Hoang Ngôn “để lại cho đời” (phần 8)

Trình Bút

6-12-2017

Mời đọc lại: Lời nói đầuPhần 1Phần 2Phần 3Phần 4Phần 5  — Phần 6Phần 7

Phần 8: Lĩnh vực giáo dục

* Hoang ngôn: “Đây là lứa tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được”.

* Tác giả: Bà Phạm Thị Ngọc Tâm – Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, TP. Huế

* Nguồn: Báo Đất Việt Online, ngày 19/02/2016

* Tựa đề: Tượng đài nứt có ‘ý đồ’, đánh nhau mới… năng động

* Trích đoạn nội dung:

“… Cũng mới hôm qua, báo chí lại giật lên một câu nói của bà Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.Huế) khi nói về vụ nữ sinh trường mình bị các bạn cùng trường đánh dập đầu xuống đất, đạp vào mặt: “Nữ sinh không đánh nhau sẽ không năng động (!?)”

Đọc mà không biết nên khóc hay nên cười, cô giáo Hiệu trưởng Phạm Thị Ngọc Tâm nói: “Đây là lứa tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được”. Khổ thế, để có được sự năng động mà xúm vào đánh đập bạn cùng học dã man ngay trước cổng trường thì chắc chuyện chỉ ở ngành giáo dục Việt Nam mới có. Cô Hiệu trưởng này không biết đầu óc có bình thường hay không, hay cô cũng “năng động” quá rồi?…”

* Các bình luận:

– Mới… manh động được.

– Toàn thể các em vì sự năng động, hãy xích mích, đánh nhau.

– Giáo dục như vậy cho nên đầy rẫy bạo lực học đường xảy ra.

* Hoang ngôn: Bỏ thuốc cho học sinh ngủ, trường mầm non có hoài, không có vấn đề gì lớn”.

* Tác giả: Ông Trần Hữu Vĩnh Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận Bình Tân, TPHCM

* Nguồn: Dân Trí, ngày 16/04/2013  

* Tựa đề: “Bỏ thuốc cho học sinh ngủ, trường mầm non có hoài” (!)

* Trích đoạn nội dung:

Việc cho học sinh uống thuốc chỉ có một cô làm thôi, làm gì phải xỉa xói người ta, không nên nặng nề quá không hay. Bỏ thuốc cho học sinh ngủ, trường mầm non có hoài, không có vấn đề gì lớn”.

Đó là câu trả lời khá “sốc” của ông Trần Hữu Vĩnh, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận Bình Tân, TPHCM khi PV về cập đến vụ việc một cô giáo của trường mầm non Nụ Cười (42F, đường số 32, khu dân cư Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) bị phụ huynh tố cáo cho trẻ uống thuốc ngủ. Theo tin đã đưa, ngày 19/3, phụ huynh bé M.C.L. (27 tháng tuổi) đã “bắt quả tang” cô giáo Ong Kim Thanh Thúy (53 tuổi) bỏ thuốc vào sữa của bé C.L. Do đã có nhiều nghi vấn trước việc con thường xuyên ngủ li bì bất thường, phụ huynh bé L. cho rằng cho Thúy đã cho thuốc ngủ vào sữa của con mình…”

* Các bình luận:

– Ngủ li bì thì có vấn đề gì lớn lao, chết còn chưa ăn thua phải không ông trưởng phòng?

– Bác sĩ cần kíp mới cho toa có thuốc ngủ, hạn chế tối đa đối với người lớn chứ chưa nói tới con nít, các ông bà cho hoài còn coi là bình thường. Các ông bà làm thay bác sĩ luôn rồi.

– Cho uống thuốc ngủ nhiều cái lợi ha những con người vô lương tâm, nó ngủ li bì mình khỏe, khỏi coi sóc, lúc nó dậy thì lơ mơ, ngu ngu dễ dạy. Ông trưởng phòng đồng tình với phương pháp này, “hay”.

– Một trường phòng làm quản lý để xảy ra tệ nạn rồi còn bao che, bao biện thô thiển cho tệ nạn.

* Hoang ngôn: “Hàng ngày các em học sinh ăn thịt nhiều nên các em ngán, vì thế thỉnh thoảng đổi bữa cho các em ăn mỳ tôm”.

* Tác giả: Bà Nguyễn Thị Thu Hương  phó hiệu trưởng trường PTCS Lũng Táo

* Nguồn: Đời sống & Pháp luật, ngày 13/12/2015

* Tựa đề: Ngụy biện, học sinh nghèo ăn nhiều thịt ngán nên thay bằng mỳ tôm trần

* Trích đoạn nội dung:

“… Sau một ngày làm việc tại trường PTCS Lũng Táo, PV còn phát hiện không chỉ có vấn đề học bổng, từ thiện, việc dân nuôi cấp tiền, cấp gạo cho học sinh cũng có rất nhiều điểm bất minh…  

… Theo chính sách của Nhà nước, các em học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 ở các xã vùng cao giáp biên mỗi tháng sẽ được hưởng chế độ 15kg gạo và 460 nghìn đồng.

Dù được quan tâm như vậy, nhưng các em học sinh trường PTCS Lũng Táo vẫn không thích đến trường…  

… Nhưng theo tìm hiểu, nhà trường vẫn luôn báo đủ lên trên và nhận đủ số gạo cũng như tiền trợ cấp hàng tháng cho các em. Vấn đề đặt ra ở đây là, chỉ những em học sinh nào đi học và ăn tại trường mới được hưởng số tiền và số gạo trợ cấp đó.  

Vậy, tiền và gạo thừa “chạy” đi đâu? Nhận được câu hỏi từ PV, đại diện ban lãnh đạo nhà trường, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó hiệu trưởng cho hay: “Số tiền này nhà trường đã chuyển sang mua sắm trang thiết bị nhà bếp và đầu tư vào dụng cụ sinh hoạt cho các em”. 

Nhưng theo chúng tôi tìm hiểu, trong gian bếp chật hẹp, hầu hết đồ ở đây đều được tài trợ. Và khi đặt vấn đề, nhà trường mỗi năm chi bao nhiêu cho việc mua sắm đồ bếp, bà Hiệu phó bâng quơ trả lời “không nắm được” và chỉ “kế toán mới biết”?!

PV đề nghị được làm việc với kế toán, nhưng không hiểu sao chỉ sau ít phút, kế toán đã báo vắng, dù trước đó vẫn có mặt tại trường?! Đáng nói, dù đã có văn bản chỉ đạo từ trên phòng GD&ĐT huyện Đồng Văn rằng, không được để các em học sinh ăn mỳ tôm vào các bữa chính thế nhưng vào các tối Chủ nhật, trường PTCS Lũng Táo vẫn cho các em ăn mỳ tôm.

Đáng nói, mỳ tôm các em ăn là mỳ tôm trần, không rau, không thịt… Trong khi gạo chất đống trong kho, nhà trường lại để các em ăn mỳ tôm. Trả lời cho sự bất cập này, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho hay: “Hàng ngày các em học sinh ăn thịt nhiều nên các em ngán, vì thế thỉnh thoảng đổi bữa cho các em ăn mỳ tôm”. Không những vậy, bà Hương còn giải thích thêm: “Ngày Chủ nhật học sinh chỉ đến có khoảng 30 em, nhà bếp rất khó nấu cơm nên đành cho các em ăn mỳ”???… “

* Các bình luận:

– Ăn thịt… tưởng tượng thôi là đã ngán rồi.

– Thịt rừng vùng cao thiếu gì. Các cô “đi săn” về cho các em ăn “ngán” lắm(!)

– Các em ăn thịt nhiều quá nên… suy dinh dưỡng, cần “tẩm bổ” mỳ tôm trần.

– Mỳ tôm trần là đặc sản vùng cao, vùng núi á. Thịt và cơm gạo để dành cho… gia súc hai chân biết nói làm cán bộ.

– Các cô hùng cứ một phương, xa ánh mặt trời, muốn làm gì thì làm, lệnh trên thì mặc lệnh trên.

– Gạo, thực phẩm tồn kho chắc đem… “trả” về miền xuôi trong các cửa hàng.

– Núi rừng sâu thẳm, kế toán bị lạc rồi.

* Hoang ngôn: “Trường đã lấy phiếu khảo sát của các cá nhân và học sinh liên quan, 100% đều cho biết không nhìn thấy cháu Kiên va chạm với ôtô nào trong sân trường”.

* Tác giả: Bạ Tạ Thị Bích Ngọc – hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên

* Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 06/02/2017

* Tựa đề: Che giấu việc học sinh gãy chân, hiệu trưởng bị chuyển công tác

* Trích đoạn nội dung:

“… Giám đốc Công an thành phố Đoàn Duy Khương thông tin thêm, vụ việc không đến mức phức tạp, “nếu có tai nạn thì thăm hỏi đền bù, nhưng cô hiệu trưởng đã có những thủ đoạn để che giấu”.  

Chủ tịch Hà Nội cho rằng để xảy ra tại nạn phải đưa học sinh đi cấp cứu, mời gia đình lên nói chuyện, nhưng hiệu trưởng lại bưng bít. “Chuyện rất nhỏ nhưng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam 3 lần trực tiếp nhắc tôi. Không nên để hiệu trưởng tư cách đạo đức, hành xử không ổn trong môi trường sư phạm, Sở Giáo dục phải rút về Phòng Giáo dục, thay cô khác trong lúc chờ xác minh”, ông Chung chỉ đạo. Ông Chung yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục “ngay hôm nay xuống trường ra văn bản điều chuyển hiệu trưởng”.

Trao đổi với VnExpress sáng 6/2, ông Trần Chí Dũng (bố học sinh bị gãy chân) cho hay, sau khi báo chí lên tiếng, công an vào cuộc, cô hiệu trưởng đã nhiều lần đến thăm và tạo điều kiện cho việc học tập của con mình, nhưng “vẫn quanh co về nguyên nhân khiến cháu gãy chân”.

“Hiện con tôi chưa thể đi học. Gia đình đang đợi kết luận của cơ quan công an”, anh Dũng nói.  

Trước đó khoảng 10h30 ngày 1/12/2016, gia đình anh Dũng nhận được điện thoại của cô giáo cháu Trần Chí Kiên (lớp 2A4, Trường Tiểu học Nam Trung Yên) thông báo: “Giờ ra chơi con chạy chơi ở sân trường và bị ngã gãy chân, đang được các cô đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương”.  Tuy nhiên, nghi ngờ con va phải ôtô màu xanh nước biển trong sân trường chứ không phải chạy và ngã khiến xương đùi gãy, anh Kiên đã có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ sự việc.  

Trao đổi với báo chí sau đó, Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc cho biết, trường chỉ có 3 ôtô và không có xe nào màu xanh nước biển. “Trường đã lấy phiếu khảo sát của các cá nhân và học sinh liên quan, 100% đều cho biết không nhìn thấy cháu Kiên va chạm với ôtô nào trong sân trường”, bà Ngọc nói.

* Các bình luận:

– Cô giáo… cuội.

– Cô giáo này chẳng giống mẹ hiền, cô giáo phù thủy.

– Không hiểu sao dối trá vậy lại được làm hiệu trưởng.

– Cấp trên chỉ đạo biết bao lần vậy mà cứ kéo dài, lèn èn kinh khủng. Trên bảo dưới… chả thèm nghe.

– Một cái chức hiệu trưởng phải chi hàng đống, ăn hàng đống tiền, biểu sao không khó xử.  

* Hoang ngôn: “Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”.

* Tác giả: Ông Lê Bá Thiềm – trưởng phòng GD – ĐT thị xã Hồng Lĩnh

* Nguồn: nguoiduatin.vn, ngày 10/11/2016

* Tựa đề: Chuyện lạ: Điều động giáo viên nữ làm lễ tân ‘tiếp khách’ cấp trên

* Trích đoạn nội dung:

“… UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã nhiều lần gửi công văn đến Phòng GD – ĐT, các trường mầm non, tiểu học, THCS đóng trên địa bàn với nội dung: Điều động cán bộ, giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn…

   … Gần đây nhất, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã ra Thông báo số 77/TB – UBND, điều động 21 giáo viên nữ từ bậc mầm non đến THCS, tham gia phục vụ tại chương trình Liên hoan Dân ca ví dặm.

Ban đầu, vì sự quan trọng của các buổi lễ, các giáo viên đã tham gia đầy trách nhiệm. Tuy nhiên, theo phản ánh của các nữ giáo viên: Sau đó, họ đã liên tục bị “điều động” vào các hoạt động sai mục đích ghi trong văn bản.

Theo các cô giáo, sau khi nhận nhiệm vụ tiếp đón các đoàn khách, các cô tiếp tục phải đi ăn, uống rượu, rồi hát hò với quan khách.

“Việc phải đi tiếp khách khiến bọn em cảm thấy rất ái ngại. Bọn em buộc phải đi là vì nhiệm vụ được giao chứ trong lòng không hề muốn chút nào”, một cô giáo THCS chia sẻ.

Một giáo viên mầm non khác ngậm ngùi: “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ. Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…”…

… Liên quan sự việc này, ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GD – ĐT thị xã Hồng Lĩnh xác nhận: Có sự điều động này, có việc giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các buổi lễ.

“Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”, ông Trưởng Phòng GD – ĐT này cho biết quan điểm.”

* Hoang ngôn: Đây là nét lịch sự. Những người làm nhiệm vụ này là vinh dự, được gặp gỡ người này người kia, được làm việc với họvì đây là được tổ chức điều đi làm nhiệm vụ chính trị”.

* Tác giả: ông Nguyễn Văn Hổ chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh

* Nguồn: Báo điện tử Soha News, ngày 11/11/2016

* Tựa đề: Việc điều động giáo viên làm lễ tân, tiếp khách: “Đây là nét lịch sự, là vinh dự”

* Trích đoạn nội dung:

“… Điều động ở đây làm việc đàng hoàng, công khai và là làm việc chính trị. Khi điều động có văn bản của Chủ tịch, Phó chủ tịch thị xã cử đi, điều động đi chứ không phải làm theo kiểu nói mồm, gọi điện thoại hay gọi nhau đi.

Sắp tới có các lễ hội lớn sẽ vẫn phải tiếp tục điều động để làm nhiệm vụ. Do cán bộ văn phòng không đủ, nên khi có lễ hội lớn hàng chục đoàn thì phải điều động thêm người để làm nhiệm vụ đón tiếp chứ làm sao đủ?

Đây là nét lịch sự. Những người làm nhiệm vụ này là vinh dự, được gặp gỡ người này người kia, được làm việc với họ“, ông Hổ nói.

Cũng theo ông Hổ, khi những cán bộ được điều đi nếu có chuyện gì xảy ra thì sẽ được cơ quan có trách nhiệm vì đây là được tổ chức điều đi làm nhiệm vụ chính trị…

… Về thông tin việc các giáo viên nữ phản ánh sau khi làm nhiệm vụ đón tiếp đoàn còn phải đi ăn uống, hát karaoke, ông Hổ khẳng định không có chuyện này và cho rằng sau khi xong nhiệm vụ thì mọi người về. Còn người nào đi đâu hay làm gì đó là quyền cá nhân chứ không ai ép buộc.

Ông Hổ cũng đặt nghi vấn có thể đã có người nào đã “bịa chuyện”. “Họ tự thêm thắt chuyện vào rồi để đánh lạc hướng và nhận xét là cán bộ thị xã thế này thế kia. Nhưng thực tế là không hề có“, ông Hổ thẳng thắn…”

* Hoang ngôn: “Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị”.

* Tác giả: Phùng Xuân Nhạ – bộ trưởng bộ GD&DT

* Nguồn: BáoMới.com, ngày 14/11/2016

* Tựa đề: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lên tiếng về việc giáo viên bị điều động tiếp khách

* Trích đoạn nội dung:

“… PV -Những giáo viên này rất khó để “cãi lệnh” của lãnh đạo địa phương, nếu không thực hiện lệnh điều động có thể gặp rất nhiều rắc rối, phiền phức. Trước vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có những quy định, quy chế như thế nào để hạn chế những việc làm phản cảm, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà giáo tương tự?

BT Phùng Xuân Nhạ: Luật Giáo dục có hẳn một chương nói về giáo viên, tất cả mọi người đều phải chấp hành về phẩm chất nhà giáo. Trên cơ sở đó có hướng dẫn năm học, hướng dẫn chỉ thị các thầy cô phải giữ nguyên tắc phẩm chất.

Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép thì mình phải kiến nghị lên, chứ mình thực hiện là vi phạm. Khi đã giữ nguyên tắc phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã, xong đó mới tính đến người ép buộc. Tôi đề nghị nghiêm túc từ trong ngành, từng thầy cô một phải nghiêm túc đã…”

* Các bình luận:

– Lễ với hội, toàn nhân danh. Lễ thì qua loa, chủ yếu là phần hội, mà hội thì kín, để uống rượu ăn chơi và tráng táng.

– Ừ, thì ban đầu là danh nghĩa trong sáng, rồi ép vào… trong tối. Song, là chuyện “bình thường”.

– Giáo viên thì đi dạy, làm việc liên quan trong ngành giáo dục, sao phải đi tiếp tân tiếp khách? Muốn tiếp thì thuê người về tiếp, thiếu gì đơn vị chuyên nghiệp.

– Phải, là nét “lịch sự”, gặp người này người kia, tai to mặt bự để… hù học sinh, phụ huynh hả?

– Tiếp tân, tiếp khách là nhiệm vụ chính trị? Mai mốt các cô phấn đấu được vào… bộ chính trị.

– Quan to miệng có gang có thép, lươn lẹo, đổi trắng thay đen chứ các cô thì có gì mà dám gan, đuổi việc tắp lự chứ dám bịa chuyện hay dám cãi, dám kiến nghị…

– Bộ trưởng của ngành không đỡ cho các cô bị ép buộc từ cấp trên lại đổ tội hết cho các cô. Cũng phải, các quan lớn quan hệ, bảo vệ cho nhau thôi.

* Hoang ngôn: “Từ năm sau trở đi, khi thí sinh và xã hội đã làm quen với phương thức thi mới, Bộ sẽ thực hiện phương án khác”.

* Tác giả: Ông Bùi Văn Ga Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

* Nguồn: Báo VietNamNet, ngày 02/02/2017

* Tựa đề: Sẽ công bố đề thi và đáp án tất cả các bài thi THPTQG

* Trích đoạn nội dung:

“… Báo Thanh Niên cũng dẫn lời ông Bùi Văn Ga cho hay, vì là năm đầu tiên triển khai phương thức thi trắc nghiệm khách quan cho hầu hết các môn thi (trừ môn ngữ văn) nên Bộ sẽ công bố đề thi, đáp án sau khi thi để thí sinh và xã hội tham khảo

“Từ năm sau trở đi, khi thí sinh và xã hội đã làm quen với phương thức thi mới, Bộ sẽ thực hiện phương án khác” – ông Ga cho hay….”

* Các bình luận:

– “Độc đáo” lắm. Khi đã làm quen xong thì… quên đi. Làm quen cái mới tiếp.

– Thay đổi, cải cách là “nghề của chàng”.

– Bộ GD&ĐT giống như chàng trai trẻ đào hoa họ Sở, thay người tình như thay áo.

* Hoang ngôn: “Học kém thì không thể đạo đức tốt được.”

* Tác giả: Ông Phạm Vũ Luận – cựu bộ trưởng bộ GD&ĐT

* Nguồn: Báo Đất Việt Online, ngày 17/06/2014

* Tựa đề: Dậy sóng vì ‘Học kém thì không thể đạo đức tốt được

* Trích đoạn nội dung:

“Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhận định, không nên nói đạo đức học sinh càng lên cao càng thấp. Với bậc học cao hơn thì hạnh kiểm còn phụ thuộc vào kết quả học tập nữa. “Học kém thì không thể đạo đức tốt được”, Bộ trưởng khẳng định.

Trước phát biểu này của Bộ trưởng, nhiều người đã phản đối mạnh. Theo bạn Bùi Anh Dũng, kết quả học tập (quyết định bởi điểm số) và đạo đức là hai yếu tố không có liên hệ với nhau, nhất là trong môi trường giáo dục ở Việt Nam nơi mà việc quay cóp, gian lận, xin điểm, chương trình học bất cập… rất phổ biến. Bộ trưởng cũng hoàn toàn bỏ qua khả năng có những em học sinh có sức học hạn chế hoặc điều kiện khó khăn – nhưng vẫn có đạo đức tốt. Là một nhà sư phạm mà nói thế này thật đáng trách.

Còn theo bạn Hà Lịch, học kém một phần là do lười, một phần là do nhận thức tiếp thu bị hạn chế! Còn học giỏi là do tiếp thu nhanh hoặc do chăm chỉ. Nhưng học giỏi không phải ai cũng ngoan. Đạo đức là do lối sống, do sự giáo dục của gia đình, của xã hội tác động. Học lực yếu nhưng vẫn sống tình cảm chan hòa yêu thương. Xã hội mà, có người thế nọ có người thế kia. Nên trách nhiệm của những người đi trước phải hướng cho các em về nhận thức để hiểu những việc tốt nên làm.

Cùng quan điểm là bạn Thùy Mi: “Chưa chắc học giỏi, nhân cách đạo đức được tốt, có khi còn tệ hơn người ít học”.

Nhiều bạn trẻ đã đặt câu hỏi, rằng, đạo đức thế nào gọi là tốt, thế nào gọi là xấu?. Xin hỏi Bộ trưởng: Những học sinh ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện đi học thì có học tốt được không?.

Một bác sĩ cũng có thể trở thành kẻ giết người. Một người bới rác vẫn không lóa mắt trước tiền vàng nhặt được. Chẳng phải hàng ngày báo chí vẫn ra rả nêu tên những kẻ quan cao chức trọng bị kết án vì mất chất…đạo đức đó sao?.

Đạo đức con người nền tảng là gia đình, học đường giáo dục… Kẻ học cao mà không đạo đức thì tội ác còn tinh vi hơn chứ ko kém hơn kẻ ít học.

Ở Nhật người ta đào tạo học làm người trước, học kiến thức sau. Ở Việt Nam cũng có câu: Tiên học lễ, hậu học văn…”

* Các bình luận:

– Mua bằng, mua điểm, leo lên được ghế cao là có “đạo đức” vời vợi đó nghen.

– Không cần chi khác, chỉ cần học giỏi là có đạo đức thôi, học kém thì vứt, vô đạo đức. Người đứng đầu bộ nói đấy nhé.

– Phạm Vũ Loạn, phát âm vùng miền nhưng đúng thật.

– Đạo đức “trọng vọng khi học cao”, hèn chi cán bộ từ thấp tới cao xài bằng giả nhan nhản, báo chí đưa tin hà rầm. Làm bài, thi thì ăn cắp, quay cóp loạn xạ, đến cỡ này đây: “Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về dư luận “ông Đào Ngọc Dung – ủy viên Trung ương (T.Ư) Đảng, bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn – bị bắt quả tang quay cóp trong kỳ thi tuyển sinh sau ĐH tại Học viện Hành chính quốc gia (theo An Ninh Thế Giới 5-7 và Pháp Luật TP.HCM 7-7)”, ông Nguyễn Ngọc Hiến, giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, cho biết: hội đồng tuyển sinh sau ĐH đã lập biên bản xử lý thí sinh Đào Ngọc Dung vi phạm quy chế thi. (Vi phạm quy chế thi tiến sĩ, ông Đào Ngọc Dung bị trừ 50% điểm thi – Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 10/07/2006). “Đạo đức” là vậy, ông ta vẫn tại vị và làm bộ trưởng.

* Hoang ngôn: “Thưa QH, thưa các đồng chí lãnh đạo, Đảng, nhà nước thông cảm cho, anh em dự một cuộc họp quan trọng như vậy, trang nghiêm như vậy nên em anh em bị khớp nên đã đọc con số đó, chứ con số đó bộ chưa có bàn bạc gì cả”

* Tác giả: Ông Phạm Vũ Luận bộ trưởng bộ GD&ĐT

* Nguồn: Báo Người Lao Động, ngày 11/06/2014

* Tựa đề: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Anh em bị khớp nên đưa ra con số 34.000 tỉ đồng

* Trích đoạn nội dung:

“… Trả lời ĐB Hà Minh Huệ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng trong hồ sơ mà bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và trong đề án trình sang UBTVQH không có vấn đề kinh phí. Con số 34.000 tỉ đồng xuất hiện khi ông đang đi công tác, chủ trì một cuộc họp quan trọng của Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á ở nước ngoài với vai trò là chủ tịch và do một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy quyền đi họp tại UBTVQH. Trong tờ trình của Chính phủ mà vị thứ trưởng này trình bày cũng không hề có con số 34.000 tỉ đồng.  

“Con số này là do một đồng chí lãnh đạo cấp vụ của bộ ngồi phía sau trao lên cho đồng chí Thứ trưởng trong 1 tờ giấy. Thưa QH, thưa các đồng chí lãnh đạo, Đảng, nhà nước thông cảm cho, anh em dự một cuộc họp quan trọng như vậy, trang nghiêm như vậy nên em anh em bị khớp nên đã đọc con số đó, chứ con số đó bộ chưa có bàn bạc gì cả” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trần tình…”

* Các bình luận:

– Đi họp cuộc họp quan trọng, trang nghiêm vậy mà không chuẩn bị. Bê bối, cẩu thả chưa từng thấy.

– Chưa bàn bạc, chưa có dự trù kinh phí, bị khớp mà xuất khẩu được con số như thần(!)

– Thứ trưởng làm gì, chẳng làm gì sao? đi họp nói suông mớ lý thuyết hay sao không biết gì? phải nhờ ông cán bộ vụ đưa giấy lên?

– Khớp… khớp con ngựa ô, ngựa ô ăn khớp. Đưa đại con số khủng để ăn uống đã khớp.

* Hoang ngôn: Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường”.

* Tác giả: Ông Phạm Vũ Luận bộ trưởng bộ GD&ĐT

* Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 30/07/2011

* Tựa đề: “Hàng ngàn điểm 0 là bình thường”

* Trích đoạn nội dung:

“Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng việc có hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua là bình thường.

Việc thay đổi chương trình môn sử cũng mới đang ở giai đoạn phải… bàn. Ông Luận nói: – Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém…”

* Các bình luận:

– Xưa ‘Dân ta phải biết sử ta’, nay học sinh chẳng cần biết sử ta nên hàng ngàn điểm 0 là bình thường.

– Chắc muốn xóa bỏ môn sử nên coi bình thường. Chẳng cần gốc gác dân tộc làm gì. À, mà chắc thay bằng sử Tàu(?!)

– Khẩu hiệu “Thi đua dạy tốt học tốt” giăng đầy, báo cáo thành tích nằm nào cũng xuất sắc, năm sau chất lượng cao hơn năm trước, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức kế hoạch,… song thi thì thí sinh “đẻ” ra hàng ngàn “trứng vịt”, trứng ung thối, ngành giáo dục thật “thơm tho”.

– Sẽ cần bàn bạc, tìm tòi để thay đổi, có thể thay đổi mục tiêu, chương trình, phương pháp dạy và học hoặc thay đổi toàn diện, cải cách, cải cách và cải cách,… Học sinh mãi là con chuộc bạch thí nghiệm, thí điểm. Giáo dục xà quần xà quần…

* Hoang ngôn: “Trước đây giáo viên nói dạy 1 lớp 40 cháu nay chuyển sang dạy 40 cháu trong 1 lớp”

* Tác giả: Ông Phạm Vũ Luận bộ trưởng bộ GD&ĐT

* Nguồn: Báo Người Láo Động Online, ngày 11/06/2014

* Tựa đề: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hứa đổi mới thi tốt nghiệp “đậm đặc” nhưng không “sốc”

* Trích đoạn nội dung:

“… Quá trình dạy và học đã thay đổi, từ chỗ dạy cho số đông sang chú ý đến hình thành phát triển từng cháu. Trước đây giáo viên nói dạy 1 lớp 40 cháu nay chuyển sang dạy 40 cháu trong 1 lớp” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói“.

* Các bình luận:

– Tiếng Việt “cao siêu”, hay ông đang làm phép so sánh “triết học”(?!)

– Mai lại nói 40 cháu trong một lớp được cô giáo dạy, rất khác(!)

* Hoang ngôn: Hiện nay trên thế giới có 2 tỷ người biết tiếng Hán. Do đó, muốn trở thành công dân toàn cầu, học sinh học chữ Hán là cần thiết”.

* Tác giả: TS.Vũ Thu Hương – Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học – Đại học Sư phạm

* Nguồn: Báo Lao Động Online, ngày 21/09/2016

* Tựa đề: Dạy chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: Tiến thoái lưỡng nan

* Trích đoạn nội dung:

“… Ngoài ra, còn có ý kiến của TS.Vũ Thu Hương (Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học – Đại học Sư phạm) cho rằng: “Hiện nay trên thế giới có 2 tỷ người biết tiếng Hán. Do đó, muốn trở thành công dân toàn cầu, học sinh học chữ Hán là cần thiết.” Tôi thấy buồn cười về nhận thức của vị tiến sĩ này, chỉ muốn nhắc lại rằng, trình độ của đội ngũ nghiên cứu còn quá yếu…”

* Các bình luận:

– Để làm… Hán nô chứ toàn cầu cái gì.

– Việt gian mới nói học sinh cần học chữ Hán như vậy.

– Người Trung Quốc còn phải học tiếng Anh để trở thành công dân toàn cầu, người Việt mình lại cần thiết học chữ Hán(?!)

* Hoang ngôn: Nhiều trường hợp mà cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi”.

* Tác giả: Ông Phùng Xuân Nhạ bộ trưởng bộ GD&ĐT

* Nguồn: Báo Pháp Luật TPHCM, ngày 22/01/2017

* Tựa đề: Đã nghe đã thấy: Phát ngôn ấn tượng 2016

* Trích đoạn nội dung:

“… Tôi đã trao đổi với đồng chí chủ tịch và có một công văn với trách nhiệm của Bộ. Tôi cũng đánh giá rất cao khi chủ tịch có công văn yêu cầu thị xã phải báo cáo, yêu cầu giải thích rõ để xử lý. Đây là vụ việc không chỉ ở một trường ở thị xã Hồng Lĩnh, mà trong thực tế cũng có nhiều trường hợp cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi nhưng đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Cho nên đây là một hoạt động rất đáng tiếc...”

* Các bình luận:

– Có khi nào nhà báo nghe lầm không, ông bộ trưởng… “ngọng ngụi đứng làm thơ” mà.

– Vì vui vẻ vơ vào vi vu và vững vàng vơ vét…

* Hoang ngôn: Chưa có nước nào đào tạo tiến sĩ rẻ như Việt Nam”

* Tác giả: Ông Bùi Văn Ga thứ trưởng bộ GD&ĐT

* Nguồn: Báo Pháp Luật TPHCM Online, ngày 22/01/2017

* Tựa đề: Đã nghe đã thấy: Phát ngôn ấn tượng 2016

* Trích đoạn nội dung:

“… Hiện chi phí 15 triệu đồng/năm quá thấp, khó có thể đào tạo nghiên cứu sinh bài bản. Mỗi lần nghiên cứu ra cái mới phải thí nghiệm thực hành, thực tập, buộc phải có đầu tư nhất định. Nếu có ít ngân sách, chúng ta tập trung đầu tư cho ít nghiên cứu sinh hơn, còn hơn đầu tư dàn trải. Mục đích của việc sửa quy chế là nâng cao chất lượng, hạn chế số lượng trong điều kiện nguồn lực đầu tư có giới hạn hiện nay...”

* Các bình luận:

– Việt Nam cái gì lại không nhất.

– Tiến sĩ chạy đầy đường nhưng vô tích sự.

* Hoang ngôn: “Mà chúng ta không giáo dục cho con cháu rưng rưng khi hát Quốc ca thì làm sao đất nước giàu mạnh”.

* Tác giả: Ông Vũ Đức Đam – phó thủ tướng

* Nguồn: VTC News. ngày 01/08/2014

* Tựa đề: PTT Vũ Đức Đam: Không giáo dục con cháu hát Quốc ca sao đất nước giàu mạnh

* Trích đoạn nội dung:

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu chúng ta không giáo dục cho con cháu rưng rưng khi hát Quốc ca thì đất nước không thể giàu mạnh.  Trong hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có nhiều chỉ đạo quan trọng về đổi mới giáo dục…

… “Lạ kỳ cho tới ngày hôm nay vẫn có những trường không tôn trọng việc hát Quốc ca. Đất nước đã hy sinh bao nhiêu người. Cờ đỏ sao vàng, đỏ là màu máu, vàng là màu da. Mà chúng ta không giáo dục cho con cháu rưng rưng khi hát Quốc ca thì làm sao đất nước giàu mạnh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh…”

* Các bình luận:

– Vậy là ông phó thủ tường đã tìm ra nguyên nhân chưa giàu mạnh của nước ta, trước giờ hát quốc ca không tôn trọng, không rưng rưng.

   – Rưng rưng mới giàu mạnh, vậy giáo dục vừa hát vừa khóc òa òa để lên đỉnh thế giới luôn. Đoàn quân Việt Nam… òa òa òa… đi… òa òa òa… chung lòng… hu hu hu…

© Copyright Tiếng Dân và Trình Bút

Bình Luận từ Facebook