Tác giả: Cary Huang
Dịch giả: Trúc Lam
18-11-2017
Có một điều khôi hài trong quan hệ Việt – Trung, đó là Trump chen vào giữa “môi với răng”
Có vài điều buồn cười trong chính trị quốc tế hơn, khi một cựu thù lại đề nghị hòa giải các tranh chấp giữa hai đồng minh cũ. Nhưng nó đã xảy ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với người đồng nhiệm Trần Đại Quang rằng, ông có thể giúp giải quyết những tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông. Hơn 40 năm trước, hai nước cộng sản này đã từng là đồng chí chống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Lời đề nghị của Trump ở Hà Nội vào Chủ Nhật tuần trước chỉ diễn ra vài giờ trước khi người đồng nhiệm Trung Quốc, Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai, chỉ trong vòng ba năm, tới nước đồng minh cộng sản. Nó cũng xuất hiện ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh nhấn mạnh “tình anh em” giữa Trump với Tập. Các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đã đến thăm Hà Nội sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại thành phố cảng Đà Nẵng vào ngày 10 tháng 11. Khúc mở màn của Trump đối với Hà Nội – có khả năng đụng phải sự phản kháng của Bắc Kinh – ngược lại mối quan hệ hiện nay giữa Washington và Hà Nội, cả quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh cũng mạnh hơn mối quan hệ giữa hai cựu đồng minh cộng sản.
Trung Quốc và Việt Nam thường được mô tả là “gần gũi như môi với răng” trong suốt thời kỳ của các nhà sáng lập cộng sản Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh. Trung Quốc cung cấp sự ủng hộ thiết thực cho Cộng sản Việt Nam, gồm cả quân đội trong cuộc chiến giành độc lập kéo dài hàng thập kỷ. Cho đến năm 1979 khi mối quan hệ bị đổ vỡ sau bùng phát cuộc chiến tranh biên giới. Quan hệ sau đó được bình thường hóa vào năm 1991 khi cả hai quốc gia tìm cách tập trung vào phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, những năm gần đây, chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc giữa các tranh chấp lãnh thổ leo thang ở Biển Đông đã kéo Hoa Kỳ và Việt Nam xích lại gần nhau hơn, khi Hà Nội chuyển hướng đa dạng hóa các cam kết chiến lược và kinh tế.
Việt Nam cũng từng bước cải thiện mối quan hệ với các đối thủ khác của Trung Quốc – Nhật Bản và Ấn Độ – củng cố các cam kết song phương trong khu vực và thông qua Hiệp hội các nước Đông Nam Á.
Nhiều người ngạc nhiên khi thấy rằng: người Việt Nam tha thứ cho người Mỹ dễ hơn là tha thứ cho người Trung Quốc, mặc dù hàng triệu người Việt chết vì chiến tranh Việt Nam – đôi khi được coi là Chiến tranh Đông Dương thứ hai – giai đoạn giữa năm 1955 và 1975. Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy, rằng Hoa Kỳ là nước được ưa thích nhất của người Việt Nam và Trung Quốc là nước có số người Việt Nam thích ít nhất. Năm ngoái, một nghiên cứu của Pew cho thấy, 84% người Việt xem Mỹ là tốt đẹp, tăng hơn so với năm 2014 chỉ 76%; trong khi chỉ có 10% người Việt thích Trung Quốc, so với trước đây là 16%. Trong một cuộc khảo sát năm 2014, có 77% người Việt Nam xem Nhật Bản tích cực và 67% người Việt thích Ấn Độ. Các cuộc thăm dò của Pew cũng cho thấy, hầu hết người dân Việt Nam – 95% – ủng hộ chủ nghĩa tư bản. Chưa có nước nào được hỏi ý kiến, mà họ trả lời có con số vượt quá 90%, kể cả Mỹ. Một số người Việt Nam thậm chí còn cho rằng, nếu Mỹ và miền Nam thắng, thì Việt Nam bây giờ sẽ tốt hơn vì nó sẽ phù hợp với các xã hội tư bản giống như Singapore, Nam Hàn hay Đài Loan.
Rõ ràng là nhiều người Việt xem mối đe dọa của Mỹ chỉ là quá khứ, và họ sẵn sàng từ bỏ quá khứ. Nhưng họ nhận thấy Trung Quốc là mối đe dọa ở đây và ngay bây giờ. Ký ức về cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu năm 1979 vẫn còn đọng lại – cũng như những ký ức về việc Trung Quốc cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Nhiều người Việt Nam chỉ ra cuộc xâm lược của Hoa Kỳ kéo dài chỉ có hai thập kỷ, trong khi những căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc thì dai dẳng hàng ngàn năm, từ một ngàn năm cai trị của Trung Quốc đến những cuộc đối đầu trong thế kỷ qua. Mục đích của Hà Nội có thể là để tận dụng lực của đòn bẩy giữ hai cường quốc để duy trì tình trạng ngoại giao không liên kết, nhưng cán cân cho thấy nó nghiêng về mối quan hệ với Washington hơn là với Bắc Kinh.
Cary Huang, cây bút lâu năm của báo South China Morning Post, từng là một nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc từ thập niên 1990.
© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt