Trao đổi với Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập đô thị đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam

Hương Nguyễn

13-9-2017

Thưa Thủ tướng,

Tôi vừa đọc được tin về việc Thủ tướng Chính phủ quyết định sẽ thành lập đô thị đại học đẳng cấp quốc tế ở Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

RFA đưa tin: “Chủ trương hình thành những đại học có tầm cỡ quốc tế chính là mong muốn của các thế hệ lãnh đạo Chính phủ trước đây. Do đó, ông nhấn mạnh đây là lúc quyết định bắt tay vào thực hiện và không thảo luận thêm nữa”.

Với hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục và đầu tư nước ngoài, cá nhân tôi tin là làm cho các Đại học Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn, và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ở VN và khu vực là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay, chứ không hẳn là đô thị đại học đẳng cấp.

Lý do là:

1. Đại học đẳng cấp ở VN hiện chưa chứng minh được tính hiệu quả. Một nghiên cứu phân tích cụ thể ở đây ạ:

2. Theo GS Phillip Altbach – một giáo sư hàng đầu về quốc tế hóa giáo dục đại học, việc theo đuổi đẳng cấp ở những nước trung bình nghèo như Việt nam là một cuộc chơi không có đích đến, vì nó vượt quá tầm, cả về tài chính, nguồn lực và thực trạng phân chia thứ hạng đã được định vị dựa trên yếu tố địa chính trị rồi.  Bài viết của GS Phillip ở đây ạ:

ĐH xuất sắc Việt Nam đang ở đâu? – Mục tiêu quá cao so với thực tiễn (TN). – Global Rankings and the Geopolitics of Higher Education (Routledge).

Về vấn đề này, cá nhân tôi cũng có bài viết về việc khi nói đến quốc tế hóa giáo dục, hãy nhìn kỹ lại yếu tố kinh tế – chính trị trước hết: Tại sao cần biết thông tin kinh tế quốc tế khi làm chính sách về giáo dục và hội nhập? 

3. Từ thực tế 8 năm của 2 trường Việt – Pháp, Việt – Đức, 200 triệu đô để đầu tư ban đầu cho giải phóng mặt bằng khu Đại học ở Hòa Lạc thì cũng không hữu ích gì nhiều cho mô hình “đô thị đại học”, vì theo nghiên cứu, để làm một đại học đẳng cấp (chưa nói đến đô thị) thì đâu đó gấp (ít nhất) 10 lần, và cơ bản nhất, là phụ thuộc vào dàn giáo sư nghiên cứu đẳng cấp mà Việt nam hiện rất rất thiếu.

Bài viết trên báo Tuổi Trẻ: Hơn 3.000 tỉ đồng xây dựng ĐH Việt Đức. Sau 8 năm, Đại học Việt – Đức mới bắt đầu xây trường, chưa hề nói đến những việc khác, ví dụ như các nghiên cứu trọng điểm KH như dự kiến lúc thành lập.

Nhìn lại cách làm rất thực dụng của BUV, RMIT ở Việt nam, và ở các nước khác như NUS-Yale… trường đẳng cấp hay đô thị cần có những bước đi kéo dài 20-30 năm, trong đó, xây dựng năng lực dạy và nghiên cứu song song với các giáo sư đẳng cấp là ưu tiên số 1, trước khi đổ tiền vào xây dựng cơ sở hạ tầng.

Hay như Fulbright University of VN, sau hơn 20 năm dạy có mấy khóa học cơ bản, Quốc hội Mỹ mới cấp tiền mở trường FUV, và cũng rất cẩn trọng trong đầu tư và xây dựng, mặc dù đã được ưu đãi cấp đất miễn phí.

Tôi không rõ, liệu chúng ta đang dựa vào tư vấn, đánh giá khoa học, đánh giá nguồn tài chính ở đâu để tuyên bố những việc lớn, về khoản vay 200 triệu (là lớn so với ngân sách nhà nước hiện nay, nhưng quá nhỏ so với làm một dự án đô thị đại học)?

Liệu đây có phải là động thái “đầu tư mồi” (như thường được tuyên bố gần đây trên báo chí), và sau khi giải phóng mặt bằng, chúng ta “hy vọng” sẽ có các nhà đầu tư thứ cấp hoặc đại học nước ngoài vào đầu tư cùng chăng?

Tôi không rõ chúng ta liệu đã có những đánh giá tổng quan về những đô thị và đại học cạnh tranh ngay bên các nước khu vực hay chưa (vì thực trạng hiện nay, Malaysia đang bỏ trống ít nhất 2 khu đô thị đại học, sau khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, Hàn quốc đang có 4 campus liên kết với Mỹ hoạt động yếu vì không tuyển sinh như dự kiến, TQ đang mở ra hàng loạt các liên kết với các nước, trong khi một loạt liên kết campus ở TQ và Singapore hiện đang phải đóng cửa sau một thời gian hoạt động…)

Chúng ta cần có dữ liệu thị trường đào tạo toàn cầu và khu vực chi tiết, để đưa ra những quyết định mà bắt buộc phải tính toán rất kỹ, nhằm tránh tiêu hoang phí nguồn lực của đất nước và đồng thời không hề có hiệu quả nâng cao năng lực dạy và nghiên cứu, hay nâng cao kỹ năng lao động được ưu tiên ở VN và khu vực.

Để thực hiện chủ trương quốc tế hóa đại học, hay thâm chí đô thị đại học, có nhiều cách làm mà rất cần tầm nhìn, đánh giá và làm dự án tài chính (financial projection) trong 20-30 năm tầm nhìn. Việc nóng vội mà làm như Việt – Đức, Việt – Pháp, thì có lẽ sau 10-15 năm cũng chỉ là xây dựng cơ sở vật chất, trong khi lõi của đại học đẳng cấp lại ở dạy và làm nghiên cứu, thương mại hóa được nghiên cứu … Những điều này, tôi hy vọng Thủ tướng nắm bắt tốt hơn nhiều, với những báo cáo trực tiếp từ Bộ GD-DT.

Rất hy vọng Thủ tướng sẽ xem xét những nội dung trên, và nếu có thể, đề nghị Thủ tướng và Chính phủ yêu cầu Bộ GD-DT báo cáo tổng kết lại tất cả các khoản ODA và đầu tư dành cho giáo dục và hiệu quả của nó trong 15 năm qua, đặc biệt cho 2 trường Việt – Đức, Việt – Pháp, trước khi lại đi vay tiếp, chỉ để nhằm giải phóng mặt bằng cho một địa điểm đã bị “quên”, mà việc giải phóng mặt bằng của nó, có lẽ có lợi ích cho những đối tượng khác, chứ không phải là đại học đẳng cấp quốc tế.

Hơn thế nữa, việc phân tầng đại học, phân nhóm đại học, định hướng chiến lược đại học sẽ như thế nào trong kế hoạch Việt nam 2035, đều phải tính một cách rất toàn diện.

Tôi xin lỗi nếu những chia xẻ trên có phần lo lắng quá cho những dự án đại học ở VN. Nếu có gì chưa đúng, mong Thủ tướng bỏ qua, nhưng thực lòng, tôi nghĩ có vẻ chúng ta đang “khó”  trong tư duy chiến lược và chỉ tính đến những gì là “hình thức”, chứ chưa chạm được đến “nội dung” của vấn đề đại học đẳng cấp ở VN.

Trân trọng,

Huong Nguyen, LL.M

EdD’ 18

NEWASIA Global Learning

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Vì ông Fuc không có đi học, hay là học rất ít, nên ông ta không hiểu là trường lớn thì không thể tạo ra học trò giỏi, chỉ có danh sư mới xuất cao đồ. Đứng đầu chánh phủ mà sự hiểu biết nông cạn quá, ông Fuc cũng như những lãnh đạo khác của ĐCSVN đã và đang đất nước đén chổ diệt vong.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây