Thưa bà Chủ tịch Quốc hội

FB Mai Quốc Ấn

9-11-2017

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Nguồn: internet

Thưa bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tôi vẫn luôn dõi theo bà từ khi bà trở thành nữ chính khách đầu tiên của Việt Nam bước vào “tứ trụ”. Nó thể hiện 2 điều: 1-Tăng tính bình đẳng giới. 2- Thúc đẩy dân chủ. Và phải viết những dòng này cho bà vì một phát ngôn vô cùng chuẩn xác vào phiên họp Quốc hội sáng ngày 8/11/2017. Bà nói: Chủ tịch “Đừng nghĩ về hưu xong là thôi.” Đây là ý kiến của bà trong phần cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Với vai trò cử tri khi tham gia hoạt động chính trị, tôi xin gửi đến bà một ví dụ gần đây: Qua kiểm tra, vi phạm của ông Phạm Thế Dũng – nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – được Ủy ban Kiểm tra trung ương đánh giá là “nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật”. Và ông Dũng nói rằng: “Tôi nghỉ hưu hai năm rồi, giờ họ muốn xử sao thì xử.”

Thưa bà Nguyễn Thị Kim Ngân, với phát ngôn trên thì bà nghĩ sao về những cán bộ về hưu đã rời Việt Nam với một quốc tịch khác? Và muốn những cán bộ làm bậy không “về hưu là xong” hay nhiều vấn đề khác thì có lẽ cần thực hiện vài việc cơ bản trước tiên ngay tại Quốc hội:

1- Bỏ ngay “chế độ” đại biểu kiêm nhiệm. Cụ thể, các cán bộ Nhà nước kiêm luôn Đại biểu Quốc hội cần được bãi bỏ hay chí ít có lộ trình giảm thiểu. Thật khó cho một quan chức địa phương hoặc cán bộ ngành dọc dám nói vấn đề nơi mình công tác là Đại biểu Quốc hội. Cái vòng kim cô mang tên quyền lợi chung của tổ chức sẽ khiến họ khó nói hơn rất nhiều. Đấy là còn chưa kể các yếu tố khác như bị cô lập, trù dập chẳng hạn.

2- Tăng tính trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Họ (đại biểu chuyên trách) ở địa phương nắm ý kiến cử tri rồi ra Ba Đình dự họp thì lương thưởng hay chi phí đi lại cũng từ thuế của dân. Những đại biểu trước nay chỉ biết im lặng hay tệ hơn là ngủ gật thì xin mời ra khỏi bộ máy. Muốn như vậy, xin đề nghị Quốc hội tiến hành lấy ý kiến cử tri qua website chính thức của Quốc hội (điều mà Chính phủ đã làm với doanh nghiệp).

3- Tiến hành ngay hoạt động khám sức khỏe, nhất là sức khỏe tâm thần, đối với toàn thể Quốc hội. Thường xuyên tiến hành khám sức khỏe, nhất là sức khỏe tâm thần, đối với các ứng viên Đại biểu Quốc hội bị cử tri phản ánh. Điều này được ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM nhắc đến vào 2016 và Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề xuất năm 2014.

Thưa bà, đây là 3 đề xuất nghiêm túc và chân thành mà cử tri nhiều năm qua đã lên tiếng, báo chí nhiều lần phản ánh. Mong thông tin này đến được với bà và Quốc hội để có những thay đổi tích cực hơn nữa.

Chúc bà giàu sức khỏe để phụng sự Tổ quốc và Nhân dân như lời tuyên thệ trong ngày nhậm chức.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây