Nói láo – Bản chất của sự việc

Thạch Đạt Lang

4-12-2017

Tôi đọc bài, Đôi Lời với họa sĩ Đỗ Duy Ngọc của giáo sư Nguyễn Đình Cống đăng trên báo Tiếng Dân. Xin được đóng góp vài ý kiến.

Chuyện nói láo được Đỗ Duy Ngọc diễn tả tương đối đầy đủ, được giáo sư Nguyễn Đình Cống phân tích thêm đã trở thành vấn nạn dân tộc. Tuy nhiên trong cả hai bài, các tác giả chỉ trình bày thực trạng, hậu quả nhưng chưa nêu ra nguyên nhân.

Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao người Viêt Nam bây giờ lại nói láo tệ hại như vậy? Vấn nạn nói láo bắt nguồn từ đâu và từ bao giờ? Có quá khó khăn để trả lời những câu hỏi này không? Chắc chắn là không?

Người Việt Nam nói láo do một nguyên nhân rất dễ dàng nhận ra, đó là đa số phải nói láo để sinh tồn, nói láo để bảo toàn tính mạng, bởi lời nói thật nhiều khi thiệt hại đến tài sản, nhân mạng hay liên lụy đến thân nhân một cách dễ dàng.

Trong một xã hội mà giá trị đạo đức, sự thành thật, lòng tin đã không còn, nói láo đã trở thành văn hóa, thứ văn hóa đểu cáng được phát triển, giáo dục từ nhỏ, thấm nhuần vào máu qua nhiều thế hệ dẫn đến tệ trạng ngày hôm nay.

Chuyện nói láo trong gia đình, vợ chồng con cái hoặc trong giao tiếp xã hội…, nếu phát sinh tự nhiên do hoàn cảnh, tình thế, chỉ có tác dụng giới hạn, nhất thời, ảnh hưởng, tác hại nếu có cũng trong phạm vi hạn hẹp một vài cá nhân. Tuy nhiên, khi nói láo được đưa vào chương trình giáo dục để dạy dỗ, tuyên truyền, khuyến khích thì việc nói láo đã trở thành văn hóa và là thảm họa xã hội, di truyền qua nhiều thế hệ, di hại cho đất nước không biết đâu mà lường.

Dân tộc nào, bất kể Âu, Á, Phi, da trắng, da đen, da vàng…từ dân thường đến lãnh đạo đất nước, đều có những người nói láo. Nói láo thì có nhiều nguyên nhân, nói láo cho vui, nói láo để tránh né trách nhiệm, để chạy tội, nói láo vì lương tâm không cho phép nói thật (bác sĩ điều trị)… Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào thì nói láo cũng khiến cho người nói mất đi lòng tin tưởng ở người nghe khi bị phát giác.

Dân tộc VN cũng không là một ngoại lệ. Tuy nhiên tật nói láo của người Việt dưới thời CS phát triển thành bệnh dịch vì có môi trường thuận tiện, từ khi ông Hồ Chí Minh du nhập chế độ cộng sản vào VN, được hệ thống hóa thành chương trình giáo dục trong học đường, ngoài xã hội bằng phương tiện truyền thông, báo chí, sinh hoạt đảng, đoàn…

Chuyện tưởng tượng Lê Văn Tám tự tẩm xăng lên người, trở thành cây đuốc sống chạy vào phá nổ kho xăng của Pháp ở Thị Nghè là một trong nhiều thí dụ rõ ràng nhất trong hàng ngàn chuyện nói láo được đưa vào chương trình giáo dục của CSVN. Nhân vật hư cấu của Trần Huy Liệu đã có tên đường, tên một công viên ở thành phố Sài Gòn.

Từ lãnh đạo cao cấp nhất của đảng CS, đảng viên, cán bộ chính quyền đến người dân thường, tất cả đều nói láo một cách hồn nhiên, ngây thơ. Nhiều người nói láo nhưng nhiều khi cứ tưởng rằng mình đang nói thật. Đó mới là điều nguy hiểm, chết người.

Khi lời nói láo bị phát hiện, người có tư cách, nhân phẩm cảm thấy xấu hổ, ê chề, nhục nhã và thường lên tiếng xin lỗi, có hành động sám hối. Với những nhân vật cộng đồng (public figure) khi bị phát giác nói láo, thường bị báo chí, truyền thông lên án, chỉ trích, nhất là các chính trị gia nằm trong nội các chính phủ, lãnh đạo đất nước. Nhiều trường hợp dẫn đến việc phải từ chức, bị phạt vạ, tù tội…

Khác với các nước Âu-Mỹ, lãnh đạo chế độ CSVN khi bị phát hiện nói láo thường tìm cách chối bỏ, diễn giải khác đi, hay phủ nhận những gì mình đã phát ngôn, đổ lỗi cho thuộc cấp, thậm chí ngoan cố hơn, cho rằng người dân dốt, hiểu sai lời phát ngôn của mình. Những lãnh đạo này, nếu thuộc vây cánh, phe phái đang cầm quyền thì sẽ chẳng có hậu quả gì xảy ra cho đương sự, đôi khi còn được thăng chức, thuyên chuyển đến một chức vụ cao hơn, quan trọng hơn.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống kêu gọi mọi người tìm biện pháp để ngăn chận, chữa trị bệnh nói láo của dân tộc. Tôi tin rằng giáo sư Cống thừa biết nguyên nhân cũng như đánh giá đúng mức hậu quả nghiêm trọng của bệnh nói láo,  phương pháp chữa tri, nhưng vì lý do nào đó mà chưa viết ra. Vì thế, mạn phép giáo sư Nguyễn Đình Cống, xin được nói thay, nếu có điều gì sai, xin giáo sư vui lòng thứ lỗi.

Chẳng có biện pháp nào ngoài biện pháp phải thay đổi tận gốc rễ nền tảng giáo dục tuyên truyền, nhồi sọ hiện tại bằng một nền giáo dục nhân bản, hướng thiện, cùng một sự thay đổi thể chế chính trị với tam quyền phân lập và tự do báo chí.

Khi thực hiện được những điều vừa kể, căn bệnh nói láo của dân tộc sẽ bị chận đứng, những kẻ nói láo trong xã hội, trong trường học, trong công sở, chính quyền, những kẻ lãnh đạo đất nước… sẽ bị vạch mặt, chỉ tên, lên án, kết tội, trừng phạt bằng những biện pháp hành chánh, cách chức, phạt vạ hay tống giam…

Ngoài ra không còn cách nào khác.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây