Nỗi cay đắng của giáo viên hợp đồng, vì đâu?

Đặng Phước

26-8-2017

Ảnh minh họa: Giáo viên phái chấp nhận đánh đổi nhiều thứ để…vào biên chế.

Nhân vụ việc một nữ giáo viên hợp đồng ở huyện Buôn Đôn Đăk Lăk cay đắng chấp nhận đánh đổi tình dục cho hiệu phó nhà trường để được vào “biên chế“. Sau nhiều lần quan hệ, tay hiệu phó này quay clip tung lên mạng buộc lòng nữ giáo viên hợp đồng phải làm đơn tố cáo. Rõ là đạo đức nghề dạy học đang bị băng hoại! Mặc dù ê chề cay đắng nhưng cô vẫn mong được vào biên chế để công tác lâu dài, vấn đề này được kiến giải như thế nào?

Có thể nói chưa bao giờ nghề dạy học bị rẻ rúng như thời nay! Giáo viên đứng trên bục giảng phải chịu bao nhiêu áp lực từ trên đè xuống đến nghẹt thở!

Bộ Giáo dục thì nay đưa ra chuẩn đánh giá này, mai lại chuẩn đánh giá khác cả về các loại bằng cấp, chứng chỉ buộc giáo viên phải đối phó để khỏi bị loại ra khỏi ngành.

Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục hàng năm phát động các phong trào thi đua (dạy học, giáo án điện tử, thể thao, văn nghệ…) mà có khi các vị giám khảo cầm cân nảy mực không đủ trình độ đánh giá thành thử ai muốn đạt (để đủ đk đạt các danh hiệu thi đua, vào biên chế hoặc lên chức) phải đi cửa sau. Những hoạt động này vắt kiệt sức của giáo viên còn đâu thời gian nghiên cứu bài giảng?

Ban Giám hiệu trường coi giáo viên như là con ở, đứa nào thân tín, ngoan ngoãn thì cho làm việc nhẹ, được nâng đỡ; đứa nào cứng đầu thì bị đì ngóc đầu không nổi.

Đội ngũ giáo viên thấp cổ bé họng nhất là giáo viên hợp đồng, bị chèn ép đủ điều! Nay bị giáo viên lâu năm bắt nạt, mai bị hiệu phó chuyên môn hạch xách, mốt bị hiệu trưởng dọa cắt hợp đồng ….

Tâm sự của cô giáo hợp đồng thật đáng thương, nguyên nhân nào?

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do thể chế chính trị tạo ra cơ chế với những chính sách thiếu hợp lý với hệ thống các văn bản quản lý xã hội chồng chéo vì thế các quan chức dễ dàng tác động, khuynh loát lẫn nhau, giải quyết công việc theo cảm tính tùy vào các mối quan hệ từ đó nảy sinh tham nhũng.

Nguyên nhân thứ hai đó là việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên hiện rất bất cập: Các cơ sở đào tạo sư phạm dùng mọi biện pháp để thu hút sinh viên vào học chủ yếu là làm dịch vụ để thu tiền, còn đầu ra thế nào không cần biết! Điều tất nhiên cái gì thừa cũng rẻ, nghề sư phạm cũng không ngoại lệ!

Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tháng 1/2017, cả nước hiện thừa 26.700 giáo viên, năm 2017 các trường đào tạo giáo viên bao gồm cả trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp vẫn tuyển mới hơn 55.600 chỉ tiêu, sau này ra trường đi đâu, làm gì liệu các trường đào tạo sư phạm biết chăng? Trong khi đó nhà nước áp dụng chính sách nâng tuổi nghỉ hưu thì lấy đâu cơ hội cho tuổi trẻ cống hiến? Hiện nay, sinh viên ra trường có được suất biên chế giáo viên ở vùng sâu, vùng xa đã là may mắn, vì thế, nếu có con tốt nghiệp SP, cha mẹ nào cũng cố gắng bán của cải, đất đai để lo cho con, tùy chỗ giá mỗi suất từ 120 triệu đến 200 triệu mà báo chí chính thống đã đề cập trong mấy năm qua. Thậm chí gần đây, huyện Krong Pac Daklak còn tuyển dụng thừa 500 giáo viên diện hợp đồng đang có nguy cơ mất việc! “Tiền mất tật mang”.

Những giáo viên mới ra trường có tâm lý rất cần một chỗ dạy để khỏi bị xã hội coi thường nhưng với thân phận hợp đồng ngắn hạn (từng năm) muốn sang năm được hợp đồng lại phải chiều chuộng từ hiệu trưởng trở xuống nhân viên hành chính trường. Họ bị bóc lột thậm tệ: khi này Hiệu trưởng, Hiệu phó nhờ giúp việc (đáng lẽ họ phải làm) lúc khác giáo viên cùng tổ chuyên môn nhờ dạy thay, quản lớp chủ nhiệm, làm sổ sách … Việc thì làm nhiều, lương thì còm cỏi (khoảng 3tr/ tháng) vậy mà hễ sổng ra là có giáo viên khác thế chân! Vì thế, nếu các ông Trưởng phòng, Hiệu trưởng, Hiệu phó biến thái, dâm dục “chẳng qua vui vẻ tí thôi mà” thì các cô giáo chạy đâu cho thoát? Tình cảnh của cô giáo ở Chu Knia Buôn Đôn, Đaklak là trường hợp quá đáng bị tố cáo, còn biết bao thân phận chua xót tương tự khác có trời mới biết được!

Cho nên, khi con người muốn đạt mục đích, bất chấp tất cả thì có điều gì mà người ta không dám làm? Cô T. ngậm ngùi: “Biên chế với giáo viên là một điều gì đó xa vời lắm. Để được vào biên chế, bản thân tôi đã chịu sự uy hiếp từ phía thầy hiệu phó nhà trường và cuối cùng là câu chuyện đau đớn như hôm nay. Tôi biết, ngoài tôi ra, nhiều giáo viên khác cũng phải đánh đổi không chỉ tiền và cả những thứ khác nhau chỉ để được ‘vào biên chế’.”- Thật chua xót, ê chề!

Có một điều lạ mà nông dân tui không thể giải thích được đó là tại sao thân phận của những người đứng trên bục giảng thời nay như thế nhưng cứ đến ngày 20/11 người ta vẫn tổ chức kỷ niệm rầm rộ, đầy cờ, hoa và cả những lời có cánh?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây