ nguồn cá và môi trường biển.
- Việc quản lý hiệu quả phụ thuộc vào sự tham gia tích cực của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa rõ liệu nước này, hiện có sức mạnh khống chế trên biển với sự thèm muốn rất lớn về hải sản, sẽ chịu hợp tác hay không.
Trong nhiều năm, quyền chủ quyền ở biển Đông là chủ đề gây tranh chấp gay gắt giữa các nước ven biển: Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam (tất cả đều là thành viên của nhóm ASEAN 10 nước), cùng với Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ ở phía bắc, và Đài Loan. Trong khi các nước ven biển tranh giành lợi thế và Trung Quốc rõ ràng đã chiếm địa vị thống trị đối với các nước láng giềng, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, biển sẽ sớm trở thành thảm hoạ môi trường, sự sụp đổ có thể trông thấy của một trong những vùng thủy sản sinh sản nhiều nhất thế giới.
Hiện một nhóm chuyên gia gồm các nhà chiến lược địa chính trị cũng như các nhà sinh vật học biển đang kêu gọi các bên tranh chấp cùng hợp tác để chế ngự, bảo vệ nguồn cá và môi trường biển. Các chuyên gia lập luận rằng, tất cả các bên đều có thể làm như vậy mà không làm hại các yêu sách lãnh thổ của họ. Sự thành công của bất kỳ kế hoạch chế ngự nào, phụ thuộc vào sự tham gia hết lòng của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa rõ liệu nước này, một cường quốc với sự thèm muốn rất lớn về hải sản, có chịu hợp tác hay không.
“Ở biển Đông, cá có thể đẻ trứng trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước, sống thời non trẻ trong EEZ của một nước khác, và sống phần lớn thời trưởng thành trong EEZ của một nước khác nữa. Đánh bắt quá mức hoặc hủy hoại môi trường tại bất kỳ điểm nào trong chuỗi này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tất cả những người sống xung quanh biển. Toàn bộ biển Đông đang chao đảo bên bờ vực của một cuộc suy sụp nghề cá, và cách duy nhất để tránh nó là thông qua hợp tác đa phương trong các vùng biển đang bị tranh chấp”. Các chuyên gia viết trong một báo cáo tóm tắt hồi mùa Thu này, nêu bật các khuyến nghị của họ.
“Lượng cá bắt được đều đặn che khuất một vấn đề nghiêm trọng”
Biển Đông là một vùng rộng, nửa kín, lớn gấp rưỡi Địa Trung Hải, và không kém phần quan trọng về chiến lược. Hơn một nửa số tàu đánh cá trên thế giới hoạt động ở biển Đông, và trong những năm gần đây, nó đã đều đặn sản xuất khoảng 12% sản lượng cá bắt được toàn cầu.
Nhưng sự đều đặn này là lừa mị. Chuyên gia khu vực của Không quân Mỹ, Adam Greer viết trên báo Diplomat hồi năm ngoái, “lượng cá bắt được đều đặn che khuất một vấn đề nghiêm trọng”. Số lượng công sức cần thiết để duy trì sản xuất đã tăng lên nhanh chóng, và “lượng cá đánh bắt được ngày càng gồm nhiều loài cá nhỏ hơn mà dân số của chúng đang bùng nổ khi những loài ăn thịt chúng đã bị đánh bắt quá mức – một hiện tượng thường được gọi là ‘đánh bắt dưới mức mạng lưới thức ăn’ (fishing down the food web).“ Báo cáo của các giáo sư Rashid Sumaila và William Cheung, thuộc Đại học British Columbia, kết luận rằng, sinh khối (biomass) trong vùng biển Đông đã bị đánh bắt xuống dưới mức năm 1950 từ 5% đến 30%, và có thể 40% tổng lượng cá bắt được là bất hợp pháp hoặc đơn giản là không được báo cáo.
Năm quốc gia thành viên ASEAN ven biển Đông đã tuyên bố chủ quyền ở các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) bắt đầu có hiệu lực từ năm 1994. Những yêu sách này trùng lặp ở những nơi các quốc gia lân cận có những ý tưởng khác nhau về khu vực để vẽ đường cơ sở của họ, nhưng hầu hết các nhà quan sát đều đồng ý rằng, các bất đồng nầy không nên quá khó trong cách giải quyết, nếu nhu cầu đặt ra. Ngược lại, yêu sách của Trung Quốc là khó xử lý về mặt pháp lý.
UNCLOS, được Trung Quốc phê chuẩn, nói rằng Trung Quốc chỉ có thể yêu sách một vùng đặc quyền kinh tế nằm ngoài khơi bờ biển phía nam của họ kéo dài ra tới nửa chừng về phía Việt Nam và phía quần đảo Philippines. Thay vì vậy, Bắc Kinh cho rằng tất cả đảo, đá và rạn san hô trên biển Đông đều thuộc “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc từ thời xa xưa”.
Năm 1974, quân đội Trung Quốc giật lấy quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa từ đội quân trú đóng của Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó, Trung Quốc chiếm một số rạn san hô ở quần đảo Trường Sa gần các đảo và rạn san hô có đơn vị Việt Nam và Philippines trú đóng. Khi tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đuổi ngư dân Philippines khỏi bãi cạn Scarborough, một vùng biển có nhiều cá, khoảng 200 km về phía tây của đảo Luzon, đảo chính của quần đảo Philippines, Manila đã mất hết kiên nhẫn. Họ đã kháng cáo với Tòa án quốc tế về Luật Biển ở The Hague. Khi tòa đưa ra phán quyết chống lại Trung Quốc vào tháng 7 năm 2016, cho rằng yêu sách rộng lớn của họ ở biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) đã cho rằng, phán quyết “không hơn gì một mảnh giấy lộn sẽ không được ai thi hành”.
Ngoài việc bác bỏ lập luận “sử dụng lịch sử” của Trung Quốc, tòa cũng phán rằng, các hoạt động của đội tàu đánh cá của Trung Quốc đã không tuân thủ lệnh của UNCLOS đòi hỏi phải hợp tác với các nước láng giềng trong việc bảo vệ hệ sinh thái mong manh và quản lý thủy sản. Mặc dù các tàu tuần tra của Trung Quốc đã tấn công các tàu đánh cá nước ngoài gần các đảo mà họ cho là của họ, Trung Quốc dường như ít tùy tiện hơn về phần này trong phán quyết của tòa.
Điều này đã làm nức lòng các nhà sinh học biển với hàng thập kỷ kinh nghiệm nghiên cứu những thay đổi trong các hệ sinh thái biển Đông. Họ lý luận rằng Trung Quốc cũng mất mát nhiều như bất kỳ nước nào khác trong các nước yêu sách từ cuộc cạnh tranh tự do, vô tổ chức, đối với các nguồn tài nguyên đang suy giảm. Trên cơ sở đó, họ hy vọng rằng, Trung Quốc, hiện đang cắm sâu rất xa về phía Nam, tới các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, sẽ chọn cách hợp tác chúng trong việc quản lý bền vững nguồn cá ở biển Đông.
“Tham gia … hoặc chúng tôi sẽ ăn hết cả mọi thứ”
Các cuộc họp do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tài trợ vào mùa hè năm nay ở Wahington D.C. đã tập hợp hơn hai mươi người khám phá nan đề này. Họ đến từ Mỹ, Philippines, Singapore, Malaysia, Úc, Canada, Việt Nam và Đài Loan. Các chuyên gia Trung Quốc không được mời vì, điều phối viên cuộc họp Gregory Poling của CSIS nói với Mongabay, “hiện nay rất khó để tìm các chuyên gia Trung Quốc sẵn sàng công khai kêu gọi thỏa hiệp trên biển Đông. Cuối cùng khi xét hết mọi thứ, hai mục tiêu phải có là, họ phải là một thành viên đến từ mỗi nước tranh chấp chủ quyền… và phải tạo ra cho chúng tôi cơ hội tốt nhất để đạt được sự đồng thuận mạnh mẽ về các vấn đề mâu thuẫn với nhau”.
Những người tham gia tập trung vào việc làm thế nào để thúc đẩy Trung Quốc cộng tác với các nước đòi chủ quyền khác, trong việc hạn chế lượng cá bắt được hàng năm của các loại nguồn cá đang sụt giảm như cá ngừ, cá bơn, cá thu, cá mú và các loài có giá trị khác, trong việc bảo vệ hàng chục rạn san hô cung cấp cá con sẽ bổ sung số cá ven biển. Hồi tháng 9, họ đã công bố các khuyến nghị của mình trên mạng có tên là “A Blueprint for Fisheries Management and Environmental Cooperation in the South China Sea” (Bản phát thảo về Quản lý và Hợp tác Môi trường ở biển Đông). Rõ ràng trong Bản phát thảo này là ý tưởng, tất cả các nước đòi chủ quyền phải hợp tác cho việc quản lý và bảo vệ hiệu quả và họ có thể làm như vậy mà không làm tổn hại đến các yêu sách lãnh thổ của mình. Tiềm ẩn trong đó là sự công nhận rằng, Trung Quốc phải bước ra để lãnh đạo một nỗ lực như vậy.
Thái độ của Trung Quốc là điểm then chốt, do kích cỡ và quy mô công nghiệp của đội tàu đánh cá của họ, khi thuỷ sản ven biển của Trung Quốc đã cạn kiệt, đội tàu đã dấn sâu xuống các vùng biển xưa nay do các nước trên biển Đông khác đánh bắt. Hơn nữa, Trung Quốc đã thiết lập các căn cứ trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (các căn cứ ở Trường Sa nằm trên nền của bảy rạn san hô mà họ phá hủy vì mục đích đó), mở rộng tầm hoạt động của lực lượng hải quân và bán quân sự của họ.
Thái độ của Trung Quốc cũng là một vấn đề vì bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là các nỗ lực đa phương, cho đến nay có ưu tiên thấp ở biển Đông, xếp xa bên dưới các biện pháp đơn phương nhằm thống trị biển về mặt quân sự và giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên của nó, gồm các mỏ dầu khí, cũng như việc khai thác hải sản đại dương và rạn san hô.
Lời tụng của Trung Quốc về “chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Đông và vùng biển liền kề” là một công thức liên quan đến Đặng Tiểu Bình, là người kế nhiệm cải cách của Mao Trạch Đông, thường xuyên kết hợp nó với lời kêu gọi “cùng phát triển” các nguồn tài nguyên biển Đông. Tuy nhiên, mặc dù nhóm ASEAN hướng tới các thoả thuận tập thể, bao gồm tất cả các nước đòi chủ quyền trên biển Đông, Trung Quốc đã cho thấy một sự ưu tiên kiên quyết đối với hành động đơn phương hoặc đối với các hiệp ước, thoả thuận tay đôi với từng nước một, mà nếu ký kết họ có thể dễ dàng chiếm ưu thế. Tuyên bố hàng năm về lệnh cấm đánh cá ở nửa phía bắc biển Đông là một ví dụ điển hình cho chiến lược này.
Bill Hayton, tác giả cuốn sách The South China Sea: The Struggle for Power in Asia (Biển Đông: cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á), nói với Mongabay rằng : “Trên thực tế, Trung Quốc đang cầm súng chỉa vào đầu ngành công nghiệp đánh bắt cá ở Đông Nam Á, nói rằng này hãy tham gia vào cách bố trí quản lý cá của chúng tôi hoặc chúng tôi sẽ ăn hết mọi thứ”.
“Biển này giống như một bát súp lớn”
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi. Các chuyên gia cho rằng, những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc để thực thi lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trong ba tháng của họ chắc chắn bị thất bại ngay từ đầu. Họ nói rằng, khu vực bị cấm là quá lớn để Trung Quốc tuần tra có hiệu quả. Hơn nữa, các thông báo của Bắc Kinh khuyến khích Philippines, Việt Nam và Đài Loan thúc giục ngư dân mình thách thức các lệnh đó. Đối với các nước này, nếu làm ít hơn thế sẽ tương đương với việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các khu vực mà họ tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình theo đúng các quy định của UNCLOS.
John McManus, một nhà sinh thái học biển thuộc Đại học Miami, đồng tác giả của bản Phát thảo, nói với Mongabay rằng, để kiểm soát các khu vực giàu thủy sản trong vùng biển mà TQ yêu sách, Trung Quốc cần phải triển khai “một hạm đội thực thi khổng lồ với cái giá phải trả rất lớn, cả về mặt tiền bạc lẫn việc đánh mất sự nể trọng toàn cầu – là điều đi ngược hoàn toàn với những gì Trung Quốc đang cố đạt được”.
Lina Gong, nhà nghiên cứu an ninh tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, có quan hệ chặt chẽ với các nhà nghiên cứu Trung Quốc, lập luận rằng, Bắc Kinh đã nhận ra rằng “ngư dân Trung Quốc có xu hướng đánh bắt quá mức” và đang tìm cách đưa các hoạt động của đội đánh bắt của họ dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo báo cáo, Trung Quốc chiếm 18% tổng sản lượng cá bắt được trên thế giới vào năm 2015. McManus nói với Mongabay rằng, ông phấn khởi với việc Trung Quốc hứa “cắt giảm đáng kể về kích cỡ đội tàu đánh cá biển Đông của họ, đây sẽ là một bước tiến lớn về sự bền vững”.
Không chỉ trong bản Phát thảo của CSIS mà còn trong tài liệu nghiên cứu chính sách và tại hội nghị vào mùa Thu này ở Anh và Đài Loan, rất nhiều chuyên gia đã đưa ra một thông điệp nhất quán cho các nhà hoạch định chính sách: quản lý thủy sản, với việc kiểm soát hiệu quả, không thể chờ các nước đối thủ đồng ý về việc nước nào sở hữu phần nào trên biển Đông. Thay vì vậy, họ nói, Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN phải sớm lập ra một số tổ chức quản lý nghề cá khu vực. Nếu không, nguồn cá, đã bị căng kéo quá mức, sẽ sụp đổ và mất nhiều thập kỷ để phục hồi.
Ông McManus nói: “Biển này giống như một bát súp lớn với ít nhất sáu nước cùng nhấm nháp qua ống hút. Nếu một nước hút chậm, các nước khác giành phần. Cách duy nhất để đạt được tính bền vững là thông qua thỏa thuận hợp tác chúng … Trung Quốc không thể làm điều đó một mình. Không có lý do để tin rằng họ sẽ phản đối việc gia nhập một tổ chức mới nhàm mục đích giữ bền vững nghề cá khu vực và môi trường biển”.
“Một bộ khung dựa trên luật lệ”
Hành động hợp tác trong đó có cả Trung Quốc không phải là một ý tưởng mới. Suốt hai thập kỷ, ASEAN đã tìm cách để có được sự đồng ý của Trung Quốc đối với một bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên biển Đông. Cuối cùng, vào tháng 8 năm 2017, bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc và 10 thành viên ASEAN đã thông qua một kế hoạch cho các cuộc đàm phán thiết yếu về COC, với mục tiêu đầu tiên là “Thiết lập một bộ khung dựa trên luật lệ có chứa một bộ các chuẩn mực để hướng dẫn cách ứng xử của các bên và thúc đẩy hợp tác trên biển ở biển Đông”. Thỏa thuận này được hoan nghênh như một bước đột phá, mặc dù Bắc Kinh lại một lần nữa không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy rằng, họ sẵn sàng chấp nhận những hạn chế có ràng buộc đối với hành vi của mình.
Nghiên cứu khoa học biển lẫn bảo vệ môi trường không được đề cập cụ thể trong bản kế hoạch một trang này. Tuy nhiên, theo một phân tích về kế hoạch đó của nhà nghiên cứu Ian Storey ở Singapore, hai hoạt động này được cho là nằm trong số các hoạt động được gộp vào trong cụm từ thu tóm “khuyến khích hợp tác biển thực tế”.
Giả định là như vậy, các tác giả của bản Phát thảo tìm cách thuyết phục các nhà thương thuyết COC của ASEAN hướng tới mục tiêu cao hơn. Poling của CSIS nói, “Điều mà chúng tôi hy vọng sẽ làm là đặt một cột mốc, chứng minh rằng có thể thương lượng các thỏa thuận công bằng, hợp pháp và khả thi. Bản Phát thảo về hợp tác nghề cá và môi trường của chúng tôi … rất chi tiết, hoàn toàn khả thi và phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia ở các nước liên quan”.
Khi các nước ASEAN bắt đầu công việc có thể là, cuộc đàm luận kéo dài về các chi tiết của COC lảng tránh lâu nay, các tác giả của bản Phát thảo hy vọng đại diện các nước sẽ dành ưu tiên cho việc lập một chương về thủy sản có hiệu lực thật sự. Những điều này bao gồm, việc thành lập một tổ chức quản lý nghề cá tập thể, thoả thuận dành ra các khu vực đánh bắt cá dựa trên hệ sinh thái bao gồm các rạn san hô còn lại có vai trò sống còn đối với tình trạng khoẻ khoắn của các nguồn cá địa phương, và sự quyết tâm thật sự trong việc nhanh chóng theo dõi việc thực hiện chúng. Trung Quốc có đồng ý hay không, nếu ASEAN đưa ra một đề xuất theo những đường hướng này, như nhóm CSIS hy vọng?
Trả lời câu hỏi qua email của Mongabay, Nong Hong, giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ-Trung ở Washington, DC, tỏ ra lập lờ. Bà nói bản Phát thảo này “không phải là một cái gì đó thật sự mới mẻ. Chúng tôi (gồm cả các học giả của Trung Quốc, Đài Loan và các nước đòi chủ quyền khác) đã thảo luận về các vấn đề bảo tồn và quản lý nghề cá trong nhiều năm”.
Carl Thayer, nhà khoa học danh dự môn chính trị, thuộc Đại học New South Wales, Australia, đã từng theo dõi các cuộc thảo luận giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử biển Đông trong hơn hai thập kỷ qua. Đánh giá dựa trên cách hành xử đã qua của Bắc Kinh, ông nói rằng ông nghi ngờ sự chân thành của Trung Quốc, chỉ ra việc Bắc Kinh xem thường phán quyết của Toà án quốc tế về Luật biển và việc họ liên tục quân sự hóa các rạn san hô và các đảo mà họ chiếm đóng ở biển Đông.
Tuy nhiên, Thayer nói với Mongabay, các yếu tố của một thỏa thuận đang nằm trong tay. Bắc Kinh đã đạt được mục tiêu nắm quyền bá chủ thực tế trong khu vực biển Đông. Họ có các kế hoạch đầy tham vọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các đồng minh ở khu vực Trung Á và Ấn Độ Dương để thực hiện ý tưởng “Một Vành đai, Một Đường” của chủ tịch Tập Cận Bình. Việc Trung Quốc tiếp tục bắt nạt các nước láng giềng xung quanh biển Đông sẽ khiến cho các nước có khả năng là đối tác phát triển khác trở nên cảnh giác. Thayer chỉ ra, đối với Trung Quốc lẽ thường (common sense) nằm ở hướng đạt được một thỏa thuận với ASEAN về hợp tác ở biển Đông sao cho phản ánh thực tế hiện tại và lợi ích riêng của họ, để họ có thể tiếp tục tiến tới.
David Brown là nhà ngoại giao Mỹ về hưu, hiện là một cây bút thường xuyên về Việt Nam đương đại và khu vực lân cận.
© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt