Hãy coi chừng hoàng đế mới của Trung Quốc

Wall Street Journal

Tác giả: Graham Allison

Dịch giả: Song Phan

16-10-2017

Tập Cận Bình. Nguồn: The Economist

Tập Cận Bình là người lãnh đạo mạnh mẽ nhất kể từ Mao, và có vẻ như ông ta sẽ nắm giữ quyền lực cho tới khi nào ông ta còn muốn.

Đại hội Đảng lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức ngày thứ Tư, để chọn ra các nhà lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp.

Có vài sự kiện sẽ có tác động lớn hơn đến hình dạng chính trị thế giới. Kịch bản cho Đại hội Đảng chưa được tiết lộ, nhưng tôi dám cược rằng, Tập Cận Bình (TCB) không những sẽ “tái đắc cử” cho nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai, làm Tổng Bí thư đảng và làm Chủ tịch của Trung Quốc, mà trên thực tế ông ta sẽ còn được tôn thành hoàng đế thế kỷ 21 của Trung Quốc.

Mỗi ủy viên ban thường vụ Bộ Chính trị bảy người sẽ là một người trung thành đáng tin cậy của TCB. Trong số họ sẽ là đồng sự thân cận nhất của TCB là Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), là người đang là mũi nhọn thanh tra chống tham nhũng của TCB. Chiến dịch đó đã viết lại các quy tắc làm việc ở Trung Quốc và tái lập lại cảm giác lo sợ (bị tù) của các đảng viên và tầng lớp giàu có.

Theo thông lệ các lãnh đạo Trung Quốc phải nghỉ hưu vào tuổi 68, do đó, việc Vương Kỳ Sơn 69 tuổi vẫn tiếp tục nằm trong ban thường vụ—cùng với không thấy người kế nhiệm TCB xuất hiện—sẽ chuẩn bị điều kiện cho TCB vẫn tiếp tục là lãnh đạo của Trung Quốc cho đến khi nào ông muốn. Khi cảm nhận được thực tế mới này, người Mỹ sẽ hỏi: Tập Cận Bình là ai? Để bắt đầu, tôi xin đưa ra 5 điểm có độ dài một tweet.

Thứ nhất, ông ta sẽ ngày càng được xem như là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ Mao Trạch Đông. TCB đang làm lu mờ ngay cả Đặng Tiểu Bình, là người đã chôn nền kinh tế kiểu Liên Xô và thay nó bằng chủ nghĩa tư bản thị trường do đảng lãnh đạo, từng tạo ra ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế với hai chữ số.

Thứ hai, TCB là nhà lãnh đạo tham vọng nhất trên sàn diễn quốc tế hiện nay. Rất lâu trước khi Donald Trump cam đoan “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, TCB cũng đã tuyên bố ý định làm y như thế cho Trung Quốc. Khẩu hiệu của ông ta năm 2012 nêu ra tầm nhìn của ông ta về “Giấc mộng Trung Hoa”, “việc tươi trẻ hóa đất nước Trung Hoa”. Cho mục tiêu đó, ông ta đã thực hiện bốn cuộc cách mạng: chuyển nền kinh tế nặng về xuất khẩu của Trung Quốc trở thành nền kinh tế sản xuất giá trị cao và sáng tạo, được thúc đẩy bằng tầng lớp trung lưu tiêu thụ lớn nhất thế giới, trong khi duy trì tăng trưởng kinh tế trên 6,5%; tổ chức và xây dựng lại quân đội Trung Quốc để Trung Quốc có thể, như TCB nói, “đánh và thắng” một kẻ thù hiện đại (như Mỹ); làm sống lại chủ nghĩa dân tộc và lòng tự hào trong việc khôi phục một nước Trung Hoa vĩ đại; và, quan trọng nhất là làm cho đảng có sức sống trở lại và tái lập quyền lực của nó. Mỗi sáng kiến này sẽ làm hầu hết các nguyên thủ quốc gia lo lắng. TCB đang nắm giữ cả bốn việc này cùng một lúc.

Thứ ba, ông ta là nhà lãnh đạo đáng ngạc nhiên nhất trên sân khấu quốc tế hiện nay. Trong một sân chơi gồm Vladimir Putin, Kim Jong Un và Donald Trump, điều khẳng định này có vẻ cường điệu. Nhưng nhớ lại những điều kiện vào năm 2012, khi TCB được cử làm người kế vị Hồ Cẩm Đào. Giống như ông Hồ Cẩm Đào, TCB được dự đoán sẽ là một bù nhìn nhạt nhẽo và là người phát ngôn kỹ trị của một ban lãnh đạo tập thể 9 người. Với sự khôn khéo, tốc độ và quyết tâm, ông ta đã thực hiện chuyển đổi chế độ thành sự cai trị của một người khá thuyết phục là đáng kinh ngạc. Cho đến nay chưa hề có một quốc gia trỗi dậy  quá nhanh, trên rất nhiều góc độ như Trung Quốc trong thế hệ qua. Cũng có thể nói như vậy về TCB, là người đã đi từ một nông dân bị đày ải về chính trị, sống trong một cái hang, thành “Chủ tịch của mọi thứ”.

Hơn nữa, việc ông ta chọn đảo lộn chính sách “ẩn mình chờ thời” của Đặng [Tiểu Bình] đã làm cộng đồng quốc tế choáng váng. Từ Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á mới của Trung Quốc đang làm lu mờ Ngân hàng Thế giới, đến kế hoạch địa kinh tế khổng lồ then chốt của ông ta được gọi là “Một vành đai, một con đường”, cấp vốn cho 900 dự án cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp với chi phí vượt quá $1400 tỉ (tương đương với 12 Kế hoạch Marshall), ông ta còn hơn cả táo bạo. Khi Mỹ rút lui khỏi vai trò truyền thống của mình trên sân khấu thế giới, TCB đã nhanh chóng chuyển vào lấp chỗ trống, gây sốc giới ưu tú Davos vào năm 2017 khi chính ông ta tuyên bố―trước ít ỏi người bất đồng―bênh vực cho trật tự kinh tế tự do toàn cầu mới .

Thứ tư, TCB là nhà lãnh đạo toàn cầu có hiệu quả nhất hiện nay. Đánh giá kết quả hoạt động của Trung Quốc trong 5 năm đầu tiên: lấy lại sức sống cho một đảng mà nhiều nhà phân tích phương Tây tin rằng sẽ sớm rơi vào bước tiến dân chủ “chắc chắn”, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ khi dự kiến có nhiểu khủng hoảng và sụp đổ, và khẳng định quyền lực của Trung Quốc ở nước ngoài chống lại tất cả các đối thủ, có được điều ông muốn từ biển Đông cho đến dãy Himalaya.

Cuối cùng, trong tất cả các nhà lãnh đạo trên trường quốc tế, TCB sẽ là tự phụ nhất. Điều này không chỉ đơn giản bởi vì ông ta cai quản một quốc gia với 1,4 tỉ người và nền kinh tế đã vượt qua Hoa Kỳ năm 2014 trở thành nền kinh tế lớn nhất trên thế giới (được đo bằng sức mua tương đương mà cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế lẫn CIA coi đó là thước đo tốt nhất). Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà lớn hơn Mỹ 40%.

Vào thời điểm đó, ông ta hẳn đã xác lập vững chắc Bắc Kinh là thủ đô―và Tập Cận Bình là nhân vật―mà thế giới tìm kiếm tăng trưởng và ổn định sẽ hướng về đó trước tiên. Trung Quốc sẽ khôi phục lại vị trí của nó như là “mặt trời” mà các nước châu Á chạy vòng quanh―như đã làm trong những thiên niên kỷ trước đó. Và ông TCB sẽ trở thành hoàng đế hiện đại của Trung Quốc.

Tác giả: Ông Allison là giáo sư về chính quyền tại Đại học Harvard. Ông là tác giả của “Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap?” (Buộc phải đánh nhau: Mỹ và Trung Quốc có thể thoát bẫy Thucydides không?) (Houghton Mifflin Harcourt, 2017).

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook