Ai mới là những người kiến tạo?

FB Luân Lê

9-11-2017

Một dân tộc với tâm thức nô lệ, an phận thủ thường và chỉ cần cái ăn, cái mặc là đủ chứ không cần gầy dựng nước mạnh hay xây nên hệ giá trị cho quốc gia. Họ sống tầm gửi như những sinh vật, kiếm mồi, đẻ con, rồi qua đời mà không để lại di sản gì cho con cháu. Tư tưởng đa phần thì hời hợt, nhợt nhạt, khí chất thì yếu hèn, tâm tính thì nhỏ nhen, né tránh đủ thứ trong xã hội như thế thì làm sao có động lực và tư duy mà sản sinh ra những nhà tư tưởng và những hiền tài được đây?

Những nhà tư tưởng, triết học, kinh tế học, chính trị gia, xã hội học, nhà luật học hay kể cả các nhà khoa học là những người luôn có lòng quả cảm, luôn nghĩ về những mối lo trước người khác, không sợ cường quyền hay thách thức, hiểm nguy, sẵn sàng đấu tranh với những cái xấu, bất công, mâu thuẫn xung đột, họ luôn tự tư duy và đi ngược mưu cầu của đám đông trầm lặng và nhỏ mọn. Chỉ có những người như thế mới đủ trí tuệ và năng lực để kiến tạo ra một chủ thuyết, thành tựu hay sản phẩm cho xã hội thụ hưởng. Chứ dựa gì vào những người sống an nhàn chỉ muốn qua ngày đoạn tháng mà chấp nhận mọi điều kiện sống dù có bị áp đặt hay tước bỏ?

Những bước tiến dài trong lịch sử được diễn ra là dựa vào những con người đã dám đương đầu với những vấn đề của cuộc sống đặt ra ngay tại lúc đó, vì họ mưu cầu những giá trị cao hơn, xa hơn, tốt đẹp hơn cho viễn cảnh trong tương lai, nên những người đó – với trí tuệ và khí chất của mình – mới có đủ năng lực để đấu tranh và kiến tạo nên thành quả cho xã hội và tạo ra giá trị cho không chỉ quốc gia họ mà còn cho cả nhân loại thừa hưởng. Đếm làm sao hết được những nhà tư tưởng hay những người làm thay đổi thế giới như thế.

Thử hỏi xem những kẻ hèn nhát, né tránh mọi sự trong thiên hạ, chỉ cốt tìm cái ăn cái mặc và sớm hài lòng với cuộc sống như thế, không có tư duy mày mò và khám phá, không dám đương đầu với những khó khăn, áp bức – thì có tìm được lấy một ai là người tạo ra thứ gì đó giá trị cho con người, xã hội và quốc gia, thậm chí cho nhân loại hay không?

Tôi vẫn thầm tự hỏi rằng, với đa phần người dân bằng một tâm thức và mưu cầu nhỏ mọn, chỉ muốn hơn thua nhau ở xó nhà nhưng lại sợ hãi nước ngoài, không muốn liên kết nhau lại hay muốn thiết tạo nên những điều lớn lao cho đất nước, ru ngủ nhau rằng cuộc sống thế là tốt đẹp lắm rồi để tự làm mình hài lòng trong sự lạc lõng và thụt lùi so với thế giới, không có trách nhiệm với tổ quốc, với đồng bào – vậy thì đất nước ấy sẽ làm nên trò trống gì và với những con người thiếu khí chất như vậy thì làm sao mà có thể kiến tạo được hệ tư tưởng hay giá trị nào làm nền tảng cho quốc gia?

Đất nước ta nghèo nàn quá. Có ít tài nguyên trời ban cho, nhưng vì nghèo nàn về trí tuệ, nhu nhược về khí chất, nhỏ mọn về mưu cầu, hạn hẹp về tầm nhìn, nên tài nguyên rồi cũng ngày càng cạn kiệt.

Đất nước sẽ ra sao và có thể phát triển được không với một đám người an phận thủ thường và đầy nỗi sợ hãi bao trùm như thế?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây